Đón Xuân, ăn Tết, giữ Chay
Vui cùng nhân thế, khóc loài phàm nhân
Trăm năm chồng chất lỗi lầm
Vui Xuân mà vẫn khóc thầm ăn năn
Không ai thấy Xuân sao lại đón? Chẳng ai thấy Tết sao lại ăn? Phải chăng Xuân ẩn hiện trong hoa Mai, hoa Đào,… được người ta “rước” vào nhà nên gọi là đón Xuân về? Những người ở xa trông mong ngày về quê đoàn tụ và luôn được người thân chờ đón về quây quần trong ngày Tết nên người ta gọi là đón Xuân. Có thể như vậy đúng hơn chăng?
Có phải Tết là bánh, mứt, kẹo, dưa hấu,… nên người ta mới có thể ăn Tết? Cũng có thể lắm! Quả thật, khi Tết đến Xuân về, ngày xưa người Việt thường có truyền thống dùng câu đối:Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Trong 6 món đó có 3 thứ ăn được: Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Tết là thế nên người ta mới có thể ăn được chứ! Có 3 thứ không ăn được: Câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo. Ngày nay, 3 thứ không ăn được đã trở nên xa lạ, thậm chí giới trẻ có thể không biết rõ thế nào là câu đối đỏ, cây nêu, và tràng pháo.
Có nhiều thứ “sống” cùng ngày Tết cổ truyền và luôn hiện hữu trong những ngày tết, câu đối (vừa nêu trên) là một nét văn hóa khó phai mờ, vẫn có thể in đậm dấu ấn trong tâm thức người Việt, mặc dù có thể không hiểu nhiều về câu đối, nhưng chắc hẳn nhiều người còn thuộc lòng và hứng thú khi cần dẫn chứng câu đối đó.
Khó có thể xác định câu đối này ra đời từ khi nào, nhưng căn cứ theo những khái niệm được dùng chỉ vật trong đó thì có thể xác định câu đối kia phải bắt đầu từ lúc nước Việt có chữ viết và chắc chắn là chữ Hán, đặc biệt là khi dân gian có thú chơi câu đối Tết. Theo các văn bản tồn tại đều thống nhất tên gọi sáu thứ là danh từ, nhưng có một bản dùng “tiếng pháo” và một bản dùng “xác pháo” thay cho danh từ “tràng pháo”. Tiếng pháo, tràng pháo hoặc xác pháo thì cũng là pháo – cuộn giấy đỏ tròn và chắc, có thuốc nổ bên trong, có ngòi nổ, khi ngòi nổ được châm cháy thì sẽ nổ “banh xác pháo”.
Xét về ngữ âm, có sự “đối nhau” gần chỉnh tuyệt đối: “Trắc trắc, bằng bằng, bằng trắc trắc” đối với “bằng bằng, bằng trắc, trắc bằng bằng”. Nếu vế hai dùng chữ “xác” hoặc “tiếng” thay cho “tràng” thì đối âm chỉnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cuộc đời chẳng có gì hoàn chỉnh tuyệt đối. Tương đối cũng là tốt lắm rồi!
Có sáu yếu tố được lựa chọn tiêu biểu cho hương vị Tết. Trong đó có ba yếu tố vật chất (thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh) là những thứ ăn được. Kèm theo ba yếu tố tinh thần (câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo) là những thứ không ăn được. Đó là sự cân đối và hài hòa tạo nên số sáu (lục), mà chữ “lục” được phát âm tương tự chữ “lộc”, tức là Lộc Xuân được trời đất trao tặng, nghĩa là âm dương hòa hợp.
Hai màu xanh và đỏ là những sắc màu nổi bật và sinh động trong mùa Xuân vui tươi, đồng thời có cả tiếng pháo nổ, tạo âm thanh giòn giã như tiếng reo vui giữa đất trời bao la. Còn “câu đối đỏ” chính là “góc trí tuệ” và cần thiết cho tâm hồn. Chỉ có vật chất mà không có tâm hồn thì vô nghĩa. Đúng như Khổng Tử nói: “Ưa làm điều nhân mà không ham học thì bị cái mối hại che lấp thành ra ngu muội”. Vừa thực tế vừa thâm thúy!
Yếu tố tâm linh là “cây nêu”. Ngày nay hầu như dân gian không còn quan tâm. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, ngày Táo quân cưỡi Cá Chép về trời. Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5-6m. Ở ngọn thường treo nhiều thứ: Bùa trừ tà, vàng mã, bầu rượu bện bằng rơm, cá chép giấy (cho ông Táo bay lên trời), giải cờ vải điều, những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung (gọi là chuông gió),…
Buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Trịnh Hoài Đức ghi trong sách Gia Định Thành Thông Chí thế này:“Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm), mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu, cau, vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu”… có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”. Ngày 7 tháng Giêng, người ta “hạ nêu” (triệt hạ), người Việt kiêng đòi nợ người khác để tạo mối quan hệ tốt đẹp ấm cúng của cộng đồng trong những ngày vui Xuân. Cây nêu còn có nghĩa là “cột mốc”, là ranh giới ma quỷ không được xâm phạm theo giao kèo giữa loài người với chúng.
Câu đối mang đậm dấu ấn của cộng đồng cư dân làm nghề lúa nước theo âm lịch với văn hóa ẩm thực là sản phẩm nuôi trồng và thú chơi trí tuệ tao nhã của một thời “mực Tàu giấy đỏ”, cùng với tín ngưỡng dân gian mang tính truyền thuyết.
Điều đó chứng tỏ con người rất tâm linh, ngay cả những người vô tín ngưỡng hoặc không theo tôn giáo nào cũng vẫn mang dấu ấn tâm linh vậy. Nếu không tâm linh sao lại cúng tổ tiên và rước ông bà về cùng ăn tết?
Năm mới khởi đầu, ai cũng muốn “đêm ba mươi, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa”, và “sáng mồng một, giơ tay bồng ông Phú vào nhà”. Không chỉ vậy, cuộc đời còn cần phải sống với những từ kép bắt đầu bằng chữ T, biểu hiện những đức tính: Tích cực, Tin kính, Tha thứ, Thương yêu, Tiết kiệm, Từ tốn, Tu thân, Tĩnh tâm, Tu nghiệp, Trầm tĩnh, Thỏa hiệp, Thoải mái, Thánh thiện, Tự trọng và Tôn trọng người khác,…
Mùa Xuân vừa về thì cũng là lúc mùa Chay Thánh tiếp đến. Như vậy, Giáo Hội Công giáo Việt Nam bước vào Mùa Chay đúng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Với người Á Đông, đó là sự nối kết kỳ lạ. Mừng Xuân và vui Tết, nhưng phải luôn ghi nhớ “mình là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19). Ăn chay cũng phải khéo léo, nội tại quan trọng hơn ngoại tại: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2:13).
Đặc biệt là Chúa Giêsu đã căn dặn kỹ lưỡng và rõ ràng: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:16-18).
Tro tương đương với cát bụi, thân xác con người được tạo thành từ đất: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:27). Khi thân xác hư nát, nó sẽ trở về đất cát hoặc bụi tro.
Tổ phụ Áp-ra-ham đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18:27). Đó là ám chỉ cái chết của nhân loại. Còn ngôn sứ Giê-rê-mi-a mô tả cái chết là “thung lũng tử thi và tro thiêu xác” (Gr 31:10).
Tro là điềm gở. Chúng ta dùng tro vào ngày Thứ Tư Lễ Tro để nhắc nhớ về cái chết chắc chắn sẽ đến với chúng ta. Cái chết có thể đến sớm, cũng có thể đến chậm, nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Nếu cái chết đến, chúng ta cần chuẩn bị, và thời gian chuẩn bị là ngay từ bây giờ, còn cách chuẩn bị là sống theo phương cách của Chúa.
Tro là lời khẩn thiết cầu xin Chúa ân ban lòng thương xót, lòng trắc ẩn, và ơn tha thứ. Chúng ta đều là những tội nhân. Chịu tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro là chúng ta xin lỗi Chúa về tội lỗi mình, và chúng ta muốn dùng Mùa Chay để sửa sai để thanh tẩy tâm hồn, để kiểm soát ước muốn, và tiến bộ trong sự thánh thiện, nhờ đó chúng ta sẽ chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh.
Nào, chúng ta cùng đón Xuân, cùng ăn Tết, nhất là phải một lòng tôn kính Thiên Chúa là Chúa Tể Càn Khôn, là Chúa Xuân đích thực, và yêu thương mọi người trong tình huynh đệ liên đới!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con trong Mùa Chay Thánh này biết nhận ra đâu là cùng đích của đời mình mà thành tâm ăn năn sám hối và trở về với Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.