Các vệ binh Thụy Sĩ từ lâu đã duy trì được danh tiếng quốc tế về kỷ luật và sự trung thành. Từ cuối thế kỷ thứ XV, các lãnh chúa khắp châu Âu đã tuyển dụng họ làm cận vệ, vệ binh trong các lâu đài và trong những nghi lễ.
Vệ binh Thụy Sĩ tìm được chỗ đứng trong các triều đình Pháp, Phổ, Áo, Hòa Lan và một vài quốc gia khác.
Đội vệ binh Thụy Sĩ của Đức giáo hoàng (The Pontifical Swiss Guard) — đội binh duy nhất vẫn còn hiện diện — đã phục vụ Đức giáo hoàng từ hơn năm thế kỷ nay. Từ năm 1506, những lính cận vệ này đã bảo vệ cho 42 vị giáo hoàng và Phủ giáo hoàng ở Vatican.
Chính Đức giáo hoàng Juliô II (1503-1513) là người đầu tiên đã yêu cầu chính quyền Thụy Sĩ cung cấp một lực lượng gồm những người dũng cảm để bảo vệ mình và Vatican. Từng là giám mục ở Lausanne, Thụy Sĩ, nên ngài biết nhiều về những phẩm chất của lính Thụy Sĩ.
Nhóm đầu tiên gồm 150 binh sĩ đã bắt đầu đi đến Roma vào tháng Chín 1505. Họ đến nơi vào ngày 2 tháng Giêng 1506, và đây được xem như là ngày chính thức thành lập Đội vệ binh.
Sẵn sàng hiến mạng sống mình
Theo cách nói của Đức giáo hoàng Juliô II, đội quân này là “Những người bảo vệ cho sự tự do của Giáo Hội”.
Vào năm 1527, Đội vệ binh Thụy Sĩ đã kinh nghiệm được cuộc giao chiến đầu tiên và thù nghịch nhất. Vào ngày 6 tháng Năm, 147 binh lính trong số 189 thành viên của lực lượng đã phải hy sinh để bảo vệ Đức giáo hoàng Clêmentê VII khi Hoàng đế Charles V của Tây Ban Nha đánh phá thành Roma. Sự kháng cự cuối cùng của những con người dũng cảm này, bị thảm sát ngay bậc thềm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, đã cho phép các vệ binh còn lại hộ tống Đức giáo hoàng trốn thoát vào nơi an toàn.
Các thành viên Đội vệ binh Thụy Sĩ hằng năm đều tuyên thệ lại lời thề trung thành nhân kỷ niệm biến cố này trong một nghi thức tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican. Trang phục áo giáp đầy đủ với chiếc mũ gắn lông đỏ thắm, họ giơ ba ngón tay phải lên để biểu trưng cho Chúa Ba Ngôi, thề phục vụ Đức giáo hoàng “cho đến chết”.
Vai trò và đồng phục
Lực lượng giáo hoàng tinh nhuệ này gồm 100 thanh niên Công giáo Thụy Sĩ (tuổi từ 19 đến 30), đã hoàn thành nghĩa vụ quân bị bắt buộc tại Thụy Sĩ. Đội Cohors Helvetica (tên tiếng Latinh của họ) có một vị chỉ huy và năm sĩ quan, gồm cả một vị tuyên úy.
Cư trú trong các trại lính và căn hộ tại Vatican, đội vệ binh có nhà nguyện riêng. Họ có thể kết hôn nếu có được nhà ở Vatican. Trong thời gian phục vụ tại Vatican, họ được xem như là công dân Vatican.
Vào năm 1970, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã giải tán đội cận vệ Palatine Guard và kỵ binh Noble Guard, nhiệm vụ có tính nghi thức của những đơn vị này đã được Đội vệ binh Thụy Sĩ đảm trách. Ngày nay, dù nhiệm vụ của họ chủ yếu chỉ có tính nghi thức, song Đội vệ binh Thụy Sĩ vẫn còn là một lực lượng an ninh được huấn luyện đặc biệt – một quân đội nhỏ nhất và lâu đời nhất.
Người được tuyển dụng đăng ký phục vụ ít nhất là hai năm. Bổn phận của họ là canh gác cho Đức giáo hoàng, kiểm soát các cửa của thành Vatican, và gác Phủ Giáo hoàng. Họ cũng được xem như là đội binh danh dự ở những nghi lễ đặc biệt.
Thiết kế bộ đồng phục nhiều màu sắc của họ được gán cho họa sĩ thời Phục hưng là Michelangelo, nhưng thật sự nó được một vị chỉ huy đội vệ binh sáng tạo. Bộ đồng phục nhiều màu này được mặc lần đầu tiên vào năm 1914.
Thiết kế thời Phục hưng này có đôi cánh tay phồng và quần chẽn gối có sọc đỏ, xanh và vàng. Bộ y phục này được may tại tiệm may của Đội tại trại lính Porta Sant’Anna.
Họ mang áo giáp và mũ sắt gắn lông đà điểu, tay cầm giáo gọi là “halberds”. (Một loại vũ khí có đầu nhọn và rìu chiến, cao khoảng 1m8)
Không có mô tả lịch sử nào về bộ y phục này được mặc trước năm 1914. Dường như các vệ binh đầu tiên mặc bộ quân phục tương tự như ngày nay, có lẽ với thánh giá trắng của Thụy Sĩ hoặc những chiếc chìa khóa hình thánh giá khâu trên ngực.
Đội vệ binh Thụy Sĩ gác tại các cổng vào thành Vatican. Những người khác cầm giáo gác tại các cửa đồng Bernini, lối vào chính của Phủ Giáo hoàng và nơi ở của giáo hoàng. Họ cũng gác tại Hội trường Phaolô VI khi có những cuộc tiếp kiến, nơi họ thu hút sự chú ý của các du khách.
Đội vệ binh là chủ đề chụp ảnh rất được yêu thích của du khách, những người biết rất ít về họ ngoài những vai trò có tính nghi thức. Song họ vẫn luôn sẵn sàng đứng đấy để lấy sinh mạng mình bảo vệ cho Đức giáo hoàng đang trị vì và những vị kế nhiệm ngài.
Anna Laura Smith
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
(WGP.Qui Nhơn 06.07.2019)