Đời sống cộng đoàn trong đời tu

Để mở đầu cho đề tài này, người viết xin mượn lời thánh vịnh “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay. Anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132) nhằm minh chứng rằng đời sống tu trì trong cộng đoàn không hẳn quá khó và tẻ nhạt như nhiều người vẫn nghĩ. Tại sao sống đời tu lại liên quan tới cộng đoàn?
 
Vì khi dấn bước vào đời sống tu trì, mỗi người được mời gọi sống trong một tu hội, một hội dòng nào đó. Chính vì thế, cộng đoàn không tách rời khỏi đời tu, nhất là với cuộc đời của một tu sĩ. Qua cộng đoàn, Thiên Chúa muốn chúng ta quảng đại, dấn thân, gắn bó với đời sống phục vụ tha nhân, gần hơn cả là chấp nhận anh chị em trong cộng đoàn. Vì chắc chắn cộng đoàn dòng tu không chỉ toàn là những con người thánh, nhưng đằng sau nó có những hệ lụy, mà những người thánh trong cộng đoàn cần đón nhận những sự khác biệt bằng cặp mắt đức tin để được lớn lên.
 
Những ngày đầu đời tu của mình, người viết cũng không có ý niệm về cộng đoàn, vì nghĩ rằng đi tu là dâng mình cho Chúa, chỉ sống và phục vụ tha nhân tại một giáo xứ nào đó mà thôi. Nhưng với thời gian mới dần khám phá và ý thức về hai chữ cộng đoàn. Quả thực, nó rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều trong đời sống của tu sĩ, sự ảnh hưởng có tính tích cực cũng như tiêu cực.
 
Về mặt tích cực, cộng đoàn giúp chúng ta sống trưởng thành. Điều này không sai, mỗi cá nhân khi gia nhập tìm hiểu ơn gọi (giai đoạn đệ tử). Thứ mà họ nhìn thấy cũng như thường được nhắc nhở đó là: tinh thần kỷ luật, ý thức tự giác, có trách nhiệm với những bổn phận của cá nhân cũng như của chung. Cho dù khi ở nhà, họ có thể là những cậu ấm, cô chiêu, được bố mẹ cưng chiều không phải làm gì. Nhưng khi vào cộng đoàn, họ phải tập từ bỏ thói quen được ưu ái, những sở thích cá nhân để làm quen với môi trường đồng bộ, mọi người được đối xử như nhau. Chính khi chấp nhận được như vậy và biết tập để sống mối tương quan tương tác tốt đẹp với các thành viên khác trong cộng đoàn. Cá nhân đó sẽ đạt được một thái độ trưởng thành và một nhân cách hoàn chỉnh trong môi trường tu trì. Từ đó, họ sẽ yêu thích đời sống cộng đoàn trong sự tự do nội tâm mà không hề sợ hãi hay tự vệ.
 
Bên cạnh sự trưởng thành về nhân cách cũng như tinh thần. Cộng đoàn cũng có những vấn đề tiêu cực mà ta phải đối diện như: sự khác biệt tính tình, tuổi tác, trình độ văn hóa, môi trường nếp sống v.v… Điều này chắc chắn có, một cộng đoàn chỉ hai ba người là đã có khác biệt, tập thể càng đông sự khác nhau càng nhiều. Nói về điều này, người viết chợt nhớ có một người mẹ đưa con đi tham dự đại hội ơn gọi chia sẻ như sau: “Năm ngoái cháu nhà con đi lễ ơn gọi, đến nhà xứ thấy toàn trẻ con, nít nhít. Cháu thấy chán nên đòi về”.
 
Thực tế có rất nhiều trường hợp không thể tiếp tục, vì mới bước chân vào cộng đoàn tu trì, không tìm được những người có cùng sở thích, độ tuổi hay văn hóa tương đương. Nếu tới với cộng đoàn tu trì chỉ nhằm tìm kiếm những điểm tương đồng thì chắc chắn họ sẽ thất bại thảm hại. Nhưng nếu biết đón nhận với tất cả thành tâm, cuộc sống thường nhật đời tu sẽ dạy cho chúng ta lớn lên nhờ những dị biệt, những thiếu sót, những trở ngại mà bản thân vấp phải qua những vui buồn, căng thẳng và khổ đau từ môi trường cộng đoàn. Chẳng thế mà những ai dám chấp nhận đời sống cộng đoàn xứng đáng là người hùng vì đã dám dấn thân vào mạo hiểm một cách phi thường.
 
Để sống trung thành và yêu mến cộng đoàn với tất cả những khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực, thiết nghĩ mỗi tu sĩ hãy tập cho mình có cái nhìn đức tin. Cái nhìn đức tin này không dễ có được nếu ta không biết quay nhìn về Chúa Giêsu. Chính Ngài là người dạy chúng ta sống và nhìn nhận những điều tích cực và tiêu cực trong cuộc sống chung như thế nào qua cộng đoàn các thánh Tông đồ. Trong cái tập thể lúc sơ khai, chỉ với 12 thành viên do chính Đức Giêsu tuyển chọn và đào tạo ấy cũng đầy những mâu thuẫn, đối nghịch thậm chí có cả phản trắc.
 
Nhưng qua thử thách và thời gian, bằng tình yêu khôn cùng Thầy Giêsu đã chinh phục, cải hóa được những tâm hồn đầy dị biệt, thành những người có chung một tâm tư thao thức “Loan truyền tin mừng tình thương Thiên Chúa” với Thầy. Đó là vì các ông đã cảm nhận được tình yêu của Thầy dành cho họ ra sao. Một tình yêu tuyệt đối, “hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, một khi con người cảm nhận mình được người khác đón nhận và yêu thương. Cá nhân ấy sẽ thấy cộng đoàn là nơi an toàn, vững chắc xứng đáng để họ cam kết dấn thân, gắn bó sâu sắc với lòng tin tưởng và phó thác hoàn toàn. Vì chính ở đó, họ nghe và nhìn thấy Thầy Giêsu đang nói với họ: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).
 
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu