Đôi nét về 13 vị thánh bảo trợ Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023

Đại hội Giới trẻ Thế giới (ĐHGTTG) lần thứ 37, 2023 sẽ được cử hành tại Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha từ ngày mồng 01 đến mồng 06. 8 tới đây. Vào tháng 05. 2022, trong một thông cáo báo chí, đại diện Ban tổ chức địa phương, Đức Hồng Y Manuel Clemente, Thượng phụ của Lisbon, đã giới thiệu tên của 13 vị thánh bảo trợ cho Đại hội – nghĩa là các Thánh đã được phong thánh hoặc các Thánh đang trong tiến trình phong thánh – là những người đã tận tụy phục vụ giới trẻ, và đóng vai trò như là “một minh chứng rằng sự sống trong Chúa Giêsu luôn tràn đầy và gìn giữ người trẻ ở mọi thời đại”.

Đức Hồng y nhấn mạnh rằng: “Vị Thánh bảo trợ tuyệt vời cho ĐHGTTG chính là Đức Trinh nữ Maria, người phụ nữ trẻ đã chấp nhận làm mẹ của Con Thiên Chúa nhập thể. Mẹ đã trỗi dậy và vội vã lên đường để gặp gỡ và mang Chúa Giêsu cho người chị họ là bà Elizabeth. Qua mẫu gương của Mẹ, Giáo hội dạy cho người trẻ mọi thời đại cũng biết mang Chúa Giêsu đến cho những người khác đang chờ đợi Người”.

Trong danh sách, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, không chỉ là người khởi xướng mà còn giúp cho các lần ĐHGTTG trở nên sống động, và “mang đến sự quy tụ và khích lệ hàng triệu giới trẻ từ 5 Châu lục”. Ngoài ra, Thánh Gioan Bosco, “Cha và Thầy của giới trẻ”;  và thánh Vinh Sơn, bổn mạng giáo phận, sẽ đón tiếp và củng cố mỗi người bằng đức ái và chứng tá Tin Mừng của ngài.

Vì diễn ra ở Lisbon, nên có 6 vị đến từ Lisbon: Thánh Antôn, Thánh Batôlômêô Các Vị Tử Đạo, Thánh Gioan de Brito, Chân phước Joana của Bồ Đào Nha, Chân phước João Fernandes, và Chân phước Maria Clara Hài đồng Giêsu.

Đồng thời, còn có 4 vị đã qua đời khi còn trẻ trong thế kỷ qua: Chân phước Pier Giorgio Frassati, Chân phước Marcel Callo, Chân phước Chiara Badano, và Chân phước Carlo Acutis.

Dưới đây là đôi nét về 13 vị thánh bảo trợ ĐHGTTG Lisbon 2023.

1. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (Karol Wojtyla) sinh ngày 18. 05. 1920 tại Wadowice, Ba Lan. Ơn gọi làm linh mục của ngài trưởng thành trong Thế chiến thứ II, và vào tháng 11.1946, ngài được thụ phong linh mục. Ngày 16.10.1978, ở tuổi 58, ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng. Trong triều đại giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm 129 quốc gia và vào năm 1985, ngài đã thành lập Ngày Giới trẻ Thế giới. Ngài qua đời ngày mồng 02.04.2005 và được phong thánh ngày 27.04.2014. Lễ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được cử hành vào ngày 22.10 hằng năm.

Biểu tượng: Gậy mục tử

Một trong những huy hiệu giám mục, tượng trưng cho tác vụ của Mục Tử Nhân Lành, bảo vệ, và đồng hành với đoàn chiên được Chúa Thánh Thần ủy thác. Gậy mục tử của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt dễ nhận ra bởi cây thánh giá nổi bật.

Lời nguyện:

Lạy Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, Chúa đã muốn cho thánh Gioan Phaolô II, vị sáng lập Ngày Giới trẻ Thế giới, làm Giáo hoàng để cai quản Giáo hội hoàn vũ của Chúa. Chúng con nài xin Chúa, nhờ được hướng dẫn bởi những lời giảng dạy của thánh nhân, chúng con biết tin tưởng mở lòng đón nhận ân sủng cứu rỗi của Đức Kitô, Đấng cứu chuộc duy nhất của nhân loại, Đấng hằng sống và hiển trị muôn thuở muôn đời. Amen.

2. Thánh Gioan Bosco

Thánh Gioan Bosco sinh năm 1815, tại Castelnuovo d’Asti, miền bắc nước Ý. Năm 1841, ngài thụ phong linh mục và bắt đầu sứ vụ tại thành phố Turin. Chính tại đó, vì tiếp xúc hàng ngày với trẻ mồ côi và thanh thiếu niên bị bỏ rơi, nên ngài quyết định thành lập Nguyện xá Thánh Phanxicô Salê. Ngài qua đời năm 1888 để lại một công trình đồ sộ: Gia đình Salêdiêng trải rộng khắp các châu lục. Ngài được phong thánh vào ngày mồng 01.04.1934. Lễ thánh Gioan Bosco được cử hành vào ngày 31 tháng Giêng.

Biểu tượng: Cuốn sách

Là biểu tượng của việc giáo dục và đào tạo giới trẻ, cuốn sách trình bày một trong những sứ mạng cơ bản đánh dấu hoạt động tông đồ của thánh Gioan Bosco.

Lời nguyện:

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã cho xuất hiện trong Giáo hội một người cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh Gioan Bosco. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biến Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon thành một cuộc gặp gỡ cho tất cả những người trẻ, và hiến thân phụng sự Chúa và lo cho anh em được cứu độ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

3. Thánh Vinh Sơn

Thánh Vinh Sơn sinh tại Huesca, thủ phủ của tỉnh Aragon, trong một gia đình Kitô hữu và có vị thế quan trọng trong Đế quốc Roma. Dưới sự hướng dẫn của Đức giám mục Valerius của thành phố Saragossa, ngài được nhận làm phó tế để phục vụ giáo phận của mình. Vào khoảng năm 303, ngài bị bắt trong bối cảnh một cuộc bách hại mới đối với các Kitô hữu. Ngài bị chết trong tù do là nạn nhân của sự tra tấn. Thánh Vinh Sơn là thánh bổn mạng của thành phố Lisbon và ngày lễ của ngài được cử hành vào ngày 22 tháng Giêng.

Biểu tượng: Chiếc tàu và con quạ

Biểu tượng gắn liền với truyền thuyết về những con quạ của Thánh Vinh Sơn: con tàu vận chuyển hài cốt của ngài đến Lisbon và những con quạ đã đánh dấu nơi chôn cất ban đầu của ngài và đồng hành cùng con tàu trong quá trình di chuyển.

Lời nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tuôn đổ ơn Thánh Thần Chúa trên chúng con, để tâm hồn chúng con và tâm hồn của rất nhiều người trẻ đang và sẽ tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon, được thấm nhuần tình yêu can trường, như thánh Vinh Sơn tử đạo đã nhờ tình yêu đó mà can đảm lãnh phúc tử đạo. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

4. Thánh Antôn

Sinh tại Lisbon năm 1195, ngay từ khi còn là thiếu niên, Antôn đã xin gia nhập Tu viện của các Kinh sĩ thánh Augustinô tại đây. Năm 1220, ngài chuyển sang dòng Phanxicô ở Coimbra. Là nhà thuyết giáo lỗi lạc, trước hết, ngài đến Morocco, sau đó đến Ý, rồi đến miền nam nước Pháp trước khi trở về lại Ý, dẫn đưa nhiều người tin theo Đức Kitô và Tin Mừng mà ngài đã sống và rao giảng.

Thánh nhân qua đời vào ngày 13.06.1231, và cũng là ngày Phụng vụ Giáo hội mừng kính ngài hằng năm. Ngài được an táng tại Padua, và với gương sáng của đời sống thánh thiện, chưa đầy 1 năm sau, Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX tôn phong ngài lên bậc hiển thánh. Đức Giáo hoàng Leo XIII gọi ngài là “Vị Thánh của toàn thế giới”.

Biểu tượng: Hoa huệ trắng

Hoa huệ trắng được chọn như là biểu tượng của sự thanh khiết và sức mạnh chống lại những cám dỗ trong cuộc đời của vị thánh nổi tiếng người Bồ Đào Nha này.

Lời nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho dân Chúa một nhà giảng thuyết lừng danh và cũng là vị trung gian đầy quyền năng trước mặt Chúa, đó là thánh Antôn. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, cho chúng con biết trung thành tuân giữ giáo huấn của đời sống Kitô hữu và được nâng đỡ trong những lúc ngặt nghèo. Chúng con phó thác cho Thánh Antôn Ngày Giới trẻ Thế giới sẽ diễn ra tại thành phố nơi ngài sinh trưởng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

5. Thánh Batôlômêô Các vị Tử Đạo

Batôlômêô sinh tại Lisbon năm 1514 và lấy tên hiệu là “Các vị Tử đạo” để ghi nhớ nhà thờ Đức Maria của Các vị Tử đạo, nơi ngài được rửa tội và là nơi ông của ngài đưa ngài đến cầu nguyện mỗi ngày. Năm 14 tuổi, Batôlômêô gia nhập Dòng Đa Minh tại đây. Được tấn phong giám mục vào ngày 27.01. 1559 và nhận dây pallium của Tổng Giám mục Braga vào ngày mồng 04.10 cùng năm.

Ngài đã tham gia vào giai đoạn thứ III và giai đoạn cuối cùng của Công đồng Trentô (1562-1563). Qua đời ngày 16.07.1590, ngài được mọi người ghi nhận và tôn vinh là “vị Tổng giám mục thánh thiện, cha của kẻ nghèo khó và bệnh tật”. Năm 2019, Thánh Batôlômêô được Đức Thánh Cha Phanxicô ghi danh vào sổ bộ Các Thánh theo thể thức tương đương, và lễ mừng được cử hành vào ngày 18.07.

Biểu tượng: Đôi dép

Vào thế kỷ XVI, vị tổng giám mục Batôlômêô đã đi thăm khu vực của tổng giáo phận Braga bằng cưỡi la hoặc đi bộ, vì vậy đôi dép là biểu tượng của sự dấn thân của ngài vì đoàn chiên, và là một di vật được tôn kính.

Lời nguyện:

Lạy Chúa là Đấng đã ban cho Thánh Batôlômêô Các Vị Tử Đạo lòng bác ái tông đồ cao quý, xin thương che chở Giáo hội Chúa, để giống như thánh nhân, chúng con cũng hăng say trong sứ vụ, nhiệt tâm dấn thân cho Giáo hội với tình yêu Chúa ngay từ thuở thanh xuân. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

6. Thánh Gioan de Brito

Thánh Gioan de Brito sinh tại Lisbon năm 1647 trong một gia đình quý tộc. Năm 15 tuổi, ngài gia nhập Dòng Tên và thụ phong linh mục ở tuổi 26. Năm 1673, ngài bắt đầu việc truyền giáo, và từ đó đạt được mục tiêu của đời mình: chết tại Ấn Độ khi loan báo Tin Mừng. Tháng giêng năm 1693, sau khi chịu nhiều cực hình, ngài bị bắt và chịu tử đạo. Ngài được Đức Giáo hoàng Piô XII phong thánh ngày 22.06.1947. Lễ kính của ngài trùng với ngày người lãnh triều thiên tử đạo, ngày mồng 04.02.

Biểu tượng: Cây gậy và thánh giá

Là một nhà truyền giáo nhiệt huyết đến Ấn Độ, ngài đã mang theo mình cây gậy đánh dấu chuỗi hành trình sứ mạng và cây thánh giá đã nhiệt thành đem lại tinh thần Kitô cho dân chúng.

Lời nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã củng cố thánh Gioan de Brito tử đạo với sự kiên định không nao núng để rao giảng đức tin cho các dân tộc Ấn Độ. Nhờ gương sáng và lời cầu bầu khi cử hành chiến thắng của thánh nhân, chúng con biết noi gương đức tin của ngài, và Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 trở thành một dấu chỉ hy vọng cho tất cả mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

7. Chân phước Joana của Bồ Đào Nha

Chân phước Joana của Bồ Đào Nha, ái nữ của Vua Alfonso V, sinh ngày mồng 06.02.1452. Ở tuổi 20, sau khi từ chối nhiều người hoàng gia cầu hôn và xác định chỉ là “hôn thê” của Chúa Giêsu Kitô, công chúa Joana lui về Đan viện Odivelas. Sau đó, ngài chuyển đến sống tại Tu viện Chúa Giêsu của các nữ tu Đa Minh ở Aveiro. Trong suốt cuộc đời ở sống trong tu viện, ngài đã thực hành việc đền tội và giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Ngài qua đời ở tuổi 38, vào ngày 12.05.1490, và được Đức Giáo Hoàng Innocent XII phong chân phước năm 1693.

Biểu tượng: Vương miện hoàng gia và vương miện gai

Là công chúa, vương miện là dấu chỉ cho thấy căn tính hoàng gia, nhưng vương miện gai đánh dấu đời sống Kitô hữu của Chân phước Joana, bởi vì ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã tìm cách tách khỏi sự vinh quang triều đình phù phiếm thế gian, đồng thời nuôi dưỡng lòng đạo đức và đời sống nội tâm sâu sắc, hiến mình vì cuộc khổ nạn của Đức Kitô và bác ái quên mình vì người nghèo.

Lời nguyện:

Lạy Thiên Chúa vô cùng nhân lành, giữa những lạc thú chốn cung đình và quyến rũ thế gian, Chúa đã củng cố Chân Phước Joana bằng nhân đức kiên định, xin ban cho các tín hữu Chúa, nhất là giới trẻ, có thể vượt thắng sự cám dỗ của giàu sang trần thế và luôn khao khát kho tàng trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

8. Chân phước João Fernandes

Chân phước João Fernandes sinh tại Lisbon. Vào năm 1570, khi là một tập sinh Dòng Tên 19 tuổi, João Fernandes là một trong số 73 nhà thừa sai, và đã đồng hành với Ignatius of Azevedo trong giấc mơ truyền giáo là loan báo Tin Mừng cho đất nước Brazil. Vào ngày 15.07, ngay sau khi khởi hành đến Brazil (gần Quần đảo Canary), con tàu đã bị một hạm đội gồm 5 tàu cướp biển của Huganot người Pháp, vốn trước đây là người Công giáo nhưng giờ là kẻ thù công khai của Dòng Tên tấn công và sát hại. Đức Piô IX đã nhìn nhận cuộc tử đạo và lòng sùng kính đối với Chân phước Ignatius of Azevedo và 39 bạn đồng hành vào ngày 11.05.1854, thiết lập ngày lễ mừng vào ngày 17.07 hằng năm.

Biểu tượng: Cành thiên tuế

Cành thiên tuế được chọn làm biểu tượng của Chân phước João Fernandes, đã tử vì đạo cùng với 39 tu sĩ Dòng Tên nhân danh việc loan báo Tin Mừng.

Lời nguyện:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho Chân phước João Fernandes Tử Đạo một đức tin kiên vững không hề lay chuyển. Xin giúp chúng con, khi được củng cố bởi gương sáng chói lọi, và noi theo ngọn lửa bác ái của thánh nhân trong quá trình chuẩn bị và thực hiện Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, ngõ hầu được cùng ngài chung phần vinh quang trên quê hương vĩnh cửu. Xin cho chứng tá của ngài truyền cảm hứng cho tất cả những ai hành hương. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

9. Chân phước Maria Clara Hài Đồng Giêsu

Chân phước Maria Clara Hài Đồng Giêsu sinh ngày 15.06.1843 trong một gia đình quý tộc tại Lisbon. Mồ côi mẹ năm 14 tuổi và với ước muốn sống đời tu trì tận hiến cho Thiên Chúa và phục vụ người nghèo, ngài đã gia nhập Dòng Capuchin năm 1867. Được gửi đến nhà tập ở Pháp vào năm 1870, và 1 năm sau, khi trở về Bồ Đào Nha, với ước muốn trở thành “mẹ” của những người cơ cực, ngài thành lập một dòng tu mới dành riêng cho mục đích này, Dòng Nữ tu Phanxicô Cứu tế cho Người nghèo (Franciscan Hospitaller Sisters of the Poor), được Tòa thánh chấp thuận vào năm 1876. Ngài qua đời vào ngày mồng 01.12.1899, và được phong chân phước vào ngày 21.05.2011.

Biểu tượng: Bánh mì và chiếc đèn

Là “Nữ tu của người nghèo”, Chân phước Maria Clara Hài Đồng Giêsu đã dành cả cuộc đời để mang lại ánh sáng và hơi ấm cũng như chăm lo của ăn cho những người túng thiếu. Do đó, hình ảnh ngọn đèn và bánh mì được chọn là biểu tượng cho lòng bác ái của thánh nhân.

Lời nguyện:

Lạy Chúa là Đấng toàn năng thiện hảo, Chúa đã chiếu dọi sự thánh thiện của Chúa trên cuộc đời đơn sơ và khiêm hạ của Chân phước Maria Clara Hài Đồng Giêsu. Xin cho ánh sáng rực rỡ ấy cũng chiếu soi trên chúng con, để khi sống theo tinh thần Các Mối Phúc, chúng con có thể trung thành sống đức ái và là dấu chỉ của Tin Mừng tại Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 ở Lisbon. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

10. Chân Phước Pier Giorgio Frassati

Chân phước Pier Giorgio Frassati sinh ngày mồng 06.04.1901 trong một gia đình quý tộc Ý tại Turin. Ngay từ thuở nhỏ, lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể và yêu mến Đức Trinh Nữ Maria là hai trụ cột trong đời sống cầu nguyện của cậu. Khi 17 tuổi, cậu gia nhập Hiệp hội thánh Vinh Sơn Phaolô và đã dành nhiều thời gian để phục vụ bệnh nhân, người nghèo, trẻ mồ côi,…

Yêu mến thánh Catarina Siena, cậu gia nhập Dòng Ba Đa Minh năm 1922 và rất năng nổ trong các hoạt động xã hội và Công giáo Tiến hành. Quyết định trở thành một kỹ sư hầm mỏ để có thể phục vụ Đức Kitô tốt hơn giữa các thợ mỏ. Tuy nhiên, trước khi tốt nghiệp, Giorgio bị mắc chứng viêm đa cơ, do bị lây nhiễm từ những bệnh mà ngài chăm sóc. Ngài qua đời vào ngày mồng 04.07.1925, ở tuổi 24 và được Đức Giáo hoàng  Gioan Phaolô II phong Chân phước vào ngày 20.05.1990.

Biểu tượng: Tràng hạt Mân côi

Pier Giorgio luôn toát ra một sức sống phù hợp với lứa tuổi, nhưng lại rất nổi trội về sự trưởng thành tâm linh. Kinh Mân Côi và lòng sùng kính Đức Mẹ của anh đã củng cố toàn bộ cuộc sống của vị Chân phước trẻ.

Lời nguyện:

Lạy Cha là Đấng đã ban cho Chân phước Pier Giorgio Frassati niềm vui gặp được Đức Kitô và kiên trì sống đức tin trong việc phục vụ người nghèo và bệnh nhân. Nhờ lời cầu bầu và gương sáng của thánh nhân, xin cho chúng con và mọi người trẻ biết sống trong sạch, thánh thiện, và quảng đại truyền bá tinh thần Tin Mừng trong xã hội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

11. Chân Phước Marcel Callo

Chân phước Marcel Callo sinh ngày mồng 06.12.1921 tại Rennes, Pháp, ngay từ tuổi thiếu niên đã tham gia nhóm giúp lễ và hướng đạo sinh. Sau khi học xong tiểu học, Callo bắt đầu làm thợ in học việc ở tuổi 13 và thích kết bạn với nhóm Công nhân Công giáo trẻ. Năm 1943, dù bị bắt đi nghĩa vụ quân sự ở Đức nhưng Callo tiếp tục các hoạt động của Công nhân Công giáo trẻ, chẳng hạn như chơi thể thao, giải trí, và nhất là tham dự thánh lễ. Những hoạt động này đã thu hút sự chú ý dẫn đến việc ngài bị bắt giữ vào tháng 04.1944, với lý do “Marcel quá giống một người Công giáo“. Ngài qua đời trong trại tập trung Mauthausen vào ngày 19.03.1945, và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào ngày mồng 04.10.1987.

Biểu tượng: Khăn hướng đạo

Là một Hướng đạo sinh, chiếc khăn mà chàng trai trẻ Marcel Callo luôn đeo là một biểu tượng của tình yêu và lòng trung thành với đặc sủng Hướng đạo của mình.

Lời nguyện:

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã ban cho vị tử đạo trẻ Marcel Callo lòng nhiệt thành tông đồ giữa tầng lớp lao động, ngay cả trong các trại tập trung. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin cho chúng con lòng nhiệt thành và can đảm để làm chứng cho đức tin. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

12. Chân Phước Chiara Badano

Chân phước Chiara Badano sinh ngày 29.10.1971 tại Savona, miền Bắc nước Ý. Vào khoảng năm 1980, khi học lớp 3, Chiara biết đến Phong trào Focolare, vốn tập trung vào hình ảnh của Đức Kitô bị bỏ rơi trong vườn Cây Dầu, đã có một tác động sâu sắc đến cuộc sống của cô. Là một người rất thích chơi quần vợt, bơi lội và đi bộ đường dài. Vào mùa hè năm 1988, sau những cơn đau dai dẳng ở vai, bác sĩ chẩn đoán mắc phải một hình thức ung thư xương hiếm gặp ở giai đoạn cuối.

Từ những lần điều trị sau đó, Chiara bắt đầu sống trong sự kết hợp tuyệt vời với Chúa Giêsu và vui tươi làm chứng Tin Mừng cho cha mẹ, bạn bè, và các bác sĩ tại bệnh viện ở Turin. Vào tháng 05.1990, cô xin ngừng điều trị để trở về nhà, và qua đời 5 tháng sau đó, mồng 07.10. Chiara được phong chân phước vào ngày 25.09.2010, lễ mừng vào ngày 29.10.

Biểu tượng: Cây vợt tennis và dây ruy băng

Không ngại thử thách khi chơi một môn thể thao đòi hỏi sức bền như quần vợt, nhưng thách đố lớn nhất mà Chiara phải đối diện là căn bệnh ung thư – biểu tượng bằng một dây ruy băng – mà Chiara đã chịu đựng bằng tình yêu và nụ cười lan toả.

Lời nguyện:

Lạy Cha nhân từ vô biên, nhờ công nghiệp của Con Cha và hồng ân Chúa Thánh Thần, Cha đã ban cho Chân phước Chiara Badano một tình yêu nồng nàn, xin biến đổi sâu xa tâm hồn chúng con, để noi gương thánh nhân, chúng con luôn biết chu toàn thánh ý Cha với niềm tin tưởng thanh thản, biến Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 thành dịp gặp gỡ Đức Kitô. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

13. Chân Phước Carlo Acutis

Chân phước Carlo Acutis sinh ngày mồng 03.05.1991. Ngay từ khi còn rất nhỏ, cậu đã bộc lộ năng khiếu tuyệt vời về máy tính, một tài năng mà cậu đã sử dụng để phục vụ người khác và phổ biến các nội dung giáo dục Kitô hữu, chẳng hạn như truyền bá lòng yêu mến Mẹ Maria và sùng kính phép Thánh Thể. Vào tháng 09.2006, với các triệu chứng ban đầu, cậu được chẩn đoán là mắc bệnh bạch cầu tối cấp. Với thời gian ít ỏi còn lại, cậu đã biến nỗi đau khổ của mình thành một lễ vật dâng cho Chúa với niềm tin tưởng hoàn toàn. Carlo Acutis qua đời ngày 12.10.2006 khi mới 15 tuổi, 4 năm sau được phong chân phước, ngày 10.10.2020, và lễ mừng được cử hành vào ngày 12.10.

Biểu tượng: Bàn phím máy vi tính

Với năng khiếu về máy tính, Carlo đã biến chiếc máy vi tính thành một công cụ phục vụ Chúa, và Internet thành một cách thức để loan báo Tin Mừng, truyền bá tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể.

Lời nguyện:

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, qua cuộc đời của Chân phước Carlo Acutis, Chúa đã cho thấy sự phong phú khôn lường của Bí tích Thánh Thể và biến thánh nhân thành gương mẫu cho giới trẻ và chứng nhân của lòng thương xót đối với người nghèo. Nhờ lời ngài nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con luôn sống kết hiệp với Chúa, nhận ra Chúa nơi những anh chị em mà chúng con gặp trên đường, và mau mắn bước tới để gặp gỡ từng người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

* * *

13 Vị Thánh bảo trợ của ĐHGTTG Lisbon 2023, dù mỗi vị với địa vị, hoàn cảnh, môi trường sống của riêng mình, nhưng đều cho thấy rằng Đức Kitô luôn hiện diện, luôn lan toả sức sống cứu độ và Tin Mừng tình yêu của Người nơi người trẻ ở mọi thời đại.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: lisboa2023.org (18. 05. 2022) và  lisboa2023.org