Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho Đại hội của các Hội Giáo hoàng truyền giáo năm 2024

Sáng ngày 25.05, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Đại hội của các Hội Giáo hoàng truyền giáo buổi tiếp kiến riêng. Đại hội thường niên do Phân bộ Loan báo Tin mừng tổ chức từ ngày 24-31.05.2024 tại Sacrofano, gần Rôma, quy tụ các đại biểu từ hơn 120 quốc gia trên khắp 5 Châu lục. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN CỦA CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO

Dinh Tông toà

Thứ Bảy, ngày 25 tháng 05 năm 2024

Thưa Đức Hồng y, Thưa quý Tổng Giám mục,

Thưa Quý Giám đốc quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.

Thưa quý cộng sự của Phân bộ Loan báo Tin mừng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi nồng nhiệt chào đón tất cả anh chị em đến từ hơn 120 quốc gia trên khắp 5 Châu lục để tham dự Đại hội thường niên của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo (Pontifical Mission Societies). Tôi xin chào Đức Hồng y Tagle, Đức Tổng Giám mục Nwachukwu, Thư ký Phân bộ, và Đức Tổng Giám mục Nappa, Phụ tá Thư ký Phân bộ và Chủ tịch của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo cùng với 4 vị Tổng Thư ký.

Đang ở trước Lễ Trọng Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa: một mầu nhiệm tình yêu tự hiến, trao ban và tận hiến hoàn toàn vì phần rỗi nhân loại. Chính khi chiêm ngắm công cuộc cứu độ này, chúng ta khám phá ra 3 đặc điểm cơ bản của sứ mạng thần linh đã hiện diện ngay từ đầu: hiệp thông, sáng tạo và kiên trì. Chúng ta hãy suy tư về những từ khóa này, vốn là những từ có liên quan đến Giáo hội trong tình trạng truyền giáo lâu dài của mình, và đặc biệt đối với các Hội Truyền giáo của chúng ta, hiện đang được mời gọi đổi mới để phục vụ ngày càng hiệu quả hơn.

Trước hết, sự hiệp thông. Khi chiêm ngắm Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy Thiên Chúa là sự hiệp thông giữa các ngôi vị, một mầu nhiệm của tình yêu. Một tình yêu mà với tình yêu này Thiên Chúa đến để tìm kiếm và cứu độ chúng ta, bắt nguồn từ việc Ngài là Một và Ba Ngôi, cũng là nền tảng của bản chất truyền giáo của Giáo hội lữ hành trên trần gian (x. Thông điệp Redemptoris Missio, 1; Sắc lệnh Ad Gentes, 2). Từ viễn tượng này, chúng ta được mời gọi sống linh đạo hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của mình. Sứ mạng Kitô giáo không phải là truyền tải chân lý trừu tượng hoặc xác tín tôn giáo nào đó, nhưng trước hết và quan trọng nhất là giúp những người mà chúng ta gặp gỡ có được trải nghiệm nền tảng về tình yêu của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu chúng ta là những chứng nhân sáng ngời phản chiếu tia sáng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, người ta sẽ có thể khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta và trong đời sống của Giáo hội.

Vì vậy, tôi mời gọi mọi người hãy lớn lên trong linh đạo hiệp thông truyền giáo này, vốn là nền tảng của lộ trình hiệp hành hiện nay của Giáo hội. Tôi đã nhấn mạnh điều này trong Tông Hiến Praedicate Evangelium và bây giờ tôi cũng nhắc lại điều đó, đặc biệt khi anh chị em đang nỗ lực đổi mới Quy chế của mình. Vì cuộc hành trình hoán cải truyền giáo là cần thiết đối với mọi người, nên điều quan trọng là phải cung cấp những cơ hội cho việc đào tạo cả cá nhân lẫn cộng đoàn để phát triển trong chiều kích linh đạo truyền giáo của sự “hiệp thông”. Thật vậy, sứ mạng của Giáo hội có mục đích là “làm cho mọi người nhận biết và sống sự hiệp thông ‘mới mẻ’ mà Con Thiên Chúa làm người đã đưa vào lịch sử thế giới” (Tông hiến Praedicate Evangelium, I, 4; Tông huấn Christifideles Laici, 30.12.1988, số 32). Chúng ta đừng quên rằng lời mời gọi hiệp thông bao hàm một phong cách hiệp hành: đó là cùng nhau bước đi, cùng lắng nghe nhau, và cùng tham gia đối thoại. Điều này mở rộng con tim chúng ta và nuôi dưỡng tầm nhìn ngày càng phổ quát như đã được nhấn mạnh khi thành lập Hội Truyền bá Đức tin: “Chúng ta không được chỉ nghĩ đến sứ vụ này hay sứ vụ  kia nói riêng, nhưng đến tất cả các sứ vụ và sáng kiến truyền giáo trên khắp thế giới” (x. Mons. Christiani và J. Servel, Marie-Pauline Jaricot, 39).

Từ khoá thứ hai tôi muốn đề xuất đó là tính sáng tạo. Bắt nguồn từ sự hiệp thông Ba Ngôi, chúng ta được dự phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng đổi mới mọi sự (x. Kh 21,5). Chúng ta cũng được tham gia vào tính sáng tạo này. Tôi muốn chia sẻ hai điều về tính sáng tạo. Trước hết, tính sáng tạo gắn liền với sự tự do của chính Thiên Chúa và được ban cho chúng ta trong Đức Kitô và trong Thánh Thần. Thật vậy, “ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3,17). Chúng ta không được cho phép mình bóp nghẹt tính tự do sáng tạo của việc truyền giáo! Thứ đến, như Thánh Maximilian Maria Kolbe, nhà thừa sai dòng Phanxicô tại Nhật Bản và là vị tử đạo vì bác ái, đã nói: “chỉ có tình yêu mới sáng tạo”. Vì vậy, chúng ta hãy nhớ rằng tính sáng tạo của Tin Mừng xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, và mọi hoạt động truyền giáo đều mang tính sáng tạo đến mức đức ái của Đức Kitô là nguồn gốc, hình thức và cùng đích của nó. Vì thế, với trí tưởng tượng vô tận, đức ái truyền cảm hứng cho những cách thức mới để loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người nghèo nhất, và đức ái cũng được thể hiện qua các khoản quyên góp truyền thống dành cho các quỹ liên đới phổ quát cho các sứ vụ. Để đạt mục tiêu này, chúng ta phải thúc đẩy những việc quyên góp này, đồng thời khám phá những cách thức mới để khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, các nhóm và các tổ chức muốn hỗ trợ các nỗ lực truyền giáo của Giáo hội như một cách bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với những hồng ân nhận được từ Chúa.

Từ khoá thứ ba và cuối cùng là sự kiên trì, tức là sự kiên định và kiên cường trong mục đích và hành động. Chúng ta cũng hãy chiêm ngưỡng đặc tính này nơi tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng, để hoàn thành kế hoạch cứu độ, với lòng trung thành liên lỉ, đã sai các tôi tớ của Ngài xuyên suốt lịch sử và, vào thời viên mãn, đã trao hiến mình nơi Chúa Giêsu Kitô. Sứ mạng thần linh “là hăng hái ra đi đến với mọi người, nam cũng như nữ, để mời gọi họ gặp gỡ Thiên Chúa và sống hiệp thông với Ngài. Không mỏi mệt! Về phần mình, Giáo hội trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận từ Chúa, sẽ tiếp tục ra đi đến tận cùng trái đất, ra đi rồi lại mải miết ra đi, không bao giờ mệt mỏi hay chán nản trước các khó khăn và trở ngại” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2024).

Vì vậy, chúng ta được mời gọi kiên định và kiên cường trong mục đích và hành động. Anh chị em trong các Hội Giáo hoàng truyền giáo tiếp xúc với nhiều thực tế, tình huống, và biến cố khác nhau vốn là một phần của những thăng trầm của đời sống Giáo hội hoàn vũ. Vì vậy, mặc dù anh chị em có thể gặp phải vô số thách đố, tình huống phức tạp, gánh nặng và mệt mỏi đi kèm với đời sống giáo hội, nhưng đừng nản lòng! Hãy có đôi mắt, con tim và, cho phép tôi nói là “sự tinh tế”, để, ngay cả giữa muôn vàn khó khăn, anh chị em có thể nhận ra công trình của Thiên Chúa, những hồng ân an ủi và chữa lành mà Ngài ban tặng, cũng như việc âm thầm gieo trồng sự thánh thiện tuy không nhìn thấy nhưng lại sinh hoa kết quả. Bằng việc tập trung vào những khía cạnh tích cực và niềm vui đến từ việc chiêm ngưỡng công trình của Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết làm thế nào để đối diện với những tình huống khó khăn với sự kiên nhẫn, tránh được sự thụ động và tinh thần chủ bại. Với sự kiên cường và kiên định, hãy tiến bước trong Chúa!

Anh chị em thân mến, một lần nữa tôi xin cảm ơn anh chị em, cùng với các cộng sự viên, vì sự quảng đại và tận tâm của anh chị em trong việc thúc đẩy trách nhiệm loan báo Tin Mừng của các tín hữu, nhất là trong việc chăm sóc trẻ em của Hội nhi đồng Truyền giáo. Xin Đức Mẹ cầu bầu cho anh chị em. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (25. 05. 2024)