Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ giới trẻ tại “Đại học Công giáo Bồ Đào Nha”

Trong cuộc gặp gỡ các sinh viên của “Đại học Công giáo Bồ Đào Nha”, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng mạo hiểm, nhấn mạnh rằng học vị không chỉ được coi là bằng cấp để theo đuổi hạnh phúc cá nhân, nhưng còn là nhiệm vụ cống hiến cho một xã hội công bằng và bao gồm hơn, tức là tiến bộ hơn.

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
GẶP GỠ SINH VIÊN ĐẠI HỌC
“Đại học Công giáo Bồ Đào Nha” (Lisbon)
Thứ năm, ngày 3 tháng 8 năm 2023

Chào anh chị em, bom dia!

Cám ơn bà Hiệu trưởng vì những lời tốt đẹp của bà. Bà nói rằng tất cả chúng ta đều cảm thấy như “những người hành hương”. Đó là những lời đẹp, đáng suy tư. Trở thành một người hành hương theo nghĩa đen là gác lại những thói quen hàng ngày của chúng ta và chọn bắt đầu một con đường khác, rời khỏi vùng an toàn để hướng tới một chân trời ý nghĩa mới. Khái niệm “hành hương” mô tả thân phận con người chúng ta, giống những người hành hương, chúng ta thấy mình đối diện với những câu hỏi lớn không có câu trả lời đơn giản hoặc ngay lập tức, nhưng thách đố chúng ta tiếp tục hành trình, vượt lên trên chính mình để tiến xa hơn. Đó là một quá trình quen thuộc đối với mọi sinh viên đại học, bởi vì đây là cách khoa học được sinh ra. Và đó cũng là cách hành trình thiêng liêng bắt đầu. Chúng ta thận trọng với những câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng, những giải pháp đơn giản giúp giải quyết mọi vấn đề nhưng không để lại chỗ cho những câu hỏi sâu sắc hơn. Một trong những dụ ngôn của Chúa Giêsu sử dụng là về viên ngọc quý, chỉ những người khôn ngoan và sáng tạo mới tìm được, bởi vì ai sẵn sàng cho đi tất cả và mạo hiểm tất cả những gì mình có thì mới có được nó (Mt 13, 45-46). Tìm kiếm và mạo hiểm: đây là những động từ diễn tả hành trình của những người hành hương.

Như Pessoa đã từng lưu ý, một cách buồn bã nhưng đúng đắn: “Không hài lòng là con người” (Mensagem, O Quinto Império). Chúng ta không sợ hãi khi cảm thấy bồn chồn, khi nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm là chưa đủ. Không hài lòng, theo nghĩa này và ở mức độ phù hợp, là một liều thuốc giải độc tốt cho tính tự mãn và tự ngưỡng mộ mình. Thân phận chúng ta, những người tìm kiếm và hành hương có nghĩa là chúng ta sẽ luôn cảm thấy không yên, vì như Chúa Giêsu nói với chúng ta, chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17,16). Chúng ta sẽ không bao giờ có thể bay lên trừ khi chúng ta thực hiện chuyến bay đầu tiên. Vì vậy, đừng hoảng hốt nếu chúng ta cảm nhận một cơn khát bên trong, một khao khát không ngừng nghỉ, khao khát ý nghĩa và một tương lai, com saudades do futuro! Chúng ta đừng để mình bị hôn mê, nhưng luôn sống! Chúng ta chỉ nên lo lắng khi bị cám dỗ từ bỏ con đường phía trước để đến một nơi nghỉ ngơi mang lại ảo giác thoải mái, hoặc khi chúng ta thấy mình thay thế những khuôn mặt bằng những màn hình, thay thế thật bằng ảo, hoặc bằng lòng với những câu trả lời dễ dàng gây mê chúng ta trước những câu hỏi xé lòng.

Các bạn thân mến, hãy tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng mạo hiểm. Tại thời điểm này, thế giới của chúng ta phải đối diện với những thách đố lớn, và chúng ta nghe thấy lời cầu xin đau đớn của rất nhiều anh chị em của chúng ta. Nhưng chúng ta hãy can đảm để nhìn thế giới không phải trong cơn hấp hối, nhưng là trong một quá trình sinh nở, không phải ở phần cuối, nhưng là ở phần đầu của một chương mới tuyệt vời của lịch sử.

Vì vậy, hãy là những nhân vật chính của một “vũ điệu” mới, tôn trọng sự sống, đặt con người vào trung tâm. Những lời của bà Hiệu trưởng đã truyền cảm hứng cho tôi, đặc biệt khi bà nói rằng “trường đại học không tồn tại để bảo vệ mình như một tổ chức, nhưng để can đảm ứng phó với những thách đố của hiện tại và tương lai”. Tự bảo vệ luôn là một cám dỗ, một phản ứng tức thời trước nỗi lo sợ, khiến chúng ta nhìn thực tế một cách sai lệch. Nếu hạt giống tự bảo vệ nó thì nó sẽ hoàn toàn lãng phí sức mạnh sản sinh và khiến tất cả chúng ta chết đói. Nếu mùa đông kéo dài, chúng ta không thể có sự ngạc nhiên trước mùa xuân. Vì vậy, hãy can đảm thay thế những nghi ngờ bằng ước mơ. Hãy bắt tay thực hiện mục tiêu của mình.

Sẽ là lãng phí nếu nghĩ về một trường đại học cam kết đào tạo các thế hệ mới chỉ để duy trì hệ thống tinh hoa và bất bình đẳng hiện tại của thế giới, trong đó giáo dục đại học vẫn là đặc quyền của một số ít. Nếu tri thức không được đón nhận như một trách nhiệm, thì nó sẽ trở nên cằn cỗi. Nếu những người đã nhận được một nền giáo dục đại học – mà ngày nay, ở Bồ Đào Nha và trên thế giới, vẫn là một đặc ân – không nỗ lực để đáp lại những gì họ đã được hưởng, thì họ đã không hiểu hết những gì họ đã nhận được. Trong Sách Sáng thế, những câu hỏi đầu tiên Chúa hỏi con người là: “Ngươi đang ở đâu?” (St 3, 9) và “Em ngươi đâu?” (St 4,9). Chúng ta hãy tự hỏi: tôi đang ở đâu? Tôi đang đóng kín trong bong bóng của mình hay tôi có rời bỏ sự an toàn để trở thành một Kitô hữu thực sự, một nghệ nhân của công lý và cái đẹp? Và một lần nữa: Anh chị em tôi đâu? Kinh nghiệm phục vụ huynh đệ như Missão País và nhiều kinh nghiệm khác phát sinh trong các cộng đoàn hàn lâm phải được coi là điều cần thiết đối với những người đã theo đại học. Thực tế, văn bằng học vị không chỉ được coi là bằng cấp để theo đuổi hạnh phúc cá nhân, nhưng còn là nhiệm vụ cống hiến cho một xã hội công bằng và bao gồm hơn, tức là tiến bộ hơn. Tôi được biết một trong những thi sĩ vĩ đại của các bạn, Sophia de Mello Breyner Andresen, trong một cuộc phỏng vấn đã được hỏi: “Thi sĩ muốn thấy điều gì được thực hiện ở Bồ Đào Nha trong thế kỷ mới này?”. Bà đã trả lời không do dự: “Tôi muốn thấy công bằng xã hội được thực hiện, khoảng cách giàu nghèo giảm” (Entrevista de Joaci Oliveira, in Cidade Nova, nº 3/2001). Tôi cũng đặt câu hỏi này cho các bạn. Các bạn sinh viên thân mến, những người hành hương tri thức, các bạn muốn thấy điều gì được thực hiện ở Bồ Đào Nha và trên thế giới? Thay đổi gì, biến đổi gì? Và làm thế nào trường đại học, đặc biệt là trường Công giáo, có thể đóng góp vào đó?

Beatriz, Mahoor, Mariana và Tomás, cha cám ơn các con vì những lời chứng của các con. Tất cả những lời chứng này đều mang âm hưởng hy vọng, một sự nhiệt tình thực tế, không phàn nàn nhưng cũng không có những bước nhảy vọt lý tưởng. Các con muốn trở thành “nhân vật chính của sự thay đổi”, như Mariana đã nói. Cha nghĩ đến một câu nói quen thuộc của nhà văn José de Almada Negreiros: “Tôi đã mơ về một đất nước mà mọi người đều trở thành người thầy” (A Invenção do Dia Claro). Vị lớn tuổi này cũng nói với các bạn ước mơ thế hệ các bạn trở thành thế hệ của những người thầy. Những người thầy của nhân loại. Những người thầy của lòng trắc ẩn. Những người thầy về những cơ hội mới cho hành tinh và cư dân của nó. Những người thầy hy vọng.

Như một số bạn đã nhấn mạnh, chúng ta phải nhận ra tính cấp thiết bi thảm của việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện được nếu không có sự hoán cải con tim và sự thay đổi tầm nhìn nhân học làm nền tảng cho kinh tế và chính trị. Chúng ta không thể hài lòng với các biện pháp xoa dịu đơn thuần hoặc những thỏa hiệp rụt rè và mơ hồ. Trong trường hợp này “những biện pháp nửa vời đơn giản là trì hoãn thảm hoạ không thể tránh khỏi” (Thông điệp Laudato si’, n. 194). Trái lại, vấn đề là chịu trách nhiệm về những gì không may tiếp tục bị trì hoãn: sự cần thiết tái xác định những gì chúng ta gọi là tiến bộ và phát triển. Bởi vì, nhân danh sự tiến bộ, đã có quá nhiều sự thụt lùi. Các bạn có thể đảm nhận thách đố này. Các bạn có những công cụ khoa học và công nghệ tiên tiến nhất, nhưng đừng rơi vào cái bẫy của những cái nhìn cục bộ. Các bạn đừng quên rằng chúng ta cần một hệ sinh thái toàn diện, lắng nghe những đau khổ của hành tinh cùng với đau khổ của người nghèo. Chúng ta cần đặt thảm kịch sa mạc hóa song song với thảm kịch của người tị nạn; vấn đề di cư cùng với tỷ lệ sinh giảm; và nhìn chiều kích vật chất của cuộc sống vào tổng thể với chiều kích tâm linh. Không phải sự phân cực, nhưng là tầm nhìn tổng thể.

Cám ơn Tomás vì đã nhắc nhở chúng ta rằng “không thể có một hệ sinh thái toàn diện đích thực nếu không có Chúa, không thể có tương lai trong một thế giới không có Chúa”. Tôi muốn nói với các bạn rằng: hãy làm cho đức tin trở nên đáng tin qua những lựa chọn. Bởi vì nếu đức tin không tạo ra lối sống thuyết phục, thì nó sẽ không phải là men trong thế giới. Một Kitô hữu xác tín là chưa đủ, Kitô hữu phải là người có sức thuyết phục. Các hành động của chúng ta được mời gọi để phản ánh vẻ đẹp hân hoan và triệt để của Tin Mừng. Hơn nữa, Kitô giáo không thể sống như một pháo đài có tường bao quanh, dựng thành lũy chống lại thế gian. Vì vậy, tôi thấy chứng từ của Beatriz thật cảm động, khi bạn nói rằng chính “từ lĩnh vực văn hóa” mà bạn cảm thấy được kêu gọi sống Các Mối Phúc. Trong mọi thời đại, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các Kitô hữu là phục hồi ý thức nhập thể. Không có nhập thể, Kitô giáo trở thành một ý thức hệ; chính sự nhập thể cho phép người ta kinh ngạc trước vẻ đẹp mà Chúa Kitô tỏ lộ qua mỗi anh chị em, mỗi người nam và nữ.

Về vấn đề này, điều ý nghĩa là trong phân khoa mới dành cho “Kinh tế Phanxicô”, các bạn đã thêm hình ảnh thánh Clara. Sự đóng góp của nữ giới thực sự cần thiết. Kinh thánh cho thấy kinh tế gia đình phần lớn nằm trong tay phụ nữ. Họ là những người chủ thực sự của gia đình, với sự khôn ngoan không chỉ lấy lợi nhuận làm mục tiêu, nhưng là quan tâm, chung sống, hạnh phúc vật chất và tinh thần của mọi người, cũng như chia sẻ với người nghèo và khách lạ. Thật thú vị khi tiếp cận các nghiên cứu kinh tế từ góc độ này: với mục đích trả lại cho nền kinh tế phẩm giá xứng đáng, để nó không trở thành con mồi cho thị trường không thể kiểm soát và đầu cơ.

Sáng kiến ​​Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu và bảy nguyên tắc hình thành kết cấu của nó, bao gồm nhiều chủ đề này, từ việc chăm sóc ngôi nhà chung đến sự tham gia đầy đủ của phụ nữ, đến sự cần thiết tìm ra những cách hiểu mới về kinh tế, chính trị, tăng trưởng và tiến bộ. Tôi khuyến khích các bạn nghiên cứu Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu  và say mê nó. Một trong những điểm Hiệp ước nói đến là giáo dục để đón nhận và hòa nhập. Chúng ta không thể giả vờ rằng chúng ta chưa nghe lời của Chúa Giêsu trong Matthêu chương 25: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón Ta” (c. 35). Tôi xúc động khi nghe lời chứng của Mahoor, khi bạn ấy mô tả cảm giác sống thường xuyên cảm thấy thiếu vắng gia đình, bạn bè…, không nhà, không trường đại học, không tiền…, mệt mỏi, kiệt sức và suy sụp vì đau buồn và mất mát. Mahoor nói với chúng ta rằng bạn ấy đã tìm lại được niềm hy vọng vì đã gặp một người tin vào sức mạnh biến đổi của nền văn hóa gặp gỡ. Mỗi khi ai đó thực hành một cử chỉ hiếu khách, nó sẽ tạo ra một sự biến đổi.

Các bạn thân mến, tôi rất vui khi thấy các bạn là một cộng đồng giáo dục sống động, mở ra với thực tế và với Tin Mừng, không phải là một vật trang trí, nhưng là nguồn cảm hứng cho các cá nhân và toàn thể. Tôi biết cuộc sống các bạn rất bận rộn, giữa học tập, bạn bè, phục vụ xã hội, trách nhiệm dân sự và chính trị, chăm sóc ngôi nhà chung, hoạt động nghệ thuật… Là một trường đại học Công giáo có nghĩa trước hết là: mỗi yếu tố đều liên quan đến tất cả và tất cả được tìm thấy trong các bộ phận. Khi các bạn có kiến thức và chuyên môn học thuật, các bạn sẽ trưởng thành như một người hiểu biết về bản thân và khả năng phân định con đường tương lai. Vì vậy, hãy tiến bước! Một truyền thống thời trung cổ kể rằng khi những người hành hương Camino de Santiago gặp nhau trên đường, họ chào nhau bằng cách kêu lên “Ultreia” và người kia đáp lại “et Suseia”. Những cách diễn đạt này khuyến khích chúng ta kiên trì tìm kiếm và chấp nhận mạo hiểm của cuộc hành trình, khuyên chúng ta: “Tiến lên xa hơn, cao hơn. Cố gắng lên, hãy tiến lên hơn nữa”. Các bạn thân mến, đó cũng là lời chúc và lời cầu nguyện chân thành của tôi dành cho tất cả các bạn.

Nguồn: vaticannews.va/vi