Diễn văn của ĐTC tại Quốc hội Hoa Kỳ: “Hãy làm cho những người khác những gì bạn muốn họ làm cho mình”

 

Thưa Phó Tổng thống,
Thưa Chủ tịch Hạ viện,
Thưa quý Thượng nghị sĩ, quý Dân biểu Quốc hội,
Các bạn thân mến,

Tôi hết lòng cảm ơn quý vị đã mời tôi phát biểu tại phiên họp Lưỡng viện “tại đất nước của tự do và quê hương của bậc can trường”[*]. Tôi muốn nghĩ tới một lý do đưa đến lời mời: tôi cũng là con của lục địa vĩ đại này, nơi đây tất cả chúng ta đều đã nhận được rất nhiều và chúng ta cùng san sẻ trách nhiệm chung đối với những gì đã lãnh nhận.
 
Người con nào của đất nước, dù nam hay nữ, cũng đều có sứ mạng, trách nhiệm cá nhân và xã hội. Trách nhiệm của quý vị, những thành viên Quốc hội, là qua hoạt động lập pháp của mình mà giúp cho quê hương này phát triển trên bình diện quốc gia. Quý vị là bộ mặt của người dân đất nước này, là những vị đại diện của dân chúng. Quý vị được kêu gọi bảo vệ và gìn giữ phẩm giá của của các công dân đồng hương của mình trong việc mưu tìm nền công ích một cách nghiêm cẩn, không hề mệt mỏi, bởi đây là mục tiêu chính của mọi nền chính trị. Một xã hội chính trị còn tồn tại khi còn tìm kiếm, như một ơn gọi, sự đáp ứng những nhu cầu chung bằng cách khuyến khích mọi thành phần trong xã hội đều phát triển, nhất là đối với những người đang sống trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương và gặp nguy cơ nhiều hơn. Hoạt động lập pháp luôn được đặt trên nền tảng trách nhiệm chăm sóc dân chúng. Để thực hiện điều đó, quý vị được kêu mời, kêu gọi và triệu tập bởi những người đã bầu mình lên.
 
Công việc của quý vị đang làm khiến tôi nghĩ đến hai khía cạnh nơi khuôn mặt ông Môsê. Một mặt, vị tổ phụ và nhà lập pháp của dân Israel là biểu tượng của nhu cầu dân chúng muốn được duy trì sự thống nhất của dân tộc mình bằng phương tiện luật pháp đúng đắn. Mặt khác, ông Môsê mang gương mặt của người đưa chúng ta đi thẳng tới Thiên Chúa, và như thế, đi tới phẩm giá siêu việt của con người. Ông Môsê mang lại cho chúng ta bản tổng hợp đích đáng về công việc quý vị đang đảm nhận: quý vị được yêu cầu phải dùng phương tiện pháp luật mà bảo vệ hình ảnh giống Thiên Chúa nơi gương mặt con người đã được Thiên Chúa tác tạo nên hình nên dạng.
 
Hôm nay tôi không những muốn ngỏ lời với quý vị, mà còn qua quý vị, nói cùng mọi người dân Hoa Kỳ. Nơi đây, cùng với các vị đại diện của dân chúng, tôi muốn nhân dịp này trao đổi với hàng ngàn người nam nữ đang ra sức mỗi ngày làm công việc hằng ngày thật trung thực, để nuôi sống gia đình, dành dụm tiền bạc và –từng chút từng chút một– xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình mình. Đó là những người nam nữ không chỉ bận tâm việc đóng thuế, mà còn lo toan việc duy trì đời sống xã hội theo cách của mình. Họ đang tạo ra sự liên đới bằng những hành động của mình, và lập ra những tổ chức giúp đỡ những người túng thiếu nhất.
 
Tôi cũng muốn tham gia cuộc đối thoại với nhiều người lớn tuổi, họ là kho tàng khôn ngoan rèn đúc từ trải nghiệm cuộc sống, và bằng nhiều cách thức, nhất là qua việc làm thiện nguyện, họ tìm cách chia sẻ những câu chuyện và cách nhìn của mình. Tôi biết nhiều người đã về hưu nhưng vẫn tích cực hoạt động, vẫn làm việc xây dựng đất nước này. Tôi cũng muốn nói chuyện với tất cả những người trẻ đang làm việc để thực hiện những hoài bão lớn lao và cao quý, họ là những người không để cho những mời mọc dễ dãi dẫn mình đi lạc lối, và họ đang phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn, thường là do sự non nớt từ nhiều người lớn. Tôi muốn trò chuyện với tất cả quý vị, và mong được trò chuyện qua ký ức lịch sử của người dân đất nước quý vị.
 
Chuyến viếng thăm của tôi diễn ra vào thời điểm mọi người nam nữ thiện chí mừng kỷ niệm một số vĩ nhân Hoa Kỳ. Mặc dù có những phức tạp của lịch sử và thực tế yếu đuối của con người, nhưng những người nam nữ này, bất chấp những dị biệt và giới hạn, vẫn chăm chỉ và hy sinh –có người đã trả giá bằng mạng sống mình– để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Họ hình thành những giá trị căn bản sẽ tồn tại mãi trong tinh thần người dân Hoa Kỳ. Người mang tinh thần này có thể đương đầu với những khủng hoảng, căng thẳng và xung đột, đồng thời vẫn luôn tìm kiếm những nguồn lực để tiến tới phía trước, và thực hiện điều đó với phẩm giá của mình. Những người nam nữ này mang lại cho chúng ta một cách nhìn và giải thích hiện thực. Tôn vinh ký ức về họ, dù giữa những xung đột, và trong cuộc sống cụ thể hằng ngày, chúng ta vẫn được thúc đẩy phải khai thác kho dự trữ văn hoá sâu xa nhất của mình.
 
Tôi muốn nói đến bốn trong số các vĩ nhân Hoa Kỳ: Abraham Lincoln, Martin Luther King, Dorothy Day và Thomas Merton.
 
Năm nay đánh dấu 150 năm vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln. Ông là người bảo vệ nền tự do, người làm việc không mệt mỏi để “đất nước này, dưới sự hướng dẫn của Chúa, nền tự do [cần] được tái sinh”. Xây dựng tương lai tự do đòi phải có tình yêu đối với công ích trong tinh thần bổ trợ và liên đới.
 
Tất cả chúng ta đều hoàn toàn ý thức, đồng thời rất lo lắng, về tình hình chính trị xã hội đáng lo ngại hiện nay của thế giới. Thế giới chúng ta ngày càng trở thành nơi của xung đột bạo lực, hận thù và tội ác man rợ diễn ra kể cả nhân danh Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết không một tôn giáo nào lại có thể miễn nhiễm trước các kiểu ảo tưởng mang tính cá nhân hoặc chủ nghĩa cực đoan mang tính ý thức hệ. Nghĩa là chúng ta phải đặc biệt chú ý tới mọi loại giáo điều chủ nghĩa, dù tôn giáo hoặc bất kỳ loại nào khác. Cần phải có sự cân bằng khéo léo để chống lại việc sử dụng bạo lực nhân danh tôn giáo, ý thức hệ hoặc hệ thống kinh tế, đồng thời cũng phải bảo vệ tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và các quyền tự do cá nhân. Còn một cám dỗ khác chúng ta phải đặc biệt đề phòng: chủ nghĩa giảm trừ thô thiển, chỉ thấy thiện hoặc chỉ thấy ác; hoặc, nếu muốn nói thêm, chính trực hoặc tội lỗi. Thế giới ngày nay, với những vết thương lộ rõ, tác động đến nhiều anh chị em chúng ta, đòi chúng ta phải đương đầu với mọi kiểu phân cực, chia thế giới thành hai chiến tuyến. Chúng ta biết, khi cố gắng thoát khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể sa vào việc nuôi dưỡng kẻ thù bên trong. Bắt chước lòng hận thù và bạo lực của các bạo chúa cùng những kẻ giết người là cách tốt nhất thế vào chỗ của chúng. Đó chính là điều mà quý vị, cũng như nhân dân, khước từ. 
 
Hơn nữa chúng ta phải đáp lại bằng hy vọng và chữa lành, bằng hoà bình và công lý. Chúng ta được yêu cầu phải lấy hết can đảm và khôn ngoan để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng địa chính trị và kinh tế ngày nay. Ngay cả trong thế giới phát triển, những ảnh hưởng của các cấu trúc và hành động bất công đều quá rõ ràng. Những nỗ lực của chúng ta phải nhắm đến việc khôi phục niềm hy vọng, chỉnh đốn những sai lầm, duy trì những cam kết và cổ võ việc mang lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi người và mọi dân tộc. Chúng ta phải cùng nhau bước tới phía trước, đoàn kết lại, canh tân tinh thần huynh đệ và liên đới, quảng đại hợp tác vì lợi ích chung.
 
Những thách đố chúng ta đang đối mặt đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tinh thần hợp tác, tinh thần này đã được thể hiện rất tốt đẹp suốt lịch sử Hoa Kỳ. Tính chất phức tạp, mức độ nghiêm trọng và tính cấp bách của những thách đố này đòi hỏi chúng ta phải huy động nguồn lực và khả năng của mình, đồng thời buộc chúng ta phải tìm cách giúp đỡ nhau, với sự tôn trọng những khác biệt và những xác tín lương tâm của chúng ta.
 
Tại đất nước này, các tôn giáo khác nhau đã đóng góp to lớn vào việc xây dựng và củng cố xã hội. Ngày nay, cũng như trong quá khứ, điều quan trọng là tiếng nói của niềm tin tiếp tục được lắng nghe, vì đó là tiếng nói của tình huynh đệ và tình yêu, tiếng nói đó cố gắng diễn tả điều tốt đẹp nhất nơi mỗi con người và trong từng xã hội. Sự hợp tác đó là nguồn lực mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu loại bỏ mọi hình thức nô lệ mới trên khắp thế giới, hình thức này phát sinh từ những bất công nghiêm trọng và chỉ có thể khắc phục bằng những quyết sách mới và những hình thức đồng thuận mới trong xã hội.
 
Đến đây tôi nghĩ đến lịch sử chính trị của Hoa Kỳ, tại đây nền dân chủ đã bén rễ sâu trong tâm trí nhân dân Hoa Kỳ. Mọi hoạt động chính trị đều phải phục vụ và cổ võ sự thiện của con người và dựa trên sự tôn trọng phẩm giá con người, nam và nữ. “Chúng tôi quả quyết những chân lý này là hiển nhiên, đó là mọi người được sinh ra bình đẳng, được Tạo Hoá ban cho những quyền không ai có thể xâm phạm, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập, ngày 4 tháng Bảy 1776). Nếu chính trị phải thực sự phục vụ con người, thì tiếp theo, nó không thể làm nô lệ cho kinh tế và tiền bạc. Vì thế, chính trị là một cách diễn đạt nhu cầu bức thiết của con người là được sống đồng thuận, để đồng lòng xây dựng lợi ích chung lớn lao nhất: lợi ích của cộng đồng biết hy sinh những lợi ích riêng để chia sẻ, trong công lý và hoà bình, những của cải, lợi ích, đời sống xã hội của cộng đồng. Tôi không xem nhẹ những khó khăn liên quan đến chính trị, nhưng tôi mong quý vị hãy cố gắng.
 
Đến đây tôi lại nghĩ đến cuộc tuần hành do Martin Luther King dẫn đầu, từ Selma đến Montgomery 50 năm trước đây, là một phần của cuộc tranh đấu nhằm thực hiện “giấc mơ” về những quyền đầy đủ của người Mỹ gốc Phi về dân sự và chính trị. Giấc mơ đó tiếp tục thôi thúc tất cả chúng ta. Tôi vui mừng vì nước Mỹ đối với nhiều người vẫn là miền đất của “những ước mơ”. Ước mơ đưa đến hành động, tham gia, dấn thân. Ước mơ khơi lên những gì sâu thẳm và chân thật nhất trong đời sống của một dân tộc.
 
Những thế kỷ gần đây, hàng triệu người đã đến đất nước này để theo đuổi những ước mơ xây dựng tương lai trong tự do. Chúng ta, những người dân của châu lục này, không sợ các kiều dân, vì phần lớn trong chúng ta đã từng là kiều dân. Nói điều này với quý vị với tư cách là con của di dân, tôi biết rất nhiều người trong quý vị cũng là miêu duệ của những di dân. Đáng buồn là, những người ở đây trước chúng ta đã lâu từng không được tôn trọng các quyền. Từ trái tim của nền dân chủ Mỹ, tôi muốn được nhắc lại lòng quý trọng và sự ngưỡng mộ đối với những người dân này và các quốc gia của họ. Những tiếp xúc đầu tiên thường nặng nề và căng thẳng, nhưng lấy tiêu chí ngày nay mà phán xét thời xưa thì thật khó. Tuy nhiên, khi người lạ ở giữa chúng ta lên tiếng kêu cầu, thì chúng ta không được lặp lại những tội ác và sai lầm trong quá khứ. Chúng ta phải giải quyết ngay lúc này để biểu lộ lòng cao thượng và công bình hết sức có thể, vì chúng ta đã từng dạy thế hệ trẻ đừng quay lưng với “những người hàng xóm” và những điều đang diễn ra chung quanh mình. Việc xây dựng quốc gia mời gọi chúng ta hãy nhận ra mình phải thường xuyên giữ mối liên hệ với mọi người, loại bỏ kiểu suy nghĩ đối đầu để tiếp nhận tinh thần cùng bổ túc cho nhau, trong một nỗ lực không ngừng làm những điều tốt đẹp nhất. Tôi tin chúng ta có thể làm được như vậy.
 
Thế giới chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Sự kiện này mang lại những thách thức lớn và nhiều quyết định thật khó khăn. Tại lục đia này cũng vậy, hàng ngàn người đi lên phía bắc tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và cho những người thân yêu, tìm những cơ hội lớn hơn. Phải chăng đây là điều chúng ta không mong xảy đến cho con cái mình? Chúng ta không nên nhìn vào con số những người dân này, mà hãy nhìn họ là những con người, nhìn vào gương mặt họ và nghe những câu chuyện của họ, cố gắng đáp ứng ngần nào có thể trước hoàn cảnh của họ. Hãy luôn đáp ứng một cách nhân bản, đúng đắn và huynh đệ. Cần tránh khuynh hướng phổ biến hiện nay: tránh xa những gì gây phiền phức. hãy nhớ Quy tắc Vàng: “Hãy làm cho những người khác những gì bạn muốn họ làm cho mình” (Mt 7,12)
 
Quy tắc này chỉ cho chúng ta một hướng đi rõ ràng: Chúng ta hãy cư xử với người khác bằng nhiệt tình và sự cảm thông mà chúng ta muốn được đối xử. Chúng ta hãy tìm cho người khác những cơ hội như chúng ta tìm cho chính mình. Chúng ta hãy giúp người khác thăng tiến như chúng ta muốn mình được giúp đỡ. Tóm lại, nếu chúng ta muốn được an toàn, hãy cung cấp sự an toàn; mếu chúng ta muốn được sống, hãy trao ban sự sống; nếu chúng ta muốn có cơ hội, hãy tạo cơ hội cho người khác. Thước đo mà chúng ta dùng cho người khác sẽ là thước đo mà thời gian sẽ dùng cho chúng ta. Quy tắc Vàng này cũng nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mình là giữ gìn và bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn phát triển.
 
Niềm xác tín ấy đã hướng dẫn tôi, ngay từ những ngày đầu thi hành thừa tác vụ, vận động bãi bỏ án tử hình trên phạm vi toàn cầu, ở nhiều cấp độ. Tôi tin tưởng rằng việc bãi bỏ án tử hình là cách tốt nhất, vì mỗi cuộc sống đều là thánh thiêng, mỗi con người đều được phú ban một phẩm giá bất khả xâm phạm, và xã hội sẽ chỉ có thể hưởng lợi từ việc giúp những phạm nhân hoán cải. Mới đây các anh em giám mục của tôi ở Hoa Kỳ lại lên tiếng đòi bãi bỏ án tử hình. Không những tôi ủng hộ các vị ấy, mà còn khích lệ tất cả những ai tin rằng một hình phạt cần thiết và xác đáng không bao giờ được loại trừ hy vọng và mục tiêu phục hồi.
 
Trong giai đoạn này, khi mà các mối quan tâm xã hội rất quan trọng, tôi không thể không nhắc đến Vị Tôi tớ Chúa Dorothy Day – người sáng lập Phong trào Công nhân Công giáo. Những hoạt động xã hội của ngài, niềm say mê của ngài đối với công lý và chính nghĩa của những người bị áp bức, được lấy cảm hứng từ Phúc Âm, đức tin của mình, và tấm gương của các thánh.
 
Có biết bao tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực này ở rất nhiều nơi trên thế giới! Biết bao điều đã thực hiện được trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này để đưa con người thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực! Tôi biết quý vị cũng chia sẻ niềm xác tín của tôi rằng vẫn còn rất nhiều nhiều việc phải làm, và trong giai đoạn khủng hoảng và khó khăn về kinh tế này, không được đánh mất tinh thần đoàn kết toàn cầu. Đồng thời tôi cũng khuyến khích quý vị hãy nhớ đến tất cả những người xung quanh chúng ta đang vướng vào vòng lẩn quẩn nghèo đói. Họ cũng cần được hy vọng. Cuộc chiến chống lại nghèo đói phải diễn ra liên tục và trên nhiều mặt trận, đặc biệt là nơi các nguyên nhân của nó. Tôi biết rằng nhiều người Mỹ hiện nay, cũng như trong quá khứ, đang nỗ lực đối phó với vấn đề này.
 
Khỏi cần phải nói, một phần của nỗ lực to lớn này là việc làm ra và phân phối của cải. Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cách hợp lẽ, việc áp dụng công nghệ cách đúng đắn và khai thác tinh thần dũng cảm là những yếu tố thiết yếu của một nền kinh tế đang tìm cách trở nên hiện đại, toàn diện và bền vững. “Kinh doanh là một ơn gọi cao quý, hướng đến sản xuất của cải và cải thiện thế giới. Nó có thể là một nguồn hiệu quả tạo nên thịnh vượng cho khu vực mà nó hoạt động, nhất là khi nó coi việc tạo ra công ăn việc làm là phần thiết yếu trong việc phục vụ công ích” (Thông điệp Laudato Si’, 129). Công ích này cũng bao gồm trái đất, chủ đề chính của thông điệp tôi vừa mới viết, để “bước vào cuộc đối thoại với mọi người về ngôi nhà chung của chúng ta” (Thông điệp đã dẫn [Tđđd], 3). “Chúng ta cần có cuộc trò chuyện bao gồm hết mọi người, vì thách đố về môi trường mà chúng ta đang trải qua, cùng những căn nguyên về mặt nhân loại của nó, có liên quan và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta” (Tđđd, 14).
 
Trong Laudato Si’, tôi kêu gọi phải nỗ lực can đảm và có trách nhiệm để “chuyển hướng các bước đi của chúng ta” (Tđđd, 61), và để ngăn ngừa những hậu quả trầm trọng nhất của sự suy thoái môi trường do hoạt động của con người gây ra. Tôi tin rằng chúng ta có thể tạo ra được sự khác biệt và tôi chắc chắn rằng Hoa Kỳ – và Quốc hội này – đóng một vai trò quan trọng. Nay đã đến lúc phải có những hành động và chiến lược can đảm, nhằm thực hiện một “nền văn hoá chăm sóc” (Tđđd, 231) và “một lối tiếp cận toàn diện để chống lại đói nghèo, khôi phục phẩm giá cho người bị loại trừ, và đồng thời bảo vệ thiên nhiên” (Tđđd, 139). “Chúng ta có quyền tự do cần thiết để giới hạn và định hướng công nghệ” (Tđđd, 112); “để tìm ra những cách thế thông minh… nhằm phát huy và giới hạn sức mạnh của chúng ta” (Tđđd, 78); và để bắt công nghệ “phục vụ một thứ tiến bộ khác, một thứ tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn, toàn diện hơn” (Tđđd, 112). Về mặt này, tôi tin rằng các tổ chức giảng dạy và nghiên cứu xuất sắc của Hoa Kỳ có thể có những đóng góp quan trọng trong những năm tới.
 
Một thế kỷ trước, khi nổ ra Thế Chiến I, mà Đức giáo hoàng Bênêđictô XV gọi là “cuộc tàn sát vô nghĩa”, một người Hoa Kỳ nổi tiếng khác đã ra đời: đó là Thomas Merton, đan sĩ Dòng Xitô. Ông vẫn còn là một nguồn cảm hứng thiêng liêng và một hướng dẫn cho nhiều người. Trong cuốn tự thuật của mình, ông viết: “Tôi sinh ra đời. Bản tính vốn tự do, theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng tôi lại là tù nhân của thói bạo lực và tính ích kỷ của chính mình, theo hình ảnh thế gian nơi tôi được sinh ra. Thế gian ấy là bức tranh Hoả ngục, đầy những người như tôi, yêu Chúa, nhưng lại ghét Người; sinh ra để yêu Chúa, nhưng lại sống trong nỗi lo sợ đói khát vô vọng tự mâu thuẫn với chính mình”. Trước hết Merton là một con người của cầu nguyện, một nhà tư tưởng dám thách thức các điều chắc chắn của thời đại mình và mở ra những chân trời mới cho các linh hồn và cho Giáo hội. Ông cũng là con người của đối thoại, người cổ võ cho hoà bình giữa các dân tộc và tôn giáo.
 
Từ quan điểm đối thoại này, tôi muốn ghi nhận những nỗ lực trong những tháng gần đây đã giúp vượt qua những khác biệt lịch sử liên quan đến những giai đoạn đau đớn trong quá khứ. Tôi có bổn phận bắc những cây cầu và giúp mọi người cũng làm như vậy, bằng mọi cách. Khi các quốc gia từng có tranh chấp với nhau nối lại con đường đối thoại –cuộc đối thoại có thể đã bị gián đoạn vì những lý do chính đáng nhất– thì cơ hội mới lại mở ra cho mọi phía. Điều này đã và đang đòi hỏi lòng dũng cảm và táo bạo, không như thói vô trách nhiệm. Một nhà lãnh đạo chính trị tốt là người biết nghĩ đến lợi ích của mọi người để nắm bắt thời cơ trong tinh thần cởi mở và thực tiễn. Một nhà lãnh đạo chính trị tốt luôn quan tâm tới việc khởi động các tiến trình hơn là chiếm hữu không gian (x. Evangelii Gaudium, 222-223).
 
Phục vụ đối thoại và hoà bình cũng có nghĩa là thực sự quyết tâm giảm thiểu và, về lâu dài, chấm dứt nhiều cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới của chúng ta. Ở đây chúng ta phải tự hỏi: Tại sao các vũ khí giết người lại được bán cho những kẻ âm mưu gây biết bao đau khổ cho cá nhân và xã hội? Đáng buồn thay, câu trả lời, như chúng ta đều biết, đơn giản là vì tiền: đồng tiền ấy đẫm máu, và thường là máu của người vô tội. Trước sự im lặng đáng xấu hổ và đầy tội  lỗi này, chúng ta có nghĩa vụ đương đầu với vấn đề và chấm dứt nạn buôn bán vũ khí.
 
Bốn người con của đất nước này, ba nam và một nữ: bốn cá nhân với bốn giấc mơ: Lincoln, tự do; Martin Luther King, tự do trong đa nguyên và không loại trừ ai; Dorothy Day, công bằng xã hội và quyền con người; và Thomas Merton, khả năng đối thoại và mở ra cho Thiên Chúa.
 
Bốn đại diện của nhân dân Hoa Kỳ.
 
Tôi sẽ kết thúc chuyến viếng thăm đất nước của quý vị ở Philadelphia, tại đây tôi sẽ tham dự Đại hội Thế giới các Gia đình. Tôi mong rằng chủ đề gia đình là chủ đề trở đi trở lại trong suốt chuyến viếng thăm của tôi. Gia đình thật thiết yếu biết bao trong việc xây dựng đất nước này! Và gia đình vẫn xứng đáng cho chúng ta giúp đỡ và khích lệ biết bao! Tuy nhiên, tôi không giấu được rằng tôi rất lo lắng cho gia đình, vốn đang bị đe dọa, có lẽ như chưa từng bao giờ bị đe đoạ, từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Những tương quan nền tảng đang bị đặt thành vấn đề, cũng như chính nền tảng của hôn nhân và gia đình. Tôi chỉ có thể nhắc lại tầm quan trọng, và trên hết, sự phong phú và vẻ đẹp của đời sống gia đình.
 
Đặc biệt, tôi muốn kêu gọi hãy lưu tâm đến những thành viên trong gia đình dễ bị tổn thương nhất, tức là những người trẻ. Đối với nhiều người trong số họ, một tương lai với biết bao khả năng đang chờ đón, nhưng rất nhiều người khác lại dường như mất phương hướng và chẳng còn mục tiêu, bị mắc kẹt trong một mê cung vô vọng của bạo lực, lạm dụng và tuyệt vọng. Vấn đề của họ cũng là vấn đề của chúng ta. Chúng ta không thể tránh né những vấn đề ấy. Chúng ta phải cùng nhau đối mặt với chúng, để bàn luận và tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn là sa vào những cuộc tranh cãi. Có thể có nguy cơ quá giản lược, nhưng phải nói rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hoá gây áp lực cho những người trẻ khiến họ không muốn lập gia đình, vì họ thiếu khả năng cho tương lai. Tuy nhiên, cũng chính nền văn hoá này lại đem đến cho những người trẻ khác rất nhiều chọn lựa khiến họ cũng không thiết xây dựng gia đình.
 
Một quốc gia có thể được coi là vĩ đại khi nó bảo vệ tự do như Lincoln đã làm, khi nó thúc đẩy một nền văn hoá cho phép con người “ước mơ” rằng anh chị em mình sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi, như Martin Luther King đã tìm cách làm; khi nó tranh đấu cho công lý và chính nghĩa của những người bị áp bức, như Dorothy Day đã làm qua những công việc không mệt mỏi của ngài, là hoa trái của một đức tin đã trở thành đối thoại và gieo sự bình an theo phong cách chiêm niệm của Thomas Merton.
 
Qua những nhận định trên đây, tôi đã tìm cách trình bày vài nét phong phú của di sản văn hoá của quý vị, của tinh thần của người dân Hoa Kỳ. Tôi mong rằng tinh thần này tiếp tục phát triển và lớn mạnh, để càng có nhiều người trẻ càng tốt được thừa hưởng và sống trong một đất nước đã truyền cảm hứng cho biết bao người mơ ước.
 
Xin Chúa chúc phúc cho Hoa Kỳ!
 
––––––––––––––––––––––––
 
* Lời quốc ca Hoa Kỳ: “the land of the free and the home of the brave”
Đức Thành chuyển ngữ
 
(Chú thích của người chuyển ngữ)
 
(Nguồn: WHĐ)