Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới XVI của Đức Giáo hoàng Phanxicô

DIỄN TỪ KHAI MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI XVI

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Vatican, ngày 09/10/2021

Anh chị em thân mến,

Cảm ơn anh chị em đã có mặt ở đây để khai mạc Thượng Hội đồng. Anh chị em đã đến từ nhiều con đường khác nhau và từ nhiều Hội Thánh khác nhau, mỗi người mang theo trong mình những thắc mắc và hy vọng. Tôi chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng để cùng nhau tiến về phía trước, lắng nghe nhau và bắt tay vào việc phân định về thời đại mà chúng ta đang sống, trong sự liên đới với những khó khăn và khát vọng của toàn thể nhân loại. Tôi muốn nhắc lại rằng Thượng Hội đồng không phải là một nghị trường hay một cuộc thăm dò ý kiến; Thượng Hội đồng là một biến cố mang tính Hội Thánh và nhân vật chính của nó là Chúa Thánh Thần. Nếu Chúa Thánh Thần không hiện diện, sẽ không có Thượng Hội đồng.

Ước gì chúng ta trải nghiệm Thượng Hội Đồng này theo tinh thần lời cầu nguyện sốt sắng của Chúa Giêsu với Chúa Cha nhân danh các môn đệ Người: “Để tất cả nên một” (Ga 17,21). Vì điều này mà chúng ta được mời gọi: hiệp nhất, hiệp thông, huynh đệ là những điều nảy sinh từ việc nhận thức rằng tất cả chúng ta đều được bao phủ bởi tình yêu duy nhất của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta, không có sự phân biệt, và đặc biệt chúng ta, những mục tử, như Thánh Cyprianô đã viết: “Chúng ta phải duy trì và giữ vững sự hiệp nhất này, trên hết là chính chúng ta, các giám mục, những người lãnh đạo trong Hội Thánh, để chứng tỏ rằng giám mục đoàn tự thân là một và không bị chi rẽ” (De Ecclesiae Catholicae Unitate, 5). Do đó, trong Dân duy nhất của Thiên Chúa, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước, để kinh nghiệm về một Hội Thánh đón nhận và sống ơn huệ hiệp nhất này, và mở ra với tiếng nói của Chúa Thánh Thần.

Thượng Hội đồng có ba từ chìa khóa: hiệp thông, tham dự và sứ vụ. Hiệp thông và sứ vụ là những thuật ngữ thần học diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh, mà chúng ta cần ghi nhớ. Công đồng Vaticanô II đã dạy cách rõ ràng rằng sự hiệp thông diễn tả chính bản chất của Hội Thánh, đồng thời, khẳng định rằng Hội Thánh đã nhận “sứ vụ rao truyền và thiết lập giữa mọi dân tộc vương quốc của Chúa Kitô và của Thiên Chúa, và Hội Thánh là mầm và sự khởi đầu của vương quốc ấy trên trần gian” (Lumen Gentium, 5). Với hai từ này, Hội Thánh chiêm ngưỡng và noi gương đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm hiệp thông ad intra (nội tại) và nguồn mạch của sứ vụ ad extra (ngoại tại). Sau một thời gian suy tư về giáo lý, thần học và mục vụ vốn là một phần của việc tiếp nhận Công đồng Vaticanô II, Thánh Phaolô VI đã tìm cách khai triển hai hạn từ này – hiệp thông và sứ vụ – “là những đường lối chính yếu do Công đồng phát biểu.” Khi kỷ niệm việc khai mạc Công đồng, ngài tuyên bố rằng đường lối chính của Công đồng quả thực là “sự hiệp thông, nghĩa là, sự gắn bó và viên mãn nội tâm, trong ân sủng, sự thật và sự cộng tác… và sứ vụ, tức là sự dấn thân tông đồ cho thế giới ngày nay” (Angelus, ngày 11 tháng 10 năm 1970), nó không phải là sự dụ dỗ cải đạo.

Năm 1985, khi kết thúc Thượng Hội đồng đánh dấu kỷ niệm hai mươi năm kết thúc Công đồng, Thánh Gioan Phaolô II cũng nhắc lại rằng bản chất của Hội Thánh là koinonia (hiệp thông), điều này làm phát sinh sứ vụ phục vụ của Hội Thánh như một dấu chỉ sự hiệp nhất mật thiết của gia đình nhân loại với Thiên Chúa. Ngài còn nói: “Thật là hữu ích nhất khi Hội Thánh cử hành các Thượng hội đồng thường lệ, đặc biệt, cũng như ngoại thường.” Những cử hành này cần phải được chuẩn bị chu đáo nếu muốn có kết quả: “Điều cần thiết là các Hội Thánh địa phương phải thực hiện sự chuẩn bị của mình với sự tham gia của tất cả mọi người” (Diễn văn Kết thúc Phiên họp ngoại thường lần thứ II của Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 7 tháng 12 năm 1985). Và điều này đưa chúng ta đến hạn từ thứ ba: tham gia. Các từ “hiệp thông” và “sứ vụ” có thể có nguy cơ còn hơi trừu tượng, trừ khi chúng ta trau dồi một sự thực hành mang tính Hội Thánh thể hiện tính cụ thể của tính hiệp hành ở mọi bước của cuộc hành trình và hoạt động của chúng ta, khi khuyến khích sự tham gia thực sự của mỗi người và tất cả mọi người. Tôi có thể nói rằng việc cử hành một Thượng Hội đồng luôn luôn là một điều tốt đẹp và quan trọng, nhưng nó thực sự có lợi nếu nó trở thành một sự diễn tả sống động “việc thuộc về Hội Thánh”, một cách hành động được đánh dấu bằng sự tham gia thực sự.

Đây không phải là vấn đề thuộc hình thức, mà là thuộc niềm tin. Việc tham gia là một đòi hỏi của đức tin nhận được trong phép Rửa Tội. Như Tông Đồ Phaolô nói: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13). Trong Hội Thánh, mọi thứ đều khởi đi từ phép Rửa Tội. Là nguồn gốc sự sống của chúng ta, Phép Rửa làm phát sinh phẩm giá bình đẳng của con cái Thiên Chúa, mặc dù có sự khác biệt của các thừa tác vụ và đặc sủng. Do đó, tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa, nói về hiệp thông có nguy cơ chỉ còn là một ước vọng đạo đức. Về vấn đề này, chúng ta đã tiến hành một số bước, nhưng vẫn còn một số khó khăn nhất định và chúng ta phải thừa nhận sự thất vọng và mất kiên nhẫn được cảm nhận bởi những người làm công tác mục vụ, những thành viên của các tổ chức của giáo phận và giáo xứ và bởi phụ nữ là những người thường xuyên còn ở ngoài rìa. Việc cho phép mọi người tham gia là một bổn phận thiết yếu của Hội Thánh! Tất cả những người đã được rửa tội, vì Phép Rửa là thẻ căn cước của chúng ta.

Trong khi cung cấp một cơ hội tuyệt vời để hoán cải mục vụ theo chiều hướng truyền giáo và đại kết, Thượng Hội đồng không được miễn trừ khỏi một số nguy cơ nhất định. Tôi sẽ đề cập đến ba trong số những điều này. Đầu tiên là chủ nghĩa duy hình thức (formalismo). Thượng Hội đồng có thể bị giảm thiểu thành một sự kiện ngoại thường, nhưng chỉ diễn ra bên ngoài; giống như việc chiêm ngưỡng mặt tiền tráng lệ của một nhà thờ mà không bao giờ thực sự bước vào bên trong. Mặt khác, Thượng Hội Đồng là một tiến trình phân định thuộc linh đích thực mà chúng ta thực hiện, không phải để chiếu lên hình ảnh tốt đẹp của chính chúng ta, nhưng để hợp tác hiệu quả hơn với công trình của Thiên Chúa trong lịch sử. Nếu chúng ta muốn nói về một Hội Thánh hiệp hành, chúng ta không thể chỉ thoả mãn với vẻ bề ngoài; chúng ta cần nội dung, phương tiện và cấu trúc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và tương tác trong Dân Chúa, đặc biệt là giữa các linh mục và giáo dân.

Tại sao tôi nhấn mạnh vào điều này? Bởi vì đôi khi có thể có một thứ giai cấp ưu tú nào đó (elitismo) trong chức linh mục khiến họ tách rời khỏi giáo dân; cuối cùng linh mục trở thành một “ông chủ” hơn là một mục tử của toàn thể cộng đoàn đang tiến bước. Điều này sẽ đòi hỏi phải thay đổi một số tầm nhìn về Hội Thánh chỉ từ trên xuống, méo mó và cục bộ, về chức vụ linh mục, vai trò giáo dân, trách nhiệm Hội Thánh, vai trò quản trị, v.v…

Nguy cơ thứ hai là chủ nghĩa duy tri thức (intellectualismo). Thực tại biến thành trừu tượng và với những suy nghĩ của mình, cuối cùng chúng ta lại đi theo hướng ngược lại. Điều này sẽ biến Thượng Hội đồng thành một loại nghiên cứu nhóm, đưa ra những cách tiếp cận uyên bác nhưng trừu tượng đối với các vấn đề của Hội Thánh và những xấu xa trong thế giới chúng ta. Những người bình thường nói những điều bình thường, chạy theo bề ngoài và trần tục, cuối cùng lại rơi vào những chia rẽ về ý thức hệ và đảng phái và không có tính thuyết phục, xa rời khỏi thực tại của Dân Chúa thánh thiện và đời sống cụ thể của các cộng đoàn trên khắp thế giới.

Cuối cùng là cám dỗ không muốn thay đổi (immobilismo), như người ta nói rằng: “Lúc nào chúng tôi cũng làm như thế” (Evangelii Gaudium, 33) và tốt hơn là không nên thay đổi. Câu nói “lúc nào chúng tôi cũng làm như thế” là liều thuốc độc cho đời sống của Hội Thánh. Những ai đi theo cách này, cả khi không hề ý thức, là đang rơi vào sai lầm khi không coi trọng thời đại mà chúng ta đang sống. Rút cuộc, nguy hiểm là áp dụng các giải pháp cũ cho các vấn đề mới. Vải mới vá vào áo cũ tạo thành vết rách nặng hơn (x. Mt 9,16). Vì thế, điều quan trọng là tiến trình hiệp hành phải chính xác là thế này: một tiến trình trở nên, một tiến trình liên quan đến các Hội Thánh địa phương, trong các giai đoạn khác nhau và từ dưới lên, trong một nỗ lực thú vị và hấp dẫn có thể tạo nên một phong cách hiệp thông và tham gia hướng đến sứ vụ.

Và vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy cảm nghiệm khoảnh khắc gặp gỡ, lắng nghe và suy tư này như một mùa ân sủng, trong niềm vui của Tin Mừng, cho phép chúng ta nhận ra ít nhất ba cơ hội. Đầu tiên, đó là việc cùng nhau tiến bước không phải cách ngẫu nhiên nhưng thuộc cấu trúc hướng tới một Hội Thánh hiệp hành, một quảng trường mở, nơi tất cả mọi người có thể cảm nhận như nhà mình và tham gia. Sau đó, Thượng Hội đồng cho chúng ta cơ hội để trở thành một Hội Thánh biết lắng nghe, thoát ra khỏi thói quen và tạm dừng các mối quan tâm mục vụ của chúng ta để dừng lại và lắng nghe. Để lắng nghe Thánh Thần trong sự tôn thờ và cầu nguyện. Ngày hôm nay chúng ta thiếu việc cầu nguyện tôn thờ biết bao; rất nhiều người đã đánh mất không chỉ thói quen mà còn cả ý tưởng về ý nghĩa của việc thờ phượng Thiên Chúa! Lắng nghe các anh chị em của chúng ta nói về hy vọng của họ và về những khủng hoảng đức tin hiện diện ở những nơi khác nhau trên thế giới, về nhu cầu canh tân của một đời sống mục vụ và về những tín hiệu mà chúng ta đang nhận được từ những người trên mặt đất. Cuối cùng, Thượng Hội đồng cung cấp cho chúng ta cơ hội để trở thành một Hội Thánh gần gũi. Chúng ta hãy tiếp tục trở lại “phong cách” riêng của Thiên Chúa, đó là gần gũi, thương xót và dịu dàng. Thiên Chúa luôn hành động theo cách đó. Nếu chúng ta không trở thành Hội Thánh gần gũi này với thái độ thương xót và dịu dàng, chúng ta sẽ không phải là Hội Thánh của Chúa. Không chỉ bằng lời nói, mà bằng một sự hiện diện có thể dệt nên những mối dây bằng hữu đẹp hơn với xã hội và thế giới. Một Hội Thánh không xa cách với cuộc sống, nhưng dìm mình trong các vấn đề và nhu cầu của ngày nay, băng bó vết thương và chữa lành những trái tim tan vỡ bằng sự an ủi của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên phong cách của Thiên Chúa, phong cách này phải giúp chúng ta: gần gũi, thương xót và dịu dàng.

Anh chị em thân mến, ước gì Thượng Hội đồng này trở thành một thời gian cư ngụ của Thánh Thần! Vì chúng ta cần Chúa Thánh Thần, hơi thở luôn luôn mới mẻ của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi sự khép kín, làm sống lại những gì đã chết, tháo cởi xiềng xích và lan tỏa niềm vui. Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn chúng ta đến nơi mà Thiên Chúa muốn chúng ta đến, chứ không phải đến nơi mà ý tưởng và sở thích cá nhân của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đến. Về ký ức thánh thiện, linh mục Congar đã nhắc nhở rằng: “Không cần thiết phải tạo ra một Hội Thánh khác, nhưng phải tạo ra một Hội Thánh khác biệt” (True and False Reform in the Church). Đó là thách đố. Hướng tới một “Hội Thánh khác”, một Hội Thánh mở ra với sự mới mẻ mà Thiên Chúa muốn đề nghị, với lòng nhiệt thành và như thường lệ, chúng ta hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần và khiêm tốn lắng nghe Người, đồng hành cùng nhau, như Người, nguồn của sự hiệp thông và sứ vụ, mong muốn: với sự ngoan ngùy và can đảm.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến! Ngài là Đấng phát sinh ngôn ngữ mới mẻ và xin hãy đặt trên môi miệng chúng con những lời sự sống. Xin đừng để chúng con trở thành một “Hội Thánh bảo tàng,” xinh đẹp nhưng câm lặng, với nhiều quá khứ nhưng ít tương lai. Xin hãy đến với chúng con, để trong kinh nghiệm hiệp hành này, chúng con không đánh mất sự nhiệt tình của mình, làm mất đi sức mạnh của lời ngôn sứ, hoặc sa vào những cuộc thảo luận vô ích và không có kết quả. Xin hãy đến, lạy Thánh Thần tình yêu, xin hãy mở rộng trái tim chúng con để lắng nghe! Xin hãy đến, lạy Thánh Thần thánh thiện, xin đổi mới Dân Chúa thánh thiện và trung thành! Hỡi Thánh Thần Sáng Tạo, xin hãy đến, xin đổi mới bộ mặt của trái đất! Amen.

Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

WHĐ (10.12.2021)