Trong số các vật phẩm được trưng bày cho công chúng lần đầu tiên, có chiếc BMW 733 I; xe này đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II sử dụng khi ngài đến nghỉ tại Castel Gandolfo.
Chuyến thăm chính thức được khai trương hôm thứ Sáu 21-10 với sự hiện diện của ông Antonio Paolucci, Giám đốc Bảo tàng Vatican và ông Osvaldo Gianoli, giám đốc “Biệt điện Giáo Hoàng”. Khách viếng thăm có thể xem nhà nguyện riêng, thư viện và phòng làm việc của Đức giáo hoàng trong Điện Castel Gandolfo, cách Roma khoảng hai mươi kilômét về phía nam.
Phòng Vệ binh Thụy Sĩ, Phòng Ngai toà và Phòng Công nghị
Chuyến viếng thăm Điện Castel Gandolfo bắt đầu từ Phòng Vệ binh Thụy Sĩ. Phòng này được trùng tu dưới triều Đức giáo hoàng Piô XI sau Hiệp ước Latêranô năm 1929. Đội Vệ binh Thụy Sĩ, được thành lập ngày 22-01-1506, đã thực hiện nhiệm vụ phục vụ Giám mục Roma tại phòng này. Trong phòng này, tất cả các vị giáo hoàng của thế kỷ XX, trong đó có Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, đã tiếp các đoàn đại biểu không chính thức hoặc các nhóm hành hương. Về phần các đoàn đại biểu chính thức, sau khi được đội Vệ binh Thụy Sĩ dàn chào, họ sẽ được hướng dẫn sang Phòng của giáo hoàng.
Một phòng gọi là Ngai toà, nơi đây Đức giáo hoàng ngồi tiếp các vị khách đặc biệt, hai bên là Chủ tịch Phủ Giáo hoàng và vị giám chức phụ trách Phòng đợi. Nếu cuộc gặp có tính chất thân mật, Đức giáo hoàng có thể mời khách lên sân thượng mà từ đó, vào những ngày quang đãng, có thể nhìn thấy mái vòm của Đền Thánh Phêrô.
Phòng Công nghị hiếm khi đón khách mời là giáo dân. Phòng này là nơi diễn ra các cuộc họp chính thức của Hồng y đoàn với Đức giáo hoàng. Chẳng hạn, chính trong Phòng Công nghị này, vào ngày 29-10-1953, Đức giáo hoàng Piô XII đã đặt năm hồng y, trong số đó có Đức Tổng giám mục Angelo Roncalli – sau này là Đức giáo hoàng Gioan XXIII.
Thư viện, Phòng làm việc và Phòng riêng của Đức giáo hoàng
Từ Phòng Công nghị, khách thăm đến một dãy phòng có tính chất riêng tư hơn, trước hết là Thư viện của giáo hoàng, nơi đây có thể thấy Bản đồ Giáo hội, là tác phẩm trình bày địa lý và các thống kê cũng như các ghi chú lịch sử của Giáo hội phổ quát.
Từ Thư viện, khách thăm sẽ đến Phòng làm việc của Đức giáo hoàng, trong đó có một bàn làm việc nhỏ, nơi đây nhiều bài giảng và thông điệp đã được soạn thảo. Sau các phòng của thư ký riêng của Đức giáo hoàng và phụ tá thư ký là đến Phòng riêng của Đức giáo hoàng.
Đây chắc hẳn là khu vực riêng tư nhất của Điện Castel Gandolfo. Nhiều vị giáo hoàng đã ngủ tại đây, và một số vị đã qua đời tại đây, như Đức giáo hoàng Piô XII, vào 09-10-1958, và Đức giáo hoàng Phaolô VI, vào ngày 06-08-1978. Cũng chính trong căn phòng này, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nghỉ dưỡng trong hai tháng sau khi rời khỏi bệnh viện Gemelli sau cuộc giải phẫu vì bị ám sát hụt trước đó.
Phòng riêng của Đức giáo hoàng gắn với một thời điểm đặc biệt bi thảm trong lịch sử của thế kỷ XX. Sau khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Anzio ngày 22-05-1944, các khu vực phụ cận của Castel Gandolfo trở thành chiến trường của một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong Thế chiến II. Cư dân Castel Gandolfo và Albano bắt đầu đến trú ẩn trong các Điện của Giáo hoàng, đặc biệt được Đức giáo hoàng Piô XII ra lệnh mở cửa. Khoảng 12.000 người đã dựng trại trong khu vực Điện giáo hoàng gồm cả Dinh Tông Tông toà, cho đến khi Roma được giải phóng vào ngày 04-06-1944. Khi ấy các căn phòng của Đức giáo hoàng được dành cho các phụ nữ mang thai. Trong những tháng đầu năm 1944, khoảng 40 em bé đã được sinh ra tại đây và người ta gọi những em này là “con cái của Đức giáo hoàng”.
Nhà nguyện riêng của Đức giáo hoàng
Phòng riêng của Đức giáo hoàng ăn thông sang Nhà nguyện riêng. Nhà nguyện này được xây dựng theo lệnh của Đức giáo hoàng Piô XI (1922-1939), trên bàn thờ có ảnh Đức Mẹ Czestochowa, được các giám mục Ba Lan dâng tặng để ghi nhớ thời gian Đức Piô XI làm Khâm sứ Toà Thánh tại Ba Lan từ năm 1918 đến năm 1920.
Các bức hoạ trên tường của nhà nguyện do họa sĩ Felix Rosen thực hiện, trong đó có hai sự kiện lịch sử thuộc cổ đại và hiện đại của Ba Lan được thể hiện: cuộc kháng cự của Czestochowa vào năm 1655 chống lại phái Tin Lành Thụy Điển của Gustavus Adolphus và chiến thắng của Warsawa đối với người Bolshevik ngày 15 tháng Tám 1920, được gọi là “Phép lạ Vistula”.
Phòng trưng bày chân dung các giáo hoàng
Khách thăm cũng được ngắm bộ sưu tập chân dung các giáo hoàng, trưng bày chân dung của 50 vị giáo hoàng từ năm 1500 cho đến nay. Bảy phòng lớn ở tầng một của Điện Castel Gandolfo được sắp xếp đặc biệt cho trưng bày này.
Phòng thứ hai với sân hiên nhìn ra hồ Albano và phòng cuối cùng có ban công, là nơi các giáo hoàng vẫn xuất hiện ở đó đọc kinh Truyền Tin khi các ngài đến nghỉ tại Castel Gandolfo.
Cũng tại ban công này, ngày 28 tháng Hai 2013, ngày cuối cùng của triều giáo hoàng Bênêđictô XVI, trước nhiều tín hữu tụ họp trong khuôn viên Điện Castel Gandolfo, Đức Bênêđictô đã tuyên bố những lời cuối cùng trong cương vị giáo hoàng: “Tôi không còn là Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo nữa, cho đến 20 giờ, tôi vẫn còn là Giáo hoàng, nhưng sau đó thì không. Tôi chỉ là một người hành hương bắt đầu chặng cuối của cuộc hành hương trên trần thế. Nhưng tôi vẫn muốn, với trọn cả tấm lòng, tình yêu, lời cầu nguyện, suy tư và sức mạnh nội tâm của mình, làm việc vì thiện ích chung, thiện ích của Giáo hội và của nhân loại”.
Viện Bảo tàng Vatican hy vọng rằng khách viếng thăm sẽ khám phá “không chỉ cuộc sống của mỗi vị giáo hoàng, mà cả những việc làm và đức tính của các giám mục Rôma nữa”.
Một số vật dụng dùng trong các buổi lễ của giáo hoàng, chẳng hạn đồng phục của các vệ sĩ hay phẩm phục phụng vụ của Đức giáo hoàng Phaolô V, cũng được trưng bày.
(Theo Zenit)