Sau đây là những phát hiện hàng đầu được công bố từ các dự án triển khai trên các vùng đất hoặc câu chuyện từng được Kinh Thánh đề cập.
Giấy cói cổ về Jerusalem
Tài liệu cổ nhất được viết bằng ngôn ngữ Hebrew từng đề cập đến Jerusalem đã được tìm thấy trong tay một nhóm trộm cổ vật dưới dạng mảnh giấy cói kích thước 11cmx2,5cm. Nhóm này khai rằng đã phát hiện mẩu giấy trên trong một cái hang thuộc sa mạc Judaea ở phía bắc Jerusalem. Nội dung giấy cói viết : “Từ người hầu gái của nhà vua, từ Na’arat, các vò rượu vang, đến Jerusalem”. Có niên đại từ thế kỷ thứ 7 trước công nguyên (TCN), cổ vật được tìm thấy cách đây 4 năm nhưng mới công bố vào tháng 10. Ngoài giấy cói trên ở sa mạc Judaea, giới chuyên gia chỉ ghi nhận một tài liệu khác từ thời Đền thờ Thứ nhất (thế kỷ thứ 10 TCN đến năm 537 TCN).
Lâu đài của vua Solomon ở Gezer
Một lâu đài vĩ đại từ thời Vua Solomon đã được khai quật tại thành phố cổ của hoàng gia thời xưa là Gezer, làm dấy lên hy vọng sẽ sớm thu thập được chứng cứ mới về sự tồn tại của vị vua đầy bí ẩn của người Do Thái. Một nhóm các nhà khảo cổ học Mỹ vẫn tiếp tục đào bới khu vực này, sau khi tìm được vị trí của cái gọi là Cổng thành Solomon cách đây vài năm. Đến cuối tháng 8, họ công bố đã phát hiện phần còn lại của cả lâu đài, với vô số những căn phòng rộng rãi chạy dọc theo hai sân trung tâm kéo dài. Gezer là thành phố được xây dựng trên giao lộ dẫn đến thủ đô Jerusalem. Theo Sách Thánh, pharaoh thời đó đã chinh phục và phá hủy Gezer, trước khi tặng nơi này làm của hồi môn cho con gái trong cuộc hôn nhân với Solomon, người đã xây dựng lại thành phố.
Hàng trăm tấm bảng viết thời La Mã
Tại một nơi khác từng thuộc đế chế La Mã, các chuyên gia đã tìm được chứng cứ cho thấy sự phổ biến của chữ viết vào thế kỷ thứ nhất. Một ví dụ điển hình là Zechariah, cha của thánh Gioan Tẩy giả, từng sử dụng bảng gỗ, được tường thuật trong Phúc Âm thánh Luca 1:63. Theo Bảo tàng Khảo cổ London (MOLA), hơn 400 bảng gỗ đã được tìm thấy ở thủ đô Anh, với niên đại cổ nhất từ năm 57 sau công nguyên. Những tấm bảng này ban đầu được phủ sáp và dùng bút viết lên mặt phẳng. Theo thời gian, lớp sáp đã tróc đi nhưng nhiều hình dạng vẫn còn lưu lại, giúp các nhà nghiên cứu có thể đọc được nội dung bằng tiếng Latin. MOLA đang tiến hành phiên dịch và nghiên cứu nhóm bảng chữ này.
Khai quật nghĩa trang người Philistine
Người Philistine nằm trong số những kẻ lưu manh khét tiếng đã được Kinh Thánh ghi nhận. Những nhóm người vô thần này được cho là kiểm soát vùng bờ biển ngày nay thuộc về miền nam Israel cũng như Dải Gaza, và luôn gây chiến với láng giềng Israel, thậm chí còn từng cướp Hòm Giao Ước khỏi tay người Do Thái trong một quãng thời gian. Trong một phát hiện mang tính đột phá tại miền nam Israel, giới khảo cổ học cuối cùng cũng lần theo dấu vết để đến được cội nguồn xuất xứ tộc người đó. Lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học, các chuyên gia đã phát hiện một nghĩa trang lớn bên ngoài thành trì của Ashkelon cổ đại, thành phố lớn của người Philistine tồn tại vào giữa thế kỷ thứ 12 và thứ 7 trước CN. Tổng cộng có hơn 211 hài cốt có niên đại từ thế kỷ 11 đến 8 TCN được tìm thấy tại đây, hứa hẹn mang lại cơ hội tuyệt vời cho những nhà khảo cổ học, trả lời các câu hỏi then chốt về nguồn gốc của người Philistine và quá trình bị đồng hóa vào nền văn hóa bản địa.
Mở cửa Mộ Chúa
Sau nhiều thế kỷ, các nhà khoa học lần đầu tiên tiếp xúc với bề mặt nguyên thủy của nơi được xem là mộ của Chúa Giêsu, mở ra cơ hội chưa từng có cho giới khoa học nghiên cứu về nơi linh thiêng nhất của Kitô giáo. Edicule lấy từ tiếng Latin aedicule, có nghĩa là ngôi nhà nhỏ, được dựng lên xung quanh rìa đá từng đặt di hài của Chúa Giêsu sau khi hạ xác khỏi Thánh giá, vào năm 30 hoặc 33 sau công nguyên. Nằm bên trong nhà thờ Mộ Chúa ở thành cổ Jerusalem, ngôi mộ được phủ bằng lớp đá cẩm thạch trễ nhất là từ năm 1555, và nhiều khả năng sớm hơn. Tạp chí National Geographic dẫn lời nhà khảo cổ Fredrik Hiebert, một thành viên của dự án trùng tu cho biết: “Lớp đá cẩm thạch bao phủ mộ phần đã bị lấy đi, và chúng tôi thật sự ngạc nhiên về bề mặt bên dưới”. Những gì mà các chuyên gia tạm thời quan sát được bên trong phần mộ Edicule cũng đã đủ để chứng minh rằng nơi đón du khách từ mọi ngóc ngách của địa cầu đến hành hương cũng chính là ngôi mộ đã được đại đế La Mã Constantine phát hiện hồi thế kỷ thứ 4.
*
Ngoài ra, phát hiện đáng nể khác trong lĩnh vực khảo cổ Thánh Kinh còn bao gồm công trình khai quật hang động nằm giữa Cana và Nazareth, nơi từng là điểm khai thác đá vôi để tạo khắc thành chai, lọ, chén vào thế kỷ thứ nhất. Vị trí của hang động sát Cana cho thấy nó có thể là nơi xuất xưởng các vò nước dùng trong lễ cưới tại Cana, được Chúa Giêsu và các Tông đồ tham dự như trong Phúc Âm theo thánh Gioan.
Thiết kế sàn Núi Đền
Cũng trong năm nay, các nhà khảo cổ học ở Jerusalem cho hay đã lần đầu tiên phục chế được thiết kế sàn nhà gần giống như Núi Đền, bằng cách sử dụng những mảnh vụn lấy từ nguyên mẫu. Nhóm chuyên gia đã xếp lại các mảnh gạch lót được tìm thấy bên trong hàng tấn đất ở Núi Đền, có niên đại từ thời Đền thờ Thứ hai, vào giai đoạn Vua Hêrôđê trị vì khoảng 2.000 năm trước. Ngôi đền đã bị lính La Mã hủy hoại năm 70, trong cuộc khởi nghĩa của người Do Thái. Khoảng 600 mẩu gạch lót bằng đá màu đã được tìm thấy kể từ khi các đội khảo cổ bắt đầu khai quật khu đỉnh đồi từ năm 2004. Họ đã tìm cách lắp lại 7 thiết kế gần giống với nguyên mẫu nhất.
LINH LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc