ROMA – Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Hà Nội, đã lãnh mũ Hồng Y ngày 14/2/2015 và hôm nay 6/12/2015 ngài đến nhận nhà thờ hiệu tòa S. Tommaso Apostolo, cũng thuộc nghi thức của chức Hồng Y. Chúng tôi vắn tắt đề cập vài chi tiết liên quan tới sự kiện nêu trên.
Từ ngày lên kế vị thánh ngai tòa Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã giúp chúng ta quen thuộc với tước hiệu “Giám Mục Roma” của ngài. Người Việt Nam quen dùng từ “Đức Giáo Hoàng” là do tiếng “Pontifex”, nhưng tước hiệu Giáo hoàng là Đấng kế vị thánh Phêrô và là “Giám mục Roma” danh hiệu này thích đáng và sâu sắc hơn.
Do vậy, việc bầu chọn Vị giám mục giáo phận Roma lúc đầu là việc của linh mục đoàn, mà đối với Roma cho tới thế kỷ 11 gồm các linh mục và phó tế, cộng thêm 7 giám mục phụ cận. Từ thế kỷ 12, Hồng Y đoàn được nới rộng ra ngoài Roma, khi mà các cử tri và ứng cử viên giáo hoàng được gọi tên là “Cardinali” (Hồng Y), và mỗi vị đều có một nhà thờ “Titolo”, giống như nhà thờ xứ ngày nay và mang tên “Titolare” (Cha Xứ).
Theo truyền thống đó, ĐHY Nhơn của cũng được chỉ định làm “Titolare” của một nhà thờ Roma, nhà thờ xứ S. Tommaso Apostolo mà ngài đến nhận hôm nay.
Đây là một nhà thờ xứ mới, được khánh thành năm 2013, mà ngài là “Cardinal Titolare” đầu tiên. Xứ đạo cách trung tâm Roma khoảng 30 km về phía tây-nam (tương đương với Castelgandolfo ở mạn đông-nam), gần bờ biển Ostia, gồm khoảng 10.000 giáo dân, hiện do Cha Chính Xứ Stefano Bianchini, 1 cha phó và 1 cha cộng tác điều hành. Tuy là giáo xứ xa xôi và mới mẻ (thiết lập năm 1964), nhưng đã có 2 nhà dòng nữ hiện diện hoạt động trong lãnh thổ và các cơ cấu tổ chức làm việc đúng theo quy chế Công Đồng.
Vì là Hồng Y thứ nhất của giáo xứ, nên cuộc lễ đón tiếp rất đặc biệt long trọng như ta thấy chút ít trong các hình đính kèm. Giáo dân xứ đạo thật vui tươi tuốn đến đầy nhà thờ. Về phía người Việt tham dự, ngoài Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Saigòn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục VN và là bạn cũ của ĐHY tự buổi niên thiếu tại quê hương Đà Lạt, còn có hội Liên Tu Sĩ Roma và một số giáo dân đến từ VN, phần nào tượng trưng cho Giáo Hội VN với 7 triệu giáo dân; và được đón tiếp nhiệt tình như thế, cùng với ĐHY, đã tỏ lộ mối tương quan mặn mà đôi bên, là ân huệ to lớn của tình thương Chúa và Giáo Hội.
Nhân đây cũng xin kể lại một câu chuyện cũ nhân dịp Đức tân Hồng Y Phêrô khi đến Roma nhận mũ Hồng Y 14/2/2015, Liên Tu Sĩ Roma mở tiệc mừng Đức Hồng Y, nhưng chính ngày giờ ấn định, ngài thình lình bị ĐHY Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, “bắt cóc” đi dùng cơm trưa. Thế la Liên Tu Sĩ roma đành ăn mừng vắng mặt…
Bù vào đó trước đó vài ngày trước, khi vừa tới Roma, đã có cuộc “hội ngộ” của Đà Lạt và Hà Nội, hai giáo phận cũ và nay của ngài, với Đấng Đương Sự gồm Thánh Lễ và tiệc tối. Cuộc mừng đó rất tốt đẹp và đặc biệt hơn cả, trong bữa ăn, các nhóm ra hát mừng. Cuối cùng nhóm Đà Lạt, lúc đầu tưởng ít, giờ hóa ra trên 20 người, hầu hết là các Sơ, thuộc nhiều dòng tu, có quê quán ở địa phận ĐC Phero xưa hoặc đã có thời hoạt động và liên kết chặt chẽ. Tiếng hát trong trẻo du dương nhưng thiếu tiếng trầm, Đức Hồng Y liền rời ghế chủ tọa, bước ngay ra đứng giữa ca đoàn cùng hát: thế là tỏ rõ ngài cũng chúc mừng ơn Hồng Y và chúc mừng mọi người…
Dịp này đây cũng tương tự: Đức Hồng Y đến Roma 29/11/2015, gặp ngay ngày LTSR và kiều bào Công Giáo họp mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo VN: ngài muốn dâng lễ và đãi tiệc. Thật vui ! Rồi sau một tuần, chính hôm nay, như đã nói trên, tại Nhà Thờ Hiệu Tòa, tu sĩ và giáo dân VN lại được hân hoan lần nữa. Thế ra, đoàn chiên do ngài dẫn dắt năng được “phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ” (Tv 99, 2) vậy.
Từ nay, bảng hiệu đặt tại mặt tiền nhà thờ, gần sát cửa chính, bên cạnh biệt hiệu của ĐGH Phanxico, là biệt hiệu “NGƯỜI PHẢI LỚN LÊN” (Ga 3, 30) của ĐHY Phero Nguyễn Văn Nhơn chúng ta.
Lm Gioan Trần Mạnh Duyệt
Nguồn tin: viet