ĐHY Comastri: Đức Gioan Phaolô đã biến thánh giá của mình thành tình yêu

Đức Hồng y Angelo Comastri trình bày chứng tá của thánh Gioan Phaolô II.


Đã 15 năm trôi qua từ ngày Đức Giáo hoàng Karol Wojtyla – Gioan Phaolô – qua đời. Những ngày cuối của ngài là những ngày không thể quên. Ngài đã chịu đựng đau bệnh suốt thời gian dài với chứng tá Kitô giáo. Cuộc đời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô với những biến cố, thử thách khó khăn, từ vụ bị mưu sát hụt, cho đến bệnh tật kéo dài cuối đời, là một tấm gương của lòng kính mến Đức Mẹ, đón nhận đau khổ như thánh giá Chúa trao để biến nó thành cơ hội để yêu thương.

Đức Hồng y Angelo Comastri đã trình bày chứng tá của vị thánh Giáo hoàng nhân kỷ niệm 15 năm ngày ngài qua đời.

Thưa ĐHY, ngày 02/04 cách đây 15 năm, sau khi chịu đựng cơn đau bệnh kéo dài với chứng tá tuyệt vời, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã  qua đời. Trong bối cảnh bi thương như hoàn cảnh của chúng ta hiện nay do tình trạng khẩn cấp của virus corona, đời sống và gương mẫu của Đức Gioan Phaolô II nói với chúng ta điều gì?

Sự lây lan của dịch bệnh, số người nhiễm bệnh gia tăng và bản tin hàng ngày về số người chết cho thấy xã hội không được chuẩn bị và cho thấy rõ sự trống rỗng tinh thần của nhiều người. Ngay trước khi qua đời, nhà báo Indro Montanelli, đã suy tư với sự cân nhắc sáng suốt và trung thực này: “Nếu tôi phải nhắm mắt mà không biết tôi đến từ đâu và tôi sẽ đi đâu và tôi đến để làm gì trên trái đất này, thì có đáng để chào đời không? Cuộc đời của tôi là một tuyên bố phá sản!”. Những lời này của nhà báo Montanelli là hình ảnh của một bộ phận của xã hội ngày nay. Cũng vì lý do này, dịch bệnh gây sợ hãi: bởi vì ngọn lửa đức tin nơi rất nhiều người đã bị tắt mất. Đức Gioan Phaolô là một người có đức tin, một tín đồ xác tín, một tín đồ kiên định và đức tin đã soi sáng con đường của cuộc đời ngài.

Dù cho chịu đựng rất nhiều đau đớn và bệnh tật lâu dài, những người gặp Đức Karol Wojtyla luôn có cảm giác về một con người bình an và tràn đầy niềm vui…

Đức Gioan Phaolô II biết rằng cuộc sống là một cuộc đua thật nhanh hướng đến Đại lễ: ngày lễ hội trong vòng tay của Thiên Chúa, niềm Hạnh phúc vô biên. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, chúng ta phải thanh lọc bản thân để sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ, chúng ta phải loại bỏ sự kiêu hãnh và ích kỷ mà tất cả chúng ta đều có, để nắm lấy Người, Đấng là Tình yêu không bóng tối. Đức Gioan Phaolô II sống đau khổ theo tinh thần này: và ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất (như thời điểm bị tấn công), ngài không bao giờ đánh mất đi sự thanh thản. Tại sao? Bởi vì ngài luôn có mục tiêu của cuộc sống phía trước. Ngày nay nhiều người không còn tin vào mục tiêu của cuộc sống. Vì lý do này, họ trải qua nỗi đau với sự tuyệt vọng: bởi vì họ không nhìn thấy được điều vượt trên nỗi đau.

Đức Gioan Phaolô II luôn tìm thấy trong các kinh nghiệm về đau khổ, các nỗi đau, một chiều kích hy vọng, một cơ hội đặc biệt để gặp Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại trên tất cả là Tông thư “Salvifici doloris” – về ý nghĩa của đau khổ. Đức Hông y có thể đưa ra một suy tư về ơn đặc biệt này của vị thánh Giáo hoàng người Ba Lan không?

Chắc chắn là đau khổ làm cho mọi người sợ hãi, nhưng khi được chiếu sáng bởi đức tin, nó trở thành sự cắt tỉa tính ích kỷ, tầm thường và phù phiếm. Hơn nữa, Kitô hữu chúng ta sống đau khổ trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu bị đóng đinh: bám chặt lấy Ngài, chúng ta lấp đầy nỗi đau bằng Tình yêu và biến nó thành một sức mạnh thách thức và vượt qua sự ích kỷ vẫn còn tồn tại trên thế giới. Đức Gioan Phaolô II là một bậc thầy thực sự về đau khổ được cứu chuộc bởi tình yêu, và được biến thành thuốc giải độc cho sự ích kỷ, và ơn cứu rỗi cho tính ích kỷ cá nhân của con người. Điều này chỉ có thể được khi mở lòng mình ra với Chúa Giêsu: chỉ với Ngài chúng ta có thể hiểu được đau khổ và hiểu được giá trị của nó.

Năm nay, do tình trạng khẩn cấp của đại dịch đang xảy ra, chúng ta sẽ sống một lễ Phục Sinh “chưa từng có” để tuân thủ các quy tắc tránh lây nhiễm. Lễ Phục Sinh cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II cũng được ghi dấu bởi bệnh tật, đơn độc. Tuy nhiên, tất cả chúng ta có một ký ức không thể xóa nhòa về nó. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ lễ Phục sinh cuối cùng của Đức Giáo hoàng Wojtyla khi nhìn vào những gì đang xảy ra hôm nay?

Tất cả chúng ta đều nhớ ngày thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II. Hình ảnh mà chúng ta đã thấy trên truyền hình thì không thể nào quên: Đức Giáo hoàng, sức khỏe đã rất yếu, cầm tượng Chúa chịu nạn trên tay và nhìn tượng Chúa  với tình yêu khắng khít và rõ ràng là Ngài nói: “Chúa ơi, con cũng ở trên thập tự giá như Chúa, nhưng cùng với Chúa, con đang chờ Phục sinh.” Các thánh đã sống như thế. Tôi nhớ đến chị Benedetta Bianchi Porro, đã bị mù và điếc và bị liệt vì một căn bệnh nghiêm trọng và chết một cách bình thản vào ngày 24/01/1964. Trước đó không lâu, khi còn khỏe đủ, chị đã viết một lá thư tuyệt vời cho một chàng trai trẻ tàn tật và tuyệt vọng tên Natalino. Đây là những gì xuất phát từ trái tim của chị Benedetta: “Bạn Natalino thân mến, tôi 26 tuổi như bạn. Cái giường bây giờ là nhà của tôi. Mấy tháng nay tôi cũng bị mù, nhưng tôi không tuyệt vọng, vì tôi biết rằng ở cuối con đường Chúa Giêsu đang đợi tôi. Natalino thân mến, cuộc sống là một chiếc cầu chóng qua: chúng ta không xây dựng ngôi nhà trên chiếc cầu, nhưng chúng ta hãy vượt qua nó bằng cách nắm chặt tay Chúa Giêsu để đi về Quê hương”. Đức Gioan Phaolô II đã ở trên con sóng dài này.

Trong thời gian đại dịch này, mỗi ngày rất nhiều người hiệp thông tham dự các buổi cầu nguyện, đọc Kinh Truyền Tin và lần hạt Mân Côi được truyền chiếu trực tiếp trên Vatican News và các phương tiện truyền thông. Thật là tự nhiên khi nghĩ về Đức Gioan Phaolô II, ngài rất gắn kết với Đức Mẹ, ngay từ huy hiệu giám mục của ngài…

Phải, Đức Gioan Phaolô II muốn những lời này như phương châm của mình: Tất cả thuộc về Mẹ, Mẹ Maria. Tại sao? Đức Mẹ đã gần gũi với Chúa Giêsu trong lúc Chúa bị đóng đinh và tin rằng đây là thời khắc Thiên Chúa chiến thắng sự ác của con người. Bằng cách nào? Nhờ Tình yêu, là Sức mạnh Toàn năng của Thiên Chúa. Và ngay trước khi Chúa Giêsu hoàn tất lễ Hy sinh Tình yêu của Ngài trên Thập giá, Mẹ Maria đã nghe những lời yêu cầu khẩn thiết Chúa Giêsu nói với Mẹ: “Này bà, đây là con bà!”. Đó là: “Đừng nghĩ về con, mà hãy nghĩ về người khác, hãy giúp họ biến đau thương thành tình yêu, hãy giúp họ tin rằng lòng tốt là sức mạnh vượt qua sự ác”. Từ lúc đó Mẹ Maria lo lắng cho chúng ta và khi chúng ta để cho Mẹ hướng dẫn, chúng ta được ở trong đôi tay bảo vệ chắc chắn của Mẹ.

Đức Gioan Phaolô II tin vào điều đó, ngài tin tưởng vào Mẹ Maria và cùng Mẹ biến nỗi đau thành cơ hội để yêu thương.

Cuối cùng, có một giai thoại, một lời mà Đức Gioan Phaolô II đã nói với Đức Hồng y. Bây giờ, 15 năm sau, Đức Hồng y có muốn chia sẻ điều này như là  một dấu hiệu hy vọng cho nhiều người trên thế giới, những người đang đau khổ, những người đã yêu thương và tiếp tục kính yêu Đức Giáo hoàng Karol Wojtyla không?

Vào tháng 03/2003, Đức Gioan Phaolô II đã mời tôi giảng tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma. Ngài cũng tham dự tuần tĩnh tâm đó, với tinh thần suy tư đáng là gương mẫu cho người khác. Vào cuối tuần tĩnh tâm, ngài đã gặp tôi cách thân thương và nói với tôi: “Tôi đã nghĩ đến việc tặng cho Đức cha, (khi ấy Đức Hồng y Comastri đang còn là giám mục), một cây thánh giá như thánh giá của tôi”. Tôi đã chơi chữ theo nghĩa kép của từ thánh giá này và thưa với ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, thật là khó để Đức Thánh Cha có thể tặng cho con một cây thánh giá như của Đức Thánh Cha…”. Đức Gioan Phaolô II mỉm cười và nói với tôi: “Không … đây là thánh giá này”, và ngài cho tôi xem một cây thánh giá đeo trước ngực mà ngài muốn tặng cho tôi. Và rồi ngài nói thêm: Cả Đức Hồng y cũng sẽ có thánh giá của mình: hãy biến nó thành tình yêu. Đây là sự khôn ngoan soi sáng cuộc sống. Tôi chưa bao giờ quên lời khuyên tuyệt vời mà một vị thánh đã ban cho tôi.

Alessandro Gisotti

(VaticanNews Tiếng Việt 02.04.2020)