Để Làm chứng cho Vua Quan (CN 13.11.2016: Lễ Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Ðạo VN)

cac-thanh-tu-dao-vn.jpgLời Chúa: Mt 10, 17-22

Khi ấy, Ðức Giêsu sai mười hai môn đệ đi và dặn rằng: 17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì: 20thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Chúa Cha nói trong anh em. 21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”

Suy Niệm

Các vị tử đạo Việt Nam đều có kinh nghiệm

sống từng lời của đoạn Tin Mừng hôm nay:

bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra trước vua quan,

bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết.

Tất cả những gì các ngài phải chịu

đều vì Ðức Giêsu (c.18), vì Danh Ðức Giêsu (c.22).

Các ngài cũng có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Bầu khí của toà án là bầu khí của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ lên tiếng trong anh em”

để tuyên xưng niềm tin vào Ðức Giêsu (c.19-20)

Cái chết của vị tử đạo cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa

được thi thố nơi một con người mỏng dòn yếu đuối.

Chết vì Ðạo là một cách làm chứng.

Làm chứng cho một niềm tin kiên vững:

Vì tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Ðộ,

nên các ngài không bước qua thánh giá.

Làm chứng cho một tình yêu nỏng bỏng:

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu

của người hiến mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13)

Làm chứng cho một niềm hy vọng mãnh liệt:

có sự sống đời sau, có hạnh phúc vĩnh cửu,

cái chết đưa tôi giáp mặt với Ðấng tôi yêu.

Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết.

Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống.

Làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi,

vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian sa đọa.

Các vị tử đạo thường bị đặt trước thánh giá.

Bước qua là được tiếp tục sống sung sướng an nhàn.

Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt,

mất tất cả và mất chính mạng sống.

Chỉ cần một bước chân, là mọi sự thay đổi.

Ðã có người bước qua, và cũng có người không.

Có người bị khiêng qua thánh giá,

nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Ðích.

Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận.

Ðó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân:

Âutinh Huy, Nicôla Thể và Ðaminh Ðạt.

Có người được mời giả vờ bước qua thánh giá

để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Ðình Hy,

nhưng họ đã thắng được cơn cám dỗ tinh vi ấy.

Ðứng trước thánh giá là đứng trước một lựa chọn.

Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi?

Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng.

Giây phút đứng trước thánh giá là giây phút quan trọng.

Quyết định không bước qua thánh giá

là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện,

của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo,

của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm,

của những Vườn Dầu trong ngục thất…

Thời nào chúng ta cũng được đặt trước thánh giá,

dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ.

Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước qua thánh giá,

bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình.

Cầu Nguyện

 

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu

 trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

 Sự hy sinh của các ngài

 cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết

 và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.

 Dù mang phận người yếu đuối,

 nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,

 các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

 

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài

 biết can trường sống đức tin của bậc cha anh

 trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,

 biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu

 bằng một đời hiến thân phục vụ.

 

Ước gì ngọn lửa đức tin

 mà các ngài đã thắp lên

 bằng cuộc sống và cái chết,

 được bừng tỏa trên Tổ Quốc Việt Nam.

 

Ước gì máu thắm của các ngài

 thấm vào mảnh đất quê hương

 để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J