Đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm – Diễn văn của Đức Thánh Cha cho các tham dự viên Đại hội toàn thể của Ủy ban Thần học Quốc tế năm 2024

Đức Phanxicô đã tiếp kiến, hôm 28/11/2024, các tham dự viên Đại hội toàn thể của Ủy ban Thần học Quốc tế, một cơ quan giáo triều do Đức Phaolô VI thành lập vào năm 1969 để đáp lại mong muốn của các Nghị phụ Thượng Hội đồng trong Đại hội thường lệ đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục. Nhắc lại kết luận gần đây vào tháng 10 vừa qua của Thượng Hội đồng Giám mục Thường lệ lần thứ 16, cũng như việc mở Cửa Thánh sắp tới, ngài đã mời gọi các thành viên của Ủy ban “đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm” và “phát triển một nền thần học về tính hiệp hành”. Sau đây là toàn văn Việt ngữ diễn văn của Đức Thánh Cha.

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA CHO CÁC THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI TOÀN THỂ CỦA ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ

Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Thưa Đức Hồng y, các anh chị em thân mến!

Bây giờ chúng ta sắp mở Cửa Thánh Năm Thánh và chúng ta vừa kết thúc Thượng hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16. Bắt đầu từ hai sự kiện này, tôi muốn gửi đến anh chị em hai suy tư: suy tư thứ nhất là đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm, suy tư thứ hai là phát triển một nền thần học về tính hiệp hành.

Đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm. Năm Thánh mời gọi chúng ta tái khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô và tái tập trung vào Ngài. Trong Năm Thánh này, chúng ta cũng sẽ có cơ hội kỷ niệm 1700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên tại Nixêa. Tôi nghĩ tôi sẽ đến đó. Công đồng này tạo thành một cột mốc quan trọng trong cuộc hành trình của Giáo hội và của toàn thể nhân loại, bởi vì niềm tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể vì loài người chúng ta và vì ơn cứu độ của chúng ta, đã được hình thành và tuyên xưng như một ánh sáng soi sáng ý nghĩa của thực tại và số phận. của toàn bộ lịch sử. Vì thế, Giáo hội đã đáp lại lời mời gọi của Thánh Phêrô Tông đồ: “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1P 3, 15).

Lời khuyến khích này, được gửi đến tất cả các Kitô hữu, có thể được áp dụng một cách đặc biệt cho thừa tác vụ mà các nhà thần học được kêu gọi thực hiện như một sự phục vụ dân Thiên Chúa: thúc đẩy cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, đào sâu ý nghĩa mầu nhiệm của Người để chúng ta có thể hiểu rõ hơn “mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Êp 3, 18-19).

Công đồng Nixêa, bằng cách khẳng định rằng Chúa Con có cùng bản thể với Chúa Cha, đã nhấn mạnh một điều thiết yếu: nơi Chúa Giêsu, chúng ta có thể biết khuôn mặt của Thiên Chúa và đồng thời, khuôn mặt của con người, khi khám phá ra chúng ta là con trong Chúa Con và anh em ở giữa chúng ta. Một tình huynh đệ bắt nguồn từ Chúa Kitô trở thành một nhiệm vụ đạo đức cơ bản đối với chúng ta. Do đó, điều quan trọng là anh chị em đã dành phần lớn thời gian của Đại hội toàn thể này để làm việc trên một tài liệu vốn minh họa ý nghĩa hiện tại của đức tin được tuyên xưng tại Nixêa. Văn kiện này có thể rất quý giá, trong Năm Thánh, để nuôi dưỡng và đào sâu đức tin của các tín hữu, và khởi đi từ hình ảnh Chúa Giêsu, cũng để đưa ra những đường hướng và suy tư hữu ích cho một mô hình văn hóa và xã hội mới, được lấy cảm hứng từ nhân tính của Chúa Kitô.

Ngày nay, trong một thế giới phức tạp và thường bị phân cực, bị đánh dấu bi thảm bởi xung đột và bạo lực, tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Kitô và được ban cho chúng ta trong Thánh Thần trở thành một lời kêu gọi gửi đến tất cả mọi người, để chúng ta học cách bước đi trong tình huynh đệ và trở thành những người xây dựng công lý và hòa bình. Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể gieo rắc những hạt giống hy vọng nơi chúng ta đang sống.

Đặt Chúa Kitô trở lại trung tâm có nghĩa là làm sống lại niềm hy vọng này, và thần học được mời gọi thực hiện điều này, bằng một công việc liên tục và khôn ngoan, trong cuộc đối thoại với tất cả các kiến thức khác.

Và chúng ta đi đến điểm suy tư thứ hai: phát triển một nền thần học về tính hiệp hành. Đại hội thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục đã dành một điểm trong Tài liệu chung kết cho nhiệm vụ của thần học, trong bối cảnh “các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ cho sứ mạng”; và Đại hội bày tỏ mong muốn này: “Đại hội mời gọi các tổ chức thần học tiếp tục nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ và đào sâu ý nghĩa của tính hiệp hành” (số 67). Đây là tầm nhìn của Thánh Phaolô VI vào cuối Công đồng, khi ngài thành lập Ban Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Trong gần 60 năm, nền thần học hiệp hành này đã phát triển từng chút một và ngày nay chúng ta có thể nói rằng nó đã trưởng thành. Ngày nay, chúng ta không thể nghĩ đến việc mục vụ mà không có chiều kích hiệp hành này.

Vì vậy, ngoài đặc tính trung tâm của Chúa Kitô, tôi muốn mời gọi anh chị em cũng hãy lưu ý đến chiều kích giáo hội học, để phát triển tốt hơn mục đích truyền giáo của tính hiệp hành và sự tham gia của toàn thể Dân Thiên Chúa trong sự đa dạng của các nền văn hóa và truyền thống của mình. Tôi có thể nói rằng đã đến lúc phải thực hiện một bước can đảm: phát triển một nền thần học về tính hiệp hành, một suy tư thần học vốn giúp đỡ, khuyến khích và đồng hành với tiến trình hiệp hành, cho một giai đoạn truyền giáo mới, sáng tạo và táo bạo hơn, được truyền cảm hứng từ Kerygma và bao hàm tất cả các thành phần của Giáo hội.

Tôi kết thúc bằng một mong ước: ước gì anh chị em giống như thánh Gioan Tông đồ, trong sự tin tưởng của ngài như một người môn đệ yêu dấu, đã tựa đầu vào trái tim Chúa Giêsu (x. Ga 13,25). Như tôi đã nhắc lại trong thông điệp Dilexit nos, Thánh Tâm Chúa Giêsu “là nguyên lý thống nhất của thực tại, bởi vì “Chúa Kitô là trung tâm của thế giới; sự vượt qua cái chết và sự phục sinh của Người là trung tâm của lịch sử, một lịch sử nhờ Người đã trở thành lịch sử cứu độ” (số 31). Có thể nói, khi tựa vào Trái Tim Chúa, nền thần học của anh chị em sẽ kín múc từ nguồn và sinh hoa trái trong Giáo hội và trên thế giới. Điều cơ bản để thực hiện một nền thần học hiệu quả là đừng đánh mất óc hài hước của mình! Điều này giúp ích rất nhiều. Chúa Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta trong chiều kích niềm vui và hài hước này.

Thưa anh chị em, tôi cảm ơn sự phục vụ của anh chị em. Tôi đồng hành cùng anh chi em bằng lời chúc lành của tôi. Và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cho, chứ không chống lại! Cảm ơn anh chị em.

Tý Linh

Chuyển ngữ từ: vatican.va

Nguồn: xuanbichvietnam.net

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*