Một đan viện ở Viên, thủ đô của nước Áo, nổi tiếng với album bình ca đứng đầu trên bảng xếp hạng, và cũng đạt kỷ lục về ơn gọi. Đâu là bí mật của sự thành công này?
Nằm sâu trong khu rừng ở ngoại ô của thủ đô Viên, đan viện Thánh Giá thu hút hơn 100 ngàn du khách mỗi năm. Các du khách đến để tham quan một trong những đan viện thời trung cổ đẹp nhất thế giới. Họ ngắm nhìn ngôi nhà thờ kiểu Roman của đan viện và tu viện thuộc thế kỷ XIII, ăn trưa trong nhà hàng và mua vài chai rượu do đan viện sản xuất bán trong gian hàng nhỏ.
Nhưng đan viện Thánh giá không chỉ là một nơi thu hút dân chúng, mà hơn thế nữa, đan viện này đang lớn lên và đầy sức sống. Dù có lẽ chỉ được biết đến nhiều ở Anh quốc nhờ số kỷ lục hàng triêu CD nhạc bình ca được bán ra, xếp đầu bảng vào năm 2008, nhưng số các Linh mục được thụ phong ở đan viện còn nhiều hơn vài tổng giáo phận. Đan viện Xi-tô cổ kính nhất, được thành lập năm 1133, vẫn đang phát triển. Hiện tại đan viện có hơn 90 đan sĩ, gấp đôi số tu sĩ của 30 năm trước. và độ tuổi trung bình của các đan sĩ dưới 50. Ơn gọi đang bùng nổ. Năm ngoái đan viện nhận 8 tập sinh và ứng sinh đến từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Anh quốc.
14 đan sĩ hiện đang dạy tại phân khoa thần học trong khu đại học mới của đan viện. Với trên 300 sinh viên, đây là trung tâm giáo dục Công giáo rộng nhất trong vùng nói tiếng Đức. Phân khoa này một phần là đại học. một phần là chủng viện; các sinh viên bao gồm tu sĩ của các cộng đoàn, giáo dân nam nữ và 160 chủng sinh các giáo phận và dòng tu đến từ khắp châu Âu và các nước đang phát triển. Đan viện không chỉ hoạt động trong lãnh vực giảng dạy nhưng còn trong các sinh hoạt giáo xứ. Họ phục vụ trong khoảng chục giáo xứ.
Trong những đêm canh thức thường kỳ ở đan viện, có hàng trăm bạn trẻ tham dự các buổi cầu nguyện và thuyết trình, xưng tội và chầu Thánh Thể. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, một ít thường xuyên đến đan viện, số khác mới đến lần đầu do bị thu hút bởi những lời truyền miệng hay các ý kiến trên Facebook.
Đâu là nguồn gốc của sự thành công này? Cha Karl Wallner, viện trưởng của đại học, nói về sự phát triển của đan viện: “không phài nhờ các CD của chúng tôi. Chúng tôi làm các CD vì chúng tôi đã là một cộng đoàn trẻ trung và mạnh mẽ, được khuyến khích bởi Đức nguyên giáo hoàng Benedict XVI.” Cha nói thêm: “chúng tôi làm công việc của Thiên Chúa trong những cách thức bình thường mọi người có thể làm, không bị lôi kéo bởi một xu hướng tạm thời nào.”
Cha cũng thuật lại lời của nguyên viện phụ Gerhard Hradil, bây giờ 87 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất của cộng đoàn: giữ luật thánh Biển đức và 10 giới răn là đủ cho mỗi người. Vì vậy, cha kết luận: “chúng tôi cũng rất bình thường, chứ không phải những người theo “chủ nghĩa truyền thống” hay bất cứ chủ nghĩa nào khác. Chúng tôi chỉ là Công giáo, sống cho Thiên Chúa, mặc dù tu phục của chúng tôi thì trông buonf cười.”
Viện phụ Karl Braunsdorfer, qua đời năm 1978, án phong thánh đã được Đức Hồng Y Schönborn của Viên khai mở, là một nghị phụ tham dự Công đồng Vatican II. Sau khi từ Công đồng trở về, ngài đã bắt đầu cuộc cải cách đan viện, gieo những hạt mầm cho mùa gặt bội thu trong tương lai. Ngài khôi phục tinh thần đan tu, cải cách phục vụ theo đường hướng của Công đồng Vatican II: một ấn bản kinh phụng vụ mới tiếng Latin được làm riêng cho đan viện Thánh giá, và nhạc bình ca Gregorian có một vị trí nổi bật trong phụng vụ của đan viện; tu phục được giữ lại.
Các du khách bị ngạc nhiên bởi nghi thức phụng vụ trang trọng, là tâm điểm cuộc sống của đan viện Thánh giá. Cộng đoàn cũng gây ấn tượng mạnh về sự phức tạp của một tập thể sinh động. Mọi người giữ quy luật nghiêm nhặt, bận rộn nhưng vẫn chiêm niệm. Khi cầu nguyện ở đó thời gian dường như dừng lai, nhưng các đan sĩ trong cuộc sống hàng ngày của họ là những người công nghiệp và hiên đại. Annabel Cole, một cây viết từ London, đã viếng thăm đan viện lần đầu vào cuối những năm 1990 đã nhận định như thế.
Cha Johannes Paul Chavanne, một trong các đan sí nói: “cầu nguyện rất là quan trọng trong đời sống hang ngày của chúng tôi. Chúng tôi, có thể nói, là những chuyên gia cầu nguyện. Chúng tôi cũng là những người của thế kỷ 21, chúng tôi dùng computer, điện thoại di động. Chúng tôi tham gia vào tất cả những gì xảy ra trên thé giới. Trên tất cả, chúng tôi phải biết cầu nguyện cho cái gì.”
Đan viện đón nhận nhiều hình thức ơn gọi khác nhau, từ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở Trung Âu đến tôn kính các Thánh giá thật. Nghiên cứu học thuật ở mọi cấp bậc là một truyền thống của đan viện, cũng giống như việc đóng sách và mỹ nghệ. Đan viện mới đón nhận nhà điêu khắc hàng đầu từ cựu Đông Đức; những kính màu và bằng đồng của ông trang điểm khu đại học mới. Hai đan sĩ Hoa kỳ lập các blogs tiếng Anh: sancrucensis.wordpress.com và cistercium.blogspot.co.uk. Cộng đoàn cũng có một kênh Youtube nổi tiếng, đó là “The Monastic Channel”, có nhiều clip video ngắn bằng tiếng Anh. Cũng có phim tài liệu về dự án bình ca “Top Ten Monks” do hệ thống truyền hình Hoa kỳ HBO thực hiện.
Ở đan viện Thánh giá cũng có những phòng đơn sơ trong khu nhà khách cho những ai muốn tìm sự thinh lặng và gặp gỡ Thiên Chúa, trong khi những người nam có ý định nghiêm túc về đời sống đan tu có thể sống kinh nghiệm đan tu vài ngày tại đây.
Cha Wallner nói: “mọi người nên thấy rằng Giáo hội không đang chết, nhưng đức tin Ki-tô đang sống, Chúng tôi là một điểm nóng cho tâm linh. Đối với nhiều người bên ngoài chúng tôi thật sự là dấu hiệu của hy vọng. Tôi nghĩ chúng tôi phải chấp nhận rằng trong những sa mạc của nền văn minh của chúng ta, đan viện Thánh giá giống như một ốc đảo của sức mạnh.”
Hiện nay, đan viện Thánh giá là đan viện Xi-tô lớn nhất ở châu Âu.
(Hồng Thủy OP, RadioVaticana 29.03.2016/
The Catholic Herald (UK) 28-3-2016)