Dẫn nhập
Con người ngày nay đang có xu hướng đề cao tư duy cá nhân chủ nghĩa nên việc lắng nghe bị lãng quên, đối thoại bị gãy đổ. Trong bối cảnh thế giới bị xé toạc tương quan cá nhân với cộng đồng như thế, các tu sĩ đã dệt lại những mảnh rách nát đó bằng chiều kích cộng tu với việc chọn lựa sống chung, tôn trọng tự do, đam mê của mỗi cá vị và nhìn nhận những người xung quanh trong nhiều vai trò khác nhau. Ngang qua đời sống huynh đệ, cùng chia sẻ và song hành với nhau, các cộng đoàn dòng tu thể hiện dấu chỉ mạnh mẽ nhất về một Nước Trời mai sau. Đời sống cộng tu không gì khác hơn là một sự gắn kết giữa con với Cha là Thiên Chúa và giữa con người với nhau là anh em, đó là hiệp thông. Hiệp thông không gì khác hơn là sự thông phần vào những thiện hảo của ơn cứu độ trong Thánh Thần, sự sống mới, tình yêu, Tin Mừng (x. 1Cr 10,16). Tuy nhiên để sống trọn vẹn ý nghĩa hạn từ hiệp thông, đòi hỏi mọi tu sĩ phải nỗ lực không ngừng trong hoàn cảnh sống của mình. Đặc biệt, hình thái hoạt động của xã hội ngày càng biến dạng khiến nhiều cộng đoàn gặp không ít trở ngại.
1. Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch hiệp thông
Đời sống cộng đoàn là một nét đẹp lý tưởng được trào tràn từ hình ảnh tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Giữa Ba Ngôi có một mối thông hiệp đặc biệt trong thâm giao của sự sống, đến nỗi cả Ba Ngôi là Tam Vị Nhất Thể (x. Ga 10,30; 14,9). Tuy Ba Ngôi Vị khác biệt nhưng không phân chia, không có Ngôi Vị nào hành động mà lại thiếu vắng tham dự hành động của Ngôi Vị kia, không có gì là bí ẩn và tách rời trong tương quan liên vị của Ba Ngôi. Bởi lẽ Thiên Chúa là tình yêu thì không thể nào hiện hữu một mình và đơn độc được. Vậy nên, đây là hình ảnh trọn vẹn khi mối tương giao của một nhóm người gắn kết và sản sinh hoa trái là tình yêu, một tình yêu mở ra và hướng về.
Sống mầu nhiệm Ba Ngôi là sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương (x. Ga 4,16). Khi tham dự mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, con người được hợp nhất những phương diện đa tạp của từng cá thể để làm phong phú cho một cộng đoàn rộng lớn. Các tu sĩ được quy tụ lại với nhau không từ những nhu cầu cộng tác xã hội, lợi ích cá nhân, huyết thống, nhưng từ lời mời gọi của Thiên Chúa, lời mời gọi yêu thương ngọt ngào. Và tu sĩ hiệp thông với nhau vì cùng một mục đích cao cả đó là chính Thiên Chúa, là dự phóng Tin Mừng. Họ trở nên hiệp nhất chứ không đồng nhất, như Ba Ngôi cùng một bản thể. Nhờ vậy mà mỗi tu sĩ đều thể hiện được nét độc đáo của mình, đồng thời trở nên phong phú và sung mãn trong số đông cộng đoàn.
Chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa là một hình mẫu tuyệt hảo để xây dựng đức tin trong đời sống đan tu. Bởi lẽ, cộng đoàn đan tu luôn mở ra sứ vụ hiệp thông cầu nguyện cho Giáo hội, đồng thời cũng hướng về sự hiệp nhất trong biện phân cá nhân – cộng đoàn với bản sắc gia đình. Chỉ có tình yêu như Ba Ngôi mới là nền tảng lâu bền để xây dựng nên một gia đình lớn trọn vẹn.
2. Đan sĩ sống tình yêu huynh đệ theo thánh luật
Theo truyền thống của đan tu Xitô, đời sống cộng tu là trường học đức ái. Ơn gọi đan tu không phải là ơn gọi cá nhân, nhưng là ơn gọi được thiết lập để xây dựng một thân thể độc đáo và đặc thù trong mối thân tình huynh đệ. Không phải các đan sĩ chọn lấy nhau nhưng họ đón nhận nhau vì muốn chia sẻ niềm vui đan tu và giúp đỡ nhau đến đích điểm mà mọi người cùng hướng về. Qua đó, sự tương trợ và hiệp thông của các đan sĩ được thể hiện như một gia đình thiêng liêng cách đặc biệt.
Cơ cấu tổ chức đan viện không dừng lại ở việc vận hành trật tự nhưng muốn diễn tả một mầu nhiệm thâm sâu trong mối tương quan giữa con người với nhau. Đối với cương vị cha và con, Viện phụ trở thành “một” cho từng đan sĩ trong cộng đoàn của mình, nghĩa là không của riêng ai và cũng là cho tất cả mọi người. Lịch sử đan tu cho biết các đan phụ Cronius, Gelasius, Isidore… đã rất thành công trong việc đồng hành thiêng liêng với từng cá nhân các đan sĩ như thế. Các ngài đã cho họ thấy mình là một người cha gần gũi và yêu thương như chính danh xưng Viện phụ, chứ không đơn thuần là trách nhiệm một chức vụ phân cấp trên dưới (Tl [Tu luật Thánh Biển Đức] 2,1). Điều này khiến các đan sĩ có cảm tưởng như chính Viện phụ là quà tặng quý giá mà Thiên Chúa đã dành riêng cho mình.
Ngoài ra, mỗi thành viên đan sĩ đều đặc chứa tính chất riêng tư: tính cách, kiến thức, văn hóa vùng miền… nên Viện phụ là trung gian và có vai trò gắn kết từng thành viên trong cộng đoàn, để cộng đoàn thực sự trở nên hiệp nhất. Thánh Biển Đức đã nhắc nhở Viện phụ hết sức chú ý đến các điều khác biệt của từng thành viên, để mọi việc được hài hòa và không có ai phải phiền lòng trong nhà Chúa (Tl 34,1-6). Như thứ tự trong một gia đình đúng nghĩa, các thành viên đều có trách nhiệm và bổn phận chia sẻ công việc với Viện phụ. Một khi trách nhiệm được chia sẻ, trách nhiệm đó sẽ trở thành đồng trách nhiệm.
Đối với nghĩa tình huynh đệ, các đan sĩ luôn phải lột tả căn tính đan sĩ của mình với sự tinh tuyền của một người mang tâm thế tìm Chúa, để khi đối thoại với nhau không ai bị chi phối bởi những cái mà người khác sở hữu (tư duy, tuổi tác, trình độ…) nhưng cố gắng hiểu người khác như họ là một sứ điệp cho mình. Tuy nhiên, các đan sĩ vẫn tuân theo quy tắc thứ vị do Viện phụ đặt như duyên ân sủng của từng người (Tl 63,4-6); “đàn em phải luôn tôn kính đàn anh, đàn anh hãy yêu thương đàn em… không ai được phép gọi tên suông, anh em gặp nhau ở đâu phải xin đàn anh chúc lành.” (Tl 63,10-15), “không những mọi người phải bày tỏ sự tốt lành của đức vâng phục đối với Viện phụ, mà anh em còn phải vâng lời nhau” (Tl 71,1)… Tất cả muốn nói lên mối tương quan tôn trọng và yêu thương.
Đối với những người mắc lỗi và bị tuyệt thông, họ không bao giờ bị bỏ rơi cho tu luật phán xử khắt khe, nhưng được nhận sự quan tâm nhiều hơn từ Viện phụ và các anh em. Ai bất tuân, bướng bỉnh, kiêu căng, lẩm bẩm hoặc phản kháng điều gì ngược với Thánh Luật, họ sẽ được đàn anh kín đáo cảnh cáo một hai lần, nếu không sửa mình họ sẽ bị khiển trách công khai trước mặt mọi người (Tl 23,1-3). Tùy các lỗi phạm mà Viện phụ ấn định hình phạt nặng nhẹ, có thể bị tuyệt thông nơi bàn cơm hoặc nhà nguyện. Tuy nhiên, Thánh Biển Đức dạy rằng, ngài phải hết sức lo lắng săn sóc cho người phạm lỗi, sai những vị lão thành cao niên kín đáo an ủi nâng đỡ người anh em đó. Ngài cần đem hết tài lực khôn khéo và học lấy gương Đấng Chăn Chiên Nhân Lành để coi sóc con cái mình (Tl 27,1-8). Và tình yêu tận tụy đó phải kiên nhẫn cho đến khi người bị vạ tuyệt thông được chữa lành mới thôi. Nếu người đó không tu chỉnh thì dùng lời khuyên như thuốc đắp thuốc xoa, lời lẽ Thánh Kinh như thuốc uống, đánh đòn như hỏa cứu và cuối cùng dùng linh dược cứu chữa là lời cầu nguyện của ngài và của toàn thể anh em (Tl 28,1-6). Ngay cả khi người đó rời bỏ đan viện, cộng đoàn cũng nhận lại cho đến lần thứ ba. Còn rất nhiều điều quân bình và bác ái mà luật ấn định như: bằng mọi cách trở về dùng cơm chung với cộng đoàn khi đi xa, luôn hướng về giờ thần vụ nơi cộng đoàn khi làm việc ngoài giờ, chia sẻ sản phẩm cộng đoàn làm ra cho người nghèo… Điều này cho thấy Thánh Biển Đức là một nhà sư phạm giáo dục đại tài. Ngài đã thiết lập nên một cơ cấu hữu lý nhưng lại vượt ra khỏi ranh giới đó để chạm đến mầu nhiệm của tình người.
Đời sống đan tu khiến nhiều người có cảm tưởng là một đời sống tách rời xã hội. Tuy nhiên, chính đời sống này đã có tác động không hề nhỏ cả Giáo hội lẫn thế tục. Chỉ cần cuốn Kinh Thánh và chiếc cuốc trên tay, Thánh phụ Biển Đức đã góp phần quan trọng vào nền văn minh rực rỡ của Châu Âu. Và cho đến sau này, con cái Ngài vẫn đang tiếp bước làm cho hơi thở sự sống của Giáo hội thêm đầy tràn qua cách thế hiện hữu của mình. Họ đã thể hiện sắc nét bằng chứng tá đời sống cộng đoàn, điều mà thánh Basiliô diễn tả giá trị nội tại của nó như là thân mình Đức Kitô, trong đó mỗi đan sĩ là một bộ phận. Và hơn nữa chứng tá đan tu còn tiến xa hơn qua sứ mệnh tông đồ như thánh đan sĩ Ansgar (qua đời năm 865) đã liên kết trong khẩu hiệu “Intus monachus, foris apostolus” (Trong nội vi hoàn toàn là đan sĩ, ra bên ngoài hoàn toàn là tông đồ).
3. Những thách đố trong mối tương quan của đan sĩ
Các đan sĩ chỉ thực sự làm thành cộng đoàn khi tìm sự hiệp nhất nội tâm. Đây là một vấn đề căn cốt và nan giải vì mỗi cá thể là một độc đáo khi hướng về Thiên Chúa nhưng đồng thời cũng là “một” ở giữa anh em mình. Đan sĩ là “một” đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn dễ hiểu, nhưng là “một” quân bình trong cộng đoàn thì không hề dễ dàng gì. Đối với Thiên Chúa, tự danh xưng đã thể hiện là phẩm tính đơn nhất (“đan” trong từ đan sĩ (單士) là cách viết trại của “đơn”), là người sống một mình với Chúa và dâng hiến trọn vẹn con tim cho Ngài. Nhưng là “một” (tiếng Hy Lạp: monos) với anh em đồng tu luôn là một vấn đề khó, “một” không phải chỉ dừng lại ý nghĩa số lượng; vì ngay khi ở giữa cộng đoàn đan sĩ vẫn là “một”, nhưng là “một” với nhiều, và không thể nói đan sĩ là một mình, một “cô độc”. Theo đó, khi hợp thành cộng đoàn, các đan sĩ phải nỗ lực vươn đến “một tâm hồn và một trái tim duy nhất”, nhiều thân xác nhưng có một tâm hồn và một trái tim, đó được gọi là monos, nghĩa là “một duy nhất” [x. Nguyễn Văn Nam, Giáo trình linh đạo đan tu, Hội Dòng Xitô Thánh Gia 2021, 14.].
Những đòi hỏi này cho thấy, đan sĩ luôn có những trở ngại từ hai phía. Khi đời sống thiêng liêng của một đan sĩ đang bị “phai nhạt” thì không những cảm thấy khuynh hướng ơn gọi của mình vô định và Thiên Chúa hoàn toàn xa cách, mà còn thấy tương quan với người đồng tu mất ý nghĩa. Và có lẽ, chướng ngại này được khởi đi từ việc hạn chế lắng nghe, hoặc quá mệt mỏi để lắng nghe ý Chúa và tha nhân. Đời sống cộng tu luôn có nhiều trở ngại trong sự hiệp thông, nhưng có lẽ việc lắng nghe là khởi đầu cho một trong số nhiều nan đề khác. Lắng nghe được bắt đầu từ sâu thẳm trong trái tim. Đây là một kỹ năng đòi hỏi nhiều cố gắng, khi mà thế giới đang bị ô nhiễm tiếng ồn và chủ nghĩa cá nhân cũng đang len lỏi khắp nơi. Hệ quả này đã làm đổ vỡ nhiều tương quan đáng tiếc, bởi sinh ra những tư duy độc đoán, tiên kiến chủ quan, hay những cảm tình phe nhóm và khô cứng trong cái tôi của mình. Và dĩ nhiên, một đan sĩ sẽ chẳng bao giờ hiệp thông được với cộng đoàn mình sống nếu từ chối lắng nghe dự phóng của cộng đoàn và nhu cầu của anh em.
Lắng nghe là một việc hết sức quan trọng như trong lời mở đầu Tu Luật, Thánh Phụ Biển Đức đã âu yếm mời gọi như một người cha hiền “Con ơi, lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được” (Lời mở 1,1).
4. Bài học từ đàn chim di trú
Cứ đến mùa đông hằng năm, từng đoàn chim như ngỗng trời, nhạn, sếu hay các loài chim di trú lại bay về phương Nam để tránh rét và tìm kiếm thức ăn. Trong quá trình di chuyển trên bầu trời tất cả chúng đều có một kiểu bay chung theo hình chữ V. Đội hình bay chữ V là một hành vi biểu hiện hành vi tập thể của động vật. Đây là đội hình góp phần rất lớn cho sự thành công đến đích của cả đàn chim, ngang qua sự cộng tác của từng con.
Người ta nhận thấy loài chim biết cách tìm vị trí tối ưu để hưởng sức nâng và vỗ cánh đồng bộ để giảm bớt năng lượng cần thiết, đồng thời chúng cũng tránh được tác động của luồng không khí đi xuống do đường bay của đồng đội phía trước. Tất cả chúng đều lợi dụng luồng khí nâng từ con bay trước để tiết kiệm sức lực của mình, trừ con đầu đàn. Nhờ sự liên kết khí động lực học mà rất hiếm con nào trong đàn bị bỏ rơi vì kiệt sức, nếu con dẫn đàn cảm thấy không còn sức lực để tiếp tục thì ngay lập tức nó lùi lại đàng sau để con khác vào thế chỗ. Khi một con ngỗng bị thương hay bị bệnh và rơi xuống, hai con khác sẽ lùi lại khỏi bầy để dìu nó và bảo vệ. Chúng sẽ ở lại chừng nào con bị thương có thể bay hoặc chết và nhập vào một đàn khác bay về phương Nam.
Nếu nhìn vào hiện tượng bay của chim di trú, có lẽ ta cũng dễ dàng nhận ra phần nào hình thức của một cộng đoàn thành công. Trong cộng đoàn tu, bề trên như con chim đầu đàn khỏe mạnh với vai trò quan trọng là giữ nhịp sống cộng đoàn. Tuy nhiên, mỗi thành viên đều có trách nhiệm và bổn phận để gánh vác trách nhiệm của bề trên vào lúc thích hợp nào đó, như con chim khác có thể thay thế con đầu đàn vậy. Khi tiên phong về phía trước, vị trí đứng đầu không phải là lãnh đạo được hưởng lợi nhưng phải chịu nhiều hy sinh, mệt mỏi và áp lực nhất. Vậy nên, mọi thành viên phải sẵn sàng chia sẻ sự mệt mỏi này, như thế cộng đoàn mới đi xa được. Đối với các thành viên luôn phải có sự cộng tác và phối hợp với nhau. Như đội hình chữ V, các chú chim đàng sau dễ dàng nhìn thấy các chú chim đàng trước nên chúng sẽ giữ liên lạc tốt. Điều này rất quan trọng vì giúp chúng bắt được tín hiệu khi con đầu đàn ra dấu dừng lại hoặc đổi hướng bay. Thường thì những con chim bay sau sẽ cất tiếng kêu để động viên những con đi đầu để giữ được tốc độ. Một cộng đoàn nối kết được với nhau là nhờ vị trí vai vế rõ ràng của từng người, đủ để tôn trọng và tương trợ lẫn nhau. Điều này giúp từng thành viên nhìn thấy dự phóng của cộng đoàn và nhu cầu của nhau. Như thế, không ai bị lạc ra khỏi cộng đoàn, và không bị bỏ rơi tinh thần vì đã hiểu tình trạng của nhau.
Khi là thành viên của một cộng đoàn, một hội dòng, chỉ có thể cùng chia sẻ những mục tiêu chung, tu sĩ mới đi đến được nơi mình muốn đến cách nhanh nhất và dễ dàng hơn. Nếu có cảm nhận tinh tế từ đàn chim di trú, ta sẽ hiểu được đời sống cộng đoàn là một sự cộng tác đoàn kết, và sâu xa hơn thế, đó là một mầu nhiệm. Yếu tố hiệp thông quyết định sự sống còn của một cộng đoàn, đúng như Thánh Phaolô đã quảng diễn trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất…. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?” (12,12-13.17).
Kết luận
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lưu ý trong số 2 của Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến: “Trong đời sống cộng đoàn, người ta phải xác tín rằng sự hiệp thông huynh đệ không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa Phục sinh. Điều này được thực hiện nhờ tình yêu hỗ tương của các phần tử trong cộng đoàn, tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, được thanh luyện nhờ Bí tích Hòa giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn hiệp nhất, là một ân huệ Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe Tin mừng với lòng vâng phục…”. Cho dù tu sĩ trong sứ vụ hoạt động hay chiêm niệm đều phải xác tín vào hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh, nhờ đó họ được kết hợp với mầu nhiệm Ba Ngôi và nhờ đức ái mà các lời khuyên Tin mừng dẫn tới tình yêu tha nhân phổ quát. Họ trở nên sống động trong sự khiêm tốn phục vụ và khiêm nhường trong lòng mẹ Giáo hội. Không phải do đặc sủng này hay linh đạo kia, không phải Giáo hội chỉ bước đi từng đôi chân, nhưng là trọn vẹn mọi con người trong Giáo hội.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023)