Trong khi tại hầu hết các trường đại học ở Pakistan đều có nhà thờ Hồi giáo, UAF sẽ là trường đại học đầu tiên cho phép xây dựng một nhà nguyện Công giáo trong khuôn viên của trường. Một khu vực đã được dành riêng để xây nhà nguyện, gần nơi ở của 70 nhân viên nhà trường là các Kitô hữu, hầu hết trong số này là nhân viên vệ sinh, làm vườn và nhân viên quản lý hậu cần.
Đối với Farrukh Habib, giảng sư âm nhạc của UAF, đây là một giấc mơ đã trở thành sự thật. Ông nói: “Đây sẽ là trường đại học Hồi giáo đầu tiên có một nơi thờ phượng cho nhóm tín hữu thiểu số. Nay con cái chúng ta có thể học giáo lý ngay ở cửa nhà của chúng. Các sinh viên Kitô giáo cũng vui mừng. Chúng tôi cảm ơn cả ban quản trị đại học và giáo phận”.
“Islami Jamiat-e-Talaba, hội sinh viên lớn nhất trong nước, thường phản đối các sinh hoạt văn hoá ở các trường đại học khác, nhưng ở đây họ tôn trọng chúng tôi”, Habib nói tiếp.
Hơn 400 Kitô hữu ở UAF đã tham dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà nguyện do Đức giám mục Joseph Arshad của giáo phận Faisalabad cùng với Phó Viện trưởng UAF người Hồi giáo, chủ trì vào ngày 16 tháng Năm.
Giáo phận Faisalabad sẽ đóng góp 3 triệu rupee (tương đương 25.500 euro) cho dự án có tổng chi phí ước tính 7,6 triệu rupee (65.000 euro) này. Trường đại học đã cấp hơn một kilômet vuông để xây dựng nhà nguyện.
Được thành lập vào năm 1906 như một cơ sở giáo dục lớn đầu tiên và cao cấp về nông nghiệp ở bang Punjab, UAF có hơn 20 nhà thờ Hồi giáo và có ký túc xá riêng cho nam và nữ.
Những thách đố
Theo Habib, thật không dễ để kế hoạch này được chấp thuận. “Trong những năm 1990, chúng tôi đã đệ trình yêu cầu xây dựng nhà nguyện nhưng ban quản trị không đồng ý. Không có các bãi cỏ như trong kế hoạch đã đề nghị, nhưng bây giờ thì một môi trường sạch sẽ cũng sẽ giúp ích cho các tín hữu”, Habib nói.
Hồi đó, các nhân viên của UAF nói rằng khu đất dơ bẩn ở gần nhà của họ phải được cải tạo cũng như cần phải xây dựng nhà nguyện. Habib cho biết: “Chúng tôi cần có các bãi cỏ để tổ chức các chương trình của nhà nguyện cũng như các đám cưới trong cộng đồng của chúng tôi”.
Năm 2015 Đức cha Arshad đã chủ trì lễ động thổ để xây dựng nhà nguyện trong khuôn viên của trường nhưng dự án này bị đình trệ. Đức cha nói rằng phải mất thêm ba năm để đàm phán với các viên chức đại học.
Đức cha Arshad nói: “Chúng tôi phải rất vất vả vì nhiều viên chức trì hoãn đề nghị của chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi cũng có tin vui cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu ở Pakistan. Đây là một điểm mốc cho giáo phận”.
Các nhà nguyện trong các cơ sở y tế hoặc giáo dục do chính phủ điều hành là một hiện tượng hiếm hoi ở Pakistan, một quốc gia phải gánh chịu nạn khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo trong nhiều thập kỷ. Hầu hết các vụ tấn công vào đám đông và các vụ đánh bom tự sát nhắm vào những người đi lễ ngày Chúa nhật xảy ra ở bang Punjab, nơi có hơn 1,5 triệu Kitô hữu.
Không có nơi thờ phượng cho sinh viên theo đạo Hindu hoặc đạo Sikh trong 108 trường đại học của nhà nước. Khác với người Hồi giáo –họ cầu nguyện công khai ở công viên và đường phố –, Kitô hữu và tín hữu của các nhóm tôn giáo thiểu số khác thường cầu nguyện trong nhà. Tuy nhiên, tập tục Kitô giáo vẫn khuyến khích cộng đồng làm dấu thánh giá ở nơi công cộng.
Saad Suleman, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành thú y, cho biết những người bạn Hồi giáo của anh đã chúc mừng anh trong ngày công bố nhà nguyện Công giáo sẽ được xây dựng ở khuôn viên của Đại học.
Suleman cho biết: “Phó viện trưởng đã cho phép chúng tôi tổ chức một chương trình Giáng sinh vào năm 2014. Tuy nhiên, chương trình này đã bị huỷ do vụ thảm sát xảy ra ở trường Peshawar trước lễ Giáng sinh năm đó. Chúng tôi đã không bao giờ xin tổ chức lại”.
Và anh nói thêm: “Nhà thờ chính toà Công giáo, nằm cách UAF 3km, là nơi chúng tôi vẫn đến để tham dự cử hành phụng vụ ngày Chúa nhật. Nay chúng tôi đã có nhà nguyện riêng, chúng tôi sẽ có thể cầu nguyện thường xuyên như các sinh viên khác”.
Còn giáo sư Anjum James Paul, người Công giáo, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên thuộc các Nhóm Tôn giáo thiểu số ở Pakistan, nói rằng: “Chúng tôi hoan nghênh ban quản trị trường UAF, nhưng chúng tôi không coi đó là một ân huệ. Tự do tôn giáo là quyền của chúng ta đã được hiến pháp quy định và tất cả các trường đại học cần có nhà nguyện, đền thờ và gurdwara (nơi thờ phượng của đạo Sikh)”.
(Theo La Croix)