Hỏi: Đặc ân Phêrô là gì và cách áp dụng đặc ân này trong hôn nhân?
Trả lời:
Hôn nhân Kitô giáo là hôn nhân độc nhất và bất khả phân ly. Khi bí tích Hôn Phối đã được cử hành hợp pháp với những điều kiện cần thiết (sự tự do, không lừa dối…) và đã hoàn hợp, thì không gì có thể chia cắt được. Vợ và chồng trong một cuộc hôn nhân như thế không thể ly dị và kết hôn với người khác. Chỉ khi nào một trong hai người chết, người còn lại mới được tái hôn. Đây là điều cần phải khẳng định lại để không dẫn đến hiểu nhầm đối với một số người cho rằng Giáo Hội cho phép ly dị.
Tuy nhiên, liên quan đến việc tháo gỡ dây hôn phối, Giáo Hội có nói đến hai đặc ân: Đặc ân Phaolô và đặc ân Phêrô. Đặc ân Phaolô dựa trên giáo huấn của Thánh Phaolô trong 1 Cr 7,12-15 và Giáo Hội đã quy định trong Giáo Luật số 1143 cho phép giải gỡ hôn phối của hai người chưa rửa tội khi cưới nhau, mà nay, một trong hai người này xin Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo và/để kết lập một hôn phối mới, khi người phối ngẫu không rửa tội kia đã đoạn tuyệtvới người này. Đặc ân này có thể do Đức Giám Mục giáo phận ban.
Khác với đặc ân Phaolô, đặc ân Phêrô không được nói rõ trong Giáo Luật và cũng không xuất phát từ giáo huấn nào của Thánh Phêrô, nhưng có ý muốn nói đến đặc ân mà Đức Giáo Hoàng (người kế vị Thánh Phêrô) ban cho tín hữu vì lợi ích đức tin của người ấy.
Sắc lệnh Potestas Ecclesiae của Bộ Giáo Lý Đức Tin, công bố ngày 30.4 .2001, nói rằng: “Trong những hoàn cảnh đặc biệt nào đó, hôn nhân giữa những người không công giáo hoặc ít là một trong hai người không phải là người Công Giáo, có thể bị tiêu trừ vì lợi ích đức tin của tín hữu và vì ơn cứu độ cho các linh hồn, với năng quyền cho Đức Thánh Cha ban.” Vì thế, một hôn nhân hợp pháp giữa một tín hữu Công Giáo và một người không phải Công Giáo có được bị tiêu trừ “vì lợi ích đức tin của tín hữu và vì ơn cứu độ cho các linh hồn, với năng quyền cho Đức Thánh Cha ban”.
Nhưng làm sao để biết là mình có thể xin đặc ân Phêrô không? Một vài gợi ý sau đây được soạn thảo bởi Tổng Giáo Phận New Orleans, Mỹ, có thể trợ giúp:
- Ít là một trong hai người chưa được rửa tội (theo Giáo Hội Công Giáo) trước khi kết hôn và vẫn giữ nguyên tình trạng như thế trong suốt thời kỳ hôn nhân.
- Thực sự là không còn hy vọng gì để cả hai hòa giải với nhau
- Người xin đặc ân Phêrô không phải là người gây ra nguyên do khiến cuộc hôn nhân bị đổ vỡ
- Dù bên không rửa tội đã rửa tội sau đó, nhưng hai người đã không có quan hệ vợ chồng từ khi người này chịu phép rửa, vì lý do nào đó.
- Nếu người xin đặc ân Phêrô hay người-phối-ngẫu-tương-lai không là người Công Giáo, thì bên không phải là người Công Giáo ấy phải sẵn sàng cam kết là sẽ nuôi dưỡng con cái của mình theo đường hướng Công Giáo và không ngăn cản bên Công Giáo thực hành đức tin Công Giáo của mình.
- Người mà người xin đặc ân Phêrô có muốn cưới có phải là Công Giáo.
- Nếu bên không rửa tội, trước đó đã cưới một người Công Giáo, và bên Công Giáo được miễn trừ khỏi mọi ràng buộc để cưới bên không Công Giáo, thì bên không rửa tội phải có ý định xin rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo. (Potestas Ecclesiae, Điều 7, triệt 2)
- Người phối ngẫu của người xin đặc ân có tự do để cưới trong Giáo Hội Công Giáo.
- Người phối ngẫu không phải là nguyên nhân gây ra đổ vỡ cho hôn nhân của người xin đặc ân.
- Bên Công Giáo được chủ động thực hành đức tin của mình.
11.Việc ban đặc ân sẽ không gây ra cớ vấp phạm hay làm hoang mang cho các tín hữu.
Nếu tất cả mọi điều kiện trên được thỏa mãn thì có thể làm hồ sơ để xin đặc ân Phêrô. Tuy nhiên, phải nhớ rằng việc xin là một chuyện, việc có được chấp nhận hay không lại là chuyện khác.
Ngoài ra, thiết nghĩ, cũng nên trình bày ở đây một vài quy định của Giáo Luật liên quan đến việc tháo cởi hôn nhân trong một số trường hợp đặc biệt:
Ðiều 1148:
Một người nam chưa được rửa tội có nhiều vợ cũng không được rửa tội, sau khi lãnh Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo, nếu khó sống mãn đời với người vợ thứ nhất, thì ông có thể chọn sống với một trong các bà vợ và bỏ những bà khác. Ðiều này cũng có giá trị cho một người nữ chưa được rửa tội mà có một lúc nhiều chồng không được rửa tội.
Ví dụ: Anh A (không rửa tội) đã cưới chị B, chị C, chị D (cả ba đều không rửa tội) làm vợ. Một thời gian sau, anh A xin chịu phép rửa tội để theo Công Giáo. Là một người Công Giáo, anh ta không thể sống đời sống đa thê được. Trong trường hợp này, anh A phải chọn một trong ba người vợ kia là người vợ chính thức của mình và có quyền rẫy những người còn lại.
Trong những trường hợp nói ở triệt 1, sau khi đã lãnh Bí Tích Rửa Tội, hôn phối phải được kết lập theo thể thức hợp lệ, và nếu cần, còn phải giữ những quy định về hôn phối hỗn hợp và những điều khác theo luật.
Ví dụ: Trong trường hợp trên, anh A có thể chọn chị C làm vợ chính thức của mình. Lúc đó, hai người này phải tuân theo những quy định về hôn phối của Giáo Hội.
Sau khi đã thẩm định về điều kiện luân lý, xã hội, kinh tế của địa phương và nhân sự, Bản Quyền sở tại (Đức Giám Mục địa phận) phải lo liệu để người vợ cả và những người vợ khác bị rẫy, được chu cấp theo lẽ phải bác ái Kitô giáo, và sự công bình tự nhiên.
Ðiều 1149: Một người chưa rửa tội, sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo và không có thể lặp lại đời sống chung với người phối ngẫu không rửa tội vì lý do tù đày hay bắt bớ, thì có thể kết lập một hôn phối khác, cho dù trong thời gian ấy người phối ngẫu kia cũng đã lãnh Bí Tích Rửa Tội, miễn là giữa điều 1141.
Ví dụ: Anh A (chưa rửa tội) đã cưới chị B (chưa rửa tội). Một khoảng thời gian sau, anh A xin rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Từ ngày được rửa tội đến nay, vì chiến tranh, anh bị bắt đi lính hoặc đi tù khổ sai, nên không thể chia sẻ đời sống vợ chồng với chị B được nữa. Trong trường hợp này, anh A có thể cưới chị C làm vợ, ngay cả khi lúc ấy, chị B cũng đã xin rửa tội để theo Công Giáo. Khi cưới chị C, anh A phải tuân theo những quy định về hôn phối.
Ðiều 1150: Trong trường hợp hồ nghi, pháp luật suy đoán thuận lợi cho đặc ân Ðức Tin.
Tổng hợp và chuyển dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(dongten.net 17.04.2015)