Có lẽ một từ ngữ được nghe nói nhiều nhất trong văn chương công giáo là: sự cứu rỗi. Đức Kitô cũng được gọi là Chúa Cứu thế, Đấng Cứu chuộc. Thế thì: “cứu rỗi, cứu thế, cứu chuộc” có gì khác nhau hay không?
Danh mục các từ ngữ còn có thể kéo dài thêm nữa: cứu thoát, cứu độ, cứu tinh, Cứu Chúa. Dù sao, nên biết không phải chỉ có Kitô giáo mới sử dụng các từ ngữ đó. Có thể nói được là tất cả các tôn giáo đều phải bàn tới sự cứu rỗi cách nào đó. Thí dụ như ở Việt Nam, do ảnh hưởng của Phật giáo, những tiếng “cứu độ, cứu nhân độ thế” đã trở thành quá quen thuộc. Hơn thế nữa, nếu phân tích ngôn ngữ thường ngày, chúng ta sẽ thấy tiếng “cứu” được dùng trong một bối cảnh rộng hơn lãnh vực tôn giáo nhiều. Thí dụ: cứu cấp, cứu thương, cứu hỏa, cứu vớt, cứu tế, cứu giúp. Đại khái, thì tiếng “cứu” được dùng khi mà con người gặp phải một hoàn cảnh rất là khổ cực, bi đát (tựa như tai biến, hoạn nạn), và cần phải thoát khỏi cảnh đó.
Nếu vậy thì sự “cứu rỗi” chỉ giới hạn trong lãnh vực tôn giáo hay là mở rộng tới hết các hoàn cảnh éo le của con người?
Trong tiếng Việt, thường thì tiếng “cứu rỗi” được dùng trong lãnh vực tôn giáo. Cách riêng, người công giáo thường hiểu cứu rỗi theo một nghĩa rất là thiêng liêng, đó là “cứu rỗi linh hồn”. Hình như Phật giáo cũng dùng tiếng cứu thoát theo chiều hướng đó: cứu vớt con người ra khỏi biển trầm luân. Tuy nhiên, khi đọc lại Kinh thánh, chúng ta thấy rằng cái tiếng “cứu” được dùng trong một phạm vi rộng lớn hơn nhiều; nó bao trùm toàn diện con người. Nói cách khác, trong Kinh thánh, chữ “cứu” cũng được dùng tương tự như là trong ngôn ngữ bình dân Việt Nam.
Nghĩa là: cứu nguy, cứu cấp, cứu giúp, phải không?
Đúng như vậy, trước khi gắn thêm một từ kép “cứu rỗi, cứu độ, cứu thế” như chúng ta quen nghe, Kinh thánh dùng tiếng “cứu” một cách đơn giản, theo nghĩa tới giúp cho một người nào đó đang gặp nguy khốn. Trong Cựu ước, chúng ta thấy những cảnh nguy khốn ấy mang đủ hình dạng khác nhau. Ai đã quen đọc thánh vịnh đều nhận thấy điều đó. Nhiều lần, vịnh gia đang gặp cơn bệnh hoạn, và xin Chúa cứu; như vậy hiểu là cứu cho khỏi bệnh, và nhất là cứu cho khỏi chết. Đôi khi vịnh gia bị vu oan, lăng mạ, và xin Chúa đến cứu: nghĩa là xin gỡ cho khỏi cảnh oan ức bất công. Có khi là một cơn nguy khốn đè nặng lên cả dân tộc, điển hình là cảnh nô lệ của dân Israel bên Ai cập; hoặc là trước tai hoạ của một cuộc ngoại xâm. Như vậy, Israel xin Chúa cứu, nghĩa là xin cho thắng quân địch. Ngoài những nguy khốn có tính cách chính trị, Israel cũng nếm những nguy khốn do thiên tai, chẳng hạn như cảnh mất mùa, hạn hán, vân vân. Nói cách khác, hễ gặp bất cứ khó khăn tai hoạ gì, thì họ cầu cứu với Chúa, xin Chúa tới cứu.
Thế từ lúc nào, từ chỗ “cứu” nói chung, Israel mới tiến tới ý tưởng “cứu rỗi”?
Xét trong ngôn ngữ Kinh thánh (Do thái, Hy-lạp), thì không có tiến hay lùi gì cả, bởi vì trước sau vẫn là một từ ngữ thôi. Còn trong Việt ngữ, thì chúng ta đặt thêm tiếng “cứu rỗi”, ra như để nêu bật một hình thức “cứu” riêng, có tính cách thiêng liêng, khác với các thứ cứu khác. Thực ra, thì trong Kinh thánh, tuy cùng là một từ ngữ như nhau, nhưng xét về tư tưởng thì cũng có sự tiến triển. Tuy rằng khi gặp bất cứ gian nan khổ cực nào, Israel cũng ngước mắt lên xin Chúa đến cứu giúp, nhưng từ sau thời lưu đầy, quan điểm của Cứu Chúa càng ngày càng mở rộng nhãn giới. Họ không những cần Chúa giúp để thoát khỏi cơn hiểm nghèo trước mắt, nhưng họ nhìn xa hơn. Họ nghĩ tới sự phục hưng của dân tộc; họ nghĩ tới cảnh thái bình thịnh vượng hoàn toàn, khi mà họ không bao giờ còn bị khổ cực nữa, cũng như sẽ không bao giờ sợ phải xa lìa Thiên Chúa nữa. Các ngôn sứ dần dần hướng niềm hy vọng của Israel vào thời cánh chung, dám mơ ước sự cứu thoát toàn diện khỏi hết mọi cơn nguy khốn, kể cả được cứu khỏi sự chết nữa. Vào cuối thời Cựu ước, sách Daniel và Macabê quyển 2 nhen nhúm niềm hy vọng người chết sẽ được sống lại.
Và rồi Tân ước tiếp nối chiều hướng ấy phải không?
Đúng như vậy. Trước đây, trong cách sách giáo lý và trong các bài giảng, không thiếu lần chúng ta đã dành sự “cứu rỗi” riêng cho phần linh hồn (cứu rỗi linh hồn), và chúng ta quên rằng đặc trưng của niềm hy vọng Kitô giáo ở chỗ thân xác này sẽ được sống lại. Niềm hy vọng đó quan trọng đến nỗi các giáo phụ đã ghi vào kinh Tin kính: “tôi tin xác loài người sẽ sống lại” hay là “tôi trông đợi kẻ chết sống lại”. Dù sao, thì khi đọc lại Phúc âm, chúng ta thấy rằng trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã bày tỏ vai trò Cứu thế qua nhiều hành vi khác nhau: lúc thì Ngài chữa lành các bệnh nhân, nghĩa là cứu con người khỏi các bệnh tật, trả lại cho thân thể sức khoẻ và sự lành mạnh. Dĩ nhiên, Ngài đã dành nhiều thời giờ hơn để mà cứu chữa những vết thương tinh thần: những người bị xã hội hất hủi, ruồng bỏ (chẳng hạn những hạng thâu thuế, đĩ điếm), và nhất là Ngài không ngừng nhắc nhở mỗi người tới vết thương mà mỗi người chúng ta mang trong mình khi chúng ta sống trong tội lỗi, hận thù, ghen ghét, kiêu căng. Ngài đã đưa ra một toa thuốc để mà chữa trị, thường gọi là các mối phúc thật. Hơn thế nữa, không những là Ngài đã chỉ cho ta một liều thuốc mà Ngài còn trở thành thang thuốc cho chúng ta. Đó là điều mà thánh Phaolô đã quảng diễn trong các bức thư, nhất là khi suy tư về ý nghĩa của sự chết và sống lại của đức Kitô. Biến cố đó mang lại cho ta nhiều hồng ân cứu độ, bởi vì nó cứu (hay là giải thoát) chúng ta khỏi những nô lệ của ma quỷ, tội lỗi, và nhất là khỏi cái chết. Chúng ta sẽ lãnh được những hồng ân đó nếu chúng ta tin vào đức Kitô. Tuy nhiên, đang khi mà hồng ân tha thứ tội lỗi, giao hoà, nghĩa tử của Chúa đã bắt đầu được ban từ bây giờ, thì những hồng ân trường sinh, hưởng kiến nhan Chúa sẽ được ban cho ta trong thời cánh chung.
Như vậy, thì sự cứu rỗi bao gồm cả thân xác nữa, phải không?
Như đã nói trên, niềm hy vọng thân xác sẽ sống lại đã trở thành một chân lý căn bản của Kitô giáo. Thánh Phaolô đã phải vất vả rất nhiều để bênh vực chân lý đó. Lý do là vì trong cuộc hành trình truyền giáo, thánh Phaolô đã phải đương đầu với văn hóa của người Hy-lạp. Theo họ, linh hồn mới là phần cao quý tinh anh của con người. Linh hồn đã được dựng nên ở trên thiên giới; vì tội lỗi, cho nên linh hồn bị đày đoạ xuống trần gian, bị nhốt trong thân xác. Bởi đó, linh hồn mong được cứu rỗi, nghĩa là giải thoát cho khỏi tù rạc xác thịt và trở về thiên giới. Nhưng thánh Phaolô coi rằng quan điểm đó trái ngược với Kitô giáo: trái ngược với chân lý về sự tạo dựng cũng như chân lý về sự cứu rỗi. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người cả hồn cả xác. Đức Kitô cũng cứu rỗi con người cả hồn cả xác. Sự cứu rỗi chỉ nói được là hoàn toàn khi mà chi phối con người toàn diện, nghĩa là khi mà con người được sống trong tình nghĩa với Chúa, cũng như khi con người cả xác lẫn hồn không còn phải sợ tiêu hao hủy hoại nữa. Hơn thế, sự cứu rỗi toàn diện cũng ảnh hưởng đến các mối tương giao giữa con người với nhau (mà chúng ta gọi là tương quan xã hội), lý do vì con người không được dựng nên để sống lẻ loi trên hoang đảo nhưng mà sống kết đoàn với nhau. Sau cùng, Tân ước không những nói tới sự cứu rỗi linh hồn con người, sự cứu rỗi thân xác con người, sự cứu rỗi các tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau; nhưng còn nói tới sự cứu rỗi của cả vũ trụ: trời mới đất mới. Dĩ nhiên, Tân ước dùng rất nhiều từ ngữ để diễn tả trạng thái đó: giao hoà, hoà giải, bình an, hoà bình, sự sống, sự trường sinh bất diệt. Đó cũng là từ ngữ kết thúc các bản kinh Tin kính: tôi tin một cuộc sống đời đời; tôi tin sự sống đời sau. Dù sao chúng ta đừng nên quên rằng cái nhìn của Tân ước có phần khác với cái nhìn của ta. Đối với chúng ta, đang bị ngụp lặn dưới bể khổ, chúng ta nghĩ tới việc cứu rỗi theo nghĩa là được thoát ra khỏi cảnh khổ; hay nói cách khác, chúng ta đặt mình làm trung tâm của sự cứu rỗi. Còn Tân ước thì muốn cho chúng ta nhìn cao hơn, nhìn về chính Thiên Chúa, nguồn gốc của sự sống. Bao lâu chúng ta bám sát vào Ngài, thì không còn phải lo ngại gì nữa. Nói khác đi, trung tâm sự cứu rỗi là Thiên Chúa. Thực ra thì không phải là hai cái nhìn đó đối chọi nhau, bởi vì như thánh Irênê, một giáo phụ sống vào thế kỷ II, đã viết: “Vinh quang của Thiên Chúa ở chỗ con người được sống; và sự sống con người ở chỗ hưởng kiến Thiên Chúa”.
Ở Việt Nam, có người dịch câu “Hors de l’église point de salut” là: ai đứng ở ngoài nhà thờ thì xin miễn chào. Xưa nay, chúng ta vẫn thường hiểu câu đó là “ngoài Giáo hội thì không có sự cứu rỗi”. Giữa sự cứu rỗi với sự chào có gì liên hệ với nhau không?
Đúng như chị đã nói, thành ngữ “hors de l’église pas de salut” có nghĩa là ngoài Giáo hội không có sự cứu rỗi. Thời giờ không cho phép tôi đi sâu vào nội dung của thành ngữ đó. Dịch “Giáo hội” là “nhà thờ” thì chỉ là một sự lầm lẫn về ý nghĩa, bởi vì như tôi đã có lần nói, tiếng “église” tiên vàn có nghĩa là Giáo hội, hội thánh, cộng đoàn các Kitô hữu; rồi kế đó thì nó mới ám chỉ cái nơi mà các kitô hữu họp nhau cầu nguyện, quen gọi là nhà thờ, thánh đường, giáo đường. Còn “salut” nguyên trong gốc La-tinh (salus) thì có nghĩa là sự cứu thoát, an toàn. Người Rôma cổ thời cũng như người Italia hiện nay chào nhau là “salve, salus, salute”, chúc cho nhau được an mạnh, cách riêng là về sức khỏe (cũng như dân mình chúc nhau được mạnh giỏi). Từ đó, sự chào thăm chúc tụng được gọi là salutare, và tiếng Pháp dịch là saluer, salut! Gốc tích của sự liên hệ giữa cứu rỗi và chào là như vậy đó!
Lm. Giuse Phan Tấn Thành