

Hội thánh dạy rằng: “để cử hành Thánh Lễ, dân Chúa thường tập họp nơi thánh đường, hoặc nếu không có thánh đường hay thánh đường không đủ lớn, thì tập họp ở một nơi trang nghiêm, xứng đáng với mầu nhiệm rất thánh này (QCSLRM. 288). Quả thật, một linh mục không bao giờ được phép cử hành Thánh Lễ trong một đền thờ hoặc một nơi tôn nghiêm của một tôn giáo không phải là Kitô giáo (HTBTCĐ. 109). Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ còn xác quyết thêm rằng “Thánh Lễ phải được cử hành ở nơi thánh, trừ khi, trong trường hợp riêng, nhu cầu đòi hỏi cách khác; dù vậy, trong trường hợp ấy, phải cử hành Thánh Lễ ở một nơi xứng đáng”[1]. Nhưng thế nào đủ xứng đáng là thuộc quyền Giám mục đánh giá quan niệm cần thiết của mỗi trường hợp riêng cho giáo phận của mình (x. HTBTCĐ. 108).
Vậy, qua giáo huấn của Hội Thánh, mỗi khi định cử hành thánh lễ tại nghĩa trang liệt sĩ nào đó, linh mục phải trình bày với Giám mục của mình. Đồng thời chờ ý kiến đánh giá của Đức Giám Mục, sau khi trả lời thỏa đáng những câu hỏi của Hội thánh đưa ra:
– Nơi nghĩa trang liệt sĩ có trang nhiêm, phù hợp với việc cử hành thánh và giúp giáo dân tham dự thánh lễ cách tích cực và linh động không?
– Nơi nghĩa trang và các đồ vật dùng trong phụng vụ có đẹp, có xứng đáng, đồng thời có biểu thị và tượng trưng cho những thực tại siêu phàm không?
Trong trường hợp Đức Giám Mục cho phép linh mục dâng Thánh Lễ nơi nghĩa trang liệt sĩ thì phải được cử hành trên một chiếc bàn xứng đáng, luôn phải có khăn phủ bàn thờ và khăn thánh, thánh giá và đèn (x. QCSLRM. 297).
Lm. Giuse Trần Thiện Tĩnh
[1]. Bộ Giáo Luật, can. 932 § 1; x. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 9 (1970).