Toàn công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha bằng cách ban Chúa Thánh Thần để Người hướng dẫn, ủi an và bênh vực chúng ta trong cuộc sống.
ĐTC đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ cử hành lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đền thờ thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có gần 100 vị gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và mấy chục Linh Mục. Đảm trách phần thánh ca có ca đoàn Sistina của Toà Thánh và ca đoàn Mater Ecclesiae. Tham dự thánh lễ đã có khoảng 10.000 tín hữu và du khách hành hương.
Sau bài thánh ca Xin Chúa Thánh Thần đến và ca nhập lễ ĐTC đã bắt đầu buổi cử hành với phần làm phép nước là dấu chỉ lòng lành của Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng dân Do thái khỏi kiếp sống nô lệ, và dẫn đưa họ vuợt qua Biển Đỏ, Đấng đã cho nước vọt ra trong sa mạc để giải khát cho dân cho dân. Với hình ảnh nước mát, các ngôn sứ đã tiên báo giao ước mới, mà Thiên Chúa muốn cống hiến cho loài người. Sau cùng trong nuớc sông Giordan được Chúa Kitô thánh hóa, Chúa đã khai mào bí tích tái sinh ghi dấu việc khởi đầu một nhân loại mới, tự do không bị tội lỗi làm hư hoại. Xin Chúa làm sống dậy nơi chúng con trong dấu chỉ của nước thánh này kỷ niệm bí tích Rửa Tội để chúng con có thể kết hiệp với cộng đoàn tươi vui của tất cả các anh chị em đã được rửa tội trong lễ Phục Sinh của Chúa Kitô Chúa chúng con.
Tiếp đến ĐTC và hai Phó tế rảy nước thánh trên tín hữu, trong khi ca đoàn hát bài thánh thi “Tôi đã trông thấy nước từ Đền Thờ chảy ra, nước ấy chảy đến đâu thì đem sự sống đến đó”.
Bài đọc một bằng tiếng Tây Ban Nha, trích từ sách Công Vụ kể lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống khiến cho các Tông Đồ mạnh dạn rao giảng Chúa Kitô phục sinh và dân chúng thuộc nhiều quốc tịch khác nhau hiểu trong ngôn ngữ của mình điều họ nghe. Bài đọc hai bằng tiếng Anh, trích từ thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Roma, nói về cuộc sống mới trong Thần Khí khiến cho tín hữu được gọi Thiên Chúa là Cha. Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh thuật lại các lời Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ ở lại trong Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài, để Thiên Chúa Cha và Ngài yêu thương họ và ở lại trong họ. Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu sẽ gửi đến sẽ dậy dỗ họ mọi điều, để họ nhớ lại những gì Ngài đã nói với họ.
Giảng trong thánh lễ ĐTC nói:
“Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Sứ mệnh của Chúa Giêsu đạt tột đỉnh với ơn Chúa Thánh Thần đã có mục đích nòng cốt này: đó là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha, đã bị tội lỗi làm hư hại; kéo chúng ta ra khỏi điều kiện mồ côi và tái lập điều kiện là con cho chúng ta.
Khi viết cho kitô hữu giáo đoàn Roma thánh tông đồ Phaolô nói: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! ” (Rm 8,14-15). Đó là tương quan được nối lại: chức làm cha của Thiên Chúa được kích hoạt lại trong chúng ta nhờ hoạt đông cứu độ của Chúa Kitô và nhờ ơn Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần được Thiên Chúa Cha ban cho dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Toàn công trình cứu chuộc là một công trình tái sinh, trong đó chức làm cha của Thiên Chúa, qua ơn của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, giải thoát chúng ta khỏi cảnh mồ côi chúng ta đã bị rơi vào. Cả trong thời đại của chúng ta ngày nay nữa cũng gặp thấy nhiều dấu chỉ của điều kiện mồ côi này của chúng ta: sự cô đơn nội tâm mà chúng ta cũng cảm thấy giữa đám đông và đôi khi có thể trở thành sự buồn sầu hiện sinh; yêu sách tự lập khỏi Thiên Chúa, đi kèm một nhớ nhung nào đó về sự gần gũi cuả Ngài; sự mù chữ tinh thần phổ biến khiến cho chúng ta không có khả năng cầu nguyện; cái khó khăn trong việc cảm nhận sự sống vĩnh cửu đích thật như sự hiệp thông tràn đầy đâm chồi và nẩy lộc vượt quá cái chết; sự mệt nhọc trong việc thừa nhận ngườì khác như anh em, trong tư cách là con của cùng một Cha; và nhiều dấu chỉ tương tự khác nữa.
Đối nghịch với tất cả các thứ đó là điều kiện là con, là ơn gọi nguyên thuỷ của chúng ta, là điều vì đó chúng ta đã được tạo dựng nên, là yếu tố di truyền sâu đậm nhất cuả chúng ta, nhưng nó đã bị hư hoại, và để tái lập nó đã cần phải có hy tế của Con Một Thiên Chúa. Từ ơn tình yêu vô biên là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, đã nảy sinh ra cho toàn nhân loại như là một thác ơn thánh vô biên, việc đổ tràn đầy Thánh Thần. Ai dìm mình với đức tin trong mầu nhiệm tái sinh ấy thì được sinh lại vào cuộc sống tràn đầy là con cái Thiên Chúa.
Tiếp tục bài giảng ĐTC nói:
Thầy sẽ không để các con mồ côi”. Hôm nay, lễ Ngũ Tuần, các lời này của Chúa Giêsu cũng khiến cho chúng ta nghĩ tới sự hiện diện hiền mẫu của Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly. Mẹ Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn các môn đệ tụ họp cầu nguyện: Mẹ là ký ức sống động của Con và là lờì khẩn nài sống động của Thánh Thần. Mẹ là Mẹ Giáo Hội. Một cách đặc biệt chúng ta hãy phó thác cho lời bầu cử cuả Mẹ tất cả các kitô hữu, các gia đình và các cộng đoàn trong lúc này đây đang cần đến sức mạnh của Thần Khí Ủi An, Bảo Vệ. Thần Khí của sự thật, tự do và hoà bình.
Thần Khí, như thánh Phaolô khẳng định một lần nữa, khiến cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô: “Nếu ai không có Thần Khí của Chúa Kitô thì không thuộc về Ngài” (Rm 8,9). Và khi củng cố tương quan tuỳ thuộc về Chúa Giêsu của chúng ta, Thần Khí làm cho chúng ta bước vào một năng động huynh đệ mới. Qua Người Anh đại đồng là Chúa Giêsu, chúng ta có thể tương quan với các người khác một cách mới mẻ, không phải như những kẻ mồ côi nữa, nhưng như là con cái của cùng một Cha nhân lành và thương xót. Và điều này thay đổi mọi sư! Chúng ta có thể nhìn nhau như anh em và các khác biệt của chúng ta chỉ gia tăng niềm vui và sự tuyệt diệu thuộc về một chức làm cha và tình huynh đệ duy nhất.
Các lời nguyện giáo dân đã được tuyên đọc trong các thứ tiếng Tầu, Giorgiano, Pháp, Armeno và Lingala: xin cho các ơn của Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội mạnh mẽ loan báo sự thật và chiếu sáng thực tại Phục Sinh; xin cho các nhà làm luật và những ngươi cai trị được giải thoát khỏi tinh thần thế tục và biết lo cho công ích; xin cho người trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và quảng đại đáp trả để trở nên linh mục tu sĩ; xin cho các kitô hữu đang gặp cảnh khó khăn thử thách và bách hại đưọc kiên cường và sự hy sinh của họ làm sống dậy đức tin của các anh chị em nguội lạnh; xin cho các anh chị em nghèo túng và khổ đau được Chúa Thánh Thân an ủi và được các anh chị em khác trợ giúp trong tình bác ái.
Các lễ vật đã được 3 gia đình đem lên bàn thờ, trong đó có gia đình ông bà De Branche với 4 người con và gia đình ông bà Del Rossi và Barbarra Potenza với 3 người con sinh cùng một lúc.
Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 60.000 tín hữu. Trong bài huấn dụ ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Nếu các con yêu mến Thầy thì sẽ giữ các giới răn của Thầy, Thầy sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Bảo Trợ khác để Người ở với các con luôn mãi. ĐTC nói:
Các lời này nhắc nhớ chúng ta trước hết rằng tình yêu đối với một người và cả đối với Chúa nữa không chỉ được chứng minh bằng lời nói, nhưng với việc làm. Và cả việc tuân giữ các giới răn cũng được hiểu trong nghĩa hiện sinh, làm sao để toàn cuộc sống bị liên lụy. Thật thế, là kitô hữu một cách nòng cốt không có nghĩa là tuỳ thuộc một nền văn hóa hay theo một lý thuyết nào đó, mà đúng hơn là cột buộc mọi khía cạnh đời mình vào con người của Chúa Giêsu và qua Người vào Thiên Chúa Cha. Chính vì thế mà Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ Ngài. Chính nhờ Thánh Thần, là Tình Yêu kết hiệp Chúa và Chúa Con và từ đó Người phát xuất, mà tất cả chúng ta có thể sống chính cuộc sống của Chúa Giêsu Thật thế, Thần Khí dậy chúng ta mọi điều, hay điều duy nhất cần thiết là yêu như Thiên Chúa yêu. Chúa Giêsu định nghĩa Thánh Thần là Đấng bào chữa, là Đấng an ủi, là Trạng Sư và Đấng bầu cử, nghĩa là Đấng trợ giúp, bênh vực và ở bên cạnh chúng ta trên con đường cuộc sống và trong cuộc đấu tranh cho sự thiện chống lại sự dữ. Ngoài ra Chúa Thánh Thần còn có nhiệm vụ dậy dỗ và nhắc nhở chúng ta. Người khiến cho giáo huấn của Chúa Giêsu sống và hoạt động để nó không bị thời gian xóa bỏ và làm suy yếu đi. Chúa Thánh Thần tháp giáo huấn đó vào tim chúng ta và giúp chúng ta nội tâm hóa nó, bằng cách làm cho nó trở thành thịt của chúng ta, và chuẩn bị cho chúng ta có khả năng nhận các lời và các gương sống của Chúa. Xin Mẹ Maria bầu cử cho chúng ta được linh hoạt một cách mạnh mẽ bởi Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa Kitô và ngày càng rộng mở cho tình yêu tràn đầy của Chúa.
Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người.
Sau Kinh Lây Nữ Vương Thiên Đàng ĐTC cho biết ngài đã công bố sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo cử hành vào Chúa Nhật thứ ba tháng 10 tới xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho các thừa sai truyền giáo cho muôn dân và nâng đỡ sứ mệnh của Giáo Hội trên toàn thế giới.
Chào nhiều nhóm tín hữu và du khách hành hương, ĐTC khích lệ mọi người là chứng nhân lòng thương xót và niềm hy vọng của Chúa.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 15.05.2016)