Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến viếng thăm 3 nước Phi Châu sắp tới của Đức Phanxicô có nhiều điểm đáng được dư luận quốc tế lưu ý.
Thực vậy, dù cả ba nước Kenya, Uganda và Cộng Hòa Trung Phi đều có những bất ổn về chính trị và xã hội, nhưng nước cuối cùng thực sự là một vùng đang có chiến tranh. Nên cuộc tông du của Đức Phanxicô tại đó quả có tính cách lịch sử: lần đầu tiên, một vị giáo hoàng tới thăm một vùng đang có chiến tranh thực sự.
Hoàng Đế Bokassa và nội chiến Trung Phi
Cộng Hòa Trung Phi không xa lạ gì đối với người Việt Nam vì đó là nơi từng diễn ra câu truyện cô bé lọ lem Việt Nam trở thành công chúa của Hoàng Đế Bokassa Đệ Nhất. Nước này về diện tích (622,984 kilô mét vuông) lớn gần gấp hai lần Việt Nam (331,200 kilô mét vuông) nhưng dân số hiện nay chỉ có 4 triệu 709 ngàn người mà thôi.
Kể từ ngày được độc lập năm 1960, nước này không ngớt gặp bất ổn về chính trị. Chính trong bối cảnh bất ổn ấy, năm 1965, Đại Tá Jean-Bédel Bokassa mới làm đảo chánh, dẹp bỏ hiến pháp, giải tán quốc hội, tự phong là tổng thống mãn đời năm 1972 và lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Hoàng Đế Bokassa Đệ Nhất của Đế Quốc Trung Phi năm 1976. Ông bị người Pháp lật đổ năm 1979 và lập lại nền cộng hòa cho nước này.
Nhưng nền cộng hòa ấy liên tiếp bất ổn do các tranh chấp nội bộ liên miên. Năm 2006, chính phủ của Bozizé yêu cầu quân đội Pháp giúp đỡ để đẩy lui các lực lượng nổi loạn, lúc ấy chiếm đóng khá nhiều thị trấn ở phía bắc đất nước. Dù thỏa hiệp can thiệp lúc ban đầu chỉ bao gồm các trợ giúp hậu cần và tình báo, nhưng rốt cuộc, người Pháp đưa cả phản lực Mirage vào dẹp phiến loạn.
Nhưng hết phiến loạn này tới phiến loạn nọ tiếp tục quấy rối. Năm 2012, Séléka, một liên minh các nhóm phiến loạn, phần đông gồm người Hồi Giáo, chiếm nhiều thị trấn ở miền bắc và miền trung. Cuối cùng, các nhóm này đạt được thỏa hiệp chia quyền với chính phủ Bozizé. Nhưng thỏa hiệp tan vỡ và tháng Ba năm 2013, các nhóm phiến loạn chiếm thủ đô Bangui, khiến Bozizé phải bỏ trốn.
Lực lượng còn lại của Bozizé tiếp tục chiến đấu. Tháng 5, 2013 Cộng Hòa Trung Phi yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gửi lực lượng duy trì hòa bình qua. Từ tháng Chín năm đó, tình hình an ninh vẫn không khả quan hơn, khiến Tổng Thống Pháp Francois Hollande yêu cầu Hội Đồng Bảo An LHQ và Liên HIệp Phi Châu gia tăng lực lượng duy trì hòa bình. Tranh chấp càng trở nên tồi tệ vào cuối năm đó, đến nỗi dư luận quốc tế lo ngại sẽ có cuộc diệt chủng do các cuộc tấn công trả đũa giữa Séléka Hồi Giáo và các dân quân Kitô giáo tự gọi là Anti-Balaka.
Tháng Giêng năm 2014, Tổng Thư Ký Ban Ki-moon kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lập tức gửi 3,000 quân qua Cộng Hòa Trung Phi để cứu các thường dân khỏi bị cố tình tấn công và sát hại hàng loạt. Lực lượng từ bên ngoài vì thế hiện lên đến 3,000 quân duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc, 6,000 binh sĩ của Liên Hiệp Phi Châu và 2,000 binh sĩ Pháp đã có sẵn ở đấy từ trước.
Cuộc nội chiến hiện giết hại 6,000 người, với hơn 400,000 người tỵ nạn và 300,000 người tản cư.
Lo ngại an ninh cho Đức Phanxicô
Nhưng, trong khi Liên Hiệp Phi Châu và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không nói gì về chuyến tông du của Đức Phanxicô tại đây, thì bộ quốc phòng Pháp đã chính thức lên tiếng tỏ ý lo ngại về chuyến tông du này. Họ cho rằng lực lượng quân sự của họ không đủ để bảo đảm an ninh cho ngài. Họ mong ngài hủy bỏ chuyến tông du hoặc ít nhất rút ngắn bao nhiêu có thể.
Lo ngại trên được các giới chức Tòa Thánh lưu ý đặc biệt. Nhưng Đức Phanxicô cương quyết vẫn tới Cộng Hòa Trung Phi vào ngày 29 này và ở lại đó trong 30 tiếng đồng hồ như đã dự tính. Theo Cha Lombardi, tại Công Hòa Trung Phi, Đức Phanxicô cũng sẽ du hành trong xe không có cửa và tất nhiên, ngài sẽ không mặc áo chắn đạn. Hơn nữa, ngài vẫn tới thăm một ngôi đền Hồi Giáo do những người Thánh Chiến điều hành.
Theo vị tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Trung Phi, Đức Cha Cyriaque Gbate Doumalo, tuy đất nước gặp nhiều khó khăn về an ninh, nhưng riêng thủ đô Bangui thì vẫn an toàn. Cuộc tông du của Đức Phanxicô chỉ diễn ra trong khu vực này mà thôi. Mặt khác, Liên Hiệp Quốc sẽ gửi thêm 300 binh sĩ nữa đúng vào dịp Đức Phanxicô viếng thăm tại đây.
Tuy nhiên, dù không có những trấn an như trên, thì phần chắc Đức Phanxicô cũng vẫn sẽ tới Cộng Hòa Trung Phi. Vì ngài có nhiều việc quan trọng phải làm ở đó. Chỉ cần đọc sứ điệp gửi trước cho nhân dân ba nước ngài sẽ tới thăm, cũng đủ thấy quyết tâm ấy.
Sứ điệp gửi người dân Trung Phi
Thực vậy, văn phong hai sứ điệp gửi cho người dân Kenya và Uganda nặng tính ngoại giao thường lệ, như đối với bất cứ cuộc tông du nào: “Tôi đến như một thừa tác viên của Tin Mừng, để công bố tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và sứ điệp hòa giải, tha thứ và và bình an của Người. Chuyến viếng thăm của tôi nhằm mục đích củng cố cộng đồng Công Giáo trong việc họ thờ phương Thiên Chúa và làm chứng cho Tin Mừng, một Tin Mừng giảng dậy phẩm giá mọi người và truyền cho ta mở lòng mình ra trước người khác, nhất là người nghèo và người thiếu thốn”.
Còn văn phong của sứ điệp gửi người Trung Phi thì khác hẳn về cung giọng, nó tha thiết hơn nhiều, không hẳn chỉ là ngoại giao thông thường: “Chỉ còn vài ngày nữa cuộc tông du sẽ đem tôi tới với anh chị em, tôi muốn ngỏ với anh chị em niềm vui đang có trong tôi và tôi muốn chào hỏi anh chị em với một tâm tình âu yếm lớn lao nhất, bất luận anh chị em thuộc sắc tộc hay tôn giáo nào. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi tới Lục Địa Phi Châu, hết sức đáng yêu và phong phú trong thiên nhiên, trong con người và trong nền văn hóa của nó, và tôi mong sẽ có nhiều khám phá đẹp đẽ và nhiều cuộc gặp gỡ phong phú.
Đã quá lâu rồi xứ sở của anh chị em đã phải trải qua một tình thế đầy bạo lực và mất an ninh mà nhiều người trong anh chị em đã là nạn nhân vô tội. Mục đích chuyến viếng thăm của tôi trước nhất là nhân danh Chúa Giêsu Kitô, đem đến cho anh chị em lời khuyên giải ủi an và hy vọng. Tôi hết lòng hy vọng rằng chuyến viếng thăm của tôi có thể góp một phần, cách này hay cách khác, vào việc soa dịu các vết thương và mở ra một tương lai thanh bình hơn cho Trung Phi và mọi cư dân của nó.
“Chủ đề của chuyến tông du là: ta hãy qua bờ bên kia. Đây là một chủ đề mời gọi các cộng đồng Kitô hữu của anh chị em cương quyết nhìn lên phía trước, và khuyến khích lẫn nhau canh tân mối liên hệ với Thiên Chúa và với anh chị em của mình để xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Nhất là, tôi được niềm vui khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót cho anh chị em trước kỳ hạn, một năm mà đối với mọi người, tôi hy vọng, sẽ là dịp đầy quan phòng để tha thứ, nhận lãnh và cho đi, cũng như đổi mới yêu thương.
“Tôi tới đây như một sứ giả của hòa bình. Tôi sẽ hết lòng hỗ trợ cuộc đối thoại liên tôn và khuyến khích việc sống chung hòa bình tại quê hương của anh chị em. Tôi biết điều này là điều ta có thể làm dược vì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau”.
Mở Cửa Thương Xót
Cứ theo sứ điệp trên, việc có ý nghĩa được chính Đức Phanxicô nhắc đến là khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót cho Trung Phi “trước kỳ hạn”. Ngày chính thức khai mạc cho Giáo Hội hoàn vũ là ngày 8 tháng 12 tới. Trung Phi là nước đầu tiên được chính người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ khai mạc Năm Thánh đúng 10 ngày trước đó, một việc không hẳn là tình cờ.
Theo Cha Aurelio Gazzera, một linh mục dòng Cát Minh, đã phục vụ tại Trung Phi 24 năm nay, thì đây là một “đấu chỉ hết sức tươi đẹp nhằm đem một đất nước vô danh lên hàng tiền đạo, một đất nước hiện rất cần được hóan cải nhờ Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Đây cũng là một dấu chỉ đầy yêu thương nhằm thừa nhận Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội luôn ở tuyến đầu để chào đón mọi người, bất luận là Kitô Giáo hay Hồi Giáo, nhờ tiếng nói của nhiều mục tử, mà đầu tiên là Đức Tổng Giám Mục Bangui, Đức Cha Dieudonné Nzapalainga, trên thực tế là người đại diện cho thành lũy duy nhất ngăn chặn cái điên loạn của chiến tranh và hủy diệt”..
Thành lũy mà cha Gazzera vừa nhắc trên đây thực ra gồm tới ba vị mà ký giả John L. Allen gọi là “ba ông thánh của Bangui: một Mục Sư, một giáo sĩ Hồi Giáo và một vị Tổng Giám Mục bước vào chiến tranh”, ba ông thánh được Đức Phanxicô ngưỡng mộ và ngài muốn tới Cộng Hòa Trung Phi để củng cố họ, bất chấp nguy hiểm bản thân.
Ba ông thánh và vị giáo hoàng
Vị Mục Sư chính là Mục Sư Nicolas Guerekoyame-Gbangou, Chủ Tịch Liên Minh Tin Lành; vị Giáo Sĩ Hồi Giáo là Imam Oumar Kobine Layama, Chủ Tịch Hội Đồng Hồi Giáo, còn vị Tổng Giám Mục chính là Đức Cha Dieudonné Nzapalainga, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Phi.
Các vị trên đại diện cho các tôn giáo chính của Trung Phi: 50 phần trăm dân Trung Phi theo Tin Lành, 30 phần trăm theo Công Giáo và 15 phần trăm theo Hồi Giáo. Điều đáng lưu ý là ba vị này mau chóng trở thành bằng hữu cả trước khi các tranh chấp dữ dội diễn ra và từ đó, càng ngày mối liên hệ của họ càng thêm đằm thắm.
Họ cùng nhau du hành khắp nước, đi thăm những vùng nặng mùi bạo lực, tổ chức các buổi gặp gỡ để xây dựng lại niềm tin tưởng lẫn nhau. Họ cổ vũ hàng loạt các ngôi “trường hòa bình” nơi trẻ em mọi tôn giáo cùng theo học cũng như nhiều bệnh viện chữa trị người của đủ tín ngưỡng.
Năm ngoái, ba vị đi thăm các thủ phủ của Tây Phương để vận động việc chấm dứt đổ máu tại quê nhà, gặp cả Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ở New York và Đức Phanxicô tại Rôma. Chính các vận động của họ đã khiến Liên Hiệp Quốc gửi lực lượng duy trì hòa bình qua năm 2014.
Chính tờ Le Monde của Pháp gọi họ là “ba ông thánh của Bangui”. Còn báo Time thì liệt kê họ vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2014 và LHQ tặng họ Huy Chương Hòa Bình Sergio Vieira de Mello năm 2015.
Tình bạn của họ là một tình bạn chân thực, không phải để chụp hình đăng báo. Tháng 12 năm 2013, khi các dân quân Kitô Giáo tấn công một khu Hồi Giáo nơi giáo sĩ Layama sống, chính Đức Tổng Giám Mục Nzapalainga đã mời ông và gia đình ông dọn tới nhà ngài ở giáo xứ Thánh Phaolô. Họ ở đó 5 tháng. Đức Tổng Giám Mục cho hay: “khi sự sống của một người anh em bị đe dọa, chúng tôi phải giúp nhau thôi” và kinh nghiệm này “đã đem chúng tôi lại gần nhau hơn”.
Ngoài ra, hồi tháng Tám năm 2013, khi mục sư Guerekoyame-Gbangou bị ngồi tù vì dám chỉ trích Tổng Thống lúc ấy là François Bozizé. Đức Tổng Giám Mục Nzapalainga phản ứng bằng cách xin ngồi tù với bạn mình. Ngài nói với tờ World Watch Monitor: “tôi xin một chiếc chiếu ngủ để có thể ở lại với mục sư Nicolas. Bất cứ kéo dài bao lâu, ba ngày hay vài tháng, tôi nhất quyết ở tù với mục sư”. Bối rối quá, bộ trưởng nội vụ phải cho thả mục sư Guerekoyame-Gbangou.
Ba vị từng tự du mình vào những tình huống đe doạ tới mạng sống. Tháng Hai vừa rồi, ba vị tới một nhà thờ ở Bangui để tham dự một cuộc đối thoại. Không ngờ họ bị đám đông cuồng tín bao vây từ 7 giờ sáng tới 4 giờ chiều, không thực phẩm hay nước uống cho tới khi lực lượng duy trì hòa bình đến giải cứu.
Tháng rồi, Mục Sư Guerekoyame-Gbangou suýt nữa bị mất mạng khi người Hồi Giáo có vũ trang tấn công nhà ông tại Nhà Thờ Elim. May ông bỏ nhà trước đó nửa giờ, nhưng hai người khác thì bị cắt cổ chết, thảm một điều họ là người tỵ nạn được mục sư cưu mang.
Sứ điệp cốt lõi của ba vị là: tranh chấp này không phải là tranh chấp tôn giáo hay phe phái, mà đúng hơn là do tư lợi chính trị và kinh tế mà tra: Cộng Hòa Trung Phi vốn là nước xuất cảng kim cương lớn thứ 12 trên thế giới!
Nếu hoà bình đến với Cộng Hòa Trung Phi, phần lớn các quan sát viên cho rằng công của ba vị này không nhỏ. Trong một thời đại mà tôn giáo bị coi như môt nguồn gây ra tranh chấp, ba vị này quả đã nêu một tấm gương mạnh mẽ để chống lại. Một người vốn tha thiết với đối thoại liên tôn, với những cố gắng ngoại thường ở ngoại vi, và đầy lòng dũng cảm sẵn sàng bị trầy trụa như Đức Phanxicô, không thể nào lại đứng ở xa mà nhìn.
Vũ Văn An