Sắc lệnh hành pháp về di trú được Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành vào ngày 27.1 đã đối mặt với sự chỉ trích lan rộng, và các kết quả khảo sát tại Mỹ cho thấy dư luận nước này bị chia rẽ thành 2 phe rõ rệt: ủng hộ và phản đối. Có hiệu lực từ ngày 28.1 cho đến khi bị hoãn vài ngày qua, công dân 7 nước Hồi giáo là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen bị hạn chế nhập cảnh 90 người. Đồng thời, chương trình di dân bị tạm ngưng suốt 120 ngày và cấm tiếp nhận vô thời hạn dân tị nạn từ Syria. Các tổ chức tôn giáo và vận động vì quyền con người đã kêu gọi chính phủ Mỹ hãy cân nhắc lại, và thúc giục các nước hãy nêu bật những trở ngại trong quá trình thực thi sắc lệnh tại Mỹ, đẩy người tị nạn vào tình trạng mất phương hướng và không có nơi định cư.
Trong số này, Dịch vụ Di dân Dòng Tên (JRS) đã công khai tuyên bố liên tôn chung với Cộng đồng Tôn giáo Đạo Hồi Ý (COREIS), kêu gọi con người hãy bắc cầu thay vì dựng tường chia cắt. Trang Vatican Radio dẫn lời giải thích của Chủ tịch COREIS, Imam Yahya Sergio Yahe Pallavicini và Amaya Valcarcel của JRS đây là quan điểm chung của cả hai tôn giáo, và người theo Công giáo lẫn Hồi giáo đều chia sẻ những giá trị đóng vai trò là nền tảng của sự cộng tác giữa hai tổ chức này. “Bất hạnh là những gì diễn ra ở Mỹ, thông qua các tuyên bố của Tổng thống Trump, bằng cách nào đó đã buộc chúng tôi phải tăng cường mối quan hệ anh em và phản ứng, bằng cách đưa ra tuyên bố liên tôn chung, nhằm đảm bảo được tính nhân đạo về khía cạnh di dân và người tị nạn, và thậm chí trong lĩnh vực chính trị” theo ông Imam Yahya.
Cô Valcarcel, đại diện của JRS cho hay, tổ chức này vô cùng vui mừng vì có thể phát ngôn cùng với Cộng đồng Hồi giáo ở Ý, và rằng thông điệp của họ, về trên hết, là thông điệp của niềm tin. “Các tín hữu Công giáo và Hồi giáo đều sống với truyền thống đã được bắt rễ từ các trải nghiệm của tình trạng lưu vong, và từ lòng mến khách của Chúa và về bản thân Ngài, do vậy các thái độ thù địch đối với những người đang lâm vào tình cảnh trôi dạt khỏi quê hương không hề xuất hiện trong các truyền thống tôn giáo, và chứng tỏ đây là sự suy đồi khủng khiếp về mặt đạo đức”, ông Imam Yahya nói. Phù hợp với tinh thần tôn giáo của họ, cô Valcarcel cho rằng những người có thiện chí nên cùng nhau quảng bá một văn hóa tràn đầy sự thân thiện, cho phép thái độ mang tính nhân văn này lan tỏa khắp nơi. Valcarcel chỉ ra trong Cựu ước, cụm từ “thương yêu người xa lạ” đã xuất hiện trên dưới 37 lần. “Chúa Giêsu cũng kêu gọi chúng ta hãy yêu thương và chăm lo cho những người không quen biết”, cô dẫn lại lời trong Kinh Thánh.
Thông qua tuyên bố chung, JRS và COREIS xác nhận sự đoàn kết của mình với tất cả dân tị nạn bất chấp khía cạnh tôn giáo, và bất kỳ âm mưu nào muốn trục xuất người nhập cư dựa trên tín ngưỡng đều đi ngược lại với các giá trị đạo đức chung của những tổ chức này.
ĐỊNH NGUYỄN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc