23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su : “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép !” 25 Người đáp : “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”
27 Người nói tiếp : “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”
Suy Niệm
Các Kitô hữu gốc Do Thái của Giáo Hội sơ khai
thường bị chê trách vì đã lơ là trễ nải trong việc giữ ngày sabát.
Giữ ngày sabát là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo
Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này.
Câu chuyện xảy ra vào một ngày sabát.
Khi thầy trò băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa.
Và hẳn họ đã vò lúa trong tay trước khi có thể ăn hạt bên trong.
Theo sách Đệ nhị luật (23, 26) thì hành động này được phép làm:
“Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.”
Nhưng theo các kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sabát,
lý do là vì bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa,
mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát.
Từ đó người Pharisêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê.
Ngày nay chúng ta có thể buồn cười về chuyện này,
nhưng nó nói lên việc các kinh sư vì sợ người ta phạm luật
nên sau này đã thêm thắt những quy định tỉ mỉ chi li.
Đức Giêsu đã trả lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít.
Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực.
Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6).
Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9).
Vào mỗi ngày sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.
Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng
nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh
thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó
cũng có thể được miễn giữ ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38).
Theo Đức Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại.
Người Pharisêu có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát.
Thiên Chúa lập nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi
hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15).
Ngày sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa,
nhưng nó cũng là ngày cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả.
Ngày nay chúng ta không còn giữ ngày sabát nữa,
nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa.
Cám ơn vị nào đã lần đầu tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần.
Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở
về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa.
Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời đề sống cả ba chiều kích ấy.
Cầu Nguyện
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ