“Con Người đến là để phục vụ và hiến dâng mạng sống” (4.3.2015 – Thứ tư, sau Chúa Nhật II Mùa Chay)

“Con Người đến là để phục vụ
và hiến dâng mạng sống”
(Mt 20, 20-28)

 

20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21 Người hỏi bà: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”22 Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? ” Họ đáp: “Thưa uống nổi.”23 Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” 24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.

25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.

28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

 

Để hiểu hết mức độ nghiêm trọng của câu chuyện mà bài Tin Mừng thuật lại, chúng ta được mời gọi khởi đi từ khung cảnh (c. 17-19). Khung cảnh của câu chuyện là một lời loan báo : Đức Giê-su loan báo cuộc thương khó lần thứ ba và cũng là lần cuối. Trong lần loan báo này, Người nói về cuộc Thương Khó với nhiều chi tiết nhất. Dường như, với thời gian, Người cũng nhận ra từ từ mỗi lúc mỗi rõ hơn những gì sẽ chờ đợi mình ở phía trước.

Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.

(c. 18-19)

Qua lời loan báo này, chúng ta hiểu rõ nữa rằng, thương khó là hành động của con người : người ta bắt, xét xử, kết án xử tử, nộp cho dân ngoại, họ nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Như thế, thập giá hoàn toàn không phải là hành động của Thiên Chúa, nhưng là kết quả, là điểm tới của một tổng thể hành động vừa lớn lao vừa phức tạp của những con người cụ thể ; và chính những con người này cũng không làm chủ được mình, vì Sa-tan làm chủ và hành động nơi họ. Vì thế, trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su, và qua Ngài là chính Thiên Chúa, chủ động để cho Sự Dữ hành động, sao cho Sự Thiện tuyệt đối diện đối diện với chính Sự Dữ.

Như thế, một đàng Đức Giê-su đang hướng tới con đường Thập Giá để trở nên nhỏ bé, để tự xóa mình đi, để dâng hiến và phục vụ. Đàng khác, nơi các môn đệ, lại tồn tại một giấc mơ quyền bính, và điều này tất yếu kéo theo sự ganh tị, tranh chấp và loại trừ. Có lẽ chúng ta không có « giấc mơ quyền bính » như thế, nhưng chắc chắn chúng ta có những gắn bó và quyến luyến đi ngược với con đường Thập Giá của Đức Ki-tô. Vì thế, chúng ta được mời gọi luôn luôn soi mình vào Đức Giê-su chịu đóng đinh, cá nhân cũng như cộng đoàn, và để được Người biến đổi.

 

  1. Người mẹ và hai người con

Ít ai trong Tin Mừng được nói đến cả cha lẫn mẹ, như hai người môn đệ này : hai người là con của ông Dêbêdê, và mang tên Giacôbê và Gioan (Mt 10, 2) và ở đây đích thân mẹ dẫn hai ông đến trước mặt Đức Giêsu và nói thay cho hai ông !

Chúng ta hãy nhìn ngắm ba mẹ con : mẹ đi trước các con theo sau. Kể cũng lạ, người ta đã được kêu gọi đi theo Đức Giêsu rồi mà vẫn còn đi theo mẹ ! Dù sao chúng ta cũng phải cảm phục bà mẹ. Điều này làm chúng ta nhớ đến bà mẹ của Giuse trong phim « Ông thánh bất đắc dĩ » ; trong phim, Giuse khờ khạo và quá đơn sơ, nên mẹ phải lo liệu hết. Nhưng hai ông Giacôbê và Gioan chắc chắn không quá đơn sơ và khờ khạo : hai người đã nghe tiếng gọi, tự do từ bỏ lưới, thuyền, gia đình để đáp lại tiếng gọi (x. Mt 4, 21-22) ; họ đã đi theo Đức Giê-su được một thời gian đáng kể (chúng ta đang ở chương 20 của sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu), và Đức Giêsu đã loan báo cuộc thương khó của Người đến lần thứ ba với nhiều chi tiết nhất. Như thế, hai ông thực sự có ý muốn, có suy tính và có cả một kế hoạch để thực hiện : hình ảnh lẽo đẽo theo mẹ minh hoạ điều này ; hơn nữa, mười người còn lại sẽ tức tối với hai anh này, chứ không tức tối với người mẹ. Như thế, tham vọng kiểu này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong hành trình người môn đệ theo Thầy Giê-su ; chúng ta được mời gọi nhận ra mình ở hình ảnh này, vì « đi theo mẹ » cũng có nhiều cách thể hiện.

Người mẹ đến bái lạy và kêu xin người một điều. Chúng ta hãy nhìn ngắm bà và cảm phục bà ; bà thực sự quên mình để lo cho hai người con. Đức Giêsu hỏi bà : « Bà muốn gì ? » Bà thưa : « Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy ». Điều bà xin cho hai con là những người đầu tiên được chia sẻ quyền bính của Đức Giêsu khi ngài thiết lập Vương Quốc của Ngài. Như thế, dường như hai môn đệ đi theo Đức Giêsu chỉ là một con đường, một cách thức để có quyền bính ! Và khi có quyền bính thì có tất cả, trong xã hội cũng như trong Giáo Hội ; ai trong chúng ta cũng thấy hoặc có kinh nghiệm về điều này.

Ngày nay, các bà mẹ (có thể hiểu rộng hơn là gia đình và họ hàng) đều muốn con mình được ngồi trên cao ; và bản thân người đi tu cũng muốn như thế ; và nhiều khi chức thánh cũng được hiểu như là một thứ quyền bính : quyền thánh hoá, quyền giáo huấn, quyền quản trị. Vì thế, đời sống thánh hiến của các nữ tu diễn tả tốt hơn những giá trị của Tin Mừng, nhất là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô : âm thầm, hi sinh, phục vụ quên mình, tuỳ thuộc, bé nhỏ….

 

  1. Đức Giê-su và hai môn đệ

Chúng ta cần lắng nghe và suy gẫm từng chữ lời đáp của Đức Giêsu :

Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

(c. 22-23)

Như thế, Đức Giê-su không quan tâm đến điều họ xin, thậm chí Người cũng không có quyền. Ngài chỉ quan tâm đến chén Người sắp uống. Có lẽ hai vị tông đồ tưởng là chén rượu nho thơm ngon, nên trả lời mau mắn : « Thưa uống nổi ». Nhưng chén Người sắp uống là chén nộp mình cho sự dữ ; và khi biến cố xẩy ra, tất cả sẽ bỏ chạy !

Đức Giêsu không có quyền bính kiểu này : thống trị, lãnh đạo, điều khiển, áp đặt… Đúng là Ngài có quyền bính, nhưng quyền bính của ngài không như kiểu quyền bính thế gian : « thủ lãnh thế gian thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền cai quản dân » (c. 25). Quyền bính của Đức Giêsu là quyền bính của ánh sáng, của sự thật và của sự sống ; và ánh sáng, sự thật và sự sống được diễn tả tốt nhất bởi sự hiền lành, khiêm nhường, phục vụ, bởi hy sinh và dâng hiến mạng sống.

 

  1. Muời môn đệ còn lại và Đức Giê-su

Các môn đệ khác tỏ ra tức tối, điều này có nghĩa là các ông có cùng một tham vọng. Lòng ham muốn lây lan, sinh sôi nẩy nở từ thủa ban đầu của sự sống con người (x. St 3) ; và chỉ có cây Thập Giá mới chữa lành được thôi. Trình thuật Tin Mừng kể lại chỉ trong vài dòng chữ, nhưng nói lên biết bao điều sâu kín. Chúng ta hãy nhìn ra lòng ham muốn đã tác hại như thế nào trong tương quan với Chúa và với nhau. Nhưng trước hết, chúng ta có thể so sánh hai ý muốn, hai cung cách và hai con đường : con đường của hai môn đệ và của mười ông còn lại một bên, và bên kia là con đường của Đức Giêsu. Sự tương phản lớn biết bao, và có bất cứ đâu, nơi nhóm, cộng đoàn, Dòng tu, Giáo Hội, xã hội và cả ở những nơi sâu kín, hay tôn nghiêm nhất.

Vì thế, tương quan của chúng ta trong cộng đoàn, Nhà Dòng, và trong Giáo Hội phải đặt nền tảng trên sự hiểu biết thâm sâu Đức Kitô, như thánh Phao-lô khuyên bảo : « Vậy như anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ » (Col 2, 6-7).

Chúng ta hãy cảm nếm sự hiền lành trong cách Đức Giêsu đối diện vấn đề rất nghiêm trọng nơi các môn đệ. Thực vậy, Người gọi các ông lại và nói :

Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.

(c. 25-27)

Ngài nêu ra một cách thức thi hành quyền bính giữa các môn đệ hoàn toàn ngược hẳn với cách thức bình thường. Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng lời của Ngài rất triệt để : « ai muốn làm lớn… » ; « ai muốn làm đầu… ». Ngài không nói : « ai được đặt làm lớn ; ai được đặt làm đầu ». Nhưng Đức Giêsu nói đến ý muốn, và ý muốn này đang có nơi tất cả các môn đệ và cũng đang có nơi tất cả chúng ta. Đức Giêsu không nêu ra một nguyên tắc xuông, nhưng Ngài luôn luôn nói điều Ngài là, tương tự như những lời Ngài nói trong Bài Giảng Trên núi :

Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

(c. 28)

« Cũng như » thường được hiểu là các môn đệ và chúng ta được mời gọi bắt chước Đức Giê-su, bắt chước cung cách của Ngài. Nhưng thực tế cho thấy, bắt chước một hồi là chúng ta đuối ! Đức Giê-su ở đây muốn nói tới chính lẽ sống của Ngài ; phục vụ đối với Ngài không phải là một công trình phải cố thực hiện, nhưng phục vụ là lý do hiện hữu của Ngài. Vì thế, phục vụ và hiến dâng cũng phải là lẽ sống của chúng ta, theo gương của thánh Gia-cô-bê Tông Đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay. Phục vụ và hiến dâng cũng phải là lẽ sống của chúng ta, bởi vì chính chúng ta đã được Chúa phục vụ trước và Ngài vẫn phục vụ chúng ta hằng ngày trong cuộc sống và trong Thánh Lễ. Hơn nữa, trong đời sống phục vụ, chính Chúa thúc đẩy chúng ta phục vụ, Ngài phục vụ với chúng ta và Ngài phục vụ trong chúng ta, như chúng ta vẫn tuyên xưng hằng ngày : « Chính nhờ Đức Ki-tô, trong Đức Ki-tô và với Đức Ki-tô » ; và như lời thánh Phao-lô xác tín : « Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, nhưng ĐKT sống trong tôi » (Gl 2, 20).

 

* * *

Để làm phát sinh sự sống, phục vụ cho sự sống, thì phải hy sinh mạng sống, có thể nói đó là « qui luật của muôn đời của sự sống ». Đức Giêsu không đến để sống cái gì quá siêu nhân hay ngoại nhân, nhưng Người đến để sống và sống đến tận cùng con đường của « hạt lúa mì », để qua đó, nói cho chúng ta rằng, đó là con đường của sự sống, của niềm vui, của hạnh phúc trong sự hiệp thông trọn vẹn và mãi mãi với Chúa và với nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc