Cớ vấp phạm trong Chương 6 Tin mừng Gioan

Bài này được trích từ tác phẩm This Is My Body của Đức Giám mục Robert Barron (Word on Fire xuất bản), nội dung tập chú vào các trang 70-77.

Cả bốn Tin mừng đều tường thuật về việc hóa bánh và cá ra nhiều. Trong Tin mừng Gioan, câu chuyện này được được tìm thấy ngay từ đầu Chương 6. Theo những gì được kể lại, ngay sau khi thực hiện phép lạ này, Đức Giêsu liền lánh lên núi rồi băng qua Biển hồ Galilê, Ngài bị đám đông dân chúng hăm hở đuổi theo bởi họ muốn nhìn thấy nhiều phép lạ hơn nữa, cũng như muốn tôn tác giả của những điều mà họ xem là thần kỳ ấy lên làm vua. Cuối cùng, họ bắt gặp Ngài đang ngồi trong hội đường ở thành Caphácnaum ven hồ, tại đó đã diễn ra một cuộc đối thoại hết sức lạ thường. Về nhiều phương diện, giáo lý Công giáo về Sự hiện diện đích thực [của Đức Giêsu trong bí tích Thánh thể] bắt nguồn từ và không ngừng quy chiếu trở lại chính cuộc hội thoại này. Vì vậy, chúng ta phải đặc biệt lưu tâm đến nó.

Khi họ hỏi Đức Giêsu làm sao Ngài có thể đến đó trước, Chúa đã khiển trách: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,26-27). Bánh ăn thông thường chỉ khỏa lấp cơn đói thể lý và mang tính cách tạm thời: người ta ăn để rồi lại phải tiếp tục ăn. Nhưng như Đức Giêsu ám chỉ, bánh bởi trời sẽ làm no thỏa cơn đói khát sâu xa nhất của tâm hồn, và làm cho kẻ ăn được nên thích ứng với sự sống đời đời. Các Giáo phụ rất yêu thích việc suy đi ngẫm lại về chủ đề thần hóa nhờ Thánh thể, một tiến trình giúp kẻ ăn bánh sự sống có thể sẵn sàng cho một đời sống ở tầm mức vĩnh cửu. Trong các Tin mừng nhất lãm, chúng ta thấy lời kinh của Chúa chứa cụm từ ton arton… ton epiousion, thường được diễn đạt là “lương thực/bánh hằng ngày”. Nhưng nghĩa mặt chữ trong Hy ngữ được hiểu là “bánh siêu bản thể” [epi: siêu, vượt, trên/ ousion: bản thể], có ý diễn tả rằng đây không phải là bánh mà bình thường con người tiêu thụ, nhưng là bánh giúp họ tương hợp với một cấp độ hiện hữu cao hơn.

Như thường thấy trong Tin mừng Gioan, một câu hỏi mang tính cách hoài nghi sẽ giúp mở ra một hiểu biết sâu sắc: “Họ lại hỏi: ‘Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?… Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc’” (Ga 6,30-31). Hiển nhiên là họ đang nhắc lại phép lạ Giavê nuôi ăn cho con cái Israel suốt bốn mươi năm trường lang thang trong sa mạc, nhưng Đức Giêsu lại muốn họ hiểu rằng, Ngài đang trao ban thứ lương thực nuôi dưỡng họ ở một mức độ bền vững hơn. “Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết” (Ga 6,49-50). “Bánh bởi trời” rất ăn khớp với nghịch lý trong đạo lý chính thống liên quan đến Thánh thể: dẫu vẫn là tấm bánh phổ thông như mắt thường nhìn thấy, nhưng Thánh thể thực ra lại thông phần vào một phương thức hiện hữu hoàn toàn siêu việt, và do đó, sở hữu năng lực mang lại sự sống đời đời. Ở câu nói tiếp theo của Đức Giêsu, chúng ta thấy rõ tại sao bánh bởi trời lại có hiệu năng này: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Một lần nữa chúng ta nhận ra hiện thực bất di bất dịch mà truyền thống Công giáo sẽ luôn gìn giữ. Một cách minh nhiên, Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với bánh này, bánh nuôi dưỡng đoàn dân của Ngài và dẫn đưa họ đạt tới sự sống đời đời.

Tiếp theo là một trong những câu văn nói giảm nói tránh tinh tế nhất của Tin mừng Gioan: “Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: ‘Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?’” (Ga 6,52). Tôi cho rằng “nói giảm nói tránh” là vì thuật ngữ “tranh luận” chỉ mới bóng gió về mức độ dữ dội liên quan đến phản ứng mà hẳn là đám đông đã đưa ra khi nghe Đức Giêsu nói những lời ấy. Họ chắc chắn phải nhận thấy diễn từ này không những khó hiểu về mặt lý trí lẫn tôn giáo nhưng, nếu có thể nói thẳng thừng, còn gây cảm giác tởm lợm. Khắp cả Cựu ước, chúng ta có thể tìm thấy hàng loạt luật cấm minh nhiên đối với việc ăn xác thịt và máu huyết. Chẳng hạn, ở sách Sáng thế, trong bối cảnh câu chuyện về Nôê, chúng ta thấy Thiên Chúa truyền lệnh này: “Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi. Tuy nhiên các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó, tức là máu” (St 9,3-4). Ở đây có ý muốn nói rằng, vì máu huyết là nguyên lý của sự sống, là điều thuộc về một mình Thiên Chúa, nên con người không có quyền kiểm soát. Chúng ta cũng thấy điều cấm tương tự trong các khoản luật do sách Lêvi và Đệ nhị luật đưa ra: “Ðây là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi, tại khắp nơi các ngươi ở: tất cả những gì là mỡ và huyết, các ngươi không được ăn” (Lv 3,17), và “Anh em phải nhất quyết không ăn tiết, vì máu là mạng sống, và anh em không được ăn mạng sống cùng với thịt” (Đnl 12,23). Hơn thế nữa, trong thị kiến về ngày chung thẩm, ngôn sứ Êdêkiel nhắc đến loài chim ăn xác thối sà xuống và ăn thịt uống máu kẻ thù của Israel: “Các ngươi [loài chim ăn xác thối] sẽ ăn thịt các dũng sĩ, sẽ uống máu các ông hoàng trong xứ: Cả bọn chúng là chiên, cừu, dê và bò mộng béo xứ Basan. Các ngươi sẽ ăn mỡ đến phát ngấy và sẽ uống máu đến say sưa trong hy tế Ta sắp hiến các ngươi” (Ed 39,18-19). Cuối cùng, một tục ngữ phổ biến vào thời Đức Giêsu đã đồng hóa ma quỷ với “kẻ ăn thịt”. Nếu các lệnh cấm vừa được nhắc đến cấm đoán việc ăn thịt còn chứa máu của con vật, thì những lời của Đức Giêsu, khi Ngài khuyến khích việc ăn xác thịt của chính Ngài, còn ghê tởm gấp bao nhiêu lần. Vì thế, theo bản năng của mình, thính giả nghe Đức Giêsu chắc chắn phải có phản ứng tiêu cực.

Nếu Đức Giêsu muốn làm dịu đi hoặc đưa giáo huấn của Ngài vào trong một bối cảnh giải thích thoáng hơn, hay muốn nhấn mạnh ý nghĩa ẩn dụ hoặc biểu tượng của ngôn từ Ngài sử dụng, thì đây là cơ hội hoàn hảo để làm điều đó. Như tôi đã lưu ý, trong Tin mừng Gioan, những câu hỏi mang tính cách hoài nghi từ người đối thoại thường là dịp để Đức Giêsu làm sáng tỏ ý nghĩa các tuyên bố của mình. Một ví dụ rõ nét là việc giải thích ý nghĩa có tính biểu tượng của chuyện “sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” khi Nicôđêmô đặt ra cho Đức Giêsu một câu hỏi theo nghĩa đen: “Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” (Ga 3,3-5). Thế nhưng trong tình huống ở Chương 6, thay vì thiêng liêng hóa lời lẽ của mình, Đức Giêsu lại làm điều trái ngược. Ngài nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Ở câu này, từ “ăn” của bản Anh ngữ không phát xuất bởi động từ phagein trong Hy ngữ, vốn là từ thông dụng để chỉ hành vi ăn. Hạn từ được Hy ngữ sử dụng ở đây là trogein, một động từ được dùng riêng để diễn đạt hành vi của thú vật khi chúng ăn thức ăn của mình; trong Anh ngữ, có thể được dịch là “gặm nhấm” hoặc “nhai ngấu nghiến”. Như thế, nếu họ đã phải bực bội vì những hàm ý trắng trợn về hành vi như thú vật trong những lời Đức Giêsu đã tuyên bố, thì giờ, một cách có chủ đích, Ngài lại càng làm họ khó chịu thêm nữa. Như thể sợ họ còn chưa lĩnh hội được, Ngài lại bồi thêm: “Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,55). Rồi Ngài rút ra kết luận đầy gai góc cho hết thảy những tuyên bố “thô mà thực” này: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,56-57). Đối với các Kitô hữu, Đức Giêsu không chỉ là một thầy dạy với những lời lẽ khôn ngoan đáng được người đời tôn trọng (như Khổng Tử) hay một hình mẫu đạo đức để noi gương bắt chước (như Gandhi hay thánh Phanxicô), hay thậm chí là người mang mặc khải chung quyết khiến người ta cảm thấy phải vâng nghe (như Muhammad); thay vào đó, Đức Giêsu là một sức mạnh mà chúng ta thông dự, một trường lực mà trong đó chúng ta sống, vận động và hiện hữu. Trong ẩn dụ tuyệt diệu của mình, thánh Phaolô dùng hình ảnh Thân thể Đức Giêsu với chi thể là những kẻ chịu phép rửa. Lối diễn đạt mà chúng ta vừa nhắc đến hàm ý một sự tương liên hết sức mật thiết giữa Chúa Cha, Đức Giêsu và Giáo hội, theo đó, Giáo hội đón nhận sự sống của mình từ Đức Giêsu, Đấng đón nhận sự sống của Ngài từ Chúa Cha. Chúng ta phải ăn Thịt và uống Máu của Chúa, bởi đây là cách để chúng ta tham dự vào Ngài, và nhờ đó, cũng tham dự vào sự sống của Chúa Cha. Ở chỗ khác trong Tin mừng Gioan, chúng ta gặp thấy thứ ngôn ngữ tương tự về sự sống: hơn cả việc bước theo Đức Giêsu, chúng ta là những kẻ được tháp nhập vào Ngài như ngành nho gắn liền với thân nho. Suy tư thần học sớm nhất về Thánh thể được tìm thấy trong Thư thứ nhất của Phaolô gửi tín hữu Côrintô, được soạn tác khoảng đầu thập niên 50 của thế kỷ thứ nhất, bản văn đặc biệt làm rõ tính chất của mối gắn kết hữu cơ này. Phaolô khẳng định, nhờ chính hiệu quả của Thánh thể, có một sự đồng nhất hóa mạnh mẽ giữa Đức Giêsu và Giáo hội: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1Cr 10,16). Thuật ngữ giàu hình tượng trong Hy ngữ ẩn sau từ “dự phần” là koinonia, nghĩa là hiệp thông hoặc tham dự cách mầu nhiệm.

Đạo lý này có khó tiếp nhận không? Ở phần kết của diễn từ Thánh thể, được phát biểu tại hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu gần như mất đi toàn bộ Giáo hội của Ngài: “Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: ‘Lời này chướng tai quá! Ai mà đón nhận nổi?’” (Ga 6,60). Cần nhắc lại, nếu Ngài chỉ nói theo lối biểu tượng mà thôi thì tại sao đạo lý thần học này lại khó chấp nhận đến vậy? Đâu có ai bỏ đi khi Ngài tuyên bố rằng Ngài là cây nho, là mục tử nhân lành hay là ánh sáng thế gian, bởi lẽ chúng rõ ràng là những diễn giải có tính cách ẩn dụ và vì thế không đặt ra những thách đố quá lớn lao cho trí hiểu. Chính thái độ bài xích của các môn đệ đối với diễn từ bánh hằng sống cho thấy họ hiểu tận tường ý của Đức Giêsu và nắm bắt rõ tính chất khác biệt của tuyên bố mà Ngài đưa ra. Không thể đón nhận giáo huấn về Thánh thể, “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,66). Lúc đó, Đức Giêsu quay lại với nhóm Mười hai, là nhóm môn đệ nòng cốt và hỏi họ một cách thẳng thắn: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Câu hỏi này chất chứa điều gì đó trầm trọng và đanh thép, dường như Đức Giêsu không chỉ đặt ra cho nhóm nhỏ đang qui tụ quanh Ngài mà thôi, nhưng còn có tất cả những môn đệ về sau ở mọi nơi mọi thời. Có thể thấy được rằng chúng ta đang ở điểm mấu chốt, quyết định cho việc đứng vững hoặc vấp ngã, và rằng, bằng cách này hay cách khác, việc trở thành môn đệ của Đức Giêsu không thể tách biệt khỏi lập trường đối với Bí tích Thánh thể. Trả lời câu hỏi của Đức Giêsu, như thường xảy ra trong các Tin mừng, Phêrô đã lên tiếng thay cho cả nhóm: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Giống như trong các Tin mừng nhất lãm, ở đây trong Gioan cũng thế, chính lời tuyên xưng của Phêrô đặt nền tảng và đảm bảo cho sự tồn tại của Giáo hội. Trong bối cảnh của Tin mừng Gioan, lời tuyên xưng minh nhiên về việc Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa gắn liền với lời tuyên xưng hàm ngụ về niềm tin rằng Thánh thể thật là Mình và Máu của Chúa. Khi hai tuyên bố này được đưa ra cách đối ứng, Gioan đang nói cho chúng ta biết, Giáo hội sẽ tiếp tục tồn tại. Dưới ánh sáng của khung cảnh này, quả là đáng ngạc nhiên biết bao vì Giáo hội lại cứ chia rẽ ở chính vấn đề Sự hiện diện đích thực [của Đức Giêsu trong bí tích Thánh thể].

Grêgôriô Võ Trần Nhựt

Chuyển ngữ từ: wordonfire.org

Nguồn: gpquinhon.net (17/02/2025)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*