Có thể có hai giá sách trong nhà thờ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Gần đây con đã thấy trong một số nhà thờ có hai giá sách. Trong một số nhà thờ, bài Tin Mừng được đọc từ một giá sách, và các bài đọc khác được đọc từ giá sách khác. Tôi đang muốn tìm kiếm các văn bản phụng vụ, để biết các hướng dẫn phụng vụ nào có liên quan đến việc sử dụng hai giá sách trong nhà thờ. Xin cha giúp con trong việc này. Cám ơn cha. – G. O., Madras, Oregon, Mỹ.

Đáp: Đối với giảng đài, Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói như sau trong số 309:

“Phẩm giá Lời Chúa đòi phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ, để Lời Chúa được loan báo và giáo dân tự nhiên hướng về đó, trong phần phụng vụ Lời Chúa. Nơi đó thường phải là một giảng đài cố định, chứ không phải chỉ là một cái giá sách di chuyển được. Phải tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ, mà đặt giảng đài để giáo dân có thể dễ dàng nhìn thấy và nghe được thừa tác viên có chức thánh và các độc viên. Tại giảng đài sẽ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục Sinh. Cũng tại đó có thể giảng và đọc các lời nguyện cho mọi người, tức là lời nguyện giáo dân. Phẩm giá của giảng đài đòi chỉ có thừa tác viên lời đi lên đó. Giảng đài mới nên được làm phép, trước khi được dùng vào phụng vụ, theo nghi thức mô tả trong sách Nghi Thức Rôma” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Tài liệu “Built of Living Stones” (Dựng xây từ những viên đá sống động) của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, được dựa trên các chỉ dẫn của Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), nhưng bổ sung thêm một số thông tin chi tiết:

“61. Sự tập chú trọng tâm của khu vực, mà trong đó Lời Chúa được công bố trong phụng vụ, là giảng đài. Sự thiết kế của giảng đài và vị trí nổi bật của nó, phản ảnh phẩm giá và tính cao thượng của lời cứu độ, và thu hút sự chú ý của những người có mặt cho việc công bố lời Chúa. Ở đây, cộng đồng Kitô hữu gặp Chúa sống động trong Lời Chúa, và chuẩn bị bản thân cho ‘việc bẻ bánh’, và sứ mạng sống lời Chúa đã được công bố. Cần có một khu vực rộng xung quanh giảng đài để cho phép cuộc rước Tin Mừng, với đầy đủ các thừa tác viên cầm nến và bình hương. Phần Dẫn nhập Sách Bài Đọc (Introduction to the Lectionary) khuyến nghị rằng sự thiết kế của bàn thờ và giảng đài phải có một ‘mối quan hệ hài hòa và gần gũi’ với nhau, để nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa lởi Chúa và Thánh Thể. Bởi vì nhiều người chia sẻ trong thừa tác lời Chúa, giảng đài nên dành cho mọi người, kể cả những người khuyết tật.

“62. “Sự cung kính của chúng ta dành cho Lời Chúa được diễn tả không chỉ trong việc chăm chú lắng nghe và suy niệm Kinh Thánh, mà còn bằng cách chúng ta trao và cư xử đối với Sách Tin Mừng. Giảng đài có thể được thiết kế không chỉ cho việc đọc và giảng Lời Chúa, mà còn để trưng bày cuốn Sách Tin Mừng mở ra hay một bản sao chép Sách Thánh trước hay sau cử hành Phụng vụ”.

Do đó, qui định hiện nay thường tiên liệu một giảng đài duy nhất. Từ ngữ “giảng đài, ambo” bắt nguồn từ một từ ngữ Hi Lạp, vốn qui chiếu đến bất kỳ khu vực cao, được thiết kế như một phương tiện, để cho phép bất cứ ai đọc hoặc hát cho các tín hữu được hiểu một cách dễ dàng.

Trong các nhà thờ Kitô giáo thời sơ khai, khi phận vụ của ca viên đã được gắn liền với phụng vụ, giảng đài thường bao gồm một cấu trúc đôi, dựng lên ở giữa gian giữa, trước mặt khu cung thánh dành cho ca đoàn. Giảng đài ở bên phải là cao hơn, và phức tạp hơn với cầu thang ở cả hai bên; nó được sử dụng cho việc công bố Tin Mừng, hoặc nơi để cho Giám mục giảng thuyết. Cây nến Phục Sinh cũng được đặt ở đây. Bục bên trái là nhỏ hơn. Nó được chia thành hai cấp; tại cấp thấp, ca viên hát đáp ca, và tại cấp cao, người đọc thánh thư đứng.

Nhiều thí dụ về giảng đài đôi đã tồn tại từ thế kỷ V cho đến ngày nay. Tại Rôma, giảng đài như thế có thể được tìm thấy tại các nhà thờ thánh Clement, Thánh Sabina và thánh Lorensô Ngoại Thành.

Vì nhiều lý do phức tạp và đa dạng – thí dụ, sự suy giảm của việc giảng trong Thánh Lễ, ca đoàn được di chuyển đến gần cung thánh hơn, và bàn thờ di chuyển về phía hậu cung – các giảng đài như thế đã không còn được xây dựng hoặc thậm chí đã bị phá hủy. Theo thời gian, chúng được thay thế một phần bởi bục giảng, mặc dù bục giảng thường nằm gần với trung tâm của gian giữa, và chức năng của nó là chủ yếu dành cho việc giảng ngoài Thánh Lễ.

Trong hầu hết các thánh lễ, linh mục sẽ công bố các bài đọc từ bàn thờ, di chuyển sách lễ từ bên trái sang bên phải của bàn thờ, như một sự nhắc nhở về các các giảng đài ngày xưa.

Sau Công đồng chung Vatican II, với sự nhấn mạnh về tầm quan trọng của Lời Chúa trong thánh lễ, giảng đài một lần nữa đã trở thành một vị trí quan trọng trong cung thánh.

Không có gì trong các tài liệu chính thức để đảm bảo sự phục hồi của giảng đài đôi cho nhà thờ, mặc dù nó có vẻ không bị cấm. Trong một số dịp, trong Thánh Lễ giáo hoàng tại Quảng trường Thánh Phêrô, hai giảng đài tạm thời được sử dụng. Tuy nhiên, trong vương cung thánh đường thánh Phêrô chỉ có một giảng đài duy nhất, thường nằm gần bàn thờ cao, đã được sử dụng trong nhiều năm.

Việc xây dựng một giảng đài đôi hôm nay dường như là khảo cổ và không cần thiết, mặc dù nó có thể rất phù hợp với một số mẫu thiết kế nhà thờ. Nó cũng có thể được sử dụng, nếu một giá sách nhỏ hơn không được sử dụng cho việc công bố Lời Chúa, nhưng dành cho các chức năng khác, chẳng hạn lời giải thích, hướng dẫn hát, hoặc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 5-7-2016)