Chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha mở ra cơ hội lớn cho Giáo hội tại Á châu

 

Nhìn lại chuyến viếng thăm hết sức thành công của Đức Thánh cha

August 22, 2014 

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha mở ra cơ hội lớn cho Giáo hội tại Á châu thumbnail

 
Người ta luôn nản lòng khi nghe một vị giáo hoàng nói về cái chết của chính ngài. Khi Đức Phanxicô phát biểu với báo giới trên chuyến bay trở về từ Hàn Quốc hôm 19-8 rằng ngài mong triều đại giáo hoàng của ngài “kéo dài trong một thời gian ngắn”, hai đến ba năm, và sau đó ngài về nhà Cha”, rõ ràng điều đó gây quan ngại. Một số tin cho biết ngài đã cười khi nói câu đó, nhưng chúng ta hoàn toàn không thể xem đó là một lời nói đùa được: kể từ khi được bầu làm giáo hoàng, ở tuổi 76, ngài theo đuổi sứ mạng cách gấp rút khác thường.

Khi Đức Thánh cha kết thúc chuyến viếng thăm hết sức thành công tại Hàn Quốc hôm Chủ nhật, một người phát ngôn cho Vatican lưu ý “Đức Thánh cha Phanxicô nói rõ rằng châu Á là nơi ưu tiên”. Liếc nhanh qua lịch trình của Đức Thánh cha sẽ thấy được điều này: ngài sẽ viếng thăm Sri Lanka và Philippines vào tháng Giêng, tức là ngài sẽ viếng thăm châu Á hai lần trước khi đặt chân lên bất kỳ quốc gia phương Tây nào bên ngoài nước Ý.

Tại sao một vị giáo hoàng bận rộn như thế lại ưu tiên cho một châu lục chỉ có 3% dân là người Công giáo? Có lẽ bởi vì Đức Phanxicô xem châu Á là nguồn hỗ trợ tinh thần giúp Giáo hội châu Á hoạt động trong thế kỷ 21. Hơn phân nửa tín hữu châu Á sống ở Philippines, một quốc gia dường như sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu, với thế hệ giám mục mới đông đáng kể và giáo dân hết sức sùng đạo. Hàn Quốc cũng là một quốc gia Viễn Đông có đạo Công giáo phát triển mạnh và là nơi tuyệt vời để Đức Phanxicô chú ý đến châu Á. Số người Công giáo ở đó tăng gấp đôi từ năm 1985-2005, và hiện nay cứ trong 10 người Hàn Quốc là có một người theo đạo Công giáo.

Đạo Công giáo cần mang đến cho châu Á những gì? Sự kết hợp đời sống đạo đức sâu sắc và tham gia xã hội, vốn được thể hiện rất rõ nơi Đức Phanxicô, dường như rất thu hút nhiều người châu Á. Có Đức Thánh cha người Argentina lãnh đạo, Giáo hội Công giáo không còn bị nói là đạo của châu Âu và là gián điệp cho các cường quốc nước ngoài hám lợi. “Kitô hữu không phải là người đi chinh phục”, ngài nói với các giám mục châu Á trong một bài diễn văn quan trọng nhất trong chuyến viếng thăm.

Nhưng Đức Phanxicô không muốn nghỉ ngơi và chỉ khen ngợi tính năng động của Giáo hội châu Á. Ngài thúc giục người trẻ Công giáo xây dựng “một Giáo hội thánh thiện hơn, truyền giáo nhiều hơn và khiêm nhường hơn”. Dường như ngài nghĩ nếu không có sự biến đổi như thế các tín hữu sẽ không thể truyền giáo cho một châu lục xem xét Kitô giáo một cách vừa hoang mang vừa nghi ngờ.

Người Công giáo khó mà truyền giáo hiệu quả cho các nước châu Á không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Có bảy nước như thế, dĩ nhiên trong đó đầu tiên là Trung Quốc, nước có khoảng 8-12 triệu người Công giáo. Thật phấn khích khi chính quyền Trung Quốc cho phép Đức Phanxicô trở thành vị giáo hoàng đầu tiên bay ngang qua nước này. (Khi Thánh Gioan Phaolô II viếng thăm Hàn Quốc năm 1989, Trung Quốc không cho phép ngài bay vào không phận của họ) Nhưng con đường hòa giải với Trung Quốc vẫn còn dài và khó khăn: được biết người Công giáo Trung Quốc bị cấm sang Hàn Quốc đón Đức Thánh cha. Tuy nhiên, có khoảng 500 người đến tham dự Thánh lễ tại sân vận động World Cup tại Daejeon. Nhưng chúng ta có thể hy vọng rằng một ngày nào đó Tòa Thánh sẽ có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Quốc, cũng như với Bắc Triều Tiên, Bhutan, Brunei, Lào, Miến Điện và Việt Nam.

Đức Phanxicô dường như đã tạo một cơ hội mới cho Giáo hội tại Á châu. Rõ ràng ngài sẽ tìm cách mở rộng cơ hội này trong thời gian ngài còn làm giáo hoàng. Không người nào trong chúng ta, kể cả Đức Phanxicô, có thể biết được việc đó sẽ diễn ra trong bao lâu. Việc đó nằm nơi tay Chúa. Nhưng chúng ta phải cầu nguyện xin cho nó đủ lâu để trang bị cho người Công giáo đem Tin Mừng đến cho hàng triệu anh em châu Á của mình chưa từng được nghe Tin Mừng.

Nguồn: Catholic Herald