Chứng tích hang rửa tội của Thánh Gioan Tẩy Giả

Trong một phát hiện đột phá, các chuyên gia Mỹ, Anh và Israel đã phát hiện một cái hang từ thời đồ đồng, từng là nơi Thánh Gioan Tẩy Giả thực hiện các phép rửa tội.
Những đường nét khắc hoạ trên thành hang cho thấy hình ảnh của một người mà giới chuyên gia cho rằng đó chính là Gioan Tẩy Giả đang thực hiện lễ rửa tộiVào tháng 3.2016, tiến sĩ James D. Tabor của Đại học Bắc Carolina tại thành phố Charlotte (Mỹ) đã dẫn đầu một đoàn thăm lại một hang động không xa Jerusalem, nơi ông và đồng nghiệp là chuyên gia khảo cổ Shimon Gibson từng khai quật cách đây hơn 15 năm trước. Được biết đến với tên gọi hang Suba, hang có từ thời cổ đại, được một số học giả danh tiếng thế giới đặt giả thuyết rằng chính là nơi Thánh Gioan Tẩy Giả thực hiện các nghi thức rửa tội gần ngôi làng cổ Ein Karem trên ngọn đồi Judea ở phía đông Jerusalem. Tương truyền đây cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Gioan Tẩy Giả, theo trang Popular Archeology.
Phát hiện bất ngờTiến sĩ Tabor, học giả uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực khảo cổ học thời kỳ Đền thờ thứ 2 và nguồn gốc Kitô giáo, gọi dự án khai quật hang Suba là một trong những phát hiện khảo cổ chấn động nhất trong 25 năm trở lại đây. Tất cả đều bắt đầu khi Shimon Gibson, học giả người Anh gốc Israel, vào năm 1999, đã nhận được thông báo từ dân địa phương về các hình vẽ và khắc bên trong một hang động gần làng Tzuba và Ein Karem. Sau khảo sát ban đầu, ông Gibson quyết định liên lạc với ông Tabor, được công nhận là học giả chuyên về các nghiên cứu liên quan đến Thánh Gioan Tẩy Giả. “Tôi còn nhớ lúc đó tôi đang ngồi trong văn phòng thì ông ấy gọi đến. Ý tưởng đầu tiên xuất hiện là tôi không tin”, tiến sĩ Tabor nhớ lại.

Cổng vào hang Suba

Ban đầu, ông Gibson cho rằng vị trí hang động, các hình vẽ và khắc họa trên thành hang, và những yếu tố khác đều dẫn đến một khả năng: nơi đây có liên quan đến Thánh Gioan Tẩy Giả. Sau khi xem xét kỹ lưỡng những hình ảnh do ông Gibson gởi, tiến sĩ Tabor biết rằng đây không chỉ là một linh cảm đơn thuần. Cùng với đồng nghiệp, ông nhanh chóng tập hợp một nhóm khảo cổ đến Israel, và ngay từ đó họ đã khai quật được một di tích mà theo ông vượt xa mọi kỳ vọng của mình. “Tôi sẽ không bao giờ quên ngày đó”, chuyên gia Tabor nhấn mạnh. Ban đầu, cái hang đã bị ngập trong phù sa qua nhiều thế kỷ, nên chỉ để lại một khoảng không cao cỡ 1m tính từ vòm đến nền hang. “Chúng tôi buộc phải bò vào”, chuyên gia Tabor kể. Thế nhưng, đến ngày cuối cùng của đợt khảo sát, họ bắt đầu phát hiện những mảnh gốm sứ từ thời La Mã.
Hang rửa tội lớn nhất

“Trong lúc đào sâu xuống nền đất, chúng tôi đột nhiên đi đến đoạn kéo dài từ 1m đến 1,5m chứa đầy các mảnh gốm có niên đại từ thế kỷ thứ nhất, và vào thời điểm kết thúc công tác khai quật, chúng tôi thu được tổng cộng 4m dài các lớp cổ vật trong hang. Như vậy thì thật sự có một điều gì đó đã diễn ra trong lòng hang vào những năm đầu tiên của thế kỷ thứ nhất. Chúng tôi tìm được chứng cứ về sự tồn tại của hàng ngàn vò gốm trong hang, tất cả đều vỡ nát”, tiến sĩ Tabor kể. Những đợt khai quật kế tiếp đã đào được một cái hang lớn, lát thạch cao và được đào sâu vào lớp đá của sườn đồi, với các bậc thang dẫn đến một cái hồ lớn chứa nước bên trong.

Quang cảnh làng Ein Karem – ảnh Wikimedia Commons

Cái hang được đào sâu khoảng 27,5m trên sườn đồi. Cả chuyên gia Gibson và Tabor đều cho rằng đây là nơi từng diễn ra các buổi lễ rửa tội. Vào thế kỷ thứ nhất, nghi thức này được gọi là mikveh, lễ tẩy rửa của người Do Thái. Do vậy, hang Suba được xem là nơi lớn nhất từng diễn ra mikveh tại Israel. Dựa trên sự tập trung của quá nhiều vò sứ (thuộc loại tay cầm đơn, kích thước nhỏ) trong hang, các nhà khảo cổ học kết luận rằng chúng đã bị đập một cách cố ý và tồn trữ với khối lượng lớn trong một khoảng thời gian ngắn.
Điều gì đã xảy ra tại  nơi này?

Hai học giả Tabor và Gibson đã đưa ra giả thuyết rằng các mảnh gốm có liên quan đến một nghi thức rửa tội trong hang. Dựa trên một cuộc nghiên cứu khác về các bản thảo thu được từ thế kỷ thứ hai, họ đoán lễ rửa tội vào thời Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tẩy Giả có thể thực hiện theo một trình tự đặc biệt, không những nhúng vào nước mà còn dùng vò chứa nước rưới lên đầu, xức đầu lên bàn chân phải (do họ tìm thấy một cái hốc hình bàn chân được khắc trên đá gần các bậc thang, không xa lối vào). Kế đến, người làm lễ đập vỡ cái vò để nó không còn được dùng cho những hoạt động sinh hoạt thường ngày khác. Hàng ngàn mảnh gốm từ thế kỷ thứ nhất được tìm thấy trong hang chính là phần còn lại của những chiếc vò này.

Liệu đây có phải là nơi Thánh Gioan Tẩy Giả thực hiện phép rửa tội cho mọi người vào thời Chúa Giêsu? Tất cả đầu mối đều hướng đến vị thánh này, trang tin Popular Archeology dẫn lời các nhà khảo cổ tham gia quá trình khai quật hang nhận định: một cái hang với những hình vẽ và hình khắc có thể diễn dịch ra cảnh tượng Gioan Tẩy Giả thực hiện lễ rửa tội; hang nằm sát ngôi làng Ein Karem, nơi ông và gia đình sinh sống, và thêm chứng cứ cho thấy nơi này được dùng để thực hiện nghi thức tôn giáo.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mục đích ban đầu khi tạo hang Suba hoàn toàn khác với thời điểm dùng để thực hiện các phép rửa tội. Phần thạch cao lát bên trong hang đã được phân tích đồng vị, và các chuyên gia xác định nó phải có từ thời đồ đồng, cụ thể là dưới thời vua Hezekiah của vương triều Judah. Kết quả thu được sau 5 năm khai quật và nghiên cứu đã tiết lộ hang động, cùng với các cấu trúc bên ngoài, trên thực tế đã được xây dựng làm một nơi sản xuất đồ gốm, cụ thể là được dùng làm chỗ chứa hồ nước dành cho hoạt động làm gốm sứ. “Đồ gốm dành cho hoàng gia được sản xuất ở Tzuba vì đất sét nơi đây vô cùng tinh khiết”, tiến sĩ Tabor cho biết. Sau đó, nơi này bị bỏ hoang và trầm tích bùn bắt đầu tràn khắp hang vào thế kỷ thứ hai trước CN. Đến thế kỷ thứ nhất, hang được đào bới và dọn dẹp sạch sẽ nhằm phục vụ cho các lễ rửa tội vào thời Chúa Giêsu còn tại thế.
LING LANG

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc