Buổi sáng hôm đó là một buổi sáng như mọi buổi sáng khác, giống như mọi gia đình Ý, bà Gemma Calabresi chuẩn bị cà phê và cùng ông Luigi, chồng bà, dùng điểm tâm. Ngày hôm đó, một ngày bà Gemma không thể nào quên, ngày 17/5/1972, ông Luigi Calabresi bị sát hại. Khi đó bà mới 25 tuổi và Luigi 34 tuổi, là cha mẹ của hai con còn nhỏ và một đang chuẩn bị chào đời. Tính đến thời điểm đó hai người kết hôn được 4 năm, sống bình yên trong một căn hộ ở Milan của Ý.
Những năm 1970 được gọi là thời kỳ đen tối của Ý. Là một sĩ quan cảnh sát, ông Luigi bị phe đối lập kết án về một tội mà ông chưa bao giờ phạm, và họ tìm cách sát hại ông. Sáng hôm đó, sau khi dùng bữa sáng với gia đình, ông Luigi đi làm nhưng trước khi bước lên xe ông đã bị bắn từ sau lưng.
Từ đó đến nay đã hơn 50 năm, nhưng trong một cuốn sách, bà Gemma cho biết vẫn nhớ rất rõ. Sau khi ông Luigi rời khỏi nhà, bà không nghe tiếng súng nổ nhưng bà nhớ những người hàng xóm và đồng nghiệp đã đến báo cho bà biết chồng bà đã bị bắn và đã được đưa đến bệnh viện. Khi cha Sandro, linh mục cử hành hôn phối cho hai người đến, bà Gemma hỏi cha về sự thật này. Với một lời trầm lắng cha báo cho bà ông Luigi đã qua đời.
Với sự thật đau thương này bà Gemma ngã gục xuống ghế và một cảm giác trống rỗng vô nghĩa bao phủ. Bà không biết thời gian trôi qua bao lâu, có lẽ vài giờ, nhưng bất ngờ bà cảm thấy một sự bình an thanh thản không thể giải thích được. Bà làm chứng: “Như thể có một ai đó đưa tay ra ôm lấy tôi. Và ở đó trong vòng tay yêu thương này, tôi hiểu rằng mình sẽ vượt qua thời điểm khó khăn, cuộc sống sẽ khác. Tôi và các con của chúng tôi sẽ tiếp tục sống. Tôi tin chúng tôi không đơn độc trong cuộc đời này. Tôi tin rằng trong lúc đen tối nhất, trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng, tôi đã gặp được Chúa”.
Bà chia sẻ, vào thời điểm đó chính nhờ được giáo dục trong đức tin Công giáo mà bà có thể đứng vững. Ngày hôm đó bà cảm nhận được sự hiện diện của Chúa một cánh sâu sắc và niềm xác tín này đã biến đổi bà. Bà kể lại: “Là một phụ nữ trẻ 25 tuổi, có chồng vừa bị sát hại, tôi đã đề nghị với cha Sandro: Chúng ta hãy đọc một kinh Kính Mừng cho gia đình của kẻ sát nhân. Chắc chắn họ còn đau khổ hơn con. Tôi tin sức mạnh và nguồn cảm hứng này đến từ trên cao chỉ dẫn cho bà phải làm gì”.
Ước muốn tha thứ của bà còn được thể hiện trong cáo phó được đăng trên một nhật báo với hàng chữ “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Tuy nhiên, thực tế con đường tha thứ rất dài và khó khăn. Bà nói: “Đôi khi tôi nghĩ mình đang đi đúng hướng, sau đó tôi đọc một bài báo và quay ngược lại”. Có lúc bà còn tưởng tượng ra những cảnh báo thù. Tuy nhiên, ký ức trong bà về trải nghiệm cảm nhận Thiên Chúa yêu thương đã đồng hành cùng bà trong suốt cuộc đời, đặc biệt trong những giây phút đen tối nhất của tuyệt vọng, giận dữ và nước mắt.
Gemma giải thích: “Tôi biết là Kitô hữu, tôi phải tha thứ, nhưng tôi nhận ra rằng sự tha thứ không được trao ban bằng cái đầu. Nó được trao đi bằng trái tim, sự thinh lặng và cầu nguyện. Đó là một sự lựa chọn nội tâm”.
Bà nói thêm: “Tôi cũng hiểu rằng tôi không có quyền đẩy những người này vào hành động khủng khiếp nhất trong cuộc đời họ. Một ngày, trong phiên tòa, tôi thấy các bị cáo rất dịu dàng với con của họ, tìm cách ôm hôn các con rất âu yếm. Tôi đã lưu giữ cảnh này trong lòng”.
Mỗi ngày, bà Gemma đều cầu nguyện cho những kẻ sát hại chồng mình, đặc biệt khi đến bên Chúa Giêsu Thánh Thể, bà xin Chúa ban cho họ sự bình an trong tâm hồn. Bà kết luận: “Tha thứ thực sự là một sự lựa chọn nội tâm. Thật khó khăn, nhưng vẫn có thể tiếp tục yêu cuộc sống, ngay cả sau nỗi đau tan nát, tin tưởng vào người khác ngay cả sau khi bị phản bội và vu khống, và thay đổi phán xét ngay cả đối với những người đã làm điều sai trái nhất với chúng ta”.
Nguồn: vaticannews.va/vi