
Trong khi các hồng y chuẩn bị cho ngày có thể là quan trọng nhất trong cuộc đời họ, thì chúng ta, những tín hữu, cần cầu nguyện tha thiết cho họ. Chắc chắn ma quỷ đang tìm cách phá hoại và làm chệch hướng các cuộc thảo luận của họ. Nhiệm vụ của mật nghị không chỉ nằm ở 135 hồng y cử tri, mà còn ở tất cả các tín hữu, bởi vì việc bầu chọn giáo hoàng là một hành động của Giáo hội nhằm hướng đến lợi ích của toàn thể Giáo hội. Vì vậy, tất cả chúng ta phải cầu nguyện và ăn chay để Chúa Thánh Thần có thể hướng dẫn kết quả.
Trong mật nghị bầu Giáo hoàng gần nhất, các hồng y đã biết nhau thông qua các công nghị thường kỳ hoặc các cuộc họp giúp họ xích lại gần nhau hơn. Lần mật nghị này, nhiều người tin rằng họ không hiểu rõ về nhau. Đức Phanxicô đã không triệu tập họ, khiến họ không thể làm quen với nhau. Vì vậy, những cử tri mới, phần lớn được Đức Phanxicô bổ nhiệm, hy vọng đã học được những bài học lịch sử và thực sự biết họ đang bầu chọn ai. Hy vọng là họ nghiên cứu ngay từ bây giờ và tìm hiểu về các hồng y để có thể lựa chọn ứng viên có những đặc điểm phù hợp.
Trên hết, vị Giáo hoàng tương lai cần có khả năng diễn đạt đức tin của mình một cách rõ ràng, điều đó sẽ tạo nên sự hiệp nhất trong Giáo hội. Ngày nay có quá nhiều sự nhầm lẫn về ý nghĩa của việc trở thành người Công giáo, điều này đã dẫn đến nhiều sự chia rẽ. Một cuộc nội chiến âm ỉ đang diễn ra trong lòng Giáo hội, phần lớn là do sự thiếu rõ ràng trong giáo lý và sự thiếu tin tưởng rõ ràng của một số người về tính độc nhất của Giáo hội và về tính toàn vẹn của chân lý. Thế giới cần sự sáng tỏ mà chỉ có Giáo hội mới mang lại được. Việc loại bỏ sự rõ ràng để nhân danh sự “sự phù hợp” không hề có lợi cho Giáo hội và cho thế giới hôm nay.
Mối đe dọa lớn nhất đối với Giáo hội ngày nay đến từ bên trong. Sự không chắc chắn về những gì Giáo hội dạy là căn bệnh ung thư trong đức tin của chúng ta, vì quan niệm sai lầm về sensus fidelium (cảm thức đức tin) được sử dụng để che khuất depositum fidei (kho tàng đức tin). Lời mời gọi “hãy đến và xem” của chúng ta đã trở thành cánh cửa mở ra một đức tin mơ hồ. Đây chính là mối nguy hiểm của việc hiệp hành đã chi phối phần lớn năng lượng và nguồn lực của Giáo hội trong những năm gần đây.
Về lý thuyết, Giáo hội hiệp hành là điều tốt, nhưng cách thực hiện trong những năm gần đây lại gây hại nhiều hơn là có lợi. Giáo hội không phải là một tổ chức dân chủ và không nên được định hình lại để trở thành một tổ chức như vậy. Sensus fidelium xuất phát từ những người tin và cố gắng sống những gì Giáo hội đã dạy trong hơn 2000 năm qua. Nó không thể được quyết định bởi những tiếng nói của những người không tin vào những gì Giáo hội dạy. Do đó, điều quan trọng là Đức Giáo hoàng tiếp theo phải định nghĩa rõ ràng hơn ý nghĩa của sự hiệp hành đối với Giáo hội hoàn vũ và sửa chữa lại cách thức nó bị lạm dụng nhằm gieo rắc sự nhầm lẫn nơi người tín hữu.
Chúng ta cũng cần một vị Giáo hoàng thể hiện đức tin qua sự thánh thiện, cởi mở và thân thiện, nhưng cũng cần diễn đạt rõ ràng điều chúng ta tin và lý do tại sao tin. Ngài không nhất thiết phải làm điều này trong các cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên (trong trường hợp đó ngài nên kiềm chế), nhưng ngài phải làm điều đó thông qua việc giảng dạy chính thức của mình. Ngài có thể không cần phải là một nhà thần học tầm cỡ như Đức Gioan Phaolô II hay như Đức Benedictô XVI, nhưng phải có tư duy và tầm nhìn thần học rõ ràng. Ngài phải vượt trên các cuộc tranh luận dễ dàng khiến chúng ta xa rời Chúa Kitô và đức tin của mình. Sách Giáo lý là điểm khởi đầu và nên là công cụ chủ chốt của triều đại giáo hoàng tiếp theo.
Sự hiệp nhất của Giáo hội xuất phát từ đức tin chung vào Chúa Kitô và vào cuộc sống mà Ngài kêu mời chúng ta. Khi Chúa Kitô không còn là điểm khởi đầu của đức tin, Giáo hội sẽ trở thành một cái gì đó khác với bản chất của mình. Ngày nay, đôi khi rất khó để nhận ra vị trí của Chúa Kitô trong đời sống của Giáo hội, khi mà xã hội học hay các cuộc khảo sát thường có vẻ là điểm khởi đầu. Vị Giáo hoàng tiếp theo phải lấy Chúa Kitô làm trung tâm và thu hút các tín hữu vào mối quan hệ sâu sắc hơn với Ngài. Mọi sự đổi mới đều bắt đầu bằng sự hoán cải sâu sắc hơn với Chúa Kitô. Đây là cách các vị thánh đã ra đời, và đây cũng là sứ mệnh chính của Đức Giáo hoàng tiếp theo, vị Đại diện Chúa Kitô.
Chúng ta cũng cần một Giáo hoàng hiểu được những thách thức của thời đại chúng ta. Những chia rẽ thần học trong nội bộ của chúng ta phần lớn là do các sai lầm về giáo hội học đã thống trị thời kỳ hậu Công đồng Vatican II và đã tái diễn trong những năm gần đây. Những cuộc tranh luận cũ do Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đưa ra cần được khơi lại. Vị giáo hoàng tiếp theo nên quay trở lại với cách giải thích chính thức về Công đồng như hai giáo hoàng trên đã đưa ra. Họ là những nhà thần học có liên quan sâu sắc đến Công đồng. Sự quay trở về này không phải là một bước thụt lùi, mà là sự trở về với nguồn mạch dẫn dắt Giáo hội hướng tới tương lai. Sự đổi mới không thể diễn ra độc lập với Thánh Truyền. Chúng ta nghe nhiều về cải cách Giáo hội, trong khi điều chúng ta thực sự cần là sự đổi mới. Cải cách có nghĩa là biến đổi Giáo hội thành một cái gì đó khác biệt, mang lại cho Giáo hội một hình thái mới. Còn sự đổi mới bao gồm việc làm cho nó phù hợp hơn với ơn gọi của nó. Điều chúng ta cần ngày nay là một vị giáo hoàng của sự đổi mới chứ không phải của sự cải cách.
Chúng ta cũng cần một vị Giáo hoàng biết tôn trọng pháp quyền. Luật giáo hội là một món quà giúp hướng dẫn Giáo hội. Sẽ không tốt nếu luật pháp bị phớt lờ hoặc áp dụng một cách tùy tiện. Sự quay trở về với luật giáo hội chính là bước đầu tiên hướng tới cải cách giáo triều thực sự. Nếu không có công lý theo pháp luật thì không thể có sự đổi mới về thể chế.
Cuối cùng, một Giáo hội hướng ra vùng ngoại biên là điều tốt nếu chúng ta hiểu đó là một Giáo hội trái ngược với thời đại thế tục của chúng ta. Chúng ta nhìn nhận Giáo hội ở nhiều hình thức khác nhau và trong mọi nền văn hóa. Giáo hội không biểu hiện theo một cách thế duy nhất, nhưng cần có một đức tin duy nhất. Thật đáng khích lệ khi thấy Giáo hội phát triển mạnh mẽ ở những vùng nghèo trên thế giới. Có thể học được nhiều điều từ những chứng nhân trung thành nơi vùng ngoại biên, nhưng chứng nhân này phải bắt nguồn từ đức tin tông truyền duy nhất. Niềm tin của chúng ta quan trọng hơn những trào lưu nhất thời.
Vị Giáo hoàng tiếp theo, bất kể đến từ đâu, đều phải là người hiện thân của Công giáo. Chắc chắn ngài là người hiếu khách và giàu lòng trắc ẩn, nhưng cũng là người hiểu rõ ý nghĩa của việc trở thành người Công giáo và những gì người Công giáo tin tưởng. Điều chúng ta cần bây giờ là một vị giáo hoàng xuất phát từ trái tim của Giáo hội: một người có đức tin sâu sắc, có khả năng quản lý và giảng dạy một cách rõ ràng và quyết đoán.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến hướng dẫn các hồng y cử tri, và ban cho chúng con vị Giáo hoàng như lòng Chúa mong ước.
Lm. Giuse Nguyễn Xuân Phúc
Lược dịch từ http://www.belgicatho.be/archive/2025/05/01/le-prochain-pape-ce-dont-nous-avons-besoin-6545843.html (truy cập ngày 02/5/2025)
Để lại một phản hồi