Chúa nhật 5 Thường Niên năm C – Từ đánh cá đến thu phục người ta

Qua việc tìm hiểu đoạn Tin Mừng Chúa nhật V Thường niên năm C, chúng ta xác tín rằng, trong Hội Thánh tất cả những người đón nhận bí tích thánh tẩy đều trở nên môn đệ Đức Giê-su, tức là trở nên người “thu phục” người khác.

1 Khi ấy, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn : “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” 5 Ông Si-môn đáp : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” 6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” 9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. 10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” 11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người. (Lc 5,1-11). 

Thưa quý ông bà và anh chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật thứ V Thường Niên năm C là câu chuyện tác giả Lu-ca kể lại việc Đức Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên, trong đó nhân vật chính là ông Si-môn Phê-rô. Các Tin Mừng Nhất Lãm khác cũng kể câu chuyện tương tự, nhưng câu chuyện của Lu-ca có những chi tiết độc đáo của riêng mình. Để thấy rõ điều này, chúng ta hãy so sánh Lc 5,1-11 với Mt 4,18-22 và Mc 1,16-20 :

1. Nơi các môn đệ được gọi

Theo Mát-thêu và Mác-cô, nơi các môn đệ đầu tiên được gọi là tại biển Ga-li-lê (θάλασσαν τῆς Γαλιλαίας : Mt 4,18 ; Mc 1,16) ; còn Lu-ca lại gọi nơi đó là hồ Ghen-nê-xa-rét (τὴν λίμνην Γεννησαρέτ : Lc 5,1). Hồ này nằm trong khu vực đồng bằng đất đai màu mỡ, xung quanh có vườn cây ăn trái xanh tươi và không khí trong lành. Ghen-nê-xa-rét là tên gọi thời xa xưa, có lẽ bắt nguồn từ tên Híp-ri yām-kinnereṯ (יָם־כִּנֶּרֶת) = biển Kin-ne-rét (x. Ds 34,11 ; Gs 13,27). Người ta cho rằng, từ kinnereṯ cùng gốc với từ kinnôr (כִּנֹּר) nghĩa là cây đàn (x. St 4,21 ; Tv 33,2 ; Is 5,12) do hồ nước có hình dạng một cây đàn. Ngoài ra, vào thời Đức Giê-su, hồ này còn được gọi là Ti-bê-ri-a (x. Ga 6,1.23 ; 21,1) theo tên của hoàng đế La-mã Ti-bê-ri-ô (14 tCN-37). Nhưng tên gọi thông dụng nhất vẫn là biển hồ Ga-li-lê, theo tên miền đất Ga-li-lê (x. Mt 4,18 ; 15,29 ; Mc 1,16 ; 7,31). Nước ở đây là nước ngọt vì thế được gọi là hồ, nhưng vì nó rất lớn với diện tích 166 km2, dài 21 km, rộng 13 km và sâu 43 mét, nên nhiều người gọi là biển, hay biển hồ Ga-li-lê.

2. Thời gian được gọi

Theo tác giả Mát-thêu và Mác-cô thì Đức Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng trước, rồi mới đến việc kêu gọi các môn đệ khi Người đi dọc bờ biển, lần lượt gặp các ông Si-môn và An-rê, ngay sau đó là Gio-an và Gia-cô bê (x. Mt 4,17-22). Còn theo Lu-ca thì Chúa gọi bốn môn đệ này cùng một lúc, và lồng việc kêu gọi đó vào một câu chuyện với nhiều tình tiết độc đáo. Chúng ta sẽ lần lượt khám phá và tìm hiểu ý nghĩa của những chi tiết đó.

3. Lời Thiên Chúa là ơn gọi

Tác giả Lu-ca kể rằng Đức Giê-su đã tự ‎‎ý xuống thuyền của ông Si-môn và xin ông chèo ra xa bờ một chút (c. 3), để Người dùng nó như một “toà giảng” mà giảng dạy Lời Chúa cho đám đông đang chen lấn nhau trên bờ biển ; điều này giả thiết là Đức Giê-su và ông Si-môn đã biết nhau từ trước. Thật vậy, trước đó, Lu-ca đã kể câu chuyện Đức Giê-su đến nhà Si-môn chữa lành cho mẹ vợ của ông (x. Lc 4,38-39) ; còn Mát-thêu lại đặt việc đến nhà Si-môn chữa bệnh sau khi ông được gọi (x. Mt 4,18-20 và 8,14-15). Ở đây “Lời Thiên Chúa” (τὸν λόγον τοῦ θεοῦ) chính là lời kêu gọi, lời ấy không chỉ là nội dung bài giảng của Đức Giê-su, mà chính Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa. Cụm từ này, trừ 1 lần ở Mc (7,13), 4 lần ở Khải huyền (1,2.9 ; 6,9 ; 20,4), còn thì hầu hết được sử dụng trong 2 tác phẩm của Lu-ca (Lc và Cv) và trong một vài lá thư của thánh Phao-lô (x. Lc 5,1 ; 8,21 ; Cv 4,31…). Như vậy, tất cả phải khởi đi từ việc lắng nghe và đón nhận “Lời Thiên Chúa”, và đó là ơn gọi cho mọi Ki-tô hữu.

4. Phép lạ khơi dậy niềm tin

Sau bài giảng, Chúa lại có một động thái lạ lùng như thể ra lệnh cho ông Si-môn : “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” (c.4). Ông Si-môn là ngư dân lâu năm tại đây thì hẳn là đã dày dạn kinh nghiệm, lại vất vả suốt đêm không đánh bắt được con cá nào. Thế mà giờ đây một người không hành nghề đánh cá lại bảo ông thả lưới và làm theo như người ấy nói thì quả là nghịch l‎ý. Nhưng ông Si-môn không phản đối mà sẵn lòng làm theo lời Đức Giê-su (c.5); ghi lại lời xin vâng của Si-môn, phải chăng tác giả muốn chúng ta nhớ đến câu chuyện truyền tin, khi Đức Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết việc vợ chồng!” nhưng vẫn chấp nhận lời Thiên Chúa (x. Lc 1,34.38), và cũng phải kể đến trường hợp bà Ê-li-sa-bét cằn cỗi hiếm hoi lại tuổi đã cao, mà vẫn mang thai (c.36), vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”(c.37). Trong câu này ông Si-môn xưng hô Đức Giê-su là “Thầy”; bản văn Hy-lạp dùng từ e-pis-ta-tês (ἐπιστάτης) từ này chỉ có trong Tin Mừng Lu-ca (5,5 ; 8,24.45 ; 9,33.49 và 17,13), nghĩa gốc của từ này là “người đứng ở vị trí cao”, đó là vị trí của người giảng dạy, vượt trên người khác, là bậc thầy dạy dỗ người khác. Bài giảng của Đức Giê-su có sức thuyết phục khiến ông Si-môn phải vâng theo và kết quả là ngoài sức tưởng tượng của ông : một mẻ lưới mà bao năm trong nghề ông chưa từng đạt được, cá nhiều đến nỗi muốn rách cả lưới, nên ông phải gọi các bạn chài giúp kéo lưới lên và đem cá chất đầy cả hai chiếc thuyền (c. 6-7).

5. Si-môn Phê-rô, một niềm tin mạnh mẽ

Sau giây phút kinh ngạc về mẻ lưới, Si-môn Phê-rô liền phủ phục dưới chân Đức Giê-su và kêu lên rằng : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” (c. 8). Danh xưng Chúa (κυριος) phản ánh lòng tin của các môn đệ dưới ánh sáng Phục Sinh ; chỉ dưới ánh sáng Phục Sinh, các môn đệ mới có thể tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa (x. Ga 20,28 ; Pl 2,11). Ở đây Si-môn được mô tả là một người có niềm tin mạnh mẽ vào Đức Giê-su, hẳn là ông đã liên kết phép lạ chữa lành nhạc mẫu (x. 4,38) với mẻ lưới lạ lùng này, mà nhận ra quyền năng phi thường nơi Đức Giê-su, đồng thời nhận thấy mình không xứng đáng đi theo Chúa qua câu nói “xin tránh xa con” ; động từ ek-ser-khô-mai (ἐξερχομαι) có nghĩa là tránh xa, ra khỏi, từ bỏ, không liên quan đến nữa. Ông Si-môn thấy mình bất xứng với người thầy khôn ngoan và đầy quyền năng lạ lùng này.

6. Môn đệ Đức Giê-su người thu phục muôn dân

Như đã nói ở trên, theo lời kể của Lu-ca, lúc này có mặt cả bốn người : Si-môn và An-rê, Gio-an và Gia-cô-bê. Đức Giê-su nói với Si-môn : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”, câu này cũng nhắm đến cả Gio-an và Gia-cô-bê đang có mặt ở đó, tuy Lu-ca không nói đến An-rê, nhưng Si-môn và An-rê là hai anh em cùng làm nghề đánh cá với nhau, được kể chung nhiều lần (x. Mt 4,18 ; Mc 1,16.29 ; Lc 6,14); và bốn ông đã bỏ lại tất cả để đi theo Đức Giê-su làm môn đệ của Người (x. Lc 5,10-11).

Trở lại tựa đề của bài học hỏi này : Từ đánh cá đến thu phục người ta. Động từ đánh bắt là đúng nguyên văn Hy-lạp : zô-grê-ô (ζωγρέω) có nghĩa là bắt sống cá hay động vật. Tác giả dùng theo nghĩa ẩn dụ là thu hút hay thu phục người ta vào Nước Thiên Chúa. Trong Tân Ước từ này chỉ gặp 2 lần mà thôi. Ở đây (Lc 5,10) theo nghĩa tích cực, dùng động tính từ hiện tại, dạng chủ động (ζωγρων) để chỉ người môn đệ của Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng và thu phục muôn dân vào Nước Thiên Chúa. Bản dịch mang tính phổ thông nên đã dịch là thu phục. Thánh Phao-lô cũng sử dụng từ này một lần, ở dạng thụ động, để chỉ “những người bị bắt giữ” (ἐζωγρημένοι) bởi ma quỷ, họ bị kiềm chế khiến phải làm theo ý ma quỷ (x. 2 Tm 2,26).

Chúng ta cũng so sánh với câu nói của tác giả Mát-thêu và Mác-cô : “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá !”; cũng có bản dịch là “ngư phủ bắt người”, hoặc tương tự như vậy (x. Mt 4,19 ; Mc 1,17). Từ Hy-lạp trong câu này là danh từ ha-li-e-us (ἁλιεύς) có nghĩa là người làm nghề đánh cá, ngư phủ (x. Mt 4,18 ; Mc 1,16 ; Lc 5,2). Danh từ được Mát-thêu và Mác-cô sử dụng rõ ràng là một lối chơi chữ, được tạo ra bởi công việc kiếm sống của các ông : từ ngư phủ đánh cá trở thành ngư phủ đánh lưới người (Mt 4,18-19). Đó là một ơn gọi mới, mà những người theo Đức Giê-su đã phải bỏ lại cuộc sống an toàn và ổn định, những môn đệ đầu tiên này đã can đảm bỏ lại nghề nghiệp quen thuộc của những ngư phủ ở biển Ga-li-lê. Việc Đức Giê-su kêu gọi những ngư phủ trở nên môn đệ gợi lại lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a : “Này đây Ta sẽ sai nhiều ngư phủ –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA– đến đánh bắt chúng. Sau đó, Ta sẽ sai nhiều thợ săn đến săn bắt chúng từ trên mọi núi đồi và những kẽ đá !” (Gr 16,16). Nhưng hình ảnh ngư phủ và thợ săn ngôn sứ Giê-rê-mi-a ám chỉ là quân Ba-by-lon xâm lược và bắt dân đi đày (năm 587 tCN), còn Đức Giê-su lại sử dụng theo nghĩa tích cực là đưa người ta vào Nước Trời. Điều này cho thấy Đức Giê-su đến để làm cho lời các ngôn sứ được ứng nghiệm cách hoàn hảo (x. Mt 5,17).

Tác giả Lu-ca cũng sử dụng danh từ ha-li-e-us (ἁλιεύς) khi nói về nghề nghiệp của các môn đệ là những người đánh cá (x. 5,2), nhưng khi nói về ơn gọi tông đồ thì Lu-ca dùng động từ zô-grê-ô (ζωγρέω) = đánh bắt (x. Lc 5,10)đó là dụng ‎ý ‎của tác giả Lu-ca muốn nói đến sứ mạng của các môn đệ Đức Giê-su là “thu phục” muôn dân về cho Thiên Chúa.

Kết

Qua việc tìm hiểu đoạn Tin Mừng Chúa nhật V Thường niên này, chúng ta xác tín rằng, trong Hội Thánh tất cả những người đón nhận bí tích thánh tẩy đều trở nên môn đệ Đức Giê-su, tức là trở nên người “thu phục” người khác. Không phải chúng ta chọn Chúa mà chính Chúa chọn từng người chúng ta và ban cho mỗi người một ơn, không phải ai cũng như nhau, “nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho.”(Ep 4,7). Chúng ta “thu phục” người khác không phải bằng lời lẽ khôn khéo của thế gian nhưng bằng “Lời Thiên Chúa” (x. 1 Tx 2,13).

Chúng ta học theo gương thánh Phê-rô, khi nhận biết Chúa thì cũng đồng thời nhận ra sự yếu đuối và tội lỗi của mình, vì thế chúng ta lại càng trông cậy vào Chúa, xin Người dẫn đường chỉ lối để chúng ta vững tâm bước đi theo Người. Với tâm tình đó chúng ta cùng cầu nguyện qua Thánh vịnh 25

Lạy Thiên Chúa của con,

con tin tưởng nơi Ngài,

xin Ngài đừng để con tủi nhục,

đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con.

Chẳng ai trông cậy Chúa,

mà lại phải nhục nhằn tủi hổ,

chỉ người nào tự dưng phản phúc

mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi

Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài,

xin dạy cho con biết,

lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con

Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài

và bảo ban dạy dỗ,

vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.

Sớm hôm con những cậy trông Ngài,

bởi vì Ngài nhân ái.

Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi,

xin Ngài đừng nhớ đến,

nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

CHÚA là Đấng nhân từ chính trực,

chỉ lối cho tội nhân,

dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,

dạy cho biết đường lối của Người.

Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín

đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.

Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề,

vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con.

Phàm ai kính sợ CHÚA,

Người chỉ cho thấy đường phải chọn.

Nguồn: ktcgkpv.org (08/02/2025)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*