
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan (Ga 13,31-33a.34-35) :
31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : ‘ Nơi tôi đi, các người không thể đến được ‘, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.”
Dẫn nhập
Chúa nhật V Phục Sinh sắp tới, phụng vụ cho chúng ta đọc bài Tin Mừng theo thánh Gio-an, trong đó điểm nhấn là “điều răn yêu thương” và được gọi là “điều răn mới”. Vì thế, trong buổi học hỏi Kinh Thánh lần này, chúng ta cùng tìm hiểu đề tài Điều răn và điều răn mới.
Chúng ta sẽ lần lượt bàn về các mục sau: Thuật từ “điều răn” và ý nghĩa ; Điều răn theo nghĩa Kinh Thánh ; Điều răn trong các Tin Mừng Nhất Lãm ; Điều răn trong Tin Mừng Gio-an.
I. Thuật từ Điều răn và ý nghĩa
Trong Kinh Thánh, hạn từ Híp-ri miṣᵊwāʰ (מִצְוָה) và hạn từ Hy-lạp entolê (ἐντολή)diễn tả một lệnh truyền, điều răn, mệnh lệnh, sắc lệnh, chỉ thị do một thẩm quyền ban hành, và thẩm quyền tối cao chính là Thiên Chúa.
Kinh Thánh nhiều lúc nói đến các “điều răn” trong đời thường, chẳng hạn như lệnh truyền của vua chúa (x. 1 V 2,43 ; Et 3,3 ; Is 36,21 ; Gr 25,18 ; Ga 11,57 ; Cv 17,15), nhưng phần lớn, Kinh Thánh nói đến các điều răn theo nghĩa tôn giáo, do Thiên Chúa ban truyền. Vì vậy, thuật từ “điều răn” thường nhấn mạnh đến thẩm quyền của Thiên Chúa là Đấng ban truyền điều răn hơn là nội dung của điều răn. Điều này được thấy rõ trong các sách Ngũ Thư. Điều răn chỉ toàn bộ sách luật Torah do chính Đức Chúa ban, chứ không phải của con người. Vì thế, các điều răn được ban bố thường đi kèm một nhắc nhớ về thẩm quyền của Thiên Chúa qua cụm từ “Ta là ĐỨC CHÚA” :
Bản Thập Điều được ban bố trên núi Xi-nai mở đầu rằng : “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2 ; Đnl 5,6).
Hoặc những lệnh truyền trong sách Lê-vi :
“Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân, nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi. Ta là ĐỨC CHÚA. Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại phải chết. Ta là ĐỨC CHÚA. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA” (Lv 19,14.16.18).
II. Điều răn trong Kinh Thánh
Trong Kinh Thánh Híp-ri, điều răn/lệnh truyền cho thấy hai đối tượng : phía Thiên Chúa, là Đấng yêu thương đã ban lệnh truyền/điều răn ; phía con người, là những kẻ được lãnh nhận điều răn. Cách đáp trả xứng hợp với điều răn của Chúa là đáp trả bằng cả trái tim, tức là bằng cả con người. Như vậy, ý nghĩa sâu xa nhất của các điều răn/lệnh truyền là nối kết con người với Thiên Chúa, và vì thế, các điều răn phải luôn được hiểu trong bối cảnh của giao ước giữa Thiên Chúa và con người.
Ngoài ra, điều răn còn mang tính mặc khải, tức là làm cho dân Ít-ra-en thành một dân thánh, thành dân Thiên Chúa. Dân được bình an thịnh vượng hay không là tuỳ thuộc vào việc vâng phục và trung tín với điều răn/lệnh truyền, tức là Torah. Như vậy, tuân giữ các điều răn là sống trung tín với giao ước.
Từ lối hiểu trên, người ta thường xác định sự trổi vượt của Thập Điều trong số các điều răn vì Thập Điều nằm trong bối cảnh giao ước (x. Xh 20 ; Đnl 5). Tuy nhiên, truyền thống Do-thái cũng cho rằng các điều răn là toàn bộ Torah, tức là tất cả 613 điều (gồm 365 điều cấm làm, tương đương với 365 ngày của một năm ; và 248 điều khuyên làm, tương đương với 248 đốt xương của cơ thể con người). Điều này có nghĩa là con người phải sống các điều răn với trọn cuộc đời và trọn con người của mình.
III. Điều răn theo các Tin Mừng Nhất Lãm
Theo lối hiểu của truyền thống Do-thái về Torah bao gồm 613 điều, các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, nhất là Tin Mừng Mát-thêu, cũng đề cập đến Torah với số điều như thế và cho thấy ý nghĩa của việc tuân giữ các điều răn :
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,17-19 // Mc 10,17-22 và Lc 18,18-23).
Về điều răn theo lối hiểu của Tin Mừng Mt, toàn bộ Kinh Thánh (Torah và Các Ngôn Sứ) tuỳ thuộc vào (thu tóm lại) hai điều răn yêu thương mà thôi : yêu Chúa và yêu tha nhân :
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40 // Mc 12,29-32 và Lc 10,27).
Chính chữ “yêu” (ἀγαπή) là nền tảng và mục đích của mọi điều răn, nên tác giả Mát-thêu nhấn mạnh đến thể thống nhất mang tính ưu tiên của các điều răn được thâu tóm lại trong một lệnh truyền yêu thương với hai yếu tố : yêu Chúa và yêu người. Lối hiểu này của Mt có nền tảng cốt lõi ở Thập Điều (Mt 5,21.27.33 // Mc 7,21-22). Như quan điểm của Sách Đệ Nhị Luật, Mát-thêu cho thấy con người tuân giữ các điều răn với tất cả ý chí tự do của mình (x. Mt 19,17), và việc tuân giữ các điều răn là làm điều thiện hảo (x. Mt 19,16), là điều kiện được nên hoàn thiện (x. Mt 19,21) và được vào cõi sống (x. Mt 19,17) như những lời Đức Giê-su nói với người thanh niên giàu có trong Mt 19.
Mác-cô cũng hiểu về các điều răn mà theo đó, “thảo kính cha mẹ” cũng có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa, vì đây là lệnh truyền của Thiên Chúa (x. Mc 7,9-10.13 = Mt 15,3-4.6).
Lu-ca hiểu về các điều răn cũng với nghĩa là tất cả các điều răn đều thâu tóm vào lệnh truyền yêu thương với hai khía cạnh (yêu Chúa và yêu người). Tuy nhiên, thánh Lu-ca mở rộng hết mức phạm vi yêu thương và cách thức yêu thương người thân cận : 1/ đối tượng yêu thương : không còn là những người thuộc đồng bào, chủng tộc, tôn giáo, vùng miền, … nữa, mà là tất cả mọi người không phân biệt ai ; 2/ cách thức yêu thương : theo cách của Đức Giê-su ; vấn đề đặt ra không như người thông luật đã hỏi Đức Giê-su :“Ai là người thân cận của tôi ?”, nhưng như Đức Giê-su người đã hỏi người thông luật : “Ai đã tỏ ra là người thân cận của kẻ bị cướp ?” (nhấn mạnh việc chủ động, đi bước trước trong việc thực thi điều răn yêu thương).
Tóm lại, trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su đã nối kết hai điều răn “yêu Chúa” và “yêu người” được nói trong Đnl 6,5 và Lv 19,18b làm thành điều răn cốt lõi, thâu tóm mọi điều răn, và đồng thời mở rộng nghĩa của từ “thân cận” đến tất cả mọi người.
IV. Điều răn theo Tin Mừng Gio-an
Thuật từ entolê (điều răn, lệnh truyền) trong Tin Mừng Gio-an, trước tiên nhằm đến nhiệm vụ Đức Giê-su phải thực thi và hoàn tất trong sứ vụ của mình : “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18). “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết : mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (12,49-50).
Ý nghĩa trên cho thấy Người Con luôn tuân phục Chúa Cha, đồng thời biểu lộ thẩm quyền mà nhờ đó Đức Giê-su hoàn tất sứ vụ của mình.
Một nét đặc biệt về ý nghĩa của các điều răn trong Tin Mừng Gio-an, đó là Đức Giê-su thêm sở hữu từ “của Thầy” hay “của Tôi” gắn liền với danh từ “điều răn” hoặc “lời” : “Các điều răn của Thầy” (14,15) ; “Các lời của Thầy” (Ga 14,24). Điều này cho thấy căn nguyên của các điều răn là do chính Chúa Cha và Đức Giê-su ban tặng và truyền phải thi hành. Từ đây đưa đến nguyên tắc quan trọng đó là : Tuân giữ các điều răn của Đức Giê-su thì phải yêu mến chính Đức Giê-su.
Như vậy, theo Tin Mừng Gio-an, các điều răn được thu tóm trong một điều răn duy nhất là : điều răn yêu thương. Điều răn này vừa là lệnh truyền phải thi hành của Đức Giê-su, vừa là quà tặng của Người dành cho mọi người : “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Những điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,12.17) ; “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; như Thầy đã yêu thương anh em, chính anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Từ đây, chúng ta thấy, theo Tin Mừng Gio-an, điều răn yêu thương được gọi là “Điều răn mới” (ἐντολή καινή). Điều răn yêu thương là “mới” vì nền tảng của nó xuất phát từ chính Đức Giê-su và là của Đức Giê-su (x. Ga 13,34 ; 15,12).
Ở đây, tính từ kainê (mới) trong kiểu nói entolê kainê (điều răn mới) có những nghĩa sau đây :
1. Về thời gian : điều răn yêu thương theo Tin Mừng Gio-an vừa tiếp nối điều răn yêu người thân cận trong Lv 19,18b, vừa cho thấy sự mới mẻ của điều răn. Chủ thể ban điều răn trong Cựu Ước là Thiên Chúa, còn bây giờ, chính Đức Giê-su ban cho các môn đệ
2. Về nền tảng : điều răn mới làm nên căn tính của người môn đệ, là điều kiện để nhận biết người môn đệ đích thật của Đức Giê-su : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
3. Về tương quan : điều răn mới cho thấy bản chất người môn đệ là phải sống trong mối tương quan tình yêu giữa Chúa Cha với Đức Giê-su, giữa Đức Giê-su với các môn đệ, và giữa các môn đệ với nhau : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người” (Ga 15,9-10).
4. Về cách thức : cách thức yêu thương của điều răn mới là “Như Thầy đã yêu thương anh em, chính anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34c) hoặc : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12c). Trạng từ “như” (καθώς) ở trong điều răn mới diễn tả nền tảng và nguồn mạch tình yêu của các môn đệ dành cho nhau khởi đi từ chính Thầy Giê-su : “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15).
Cầu nguyện : 1 Ga 2,3-10
“Anh em thân mến, căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa : đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.
Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.
Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thật sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.
Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi.
Anh em thân mến, đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe. Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh em, –điều ấy thật là thế nơi Đức Giê-su và nơi anh em–, bởi vì bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng.
Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối.
Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm”.
Lm. Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP
Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ
Để lại một phản hồi