KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Chúa nhật 19 Thường niên năm A
Chúa nhật, 13.08.2023
LÚC TĂM TỐI, HÃY KÊU CẦU VÀ CHÀO ĐÓN CHÚA
Trưa Chúa Nhật ngày 13/8, từ cửa sổ Điện Tông Toà, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 15 ngàn các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã có bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ 19 thường niên năm A.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay Tin Mừng thuật lại một phép lạ đặc biệt của Chúa Giêsu: ban đêm, Người đi trên mặt nước hồ Galilê để gặp các môn đệ đang đi trên thuyền (x. Mt 14,22-33). Chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giê-su làm điều này? Giống như một buổi biểu diễn? Không! Nhưng tại sao? Hay vì một nhu cầu cấp bách và không thể lường trước, để cứu giúp các môn đệ của Người đang gặp khó khăn vì ngược gió? Không, bởi chính Chúa đã lên kế hoạch cho mọi việc, đã bắt họ đi vào buổi tối, thậm chí – bản văn còn nói – “Người buộc họ” (x. câu 22). Có lẽ để cho họ thấy quyền năng và vĩ đại? Nhưng điều đó không giống như Người vốn rất đơn sơ. Vậy tại sao Người làm điều đó? Tại sao Người lại muốn đi trên mặt nước?
Đằng sau việc đi trên mặt nước có một thông điệp không trực tiếp dễ hiểu đối với chúng ta. Thật vậy, vào thời đó, những vùng nước rộng lớn được coi là nơi ngự trị của những thế lực xấu mà con người không thể chế ngự được; đặc biệt nếu bị khoáy động bởi cơn bão, thì nước sâu là biểu tượng của sự hỗn loạn và gợi nhớ bóng tối của địa ngục. Giờ đây, các môn đệ thấy mình đang ở giữa hồ trong bóng tối: trong họ có nỗi sợ bị chìm, bị hút vào sự dữ. Và đây Chúa Giêsu, Đấng đi trên mặt nước, nghĩa là vượt trên các thế lực sự ác, và nói với các môn đệ: “Can đảm lên, có Thầy đây, đừng sợ!” (câu 27). Đây là tất cả sứ điệp Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Đây là ý nghĩa của dấu lạ: các quyền lực ma quỷ, vốn làm chúng ta sợ hãi và chúng ta không thể thống trị, đã bị Chúa Giêsu áp chế ngay lập tức. Người đi trên mặt nước, muốn nói với chúng ta: “Đừng sợ, kẻ thù của con, Ta đặt dưới chân”: kẻ thù không phải là con người!, đó không phải là kẻ thù, mà kẻ thù là sự chết, tội lỗi, ma quỷ: đây là những kẻ thù của con người, kẻ thù của chúng ta. Và Chúa Giêsu đã đạp dưới chân những kẻ thù này vì chúng ta.
Hôm nay Đức Kitô lặp lại với mỗi người chúng ta: “Can đảm lên, có Thầy đây, đừng sợ!”. Can đảm, đó là vì có Thầy ở đây, vì con không còn đơn độc trong dòng nước xao động của cuộc đời. Vì vậy, chúng ta phải làm gì khi thấy mình giữa biển khơi và đang bị những cơn gió ngược? Phải làm gì trong nỗi sợ hãi, khi chúng ta chỉ thấy bóng tối và cảm thấy lạc lõng? Hai điều mà các môn đệ làm trong Tin Mừng: họ kêu cứu và chào đón Chúa Giêsu. Trong những giây phút tăm tối, khủng hoảng, hãy kêu cứu và chào đón Chúa Giêsu.
Các môn đệ kêu cứu Chúa Giêsu: Phêrô đã bước đi một chút trên mặt nước để tiến về phía Chúa Giêsu, nhưng rồi hoảng sợ, chìm xuống và kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con với!” (câu 30). Kêu cứu với Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện này thật đẹp, qua đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín rằng Chúa có thể cứu chúng ta, rằng Người chiến thắng sự dữ và nỗi sợ hãi của chúng ta. Tôi mời gọi anh chị em bây giờ cùng nhau lặp lại: Lạy Chúa, xin cứu con!
Và rồi các môn đệ chào đón. Trước tiên là kêu cứu, rồi chào đón Chúa Giêsu lên thuyền. Bản văn nói rằng, ngay khi Người lên thuyền, “gió liền lặng” (c. 32). Chúa biết rằng con thuyền của cuộc đời, giống như con thuyền của Giáo hội, bị đe dọa bởi những cơn gió ngược và biển mà chúng ta chèo lái thường động. Người không cất khỏi chúng ta sự mệt nhọc khi chèo thuyền, nhưng ngược lại – Tin Mừng nhấn mạnh điều này – Người bắt họ đi: nghĩa là Người mời gọi chúng ta đối mặt với những khó khăn, để chúng có thể trở thành những nơi cứu độ, bởi vì Chúa Giêsu chiến thắng những khó khăn đó, nên chúng trở nên những cơ hội để gặp gỡ Người. Thật vậy, trong những khoảnh khắc đen tối của chúng ta, Người đến gặp chúng ta, bằng việc chúng ta chào đón Người, giống như đêm đó trên biển hồ.
Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: trong nỗi sợ hãi, trong khó khăn, tôi phải hành xử như thế nào? Tôi tiếp tục chống chọi một mình, với sức lực của mình, hay tôi kêu cầu Chúa với niềm tin tưởng? Và đức tin của tôi như thế nào? Tôi có tin rằng Chúa Kitô mạnh hơn sóng gió không? Nhưng trên hết: tôi có chèo với Người không? Tôi có chào đón Người không, tôi có dành chỗ cho Người trên con thuyền cuộc đời tôi không, tôi có để cho Người cầm lái không?
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, là ngôi sao biển, xin Mẹ giúp chúng con tìm kiếm ánh sáng của Chúa Giêsu trong những hành trình tăm tối.
Nguồn: vaticannews.va/vi