Chúa Hiển Linh (03.01.2016 – Chúa nhật)

Chúa Hiển Linh
(Mt 2, 1-12)

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem,2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”
3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:6 “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” 7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”
9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

***

Trong những thập niên đầu tiên, Giáo Hội đã mừng lễ Chúa Hiển Linh thay vì Lễ Chúa Giáng Sinh. Ngày nay, Giáo Hội phương đông vẫn chọn ngày Lễ Chúa Hiển Linh là ngày lễ chính của Mùa Giáng Sinh. Việc coi trọng và mừng cách đặc biệt lễ Chúa Hiển Linh vẫn còn thấy ở nhiều nơi trong Giáo Hội của chúng ta. Chẳng hạn ở Tây Ban Nha, lễ Chúa Hiển Linh được mừng rất trọng thể với những cuộc rước lớn có hóa trang; và đặc biệt hôm nay người ta mới tặng quà Giáng Sinh cho nhau, bởi vì hôm nay, hài nhi Giêsu, sau khi sinh ra được 12 ngày, mới nhận được quà của người ta, nghĩa là của các đạo sĩ!
Lễ Chúa Hiển Linh phải là một lễ lớn, bởi vì biến cố Ngài sinh ra đã là một niềm vui, nhưng niềm vui này vẫn chưa trọn vẹn khi chưa được thật nhiều người biết đến. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này trong cuộc sống: dù mình có là ai, hay dù người kia có là ai, nếu chưa được người khác nhận biết, thì cũng như không! Và đó cũng chính là ý nghĩa của từ ngữ “hiển linh” (Épi-phanie, trong tiếng Hi-lạp), có nghĩa là xuất hiện, hiển hiện cho mọi người nhận biết.
Ngày lễ Hiển Linh, là ngày Chúa tỏ mình ra cho mọi dân tộc được nhận biết. Nhưng đây mới chỉ là biến cố khởi đầu; bởi vì, Chúa sẽ chỉ được thực sự được nhận biết bởi cả loài người bằng mầu nhiệm Vượt Qua, chết và phục sinh. Một trong ba quà tặng, là mộc dược loan báo mầu nhiệm Thương Khó của hài nhi Giêsu.

* * *

Thánh sử Mát-thêu, trong sách Tin Mừng của mình, nhấn mạnh cách đặc biệt đến vai trò của thánh Giuse trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể (x. Mt 1, 1-25). Nhưng tại sao trong trình thuật Hiển Linh quan trọng này, từ đầu đến cuối, thánh sử lại không nhắc đến sự hiện diện của Thánh Cả?
Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.
(c. 11)
Xem ra cũng thật là kì lạ! Khi có quà (vàng, nhũ hương và mộc dược), thì “người ta” không nhắc tới Thánh Giuse; nhưng khi có việc, Thánh Giuse của chúng ta lại được nhắc tới, và được nhắc tới lúc ngài đang ngủ ngon!
Này ông Giuse, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập!
(c. 13)

1. “Vì Sao của Người” (c. 1-2)
Có “mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông”, nghĩa là từ phía chúng ta, Đất Nước Việt Nam; vì thế hành trình của họ nói về chúng ta, mời gọi chúng ta và đại diện cho chúng ta. Họ còn được gọi là đạo sĩ, vì họ thường làm tư tế và cố vấn cho các vua. Vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn ra mọi dân tộc ngang qua hình ảnh các đạo sĩ. Chúng ta hãy hình dung ra và chiêm ngắm hành trình của các ông: để đi tìm Chúa, họ cần đến nhau như thế nào, họ cần vượt qua những khó khăn, ngăn trở hay thử thách nào?
Thật vậy, hành trình đi tìm Chúa của các đạo sĩ vất vả biết bao, bởi vì các ông phải vượt qua rất nhiều trở ngại: phải lìa bỏ quê hương, đến nơi thật xa và lạ, đối diện với những khác biệt về ngôn ngữ văn hóa, ngôi sao dẫn đường lúc ẩn lúc hiện, bị lạc đường, phải hỏi thăm nhưng lại hỏi thăm lầm người, bị lừa dối…; và chúng ta còn có thể hình dung ra biết bao khó khăn khác nếu chúng ta đặt mình vào hành trình của các đạo sĩ. Như các đạo sĩ, chúng ta được mời gọi khao khát đi tìm gặp Chúa, nhất là trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến; và trong hành trình đi tìm Chúa, chúng ta cần đến nhau và cần đến Ngôi Sao dẫn đường biết bao, nghĩa là cần đến Ánh Sáng Lời Chúa, Ánh Sáng Tin Mừng, Ánh Sáng Ngôi Lời Sáng Tạo soi dẫn.
Và họ không thể hiệp nhất và cùng đi về một hướng nếu không có “Vì Sao”. Chúng ta hãy chiêm ngắm “Vì sao của Người” và xin Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được hết ý nghĩa, vì có tầm quan trọng đặc biệt giúp chúng ta hiểu Đức Ki-tô sâu hơn và rộng hơn:
 “Vì sao” xuất hiện trên trời cao và bên phương Đông, nghĩa là ở nơi các dân tộc xa xôi. Như thế, Biến cố sinh ra nhỏ bé và nghèo hèn, nhưng lại có liên quan đến sáng tạo và các dân tộc xa xôi, ngang qua sự hiện diện của “Vì Sao”.
 “Vì sao của Người”, không chỉ là hiện tượng thiên nhiên, nhưng còn là Logos, nghĩa là trật tự, hài hòa, vẻ đẹp, sinh động trong công trình sáng tạo, đã được bày tỏ cho các dân tộc ở rất xa rồi (x. Rm 1)
 “Vì Sao của Người” không chỉ hiện diện trong sáng tạo nhưng còn trong văn hóa, niềm tin và những gì tốt đẹp nơi con người, ngang qua những giá trị nhân bản và thiêng liêng.
Như thế, Ngôi Lời trong sáng tạo, trong các nền văn hóa và Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể là một (x. Tv 19, 5 và Rm 10, 18). Nhận ra “vì sao của Người” hiểu như trên, sẽ dẫn người ta đến với Đức Giê-su Nazareth. Và đó chính là hành trình của các nhà chiêm tinh, của con người hôm nay và của chúng ta hôm nay.
Tuy nhiên, tước hiệu “Đấng Ki-tô” (c. 4) và nhất là tước hiệu “Vua dân Do Thái” (c. 2) đã loan báo mầu nhiệm Thương Khó rồi, nghĩa là cách thức Người trở nên và là Vua của Dân Do Thái và của cả loài người, cách thức Người bày tỏ căn tính thần linh của Người là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Thiên Chúa. Thật vậy, người ta sẽ lên án tử Người, khi Người nhận mình là “Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa” (x. Mt 26, 63); và tước hiệu “Vua dân Do Thái” (x. Ga 19, 19-22) sẽ gắn liền mãi mãi với Thập Giá Đức Ki-tô (INRI: Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum, nghĩa là “Giê-su Nazareth Vua Người Do Thái”). Ngang qua biến cố sinh ra, lớn lên và chịu thương khó, chúng ta nhận ra cách Ngài làm Vua, đó không phải là cách thức của con người, cụ thể là cách thức của Vua Hê-rô-đê, nhưng là cách thức của Thiên Chúa.

2. Vua Hê-rô-đê và mầu nhiệm Thập Giá (c. 3-8)
Ngôi Lời Thiên Chúa đến với thế giới loài người cách âm thầm, khiêm tốn và đơn sơ đã làm cho người Do thái, mà các thượng tế và kinh sư là đại diện, dửng dưng, cho dù họ có cả lịch sử cứu độ được ghi chép thành Sách Thánh, loan báo Đấng Mêsia. Nhưng điều kì lạ là, những người ở phương xa thì tìm kiếm và đơn sơ nhận biết Chúa, khởi từ những dấu chỉ xa xôi và gián tiếp. Điều này có thể chất vấn chúng ta, là những người được Chúa ban cho rất nhiều ơn huệ và dấu chỉ để nhận biết, thờ lạy và ca tụng Chúa.
Nhưng điều kì dị nhất, đó là Đấng Cứu Thế đến hiện diện nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành, nhưng lại làm bật lên sự ghen ghét và ý muốn loại trừ bằng bạo lực. Vì trái với nhân tính, nên ghen ghét và bạo lực phải được che đậy bằng vẻ bề ngoài thiện ý: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Vẻ bề ngoài giả dối và sẽ đạt tới tột đỉnh nơi cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô.
Vua Hê-rô-đê đại diện cho quyền bính xã hội, các thượng tế và kinh sư cho quyền bính tôn giáo. Hai quyền bính sẽ có mặt và đi tới cùng ý định loại trừ Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Đó là những điều kì lạ và kì dị. Nhưng điều kì lạ nhất là, một đàng, Chúa vẫn cứ để mọi sự đi tới cùng, đàng khác, mọi sự vẫn cứ ứng nghiệm lời Kinh Thánh, nghĩa là lịch sử cứu độ không thất bại, nhưng vẫn được hoàn tất. Trong trình thuật Hiển Linh, chúng ta nhận ra rằng, Chúa vẫn dẫn dắt lịch sử, vẫn hiện diện trong các biến cố ngang qua việc “báo mộng”, cho các nhà chiêm tinh và nhất là cho Thánh Giuse.

3. Vì Sao và Hài Nhi (c. 9-12)
Chúng ta hãy chiêm ngắm sự tương hợp giữa “Vì Sao”, với những ý nghĩa chúng ta đã nhận ra, và “Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ”. Và khi cầu nguyện với trình thuật Hiển Linh, chúng ta còn được mời gọi chiêm ngắm cách Chúa làm cho mình được nhận biết. Khi sinh ra, để cho muôn dân được nhận biết, Chúa không chọn một hoàng tộc đang trị vì, không chọn sinh ra ở thủ đô hay trong một thành phố lớn, không chọn sinh ra trong cung điện; Chúa không tự làm cho mình lớn lên như thổi như một em bé đầy quyền năng và uy thế. Vậy, chúng ta hãy trở lại với hang đá, để chiêm ngắm hài nhi Giêsu “được bọc tã, nằm trong máng cỏ” và đang thiếp ngủ, bên cạnh có Đức Mẹ và Thánh Giuse thật bình dị như bao người cha và người mẹ khác.
Các đạo sĩ từ xa vượt qua biết bao nhiêu khó khăn và cuối cùng tìm thấy một khung cảnh như thế đó. Như thế đó, nhưng các ông đã sấp mình thờ lạy và dâng tặng cho Chúa những gì cao quí nhất của chính mình và diễn tả tâm tình tôn thờ và chúc tụng. Chúng ta hãy hình dung ra các nhà chiêm tinh sấp mình thờ lạy Người, và dâng tiến vàng, nhũ hương và mộc dược. Các quà tặng đã nói lên con đường Ngài sẽ đi: Ngài được trao ban vương quyền vĩnh cửu (vàng), nhưng phải vượt qua đau khổ và sự chết (mộc dược) bằng lời nguyện xin tín thác (nhũ hương). Sự đơn sơ, khiêm tốn và hiền lành tột bực của Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, loan báo sự đơn sơ, khiêm tốn và hiền lành tột bực của Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá. Nhưng đó lại là cách Chúa chọn, Chúa yêu thích để bày tỏ sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, để Hiển Linh cho loài người chúng ta.
Trong hành trình đức tin và nhất là trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng được mời gọi nhận biết Chúa, là Ân Huệ lớn lao nhất và tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta, giống như người phụ nữ Samari đã nhận biết Chúa trong trình thuật theo thánh Gioan (x. Ga 4). Khi cầu nguyện với trình thuật Hiển Linh, chúng ta hãy khao khát được nhận biết và hiểu biết Chúa nhiều hơn và xin Chúa bày tỏ cho chúng ta “Vì Sao” của Ngài, để cho chúng ta nhận biết và thờ lạy Ngài, như các nhà chiêm tinh.

* * *

Chúng ta hãy trở lại với câu hỏi đã được nêu ra về cách hiện diện của Thánh Giuse trong Mầu Nhiệm Hiển Linh : Thánh sử Mát-thêu, trong sách Tin Mừng của mình, nhấn mạnh cách đặc biệt đến vai trò của thánh Giuse trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể; nhưng tại sao trong trình thuật Hiển Linh quan trọng này, từ đầu đến cuối, thánh sử lại không nhắc đến tên của Thánh Cả?
Đó là vì Thánh Giuse đã nhận ra Mầu Nhiệm quá lớn so với sự nhỏ bé và bất xứng của mình, Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Vì thế, ngay từ đầu, ngài đã muốn « lui lại phía sau » và ngài đã luôn muốn « lui lại phía sau » khi có cơ hội. Và cơ hội là đây, khi Hài Nhi Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, thu hút và tỏ mình ra cho các dân tộc xa xôi, ngang qua sự hiện diện của các đạo sĩ. Thánh sử Mát-thêu như đã nhận ra và tôn trọng tâm tình “lui lại phía sau” của Thánh Giuse, khi không nhắc đến tên của Thánh Nhân, mặc dù ngài chắc chắn đã hiện diện, nhưng một cách kín đáo trong thinh lặng; và cả sau đó nữa, thánh sử kể lại: “Này ông Giuse, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập!”. “Hài Nhi và Mẹ Người”, thay vì “vợ con ông”! Có một khoảng cách thần linh giữa ngài và Con Thiên Chúa cùng với Mẹ Người. Thánh Giuse luôn tôn trọng khoảng cách này và ngài tôn trọng đến cùng.
Hơn thế nữa, chúng ta còn được mời gọi nhận ra, ở đây, nơi Mầu Nhiệm Chúa Hiển Linh, Thánh Giuse như đã sống trước ơn huệ được “lui lại phía sau” cách trọn vẹn, sau khi đã hoàn tất sứ mạng “cưu mang” Ngôi Lời Chúa và để cho Ngôi Lời trở thành Đấng Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng ta”, và nhất là để cho Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, và cả Mầu Nhiệm Mẹ Thiên Chúa nữa, thực sự “Hiển Linh” nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc