Chúa Giêsu và người nghèo

Không một người nào hay quốc gia nào nên dư thừa khi những người khác hay quốc gia khác không có những gì thiết yếu cho cuộc sống.

Tôi là thế hệ nhập cư thứ hai lớn lên ở miền hẻo lánh của vùng đồng cỏ Canada. Gia đình chúng tôi là gia đình của người nông dân nghèo, vừa đủ sống, có những gì cần thiết để sống, nhưng hiếm khi có gì hơn thế. Cha mẹ có lòng bác ái quá mức và cố truyền cho chúng tôi lòng bác ái này. Tuy nhiên, vì gia đình chúng tôi nghèo nên cũng dễ hiểu khi chúng tôi chẳng có mấy tầm nhìn về công bằng xã hội. Chúng tôi nghèo mà.

Lớn lên như thế tâm hồn có thể ghi khắc một số bản năng và thái độ nào đó vừa tốt vừa xấu. Về mặt tích cực, từ nhỏ bạn nghĩ mình phải làm việc chăm chỉ, không có gì là miễn phí, phải tự lo cho mình và ai cũng phải làm như vậy. Mỉa mai thay, đức tính này có thể bịt mắt bạn khỏi một vài chân lý chính yếu liên quan đến người nghèo.

Tôi có thể làm chứng cho chuyện này. Phải mất nhiều năm, phải nhiều lần đến nhiều biên giới vì công việc, phải nhiều lần tận mắt chứng kiến những người không có những điều thiết yếu căn bản trong đời, cũng phải mất vô số giờ ở các lớp thần học, tôi mới ý thức được một vài chân lý trong Kinh Thánh, trong Kitô giáo về người nghèo.

Bây giờ tôi phải đấu tranh để sống với những chân lý này, nhưng ít ra, tôi chấp nhận đó là những chân lý bắt buộc cho người tín hữu kitô, dù họ thuộc phái nào hay xu hướng chính trị nào. Tóm lại, là kitô hữu, chúng ta được giao một mệnh lệnh bắt buộc là đến người nghèo với lòng cảm thông và công lý. Hơn thế nữa, mệnh lệnh này mang tính bắt buộc hệt như các điều răn, và được thể hiện rõ ràng khắp nơi trong Kinh Thánh.

Căn bản của mệnh lệnh đó như sau:

* Các ngôn sứ lớn của Do Thái đã đặt ra khẩu quyết: Mức độ đức tin của bạn sẽ được phán xét dựa vào mức độ công lý ở vùng của bạn, và mức độ công lý ở vùng của bạn sẽ luôn được phán xét dựa trên cách “cô nhi, góa phụ và ngoại kiều sống như thế nào” (quy ước Kinh Thánh để nói về những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội).

* Chúa Giêsu không chỉ xác nhận, mà còn đào sâu điều này, Ngài đồng nhất chính Ngài với người nghèo. (“Ai trong các con làm điều nhỏ nhất cho những người này, là đang làm cho Thầy”.) Ngài bảo chúng ta sẽ được phán xét đời đời dựa trên cách chúng ta đối đãi với người nghèo.

* Hơn thế nữa, trong cả Cựu Ước và Tân ước, điều này đặc biệt đúng với cách chúng ta đối xử với ngoại kiều, khách lạ và người nhập cư. Cách chúng ta đối xử với họ thực sự chính là cách chúng ta đối xử với Chúa Giêsu.

* Hãy nhớ Chúa Giêsu đã xác định sứ mạng của mình bằng những lời này: Mang Tin Mừng đến cho người nghèo khó. Do đó, bất kỳ giáo lý, việc giảng dạy hay chính sách chính phủ nào không phải là Tin Mừng cho người nghèo thì không mang tinh thần của Chúa Giêsu hay Tin Mừng.

Cũng vậy, hầu hết chúng ta từ nhỏ được dạy để tin rằng mình có quyền sở hữu bất kỳ điều gì mà mình có được cách ngay chính, qua lao công hay thừa kế hợp pháp. Dù tài sản đó có lớn bao nhiêu chăng nữa, miễn là chúng ta không gian lận để có thì đó là của chúng ta. Nhìn chung, niềm tin này được tôn trọng tuyệt đối trong pháp luật của các nước dân chủ, và chúng ta thường tin rằng nó được kitô giáo phê chuẩn về mặt đạo đức. Nhưng thực ra không phải vậy, chúng ta có thể thấy được những chân lý này trong Kinh Thánh:

* Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Dưới mắt Thiên Chúa, không ai được thiên vị hay ưu ái, và Thiên Chúa dựng nên trái đất và muôn vật cho toàn thể nhân loại. Do đó, theo lẽ công bằng, những thứ được tạo dựng phải chia đều cho mọi người.

* Của cải và sở hữu phải được hiểu là những thứ để chúng ta quản lý hơn là chiếm giữ tuyệt đối.

* Không một người nào hay quốc gia nào nên dư thừa khi những người khác hay quốc gia khác không có những gì thiết yếu cho cuộc sống.

* Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ xoa dịu người nghèo.

* Việc lên án bất công là một khía cạnh miễn bàn cãi trong cương vị môn đệ của chúng ta.

* Trong mọi tình huống, ở đâu có bất công, đàn áp, nghèo đói, thì Thiên Chúa không trung lập. Thiên Chúa muốn có hành động chống lại tất cả mọi sự và mọi người đang gây bất công và cái chết.

Những nguyên tắc này rất mạnh, mạnh đến nỗi dễ để tin rằng Chúa Giêsu thực sự đang yêu cầu chúng ta làm như vậy. Thật vậy, nếu xét một cách nghiêm túc, thì những nguyên tắc này sẽ chấn động đến tận căn bản cuộc sống và trật tự xã hội chúng ta. Sẽ không còn là chuyện làm ăn như thường lệ.

Tôi xin đưa ra một ví dụ: trên thế giới có gần 45 triệu người tị nạn, hầu hết họ đang tìm cách băng qua biên giới để vào một quốc gia mới. Với nhiều quốc gia thời nay, nếu lời “chào đón khách lạ” trong Kinh Thánh là cứ mở biên giới và chào đón bất kỳ ai muốn vào, thì có thực tế không? Đơn giản là không thực tế và thiết thực về mặt xã hội, khi xét đến tác động thực tế của nó đối với sự thoải mái và an ninh của chúng ta.

Trong khi điều này có lẽ là mặc nhiên, nhưng chuyện sự thực dụng cần thiết về mặt xã hội và chính trị khi đối xử với “cô nhi, góa phụ và ngoại kiều” có khoác lên tinh thần của Chúa Giêsu và Kinh Thánh không thì lại không mặc nhiên. Và như thế là đi ngược lại với Chúa Giêsu. Dù chuyện có làm phiền đến an ninh và sự thoải mái của chúng ta hay không, thì Thiên Chúa luôn ở mặt dưới của lịch sử, luôn ở về phía người nghèo.

Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*