Thứ Tư Tuần 1 Thường Niên
32 Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; 33 và cả thành tụ họp trước cửa nhà. 34 Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. 35 Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. 36 Simon và các bạn chạy đi tìm Người. 37 Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. 38 Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. 39 Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
“Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau” (Mc 1,34)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Bài Phúc Âm này diễn ra trong khung cảnh một ngày ở Capharnaum và tiếp liền câu chuyện hôm qua. Sau khi Chúa Giêsu trừ tà ở Hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon. Chúa Giêsu không nói lời nào, chỉ làm một cử chỉ nhỏ là đến gần cầm tay bà nâng dậy. Việc khỏi bệnh xảy ra tức thì. Bà hết bệnh và lo tiếp đãi các ngài.
Người Do Thái quen coi bệnh tật là do ma quỷ gây nên. Đặc biệt bệnh sốt là dấu chỉ Thiên Chúa trừng phạt tội bất trung (x. Lv 26,15-16 Đnl 28,22). Vì người ta coi bệnh này là do ma quỷ gây nên, do đó việc Chúa Giêsu cứu chữa bệnh này cũng là một việc trừ tà (Lc 4,39), cho thấy Chúa Giêsu là Đấng đến giải thoát con người khỏi xiềng xích của sự dữ và sự chết.
Kết thúc một ngày làm việc: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoàng vắng và cầu nguyện”.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở Hội đường (câu 21); giảng xong, chữa một người bị quỷ ám (cc. 23-28); rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô (cc. 29-32); chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa (cc. 32-34); Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoàng vắng để cầu nguyện (c. 35), và bắt đầu một ngày mới cũng rất bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ đề cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.
2. Nhìn lại cuộc sống đã qua, một nhà hiền triết thú nhận: Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ, tôi thường xin Chúa cho tôi sức mạnh biến đổi thế giới này nên tốt hơn. Khi được nửa đời người, tôi ý thức mình chưa làm gì được cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào, tôi liền đổi lại lời cầu nguyện cho thiết thực hơn: Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con khả năng thay đổi cuộc sống của những người con tiếp xúc hằng ngày thôi”. Nhưng rồi khi tuổi đời sắp hết, tôi thấy rằng mình quá cao vọng và ảo tưởng, tôi lại thay đổi lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính đời sống của con”. Nếu từ tuổi thanh xuân tôi đã cầu nguyện như thế thì có lẽ tôi không phải hối tiếc vì đã sống một cuộc đời vô ích” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
3. “Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.” (Mc 1,34)
“Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do Thái hở mẹ? Những điều kỳ diệu của Người khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Người đủ huỷ diệt sức mạnh của Rôma. Thế mà Người lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao khó nhọc đã trở thành vô ích? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rôma và để vũ khí mà ta khổ công đúc rèn phải rỉ sét ư?”
Ben Hur đã thốt lên lời ấy trong thất vọng, chán chường. Anh cũng như những người Do Thái khác đã thất vọng về Con Thiên Chúa. Họ chờ đợi Đấng Messia như một người có thể đem lại cho họ phồn vinh và công lý trong trần thế. Họ chỉ muốn thấy vinh quang Thiên Chúa trừng phạt đế quốc La mã.
Phải chăng vì thế mà Chúa Giêsu không cho quỷ nói Người là ai? Con đường cứu rỗi không dẫn Người đến ngai vàng và vương miện trần gian. Người đến để mặc khải tình yêu của Cha, và để mặc khải được trọn vẹn, Người đã chết thay cho mọi người, những kẻ đã dửng dưng để cho máu của Người đổ trên đầu mình.
Lạy Chúa Giêsu, giờ đây công cuộc cứu chuộc của Chúa đã hoàn tất. Xin cho con luôn biết đón nhận con đường của Chúa, con đường đưa đến sự sống đời đời. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Cầu nguyện là hơi thở, là sự sống của linh hồn. Chính Chúa khi mang thân phận con người Chúa vẫn luôn cầu nguyện. Cho dẫu Chúa có bận trăm công nghìn việc, Chúa vẫn dành thời giờ để thưa chuyện với Chúa Cha. Chúa vẫn tìm ý Chúa Cha để thực thi trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết dành thời giờ để đến với Chúa, để được bổ sức, nâng đỡ qua việc kết hợp với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa đã sống một cuộc đời để tôn vinh Chúa Cha qua đời sống phục vụ và yêu thương đồng loại. Chúa hằng chữa lành bệnh tật cho dân. Chúa luôn thi ân giáng phúc cho những ai tin nhận nơi Chúa. Vâng, lạy Chúa, “vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”, xin cho chúng con biết phụng sự Chúa qua những hành vi bác ái dấn thân phục vụ anh em. Xin cho chúng con mặc lấy tinh thần vô vị lợi để sống yêu thương mọi người. Xin loại trừ trong chúng con tính ích kỷ và thói hưởng thụ để chúng con sống có ích cho anh em. Ðồng thời, chúng con cũng luôn biêt dành thời giờ để cầu nguyện cùng Chúa, vì “hoa trái của cầu nguyện lả bác ái yêu thương”. Chính đời sống cầu nguyện sẽ nâng đỡ và giúp sức cho chúng con thể hiện tình yêu thương đến cho mọi người.
Lạy Chúa, Chúa luôn tìm thời giờ để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Xin cho chúng con luôn siêng năng cầu nguyện cùng Chúa để cùng Chúa chúng con mang yêu thương đến cho mọi người. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)