Trong thông cáo báo chí ngày 26 tháng Tám 2016, Phòng Báo chí Toà Thánh giải thích sứ điệp của Đức Thánh Cha “sẽ đưa ra một bước đi mới, một con đường của niềm hy vọng để vượt qua hoàn cảnh lịch sử hiện nay: thông qua thương lượng để giải quyết những khác biệt, không để cho những bất đồng phát sinh xung đột vũ trang”. Nói cách khác, là “đặt giải pháp ngoại giao lên trên bùng nổ vũ trang”.
“Vì vậy chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để đàm phán những con đường dẫn đến hoà bình, dù có khúc khuỷu đến đâu, kể cả thật khó đi. Như vậy, phi bạo lực sẽ mang hàm nghĩa rộng hơn và mới hơn: nó không chỉ là một niềm khao khát, ước muốn, sự khước từ mang tính đạo đức đối với bạo lực, các loại rào cản và các xu hướng hủy diệt, mà là một phương pháp chính trị mang tính hiện thực, hướng đến hy vọng”.
Thông cáo viết tiếp, phương pháp chính trị phi bạo lực được đặt trên nền tảng “quyền phải được thượng tôn”: “Nếu các quyền của con người được bảo vệ, cũng như được đối xử bình đẳng, không bị phân biệt hoặc loại trừ, thì lúc đó phương pháp chính trị phi bạo lực sẽ trở thành một đường lối mang tính hiện thực nhằm vượt qua những xung đột vũ trang. Vì thế, cần phải luôn luôn nhận thức rõ hơn nữa về sức mạnh của quyền thay vì chỉ nghĩ đến quyền dùng sức mạnh”.
Nền chính trị phi bạo lực cũng bao gồm “sự tôn trọng văn hóa và bản sắc của các dân tộc, đồng thời khắc phục loại tư tưởng đạo đức cho rằng mình hơn người khác”, bản thông cáo viết. Nền chính trị này cũng phải ngăn chặn “tai họa” buôn bán vũ khí trên thế giới vẫn thường bị “coi nhẹ” nhưng lại “nuôi dưỡng nhiều cuộc xung đột trên thế giới”.
Đây là sứ điệp thứ 4 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Ngày Hoà bình Thế giới. Ngày Hoà bình Thế giới do Đức giáo hoàng Phaolô VI thiết lập. Hằng năm, Đức giáo hoàng đều gửi sứ điệp về Ngày Hoà bình Thế giới cho toàn thể Giáo hội, các chính phủ, qua đó cho thấy “đường hướng ngoại giao của Toà Thánh trong năm mới”, bản thông cáo kết luận.
(Theo Zenit)