“Chính Người vác lấy thập giá đi ra” (3.4.2015 – Thứ sáu Tuần Thánh)

“Chính Người vác lấy thập giá đi ra
(Ga 19, 17-42)

 17 Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha;18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa.

19 Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.”20 Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp.21 Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô: “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Do-thái”, nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái”.”22 Ông Phi-la-tô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy! “

23 Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới.24 Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.

25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát! “29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất! ” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su.33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.37 Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.

38 Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống.39 Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương.40 Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái.41 Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.42Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.

***

Cả ngày hôm nay, chúng ta sẽ “đi đàng Thánh Giá” gồm bảy chặng, theo Tin Mừng của thánh Gioan. Trong bữa tiệc ly, qua cử chỉ rửa chân, Đức Giê-su muốn diễn tả tình yêu đến cùng của Người dành cho các môn đệ; nơi Thập Giá, tình yêu đến cùng của Người được thực hiện trọn vẹn. Cũng trong bữa tiệc ly, Người cũng đã muốn trở thành Tấm Bánh nuôi sống chúng ta, và “đàng Thánh Giá”, chính là “đường đi” của Tấm Bánh Hằng Sống.

So với các trình thuật nhất lãm, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan không có gì lạ lùng xẩy ra, nhưng lại nêu bật chiều kích thần linh của mầu nhiệm Thập Giá, nghĩa là “Dung Nhan Rạng Ngời” của Đức Ki-tô. Sau đây là đàng Thánh Giá bảy chặng theo Tin Mừng của thánh Gioan:

  1. Chặng thứ nhất (c. 17-18): Đức Giêsu chịu đóng đinh
  2. Chặng thứ hai (c. 19-22): Giê-su Nazareth, Vua dân Do Thái (INRI: Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum)
  3. Chặng thứ ba: Chia áo (c. 23-24)
  4. Chặng thứ tư: Sự sống mới (c. 25-27)
  5. Chặng thứ năm: Mọi sự đã hoàn tất (c. 28-30)
  6. Chặng thứ sáu: Máu cùng nước chảy ra (c. 31-34)
  7. Chặng thứ bảy (c. 35-42): “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”

Con số bảy nhắc chúng ta bảy Sự đau khổ của Đức Maria theo truyền thống của Giáo Hội và chúng ta được mời gọi tôn kính vào ngày 15/09, Lễ Đức Maria Đau Khổ. Sau đây là « bảy sự » của Đức Mẹ :

  1. Lời của cụ ngôn sứ Simêon về Đức Maria (Lc 2, 25-35)
  2. Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)
  3. Lạc mất Đức Giê-su (Lc 2,41-52)
  4. Đức Mẹ nhìn Đức Giê-su vác thập giá (Lc 23,27)
  5. Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25-27)
  6. Đức Mẹ đón nhận thân xác đã chết của Đức Giê-su (Ga 19,38-40)
  7. Đức Mẹ ở bên mộ Đức Giê-su (Ga 19,41-42)

« Bảy Sự » trải dài suốt cuộc đời làm Mẹ của Đức Maria. Tất cả đều có liên quan đến Đức Giê-su, con của Mẹ, và đều hướng về mầu nhiệm Thập Giá của Người; một cách chụ thể, trong bảy Sự, có đến bốn Sự thuộc về mầu nhiệm Thương Khó. Như thế, cả cuộc đời của Mẹ hướng về mầu nhiệm Thập Giá, đồng hành với Đức Giê-su vác Thập Giá, hiện diện và đứng vững dưới chân Thập Giá trong thinh lặng, để chiêm ngắm, lắng nghe và “ghi nhớ tất cả mọi biến cố và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Vì vậy, Mẹ hiểu mầu nhiệm Thập Giá và mầu nhiệm hơn ai hết.

Chúng ta hãy xin mẹ dạy chúng ta biết nhìn ngắm cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô, với ánh mắt và con tim của Mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta, để chúng ta cũng được ơn « đứng vững » dưới chân Thập Giá như Mẹ Maria. Xin Mẹ đồng hành với chúng ta, để cũng như Mẹ, chúng ta nhận ra và đón nhận Chân Dung Rạng Ngời của Đức Giê-su, Con của Mẹ, để chúng ta trở thành Con Thiên Chúa, người thân của Đức Ki-tô, Con của Mẹ và anh chị em của nhau, như thánh Gioan nói : « Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa ».

 

* * *

Chúng ta hãy hình dung hành trình vác Thập Giá của Đức Ki-tô và Đồi Sọ, nơi Người « trở nên một » với Thập Giá cho đến khi « mọi sự đã hoàn tất ». Và xin Thánh Thần của Chúa giúp chúng ta ra khỏi mình để chiêm ngắm Đức Giê-su vác Thập Giá, soi sáng lòng trì chúng ta để nhận ra và cảm nếm tình yêu đến cùng của Đức Giê-su ; xin Thánh Thần làm con tim chúng ta bừng cháy lòng yêu mến « Đức Ki-tôi chịu đóng đinh » và ước ao trở nên một với Người. Ở mỗi chặng (có bảy chặng), chúng ta có thể dâng lên Chúa một ước ao đặc biệt.

 

  1. Chặng thứ nhất (c. 17-18): Đức Giêsu vác Thập Giá
  2. Đức Giê-su vác Thập Giá

Thánh sử Gio-an kể về hành trình vác Thập Giá của Đức Giê-su rất ngắn gọn, nhưng trong thực tế chắc chắn đã diễn ra rất dài, vừa theo nghĩa thời gian, vừa theo nghĩa nặng nhọc, đau đớn : « Chính Người vác lấy Thập Giá đi ra ». Cây Thập Giá là dụng cụ hành hình và kẻ bị hành hình phải tự vác lấy. Chúng ta có thể nghiệm ra tình trạng bị bỏ rơi tận căn của Đức Giê-su : kiệt sức và sắp phải chết, nhưng không được phép nhận bất cứ sự giúp đỡ nào. Điều này càng trở nên triệt để, khi Đức Giê-su là Đấng Vô Tội. Nhưng cây Thập Giá, đối với chúng ta còn mang nhiều ý nghĩa khác, như Đức Giê-su từng nói : « Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo » (Mc 4, 34). Vậy, chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để suy xét về ý nghĩa của Thập Giá, Thập Giá của Đức Ki-tô và « thập giá mình ».

Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi ngang qua lời kể này của Thánh Sử Gioan : « Chính Người vác lấy Thập Giá đi ra », nhận ra sự chủ động của Đức Giê-su, và nhớ lại một câu nói của Người khi giảng dạy ở Biển Hồ : « Các người nghe đây, người gieo giống đi ra gieo giống » (Mc 4, 3), hay nhớ lại lời ca tụng Thiên Chúa của sách Thánh Vịnh, khởi đi công trình sáng tạo :

Thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,
và vui sướng lên đường như tráng sĩ.

Từ chân trời này, thái dương xuất hiện,
rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia,
chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng.

(Tv 19, 6-7)

Thực vậy, nơi mầu nhiệm Thập Giá, Đức Ki-tô không chỉ gieo hạt giống Lời Chúa, nhưng còn gieo Hạt Giống Chính Mình, để để chinh phục con tim của chúng ta, để đụng chạm đến mọi sự, hoàn tất mọi sự và làm sinh hoa kết quả Sự Sống gấp trăm.

 

  1. Đức Giê-su bị đóng đinh vào Thập Giá

Đến đồi Golgotha (tiếng Do-thái là cái sọ), họ đóng đinh Người vào Thập Giá : vừa nãy, Người vác Thập Giá, nhưng giờ đây ở cuối chặng đường, Người như trở nên một với Thập Giá. « Người như trở nên một với Thập Giá » là hình ảnh mà chúng ta vẫn nhìn thấy, nhưng không « ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng », để hiểu và cảm điều Thiên Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta. Cây Thập Giá là dụng cụ hành hình tử tội, là biểu tượng của Tội, nhưng Thánh Phao-lô lại nói :

  • Đức Giêsu tự nguyện trở thành « đồ bị nguyền rủa , vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! » (Gl 3, 13).
  • Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3).
  • Ngài “đồng hóa mình với tội” (2 Cr 5, 21)

Chúng ta có thể dừng lại thật lâu ở cảnh đóng đinh này, để nhìn, nghe và quan sát. Tin Mừng chỉ kể có một câu, nhưng trong thực tế, chắc chắn là không quá nhanh : « tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá ». Hơn nữa, chúng ta cũng được mời gọi cảm nếm và đụng chạm nữa, vì chắc chắn có nhiều cảm xúc nơi nội tâm người đóng đinh, người bị đóng đinh và người xem cảnh người đóng đinh người. Ơn gọi của con người là làm con Thiên Chúa, qua đó hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ, nhưng ở đây, chúng ta chứng kiến con người sống theo thú tính : con người hành hạ và loại trừ con người, con người hành hạ và loại trừ người vô tội. Điều này không chỉ xẩy ra hôm qua, nhưng còn xẩy ra hôm nay và còn trong tương lai.

Họ cũng đóng đinh hai tử tội khác nữa, một bên phải và một bên trái : « tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa ». Như thế, Đức Giê-su không chỉ làm bạn và ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi ; nhưng Ngài còn đi xa hơn: bị lên án và hành quyết như là tử tội và ở giữa các tử tội. Khi chúng ta chiêm ngắm Đức Giê-su chịu đóng đinh, chúng ta đừng quên hai người tử tội ở hai bên. Hình ảnh này nói với chúng ta điều gì? Có khi nào chúng ta ghi ngờ lòng thương xót, chúng ta hãy trở lại với hình ảnh này.

Trong cầu nguyện, khi chiêm ngắm thân xác càng ngày càng nát tan của Đức Giê-su trên trên thập giá, xin cho chúng ta nhận ra Dung Ngan Rạng Ngời của Người, Thánh Tâm của Người, sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Người. Vì đó chính là nguồn sống, nền tảng và niềm hi vọng của hành trình đức tin đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, nhất là ơn gọi đời sống Thánh Hiến.

 

  1. Chặng thứ hai (c. 19-22): INRI (Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum)

Bản án được viết bằng ba thứ tiếng : Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp ; sự kiện này nói lên tính phổ quát của biến cố Thập Giá. Nhưng đâu là thâm ý của quan Phi-la-tô, khi cho biết bản án này? Và đâu là ý nghĩ của các thượng tế khi để nghị sửa lại :

Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô: “Xin ngài đừng viết: Vua dân Do-thái, nhưng viết: Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái”.

Ông Phi-la-tô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!”

(c. 21-22)

Chữ INRI hẳn là quan trọng, vì mãi mãi gắn liền với Thập Giá Đức Ki-tô; và hơn nữa có cả một lịch sử: Triều Đại Đa-vít được sứ thần nói tới khi truyển tin cho Đức Maria; người ta muốn Đức Giê-su làm vua (x. Ga 6), quan Phi-la-tô chất vấn về Vương Triều của Ngài; người ta chế nhạo Đức Giê-su như là Vị Vua, và cuối cùng người ta đóng đinh Ngài với bản án INRI. Chữ INRI được con người dùng để diễu cợt, nhưng Chúa dùng để bày tỏ chính mình, và cách ngài làm vua, giống như lính Roma nhạo báng Chúa, trước khi đem đi đóng đinh.

Trên Thập Giá, Đức Giê-su không giảng dạy bằng lời, nhưng chữ INRI có thể được coi là một lời giảng của Ngài, vì dòng chữ này nói lên cách Đức Giêsu làm Vua Dân Do Thái và Vua loài người. Khi người ta đã từng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua theo kiểu Vua Chúa trần gian, thì Ngài không chịu; nhưng khi người ta muốn bắt và đóng đinh Ngài trên Thập Giá, và dùng danh hiệu « Vua Dân Do Thái » để nhạo báng, thì Ngài lại chịu. Tại sao vậy?

THU SAU TUAN THANH 2

Bởi vì, Đức Giêsu không muốn làm vua theo kiểu loài người, bắt người khác phải phục vụ và trao ban; Người muốn làm vua theo cách thức của Thiên Chúa, đó là phục vụ và trao ban chính mình cho muôn người.

 

  1. Chặng thứ ba: Chia y phục (c. 23-24)

Sau đó, họ chia nhau và bắt thăm y phục của Người. Theo các nhà chuyên môn, luật Roma cho phép làm điều này, nghĩa là chia nhau “của cải” người tử tội để lại. Nhóm trực tiếp thi hành hình phạt đóng đinh có bốn người:

  • “Áo xống”, nghĩa là áo bên ngoài: họ chia làm bốn phần (khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su đã bỏ áo bên ngoài ra).
  • Áo dài của Đức Giê-su, chính là áo bên trong: họ bắt thăm, vì là một tấm vải dệt, không có đường khâu.

Chúng ta không cần biết hết và biết chính xác mọi chi tiết liên quan đến các loại áo; nhưng chúng ta được mời gọi chiêm ngắm biến cố, hiểu ý nghĩa và để cho mình được đánh động. Chiếc áo tượng trưng cho nhân phẩm, như người cha nói với người con trở về: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu” (Lc 15, 22) : lúc rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu đã cởi áo ngoài, bây giờ thì cho luôn và cho tất cả, áo ngoài lẫn áo trong (x. Mt 4, 40). Như thế, Đức Giê-su thực sự chẳng còn gì, trao ban sự sống và trao luôn danh dự! Theo vẻ bề ngoài trên Thập Giá, Đức Giêsu mất hết phẩm giá, nhưng một cách nghịch lí và mầu nhiệm trong cùng một biến cố, phẩm giá thần linh của Người lại được “hiển dung”. Chúng ta hãy xin ơn được nhận ra và rung cảm trước phẩm giá thần tính rạng ngời của Đức Giê-su trên thập giá. Và theo lời kể của thánh sử Gioan, biến cố chia áo không hề là một chi tiết nhỏ, vì điều này làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh:

Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn.

(Tv 22, 19)

Theo lời nguyện của Thánh Vịnh 22, hành vi chia áo cũng là hành vi cuối cùng của cuộc rượt bắt và bách hại người vô tội; và tiếp theo, sẽ là hành động kết liễu (x. Tv 22, 20-22). Đó chính là cách Ngài “hoàn tất” nỗi thống khổ của Dân Chúa được kể lại trong Kinh Thánh và của cả loài người: “hoàn tất” là mang tất cả vào thân mình để đưa vào cung lòng của Thiên Chúa Cha, nguồn Tình Yêu và Sự Sống, với tư cách là Con yêu dấu duy nhất, là Ngôi Lời.

Chúng ta đừng quên nhìn, nghe và cảm với đôi mắt, đôi tai và con tim của Mẹ Maria, khi chứng kiến cảnh chia áo này, chiếc áo mà chính mẹ đã dệt với lòng tin, lòng mến và niềm hi vọng.

 

  1. Chặng thứ tư: Sự sống mới (c. 25-27)

Chúng ta hãy dừng lại bao lâu có thể, để nhìn ngắm Đức Giêsu đang hấp hối, đúng hơn là đang trao ban sự sống, đang thể hiện tình yêu đến cùng; chiêm ngắm cộng đoàn nhỏ bé dưới chân Thập Giá, đại diện cho Giáo Hội và nhân loại mới, đau khổ, nhưng được Đức Ki-tô chịu đóng đinh giang tay bao bọc, mang lấy, cưu mang và làm hồi sinh cho sự sống mới.

Trong cộng đoàn này, chúng ta chú ý đặc biệt đến Mẹ Maria, nhưng cũng đừng quên để ý tâm tình của người môn đệ “Đức Giê-su thương mến” và những bà khác, nhất là Maria Magdala, được chữa lành khỏi bảy quỉ. Mẹ có sầu bi, như người ta vẫn nói, hay như chúng ta hình dung không? Tư thế “đứng” nói cho chúng ta điều gì? Chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố “Truyền Tin”, để hiểu được tại sao Mẹ đứng vững, không còn “cực lòng” như xưa (Lc 2, 48). Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững dưới chân Thập Giá. Đấng Sáng Lập Dòng Đức Mẹ Đồi Can-vê, chân phước Pierre Bonhomme (1803-1861), nói : « Từ gốc cây Thập Giá, phát sinh những điều lớn lao ».

Không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, đến tận cùng, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh gấp trăm thật đồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và vào lúc Ngài đang chết đi:

  • Đức Giê-su trao ban sự sống, thay vì đang bị lấy đi sự sống.
  • Ngài cũng trao ban luôn Người Mẹ và Người Môn Đệ Ngài thương mến, vốn là hình ảnh của tất cả các môn đệ thuộc mọi thời.

Và như thế, một Gia Đình mới phát sinh. Thực vậy, Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Chúng ta hãy dừng lại để cảm nếm lời của Đức Giê-su nói với Mẹ của Người: “con của Bà”. Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái! Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi “Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến”. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ chiến thắng sự chết và hiện diện luôn mãi ở nơi anh chị em mới của Ngài.

Rồi Ngài nói với người môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Đó là quà tặng tuyệt vời mà Đức Giê-su đang chịu chết ban cho người môn đệ, đại diện cho Giáo Hội đang được cưu mang: các môn đệ có cùng một Mẹ với Thầy Giê-su, và vì thế, trở thành anh em của nhau. Sau này, Đấng Phục Sinh sẽ nói: “Thiên Chúa của thầy của là Thiên Chúa của anh em; Cha của thầy, cũng là Cha của anh em” (Ga 20, 17). Đó chính là hành trình của hạt lúa mì, là kinh nghiệm « đảo ngược » (renversement) : cho đi → nhận lại, nhỏ bé → lớn lao, ngỏ cụt → đường đi, tan biến → sinh sôi, sự chết → sự sống… Như thế mầu nhiệm Thập Giá giúp chúng ta hiểu nhiều lời nghịch lí của Đức Giêsu. Xin cho chúng ta có được « kinh nghiệm đảo ngược » vớiniềm vui (x. Thông điệp Evangelii Gaudium của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô và Tông Thư về Năm Đời Sống Thánh Hiến), khi đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta, ở giữa bối cảnh xã hội và thế giới hôm nay.

Từ hi sinh Thập Giá, giữa cơn thử thách, ngay trong sự chết, một nhân loại mới phát sinh: những gì của con là của Mẹ; những gì của Thầy là của anh. Cái chết của Đức Giêsu đã làm phát sinh sự sống: Mẹ trở thành Mẹ của Người Môn Đệ Đức Giê-su yêu mến, đại diện cho tất cả các môn đệ thuộc mọi thời; khi dâng hiến người con duy nhất, Mẹ không mất đi, nhưng nhận lại Ngài nơi các môn đệ, nơi cả một đàn con đông đúc. Bởi vì, Đức Giê-su sẽ đi vào sự sống mới và hiện diện bên cạnh, ở giữa và bên trong các môn đệ nam nữ của Ngài ở mọi thời.

Và theo lời kể của Thánh Sử Gioan: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”. Như người môn đệ “được Đức Giê-su thương mến”, chúng ta được mời gọi đón nhận quà tặng tuyệt vời, mà Đức Ki-tô chịu đóng đinh ban tặng cho chúng ta, để thể hiện tình yêu đến cùng của Người. Chúng hãy rước Mẹ về “Nhà” chúng ta, vào nội tâm, cuộc đời và đời sống chung của chúng ta. Và chúng được mời gọi yêu mến Mẹ, bởi vì, chúng ta không thể yêu Con mà không yêu Mẹ, và không thể yêu Mẹ mà không yêu Con.

 

  1. Chặng thứ năm: Mọi sự đã hoàn tất (c. 28-30)

Chúng ta hãy xin được cảm nhận sự bình an thiêng liêng của Đức Giê-su ngay trong đau khổ tột cùng về thể xác và tinh thần; Ngài đảm nhận cách tự do tất cả những gì tồi tệ nhất mà con người dành cho Ngài. Điều này được diễn tả cách đặc biệt từ chặng thứ tư.

Vì thế, theo lời kể của Thánh Sử Gioan, câu nói cuối cùng của Ngài là: “Đã hoàn tất”, chứ không phải là những thử thách, thử luyện, kiểm chứng hay là những hình phạt bởi tội, hoặc những điều không đáng có đã xong rồi, hết rồi, qua rồi. “Mọi sự đã hoàn tất”, lời này nhắc nhớ ngày thứ bảy sáng tạo, ngày đó « Thiên Chúa hoàn thành mọi công trình » (St 2, 1-4a). Câu nói cuối cùng này của Đức Giê-su trên thập giá diễn tả sứ mạng của Ngài, với tư cách là Con Thiên Chúa, đã hoàn tất mĩ mãn. Chúng ta hãy cảm nhận niềm vui sâu xa của Đức Giê-su, như Đức Mẹ chắc chắn đã nghe được và cảm được ; tương tự như khi chúng ta hoàn thành một việc lớn khó khăn mà mình gắn bó và tha thiết.

Như thế, mọi đau khổ Ngài đã chịu đều mang ý nghĩa, và là hành trình, là đường đi để “hoàn tất mọi sự”. Thương khó và Thập Giá là hành động và là tội của những con người cụ thể, và đàng sau họ là chính Satan, như ông Giuse nói với các anh: “sự ác các anh làm cho tôi”, nhưng Thiên Chúa lại dùng như là con đường, là cách thức để “hoàn tất mọi sự”. Nhưng mọi sự được Người hoàn tất là những gì?

Thánh sử Gioan nói: “Đức Giêsu biết rằng mọi sự đã hoàn tất”. Ngài đã sống cuộc Thương Khó với tất cả tự do, ý thức và sự chủ động; vì thế mà “chính Ngài đã vác lấy Thập Giá đi ra”. Ngài ý thức rất rõ mình đang hoàn tất “mọi sự” mà việc trung tín với kế hoạch của Thiên Chúa đòi hỏi. Mọi sự là những gì?

  • Đó là điều Ngài vừa làm, thiết lập Gia Đình mới, trên nền tảng tương quan mới giữa Đức Maria và người môn đệ Ngài thương mến.
  • Đó là cuộc Thương Khó, và toàn bộ hành trình làm người của Người, hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua.
  • Đó là toàn bộ Kinh Thánh, kể lại lịch sử cứu độ, vốn là hình ảnh của lịch sử loài người và từng người, trong đó diễn ra những thăng trầm thuộc thân phận, số phận con người, trong dó có tội và sự dữ.

Điều này giúp chúng ta cảm nhận được tâm tình sâu xa của Đức Giê-su, khi Ngài nói : « Ta khát » ; Ngài khát mong cho lời Kinh Thánh được hoàn tất (x. Ga 19, 28 ; Tv 69, 22) và Ngài cũng khát mong cho toàn bộ Kinh Thánh được hoàn tất, cho sáng tạo và lịch sử của loài người và của từng người chúng ta được hoàn tất. Vì thế, câu nói của Đức Giê-su : “Tôi khát” (Tv 69, 22 và Tv 22, 16), mang nặng ý nghĩa : khát Thiên Chúa (x. Tv 42 và 63 : « tâm hồn con khát Ngài, Lạy Chúa »), cơn khát bày tỏ ngôi vị của mình, như cơn khát xưa kia của Người bên bờ giếng Giacóp ở Samari (ở đó, không chỉ là cơn khát thể lí), khát mong cho tất cả Kinh Thánh được hoàn tất, khát mong cho công trình của Thiên Chúa được thực hiện, nghĩa là mọi người tin vào Đấng Cha sai đến, cho Thần Khí lan tràn trong lòng và trong nhóm những người tin Chúa… Hiểu như thế, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, không phải quân lính chế diễu bằng cách cho Người uống dấm chua, nhưng làm theo lời người, khi nghe Người thốt lên trên Thập Giá « Ta khát », và không phải Người trút hơi thở cuối cùng, những là trao banThần Khí. Thật vậy,

Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Gục đầu, rồi trao Thần Khí ! Thay vì, bình thường, người ta trút hơi thở cuối cùng, rồi mới gục đầu. Khi tường thuật cái chết của Đức Giê-su như thế, thánh sử Gioan muốn cho chúng ta nghiệm ra rằng, Đức Giê-su chủ động trao ban sự sống, thần khí. Như thế, ơn huệ Thánh Thần chính là hoa trái đầu tiên của hành trình Ngài trở về cùng Cha ; và người nhận được đầu tiên là Đức Maria và « Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến », Hai Đấng hiện diện dưới chân Thập Giá làm nên hình ảnh diễn tả chính Giáo Hội.

Xin cho lời của Đức Giêsu « mọi sự đã hoàn tất », được ứng nghiệm nơi cuộc đời mỗi người chúng ta, nơi ơn gọi Chúa ban cho chúng ta, trong cộng đoàn và trong Hội Dòng của chúng ta.

 

  1. Chặng thứ sáu: Máu cùng nước chảy ra (Ga 19, 31-34)

Sau đó, theo lời kể của Thánh Sử Gioan: “Khi quân lính đến gần Đức Giêsu, và thấy Ngài đã chết, họ…”. Tuy là câu phụ, nhưng xác thực một biến cố quan trọng: Chúa đã chết, chết thực sự và được xác nhận. Thánh Mác-cô đặc biệt nhấn mạnh sự kiện này (x. Mc 15, 42-47). Biến cố mai táng được kể lại, chính là để củng cố thêm biến cố này.

Nhưng tại sao lại phải xác nhận và củng cố sự kiện Đức Giê-su đã chết? Cái chết của Đức Giêsu làm cho thành sự tất cả những gì Ngài đã nói và đã làm: đừng chống lại kẻ dữ, chiên vào giữa bầy sói, hãy yêu thương kẻ thù, không có tình yêu nào lớn hơn, Ngài đã liên đới với những người đau khổ, Ngài đã muốn trao ban chính bản thân Ngài làm lương thực cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể, Ngài đã rửa chân cho các môn đệ…

Rộng lớn hơn nữa, cái chết của Đức Giêsu còn làm cho thành sự toàn bộ Kinh Thánh, nghĩa là lịch sử cứu độ: Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa không bủn xỉn, không tính toán hay muốn sòng phẳng, nhưng muốn cho đi tất cả, và cho đi chính bản thân mình một cách hoàn toàn nhưng không. Nhưng như hạt lúa mì, Đức Giêsu chết, nhưng không phải là hết, bởi vì Thiên Chúa mạnh hơn sự chết, nếu không Thiên Chúa không còn Thiên Chúa nữa. Và nếu Chúa không chết, thì làm sao chiến thắng sự chết? Trong kế hoạch của Thiên Chúa, cái chết là con đường dẫn đến sự sống mới, và đem lại sự sống mới cho muôn người.

Quân lính đập gãy chân để cho chết, nếu người bị hành hình chưa tắt thở. Nhưng Đức Giêsu đã tắt thở rồi, nghĩa là Ngài đã trao ban “thần khí”, chứ không phải bị lấy đi. Và lưỡi đòng đâm vào lồng ngực là cho chắc chắn, chứ không để giết chết, nhưng lại là hình ảnh mang đầy ý nghĩa:

  • Máu tượng trưng cho sự chết, và cũng chứng thực mầu nhiệm nhập thể: Con Thiên Chúa thực sự làm người và đã chết.
  • Nước tượng trưng cho Thần Khí (nước rửa tội). Để trao ban Thần Khí, Đức Giêsu phải đổ máu. Và thần khí sẽ làm phát sinh hoa trái Cây Thập Giá và dẫn chúng ta vào trong tất cả sự thật của Đức Ki-tô (x. 1Ga 5, 6-8). Và như Đức Giê-su đã nói với người phụ nữ Samari rằng, Thiên Chúa tìm kiếm những người thờ phượng Người trong thần khí và sự thật (x. Ga 4)

Chúng ta hãy chiêm ngắm cảnh tượng này, nhất là mỗi khi chúng ta nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa, để cảm nghiệm được điều mà thánh Gioan đã nói trong bữa tiệc li: “Đức Giêsu yêu những người thuộc về Ngài đến cùng.”

 

  1. Chặng thứ bảy: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 35-42)
  2. Hình ảnh của Tội và Sự Dữ

Khi nhìn lên Thập Giá, chúng ta thường bị cuốn hút vào một mình Chúa với sự đau đớn thể xác. Nhưng thánh Gioan muốn nhấn mạnh hình ảnh của “Đấng, họ đã đâm thâu”, muốn chúng ta nhìn thân thể nát tan và bị đẩm thủng của Đức Giê-su do hành động của “họ”, nhìn ra hình dạng thật sự của Tội và Sự Dữ hiện hình nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

Đức Giê-su để cho mình bị treo trên thập giá, được đặt trên đồi cao, thân thể nát tan, chính là để chúng ta nhìn thấy những điều thật hữu hình, thật cụ thể, đập vào mắt loài người chúng ta. Chúa muốn chúng ta nhìn thấy những gì loài người chúng ta đã làm cho Chúa, và vẫn còn đang làm cho Chúa qua thân thể của Ngài là những còn người bé nhỏ, bất hạnh, bị bỏ rơi, chịu thiệt thòi vì hoàn cảnh, chịu thiệt thòi ngay khi sinh ra (mù, điếc, khiếm khuyết, tâm thần), người nghèo, người vô tội…

Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô. Thánh Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chúng ta được mời gọi nhìn lên:

  • thân thể nát tan vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của sự phản bội, của sự bất trung, và của vụ án gian dối;
  • đầu đội mạo gai, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị;
  • chân tay bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ, cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính;
  • và vết thương sau cùng: lưỡi đòng đâm thấu con tim: bạo lực của con người đã đi tới tận cùng, và tất yếu là như vậy. Sự dữ luôn muốn đi tới tận cùng.

 

  1. Công lí của con người

Ngoài ra, chúng ta còn được mời gọi nhìn lên cây giá gỗ, trên đó Đức Giêsu chịu đóng đinh, là một dụng cụ thi hành công lí của Lề Luật. Thập giá là hình phạt tiêu biểu mà Lề Luật dành cho người phạm trọng tội. Vì thế, thập giá là biểu tượng cho công lí của con người. Thế mà, người chịu đóng đinh là chính Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vô tội, Đấng công chính hoàn hảo; vì thế, sự công chính của con người chỉ là giả tạo, gian dối và chỉ có vẻ bề ngoài.

Thu sau Tuan thanh

Thập Giá mời gọi chúng ta không kết tội Chúa cho dù Sự Dữ ngang qua những con người cụ thể kết tội Chúa, vì Chúa vô tội, và cũng không kết tội loài người và chính mình, khi hiểu Chúa phải « chịu tội » thay cho chúng ta. Và chúng ta cũng không kết tội bản thân mình và những người khác, và không « kết tội », nghĩa là kêu trách, cả Chúa nữa, khi chính chúng ta, người khác, nhất là những người thân yêu gặp thử thách và tai họa. Bởi vì

  • Kết tội tự nó là điều dữ. Khi kết tội Đức Ki-tô, Sự Dữ bị lộ nguyên hình, trong mức độ nó tự cho thấy kết tội là điều dữ ; tội ở nơi người kết tội, chứ không phải nơi người bị kết tội.
  • Và cho dù mình và người khác đáng bị kết tội, thì nơi cuộc Thương Khó, Chúa đã mang hết tội lỗi của loài người chúng ta vào mình rồi với lòng bao dung, và Người ban sự công chính của Người cho chúng ta, để chúng ta đừng kết tội mình và kết tội nhau : « Trong Đức Ki-tô, không còn lên án nữa » (Rm 8, 1)

 

  1. Ơn tha thứ và ơn chữa lành

Chúa muốn cho chúng ta nhìn thấy nơi Thập Giá, hình thù rất thật và rất cụ thể của SỰ DỮ và TỘI LỖI. Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Ơn tha thứ. Thánh Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta còn được mời gọi nghiệm được tình yêu nhưng không và thương xót của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế trên Thập Giá.

Ơn chữa lành bởi cây Thập Giá. Thập Gía mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra tội. Đó là trường hợp của Giuse với các anh của mình trong sách Sáng Thế: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 19-20)

Ơn chữa lành khỏi vẻ bề ngoài. Sâu rộng hơn, nơi Thập Gía, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta một cách chính xác khỏi sự công chính, đến từ chính chúng ta, dựa vào việc giữ Luật; bởi vì sự công chính này, xét cho cùng chỉ có vẻ bề ngoài, không đụng chạm và không thể đụng chạm đến chốn sâu thẳm và thầm kín của đời người và của nội tâm. Và Ngài muốn trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác tín: “

Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.

(Gal 2, 16)

Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.

(c. 20-21)

Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Trên tất cả, nơi thập giá của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn ra khuôn mặt đích thật của chính Thiên Chúa. Thật vậy, Thập Giá muốn nói với chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết. Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng, để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phận con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống; như thánh Phaolô xác tín: “Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá”.

 

* * *

Ở biến cố tận cùng này, lại một lần nữa, sự ứng nghiệm của Lời Kinh Thánh được đặc biệt nhấn mạnh:

  • Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập”, trích Tv 34, 21 và Xh 12, 46 (về chiên Vượt Qua).
  • Lại có lời Kinh Thánh khác: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”; thánh sử Gioan đã trích sách Dacaria 12, 10.

Một vài câu Kinh Thánh được trích dẫn, để mời gọi chúng ta nhận ra rằng, toàn bộ Kinh Thánh, nghĩa là lịch sử cứu độ, qua đó lịch sử cuộc đời của chúng ta được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, như Đức Ki-tô Phục Sinh tuyên bố với các môn đệ:

Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng
tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy
đều phải được ứng nghiệm.

(Lc 24, 44)

 

  1. Mai táng

Đi theo Đức Giê-su, có những môn đệ công khai và cũng có những môn đệ “ẩn danh”, đó là ông Gio-xếp và ông Ni-cô-đê-mô. Hai ông được Thánh Sử Gioan nêu danh ở đây, để nói với chúng ta rằng sự sống mới được lộ diện và trổ sinh, ngay từ cái chết của Chúa.

Đức Giê-su được mai táng, theo đúng tục lệ. Như thế, Ngài đã sống thân phận con người đến cùng, đến độ đi vào cõi chết như bất cứ ai trên cuộc đời này. Chúng ta có thể nhớ lại hình ảnh của La-da-rô đã chết và được Đức Giê-su cho hồi sinh; điểm khác biệt là, Ngài đi vào sự sống mới, chứ không phải trở lại sự sống này để chết một lần nữa như ông La-da-rô.

Đức Giê-su đã đi đến cùng trong thân phận con người: Người không chỉ chết, nhưng còn được mai táng, nghĩa là đi vào trong thế giới của những người chết. Đó chính là để đáp lại niềm hi vọng của chúng ta, niềm hi vọng được ghi khắc vào bản tính con người, đó là sự sống của con người quá kì diệu, và cái chết không thể mạnh hơn và kết liễu sự sống. Nếu không thân phận con người thật bi đát: có niềm hi vọng, nhưng chẳng giờ được lấp đầy.

Hình ảnh ngôi mộ mới diễn tả niềm hi vọng của con người và lời đáp của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô: Người dẫn dầu những người chết hôm qua, hôm nay và ngày mai, để dẫn đầu những người được tái tạo dựng từ cõi chết, như “Trưởng Tử của một đàm em đông đúc”. Amen.

 

Tuần Thánh 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc