Nhập nguyện
Xin Chúa Thánh Thần dạy con biết chiêm ngắm Thánh Thể để nên một với Chúa Ki-tô và nhập thân với Người, để con tháp nhập vào thân mình Đức Ki-tô và Chúa Thánh Thần có thể hình thành bản vị Đức Ki-tô nơi con.
Suy chiêm
- Suy chiêm theo tác động Mc 14,17-31 để xin được ơn trên.
- Khi bẻ bánh và nâng ly, Chúa Giê-su hiến mình cho muôn người JL 40.
So sánh thái độ của Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly và trong cơn hấp hối. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa ban chén ruợu cho bạn bè uống. Trong cơn hấp hối, Chúa uống chén đắng và xin Cha “Cho Con khỏi uống chén đắng này” (Mc 14,36). Trong cầu nguyện, bạn đọc biến cố đó qua con tim của Chúa Giê-su.
Đành rằng Ngài có một hiểu biết siêu nhiên về sứ mệnh của Ngài, nhưng Đức Giê-su ý thức cái chết gần kề. Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, dân chúng từ khước Ngài và nhà cầm quyền tìm bắt Ngài. Một người trong nhóm Mười Hai phản bội Ngài, và người đã tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất lại là kẻ sẽ chối bỏ Ngài. Trong bối cảnh đó, Chúa Giê-su ngồi vào bàn, ăn bữa tiệc cuối cùng với những người thân.
Mc 14,22-25: Chúa Giê-su báo trước Ngài sẽ phó mình chịu chết cho những kẻ thuộc về Ngài: đó là ý nghĩa tấm bánh bẻ ra và chén ruợu trao cho các môn đệ. Các ngôn sứ cũng đã từng làm những cử chỉ như thế (Giê-rê-mi-a đập vỡ bình sành, Hô-sê lấy một người vợ ngoại tình) Chúa Giê-su nhấn mạnh ý nghĩa việc Ngài làm: Thân mình Ngài không còn một giọt máu. Chúa Giê-su xác minh việc Ngài làm, và các môn đệ hiểu ý Ngài. Khi nói đến Máu Giao Ước, Ngài nhắc đến nghi lễ đã thành lập dân Chúa và liên kết dân này với Thiên Chúa (Xh 24,8). Cuộc hiến tế Chúa Giêsu thể hiện chính là Giao Ước mới trong máu Ngài đổ ra cho mọi người (Is 53,12). (Mc 10,45 nhắc đến Người Tôi Tớ đau khổ hiến dâng cuộc sống đền tội cho dân). Chúa Giê-su có ý nói rằng Ngài hiến tế là để đền tội và thể hiện Giao Ước mới. Hiến tế trên Núi Sọ bao gồm cả hai thực tại ấy. Ngài đền tội và thiết lập một dân mới sẽ sống mãi trong tình thân với Thiên Chúa, trong mầu nhiệm hôn lễ vĩnh cửu.
Khi bạn rước lễ, tội của bạn được đền bù rồi, bạn có thể sống trong ân tình Cha. Thánh Thể là tột đỉnh của sự kết hợp với Chúa, diễn tả cuộc tình duyên giữa Chúa và dân Ngài. Tuy vậy, sự kết hợp đó mới còn là dấu chỉ mà thôi, sự thật còn kỳ diệu gấp bội; Thánh Thể hướng ta về ngày Quang Lâm, ngày ta được kết hợp với Chúa hoàn toàn và dứt khoát. Hãy dành thì giờ chiêm ngưỡng ý định sâu thẳm của Chúa Giê-su qua Bữa Tiệc Ly. Bẻ bánh và nâng chén rượu là dấu chỉ của một thực tại huyền nhiệm chỉ có thể lãnh hội được ở cấp độ con tim Chúa Ki-tô: đây là mầu nhiệm của tình yêu. Thánh Thể là phản ứng của Chúa Giê-su trước cái chết gần kề. Ngài đã làm hết sức để tránh một cuộc sát sinh, để dân Ít-ra-en khỏi bị kết án vì tội giết Con Thiên Chúa (đọc lại dụ ngôn những tá điền giết người: Lc 20,9-19). Chúa Giê-su không đón biến cố từ bên ngoài, nhưng Ngài biến nó thành hành vi của Tình Yêu.
– Khi cầu nguyện, hãy đọc biến cố qua con tim của Chúa Giê-su.
- So sánh tâm trạng của Chúa Giê-su lúc bẻ bánh và lúc hấp hối tại vườn dầu (1).
- Đức Giê-su bẻ bánh và nâng ly trong bối cảnh nào? (2).
- Qua việc bẻ bánh và nâng ly, Đức Giê-su đã giải thích ý nghĩa của thập giá như thế nào? (3)
- Phải sống Thánh Thể như thế nào? (4).
- Phải chiêm ngắm Thánh Thể như thế nào để nhập thân với Chúa Ki-tô JL 41.
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su mời bạn ăn Mình và uống Máu Người: “Mời anh em cầm lấy, mà chia nhau”. Người mời bạn hiến dâng cuộc sống cho Cha, cùng với Người và trong Người. Đó là ý nghĩa lời Đức Giê-su: “Ai muốn theo Ta, hãy vác Thập Giá mà theo Ta”. Đó cũng là ý nghĩa câu Chúa Giê-su nói với con ông Dê-bê-đê: “Các anh có uống được chén Thầy uống không?”. Nếu bạn nhận nâng ly với Người bạn cũng phải hiến thân tới cùng như Chúa Giê-su “Chúa Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Sau khi chiêm niệm bữa Tiệc Ly, hãy duyệt lại Thánh Lễ hằng ngày của bạn: bạn không thể lãnh nhận bánh và rượu mà không tham gia hết mình vào hy lễ của Đức Giê-su, Ngài ban cho bạn Lời và Thân Mình Ngài.
Hy lễ Giao Ước mới là Đức Giê-su Ki-tô, và bữa tiệc Thánh Thể là một thân xác bị phó nộp và một dòng máu đã đổ ra. Khi tham dự bí tích Thánh Thể, bạn cũng dấn thân với Đức Giê-su hiến dâng mạng sống mình cho Cha, yêu thương đến cùng, nếu không bạn chỉ lập lại những cử chỉ nhưng chưa sống ý nghĩa sâu xa.
Khi Chúa Giê-su trao cho bạn Thân xác hiển vinh của Ngài, Ngài tặng bạn tình yêu mãnh liệt và sự sống của Ngài, cho bạn tham gia cuộc đối thoại giữa Cha và Ngài. Chúa Giê-su nói rõ: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).
Khi Đức Giê-su đến gặp gỡ và trao cho bạn Thân Mình Ngài, Ngài tạo một chuyển động nơi bạn: Ngài tiếp tục mầu nhiệm Nhập Thể cứu rỗi bạn, Ngài lôi kéo nhân loại là Thân Mình Ngài về với Cha. Trong bí tích Thánh Thể, toàn thân được hiệp nhất trong Đức Giê-su và trở thành của lễ hiên dâng lên Cha. Trong cầu nguyện, xin Thánh Thần giúp bạn tham gia vào hiến tế của Đức Giê-su hiến dâng đời mình cho Cha “để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa”.
Chúa Giê-su dạy bạn phó nộp đời mình cho Cha, không những trong Thánh Lễ mà thôi, mà còn trong mọi chi tiết cuộc sống. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến tuyệt vời của Tình Yêu Chúa Giê-su hoán cải con tim chúng ta, biến đổi cuộc sống chúng ta thành một cử chỉ yêu thương Cha và anh chị em (Xem Phụ chương III).
Nhờ Thánh Thể, cuộc đời bạn trở nên một của lễ thiêng liêng: “Tôi khuyên nhủ anh em, hãy dâng hiến thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Cuộc sống của bạn có giá trị trường cửu khi được dâng lên cho Cha, cùng với Đức Giê-su. Mọi công việc của bạn dù bé nhỏ đến đâu, nhưng nếu diễn tả mối tình yêu mến Cha và anh chị em, đều là một lời tạ ơn, thờ phượng và chuyển cầu. Nhưng đời bạn chỉ có giá trị trường cửu khi cuộc sống bạn trở thành lời cầu nguyện chân thực và khi bạn hiến thân trọn vẹn cho tha nhân.
Như thế thì cả cuộc sống trở thành lời cầu nguyện. Đức Giê-su cầu nguyện khi hiến dâng cuộc sống trong hy lễ Thập Giá, Đức Giê-su cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, vì Ngài luôn chu toàn ý Cha, Ngài để lộ trước mắt mọi người cuộc đối thoại liên lỉ và thầm kín với Cha Ngài. Chúa Cha đã tôn vinh Con Ngài thì cũng ban cho bạn được tham gia mầu nhiệm Ba Ngôi. Trong bí tích Tạ Ơn, bạn hiến dâng đời bạn một cách tổng quát; trong cuộc sống hằng ngày, bạn hiến dâng một cách cụ thể, khi chu toàn ý Cha. Hãy chân thành khi hiến dâng cuộc đời, đừng cắt xén bớt của lễ hiến dâng.
- Ngài xin các môn đệ ăn Mình và uống Máu của Ngài, Ngài muốn bảo các môn đệ và bản thân tôi điều gì? (1).
- Phải chiêm ngắm Thánh Thể thế nào?
– Tham dự thánh lễ hằng ngày thế nào? (2).
– Tại sao tham dự thánh lễ thì phải dấn thân hết mình (3).
– Bạn phải vào cuộc đối thoại giữa Cha và Chúa Giê-su như thế nào? (4).
– Tham gia vào hiến tế như thế nào? (5).
– Thánh Thể biến đổi bạn thế nào?
– Làm sao để tiếp được sự biến đổi như vậy? (6-8).
Kết nguyện