Chân dung một giám mục Hoa Kỳ: Đức Tổng Giám Mục Chicago Blase Joseph Cupich

 

Là người con thứ ba trong chín người con cuả ông Blase và bà Mary Cupich, Blase Joseph Cupich sinh ra tại Omaha, Nebraska, vào ngày 19 tháng 3 năm 1949, đúng vào lễ Thánh Cả Giuse, vì thế mà có tên lót là Joseph. Không rõ vì lý do gì mà ngài được vinh dự đặt tên trùng với bố và ông nội, một vinh dự thường dành cho đứa con cả.

Chân dung một giám mục Hoa Kỳ: Đức Tổng Giám Mục Chicago Blase Joseph Cupich

 

Con đường đi tu bấp bênh.

Người Công Giáo Việt Nam chắc hẳn không ai ngạc nhiên khi thấy có những anh chàng nghịch ngợm mà bổng nhiên một ngày đẹp trời nào đó, trở về trong bộ áo linh mục ‘hiền khô!’. 

Dĩ nhiên điều trái ngược cũng đã xảy ra, có những ‘chú đệ tử’ ‘hiền lành lễ phép dễ thương’, mà ai cũng chắc mẩm sẽ trở thành một vị ‘chân tu,’ thế mà cuối cùng thì ‘con đàn cháu đống’, ‘lên làm cha’ trước cả đồng bạn!

Đúng là ý Chuá! Có Trời mới hiểu nổi…

‘Ý Chuá’ là hai tiếng có thể áp dụng cho vị tân Tổng Giám Mục Chicago Blase Joseph Cupich (phát âm Blá-gì SU-pítch theo ngôn ngữ Croatia). Trong suốt thời niên thiếu, ngài đã không bao giờ tin là mình có ‘số đi tu’, thậm chí khi đã ‘ vào chủng viện’ rồi, ngài vẫn hẹn hò với phái nữ để ‘lỡ mà’ có ‘ơn gọi gia đình’ chăng?

Lớn lên ở Nebraska trong một gia đình gốc Croatia và rất sùng đạo, chín anh chị em của ngài (ngài là người con thứ ba) thường được người cha, ông Blase Cupich, giảng dậy phải tìm hiểu ơn gọi đi tu. Nhưng lúc đó thì ngài thường nghĩ rằng người có ít khả năng nhất trong đám chính là mình, và do đó ngài chỉ mơ mộng sẽ làm luật sư và lo đi tìm bạn gái.

Khi người anh trai của ngài gia nhập chủng viện thì ngài cảm thấy cái gánh nặng ‘phải có một đưá đi tu’ cuả gia đình bỗng rớt nhẹ ra khỏi đôi vai mình.

“Tôi nghĩ có lẽ tôi đã thoát, không lo bị mắc câu nữa” ngài nói đùa trong một cuộc phỏng vấn với tờ Chicago Tribune. Ngài cười toe toét và ví von thêm rằng “Cũng giống như những phiếu giảm giá cuả các chợ vậy, mỗi gia đình chỉ được xài một lần mà thôi. “

Trớ trêu thay, khi người anh trai, và rồi cả đứa em trai nữa, đã ‘tu xuất’, thì Blase Cupich lại phải ‘vác chiếu’ lên đường đi ‘nhập chủng viện’!

Nhưng cả khi đang học triết học và thần học, ngài vẫn còn giữ hẹn với các cô gái để phòng bị cho cuộc sống lứa đôi.

Khi bề Trên cuả ngài muốn gửi ngài qua Roma để kết thúc khóa đào tạo linh mục, lúc đó ngài mới thú rằng mình chưa chắc chắn.

“Tôi nói với Đức Tổng, ‘Tôi chưa sẵn sàng ký giấy cam kết'” ngài kể lại.

“Ừa, Cha cũng chưa sẵn sàng phong chức cho con đâu.” Đức Tổng Giám Mục địa phận Omaha trả lời. “Nhưng Cha vẫn nghĩ rằng con có một ơn gọi nào đó để phục vụ cho Giáo Hội và từ từ thì con sẽ nhận ra nó. “

Những kỳ vọng

Và với ‘lời tiên tri’ cuả đức tổng giám mục Daniel E. Sheehan như thế, hôm thứ Ba này, ngày 18 tháng 11 năm 2014, tân TGM Cupich, 65 tuổi, sẽ thay thế Đức Hồng Y Francis George để trở thành nhà lãnh đạo của tổng giáo phận lớn thứ ba của Mỹ. 

Đây cũng là bổ nhiệm quan trọng đầu tiên ở Mỹ cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tuy chưa bao giờ gặp mặt Đức Giáo Hoàng, nhưng mọi người đều nhận thấy vị tân tổng giám mục có nhiều đặc tính phù hợp với vị giáo hoàng đương nhiệm.

Ngài là hiện thân cuả loại giáo sĩ nhấn mạnh đến công bằng xã hội, cởi mở trước những thay đổi và thích thú san sẻ đời sống với đàn chiên của mình. 

Nhiều người kỳ vọng ngài có thể sẽ là người chỉ đạo cho hàng giáo phẩm Hoa kỳ đi vào một một hướng đi mới – thay vì câu nệ vào giáo điều thì sẽ hướng tới một con đường nhắm vào mục vụ nhiều hơn?

Trong các cuộc phóng vấn trước khi ngài rời giáo phận Spokane để đi nhận chức vụ mới, ĐTGM Cupich đã thảo luận về nền tảng giáo dục mà ngài được thụ hưởng, sẽ tận dụng lợi thế của chức vụ mới như thế nào và ngài nghĩ gì về các vấn đề xã hội đang thử thách Giáo Hội.

Nền tảng gia đình

Là người con thứ ba trong chín người con cuả ông Blase và bà Mary Cupich, Blase Joseph Cupich sinh ra tại Omaha, Nebraska, vào ngày 19 tháng 3 năm 1949, đúng vào lễ Thánh Cả Giuse, vì thế mà có tên lót là Joseph. Không rõ vì lý do gì mà ngài được vinh dự đặt tên trùng với bố và ông nội, một vinh dự thường dành cho đứa con cả.

Blase Joseph (B.J.) Cupich lớn lên trong không khí giáo xứ mà các cơ sở được chính ông nội và cha của mình góp công gây quĩ bằng cách đi lạc quyên từng căn nhà một.

Cha của ngài, một nhân viên bưu điện Mỹ, làm việc đi phát thư buổi sáng nhưng buổi chiều thì ghé vào giáo xứ để quét dọn trường học, làm những công việc như lau bảng, lau sàn nhà và rửa cầu tiêu.

B.J. và các anh em cũng thường ở lại sau giờ học để giúp bố. 

Ngài hồi tưởng lại, “Chúng tôi cùng trở về nhà và tất cả ăn cơm tối với nhau. Chúng tôi cố gắng ăn cơm tối chung nhiều lần, có thể đến ba lần một tuần. Rồi ‘Bố’ lại đi ra ngoài nhận thêm một công việc khác, như pha rượu cho các buổi dạ hội party… . Sau đó, Bố mới trở về, khoảng 10, 11 giờ khuya, rồi đi ngủ, rồi lại dậy sớm lúc 5 giờ sáng và đi làm”. 

Vị tân TGM ca ngợi cha mẹ của ngài là “Họ tìm được đủ thức ăn lên bàn, quần áo che lưng và gửi mọi đứa con đi học trường Công Giáo. Tất cả là chín người chúng tôi”.

Bố mẹ ngài cũng thúc đẩy ba người con trai lớn (gồm có Ngài), ngay từ cấp trung học, phải đi làm, để tự mua quần áo cho mình và trả học phí cuả trường trung học Archbishop Ryan High School, vì lý do “còn có tới sáu miệng khác phải nuôi.”

Giáo xứ là nền tảng của gia đình Cupich. “Là một gia đình thứ hai,” ĐTGM Cupich nói.

Mổi tuần, các gia đình trong giáo xứ chia nhau viếng Thánh Thể một giờ. Trẻ em đều được dạy những điệu vũ dân tộc (của người Croatia) và trình diễn với những bộ y phục cổ truyền lộng lẫy.

“Riêng gia đình tôi, bố tôi nói điều này với tất cả chúng tôi: ‘Bất cứ khi nào các con nghĩ về cuộc sống tương lai, về những chức vụ khi ra đời, thì hãy nhớ chớ có bỏ chức vụ linh mục hay tu sĩ ra ngoài,’ ” TGM Cupich nói. “Mọi đưá phải suy nghĩ về việc đó.”

Tuy bố nói thế nhưng khi lên trung học trong khoảng thời gian 1960, B.J. Cupich chỉ nghĩ đến nghề làm luật sư. 

Nhờ có tài ăn nói một cách tự nhiên, và điểm học xuất sắc cộng với sở trường nói giễu hay, B.J. đắc cử làm chủ tịch hội học sinh, đánh bại rất xa đối thủ của mình là một ngôi sao thể thao. Và do đó trở thành ‘vị hoàng tử’ của các buổi đấu thể thao trên sân nhà (home coming) cũng như các buổi liên hoan trong trường (prom), B.J. dĩ nhiên bắt bồ rất thành công.

Những lận đận và thành công trong Ơn Gọi

Tuy nhiên, linh mục chánh xứ của giáo xứ thánh Phêrô và Phaolô, là Đức Ông John Juricek, vẫn khuyến khích Cupich hãy thử đi tu xem sao.

Đó là thời điểm B.J đến tuổi vị thành niên, anh cảm thấy bị quyến rũ bởi vị giáo hoàng nổi tiếng Gioan XXIII, của những cải cách của Công Đồng Vatican II và cuả lễ nhậm chức của John F. Kennedy, vị tổng thống Công Giáo đầu tiên của Mỹ.

“Có một niềm tự hào làm người Công Giáo,” B.J. Cupich hồi tưởng lại những năm đó. “Đó là một thời gian rất thú vị. Người Mỹ giống như đang bơi trong một giòng sông Công Giáo.”

Cupich ghi danh học tại Chủng viện Thánh Gioan Vianney lúc 18 tuổi và tiếp tục lên học trường Đại học St. Thomas ở St. Paul, Minn, để lấy văn bằng cử nhân Triết.

Sau đó B.J. miễn cưỡng chấp nhận lời đề nghị đi Roma để kết thúc các năm thần học ở Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỷ (Pontifical North American College). Nhưng đang khi ở Roma thì B.J. nhận được một in buồn…

Một bà cô gửi gấp cho B.J. một tin nhắn là bố anh đã ngã bệnh.

Các bác sĩ chẩn đoán bố anh bị bệnh Parkinson (Suy não).

Do đó ông bố phải nghỉ việc, nhưng dù không còn có tài chánh dư thừa nữa, ông cũng không hết quan tâm cho những người kém may mắn hơn. Ông chuyển năng lực của mình vào viêc hoạt động cho hội Thánh Vincent de Paul để giúp người nghèo ở địa phương.

Một ngày kia, ông tức giận vì các quan chức chính quyền cuả quận Nam Omaha đã từ chối không cung cấp thực phẩm gọi là Meals on Wheels đến khu vực cuả mình, ông bèn quyết định phải ra tranh cử để tranh đấu cho quyền dinh dưỡng cuả những người cao niên.

Ông đã đánh bại cách xít xao một thành viên đương nhiệm cuả hội đồng quận và đã phục vụ từ năm 1977 đến 1988, đem chương trình Meals on Wheels đến quận Sarpy và giúp lập ra nhiều văn phòng giúp người già ở miền Đông Nebraska.

Trong khi đó, ở tuổi 65, bà mẹ, bà Mary Cupich, mới đi học lái xe.

“‘Ông Bà Già’ (Folks) của tôi rất thực tế,” TGM Cupich nói. “Họ là loại người có khả năng suy nghĩ vượt ra bên ngoài khuôn mẫu (thoáng). Họ không để cho hoàn cảnh làm tê liệt họ. Họ biết rằng đôi khi chỉ cần có một số sáng kiến là giải quyết được tất cả mọi việc. Tôi nghĩ rằng những đức tính đó đã được truyền lại cho chúng tôi…Nghiã là trong trường hợp mình không tìm thấy một cách nào nữa, thì mình hãy tạo ra một cách mới. “

Vào năm 1975, lúc B.J. Cupich được 26 tuổi, ‘Thầy’ kết thúc chương trình thần học, lấy bằng thạc sĩ từ Giáo hoàng Học Viện Gregorian ở Roma. Rồi cùng năm đó, ‘Thầy’ trở về giáo xứ nhà, thánh Phêrô và Phaolô, để được thụ phong linh mục.

“Anh ấy muốn gia đình xum họp với anh ta,” ngưòi em trai tên là Rich Cupich nói.

Những công tác mục vụ trong giáo phận

Trong ba năm đầu Cha Cupich nhận chức vụ làm phó xứ đồng thời dạy học tại trường trung học cuả một giáo xứ ở Omaha. Ngài cũng phục vụ trong ban lãnh đạo cuả Giáo Phận Omaha và giúp các chủng sinh chuẩn bị cho chức vụ linh mục tại Đại học Creighton, một trường đại học Công Giáo điều hành bởi các tu sĩ Dòng Tên.

Năm 1981, ngài được bổ nhiệm làm thư ký cho phái đoàn ngoại giao của Đức Thánh Cha tại Washington, DC. Nhờ dịp này, ngài hoàn thành luận án tiến sĩ tại trường Đại học Công Giáo Mỹ. ngài trở thành khoa trưởng của trường Giáo Hoàng Cao đẳng Josephinum, một chủng viện ở Columbus, Ohio. Sau một năm nghỉ phép tại Roma, ngài phục vụ thêm một năm nữa làm chánh xứ ở Omaha.

Sau đợt các bổ nhiệm đó, Cha Cupich được Vatican phong lên hàng Giám Mục. Ba cuộc bổ nhiệm Giám mục cuả ngài đã đến từ ba vị giáo hoàng khác nhau.

Chức vụ Giám Mục

Năm 1998, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II bổ nhiệm ngài làm giám mục Rapid City, SD.

Năm 2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi ngài đến Spokane. 

Tháng Chín năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục Chicago.

ĐTGM Cupich cho biết ngài không rõ vì lý do gì mà Đức Thánh Cha đã chọn ngài. Hai người chưa bao giờ gặp nhau và có lẽ sẽ không gặp trong những ngày gần tới cho đến khi ngài đi Roma vào tháng Sáu năm sau nhân dịp lễ kỷ niệm thành lập giáo phận Chicago.

“Đức Thánh Cha sẽ không nhận ra tôi nếu tôi đứng xếp hàng trong một đội hình của bọn tội phạm,” ĐTGM Cupich nói đùa.

Ngài cũng cho biết rằng Đức Thánh Cha đã không đưa ra một hướng đi hoặc một nhiệm vụ phải làm nào. Khi ngài nhận được điện thoại của sứ thần toà thánh, điều duy nhất mà vị sứ thần muốn biết là ngài có chấp nhận không. 

ĐTGM Cupich đã chấp thuận, sau đó đi ăn tối với nhiều người quen và không hề hé răng tiết lộ một lời nào.

“Họ sẽ chỉ cho bạn một chỗ vì họ nghĩ rằng bạn biết cách thực hiện công việc và bạn không cần phải nhờ nhiều người dẫn dắt,” ĐTGM Cupich nói.

Đia vị ở Chicago

Nhưng ngài biết rằng chức vụ Tổng Giám Mục Chicago có một ảnh hưởng to lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng thực sự đối với 2.2 triệu người Công Giáo trong tổng giáo phận. Vị tổng giám mục giám sát các trường Công Giáo, các bệnh viện và các dịch vụ xã hội mà cuộc sống của nhiều người Chicago chịu ảnh hưởng vào, trong đó có nhiều người không phải là Công Giáo. 

Trong một dấu hiệu nhận biết sự quan trọng cuả giáo phận, vị thị trưởng Chicago là Rahm Emanuel đã lên kế hoạch tổ chức một bữa ăn sáng chào đón ĐTGM Cupich vào ngày thứ Năm tới.

“Giáo Hội Công Giáo in một dấu chân khổng lồ trên vùng Chicago, làm nhiều việc tốt,” ĐTGM Cupich nói. “Khát vọng và cảm nhận của rất nhiều người là Giáo Hội được thành công. Vì việc đó có ích cho xã hội”

Trong thế kỷ vừa qua, người Công Giáo ở Mỹ từng nhìn vào vị tổng giám mục Chicago như là một nhà khai sáng tư tưởng cho các giáo phận ở Mỹ. 

Nhưng ĐTGM Cupich thì có một cái nhìn khiêm nhượng hơn, trên tuần báo Công Giáo cuả Mỹ, ĐTGM Cupich cho biết ngài phải kiểm tra qua 3 câu hỏi mỗi khi có người hỏi ngài về một quan điểm nào.

“Là những gì tôi có thể nói có đúng không? Liệu có phải nói ra sự ấy không? Và tôi có phải là người phải nói nó không?” ngài nói. “Tôi luôn đặt những câu hỏi đó cho bản thân mình.”

“Tôi không phải là phát ngôn viên của các giám mục,” ngài nói thêm. “Tôi chỉ là tổng giám mục Chicago. Tôi sẽ làm điều đó trong sự hiệp nhất với các giám mục khác. Đó là điều mà tôi không thể bỏ qua.”

Phong cách lãnh đạo

Ngài không muốn bỏ quên nhu cầu của tín hữu. Vì vậy, việc đầu tiên là ngài muốn lắng nghe.

Ngài sẽ dành ba ngày Chúa Nhật đầu tiên để cử hành Thánh Lễ trong những giáo xứ tiêu biểu của thành phố – St. Agatha ở Bắc Lawndale, một giáo xứ chủ yếu là người Mỹ gốc Phi Châu; Thánh Agnes cuả Bohemia ở Little Village, một giáo đoàn chủ yếu là người Mỹ La Tinh; và St. Hyacinth trong khu phố Avondale, một trung tâm cho cộng đồng Công Giáo Ba Lan.

“Tôi dành nhiều thời gian để hiểu biết người dân – về các giáo xứ, các tình huống, các tổ chức mà chúng ta có,” ngài nói. “Những tổ chức bác ái Công Giáo, trường học, công tác tại bệnh viện, các chương trình tiếp cận cộng đồng – thực sự đã là một khích lệ.”

Nhiều nhà quan sát dựa vào kinh nghiệm ở Spokane cho biết rằng ĐTGM Cupich tham gia tích cực vào các công việc xã hội, dù là lớn hay nhỏ, và ngài có một khả năng áp dụng mềm dẻo các giáo huấn của Giáo Hội trước những nhu cầu của một đàn chiên luôn thay đổi.

“Giáo Hội có thể thách thức xã hội, nhưng xã hội cũng có thể thách thức Giáo Hội,” ĐTGM Cupich nói. “Đó là một việc tốt. Chúng ta cần phải có đủ khiêm tốn để chấp nhận điều đó.”

Một thí dụ xảy ra ở trong một nhà thờ, cha xứ trước đó đã cho phép giáo dân chúc hòa bình trước khi bắt đầu thánh lễ. Ngài đã làm lơ như thể không nhìn thấy.

Một thí dụ khác, ngài cũng giúp hòa giải thành công một cuộc tranh cãi tại một trường đại học Công Giáo liên quan đến việc mời vị Tổng Giám mục Anh giáo Desmond Tutu nói chuyện chống phân biệt chủng tộc, nhưng vị giám mục này hỗ trợ cho quyền phá thai và ngừa thai và trở thành một xúc phạm đối với một số cựu sinh viên.

Nhưng có lẽ ví dụ nổi bật nhất là cách tiếp cận của ngài về hôn nhân đồng tính ở tiểu bang Washington.

Năm 2012, ngài viết một lá thư nhắc lại định nghĩa của Giáo Hội về hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ, nhưng ngài cũng rõ ràng cho biết rằng sự phản đối của Giáo Hội không được tỏ ra bất kính đối với người khác. Lá thư đã được đọc trên toàn giáo phận, ngoại trừ…

Cha Patrick Baraza, một linh mục từ Kenya và là chánh xứ cuả nhà thờ St. Ann ở Spokane, đã không đọc thư vì cho rằng hoàn cảnh đặc biết cuả giáo xứ không cho phép. Điều đáng nói là, vị linh mục không bao giờ nghe ĐGM đề cập đến sự việc ấy nữa.

Cha Baraza cho biết đó là phong cách của ĐGM Cupich. Ngài lắng nghe những linh mục của mình và học hỏi thêm trong khi làm việc.

“Trong một cuộc đối thoại, mọi người được học hỏi lẫn nhau,” Cha Baraza nói. “Đó là những gì mà Đức Giám Mục Cupich muốn.”

ĐTGM Cupich nói rằng việc kết án người khác thì không phục vụ Giáo Hội được việc gì cả. Sự thuyết phục nên được làm trong những dịp gặp gỡ riêng trong bối cảnh cuộc sống của họ.

“Chúng ta dễ dàng bị lạc trong thế giới của nhiều ý tưởng,” ngài trích dẫn lời cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô. “Bạn có thể phân cực người ta. Bạn có thể xếp loại con người vào các trại giam tư tưởng. Nhưng điều đó không giúp bạn đi được xa vì nó không bỏ neo vào một thực tế.”

Vị tân TGM nhìn vào cách tiếp cận từ bi cuả vị Giaó Hoàng Dòng Tên như là một hướng dẫn và thừa nhận rằng ngài và ĐTC Phanxicô có nhiều suy nghĩ giống nhau.

“Có một sức liên hợp giữa những cách tiếp cận cuả người Croatia và cuả Dòng Tên,” ngài nói. “Người Croatia rất thực tế. Chúng tôi không lướt nhanh qua một điều nào cả. Nếu có những vấn đề cần giải quyết, thì chúng tôi sẽ đối phó với chúng.”

(Trần Mạnh Trác, VCN 17.11.2014)