Cha Luigi Paggi, “vị thánh của rừng xanh”, giúp thăng tiến đời sống của người thiểu số Munda

Từ tỉnh Satkhira đến Shyamnagar, gần với Sundarbans – khu rừng ngập mặn lớn nhất ở miền tây nam Bangladesh, chỉ cách nhau 100 cây số, nhưng người ta phải hành trình vất cả trong 5 tiếng đồng hồ vì con đường đầy ổ gà. Bên trong khu rừng, giữa hàng chục ngôi nhà đổ nát, trát vữa và bùn đất của người dân Munda, một tòa nhà lợp bằng thiếc và gạch là nơi chào đón các du khách đến làng Bongshipur.

Kết quả hình ảnh cho swampy villageNgười Munda có nguồn gốc từ bang Bihar của Ấn độ và cách đây hơn 2 thế kỷ, trong thời thực dân Anh cai trị, họ đã di cư đến Bangladesh ngày nay. Các điền chủ đưa người Munda đến vùng rừng Sundarbans để phá rừng trồng trọt. Họ thuộc số các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội vì kém học hành, nghèo khổ và không có sự liên kết với xã hội.

Phần lớn dân làng là các công nhân nuôi tôm, một số ít làm nghề nông và số khác kiếm sống từ các lò gạch. Trong thời kỳ gió mùa, hầu hết người dân ở nông thôn đều bị thiếu việc làm và phải vật lộn để nuôi sống gia đình. Tại căn nhà gạch, cha Luigi Paggi người Ý, 70 tuổi, thuộc Hội truyền giáo hải ngoại thánh Phanxicô Xaviê, với nụ cười tươi rạng rỡ, dạy tiếng Anh và vi tính cho khoảng 20 thiếu nữ người Munda thuộc các gia đình nghèo, đang sống tại khu nội trú. Cha Paggi được người dân Munda và người Hồi giáo địa phương quý trọng và tôn kính như “vị thánh của rừng xanh”. Cha Paggi sinh năm 1948 và thụ phong linh mục năm 1972. 3 năm sau, cha được hội dòng gửi đến Bangladesh để làm việc ở miền nam giáo phận Khulna. Từ năm 1975-1980, cha làm phó xứ Công giáo ở Satkhira. Trong 25 năm sau đó, cha hoạt động giúp người nghèo và những cộng đồng những người thợ làm giày bị xã hội ruồng bỏ tại các huyện Khulna, Jessore và Satkhira. Cha giúp họ có được nền giáo dục căn bản để thăng tiến cuộc sống của họ và có thể kiếm sống. Trong số này chỉ có một ít là Kitô hữu và Hồi giáo, còn đa số dân theo Ấn giáo.

Cha Paggi biết đến là nhờ các sinh viên Hồi giáo học tiếng Anh với cha. Người Munda theo đạo thờ vật linh hoặc thờ thiên nhiên và không có sách giáo khoa về tôn giáo. Cha Paggi cảm thấy đau lòng vì cảnh sống nghèo khổ của người Munda. Họ là những người mù chữ và sống trong những căn nhà chật chội thiếu vệ sinh. Người Hồi giáo địa phương xem người Munda như một thứ ô uế, không được đụng chạm. Cha Paggi quyết định hoạt động giúp đỡ họ như một nhà truyền giáo dù cha bề trên lo ngại những hậu quả của sứ vụ tại nơi xa xôi nguy hiểm như thế. 6 tháng sau khi đến nơi này, cha Paggi được bề trên cho phép hoạt động và cũng được chính quyền cho phép hoạt động giúp người Munda.

Cách đây 15 năm, cha Paggi đã bắt đầu sứ vụ chưa từng có và phi thường của mình để giải phóng nhóm thiểu số bị chà đạp bóc lột. Cha thành lập hai nhà trọ và một số trường học để giúp các trẻ nam và nữ của các gia đình nghèo, những người không có tiền để cho con họ đến trường. Cha Paggi còn thực hiện một chiến dịch chống lại hôn nhân trẻ em giữa những người Munda và tổ chức một tổ chức thiện nguyện. Gia đình, bạn bè và người thân của cha Paggi ở Ý đã hỗ trợ quảng đại cho các dự án của cha.

Cha Paggi ngăn chặn các cuộc hôn nhân trẻ em và thăng tiến giáo dục. Minoti Munda, 24 tuổi, một thiếu nữ Munda đang học cử nhân khoa học tại địa học ở thành phố Khulna chia sẻ rằng chính cha Paggi đã mang lại cho cô một cuộc sống mới. Năm Minoti 11 tuổi và đang học lớp 6, cha mẹ cô bé sắp đặt cho cô bé kết hôn với một cậu bé của một gia đình khá giàu có. Chú của Minoti đã giúp cô trốn khỏi gia đình và đưa cô đến khu nội trú của cha Paggi. Cha mẹ cô bé giận dữ vì cô làm họ mất mặt khi phá bỏ đám cưới đã được sắp đặt; trong hơn 6 tháng trời, họ không liên lạc với con gái của mình. Minoti cho biết, nhờ cha Paggi, hiện nay có hơn 120 thanh thiếu niên người Munda đang học trong các học viện và đại học. Minoti mới tham gia vào hội sinh viên thiểu số.

Krishnapada Munda, giám đốc tổ chức thiện nguyện trợ giúp cộng đồng cảm kích nói: “Cha ông chúng tôi là những người nghèo khổ, thất học, vì vậy họ không thể gìn giữ gia sản của họ hơn là kiếm sống để nuôi gia đình. Cha Paggi đã mang lại những thay đổi cho người Munda bị lãng quên và thiếu kiến thức trên 200 năm qua. Cha đã giúp thoát ra khỏi vỏ ốc của cộng đồng và nghĩ những điều to lớn, và cũng giúp chúng tôi hòa nhập với các cộng đồng khác… Cha không chỉ giáo dục và chấm dứt hôn nhân trẻ em nhưng còn giúp chúng tôi sống lại văn hóa, truyền thống và niềm tin của chúng tôi. Một ngày nào đó, cha sẽ rời xa chúng tôi, nhưng những ý tưởng, lời dạy và tình yêu cha dành cho mọi người sẽ luôn hướng dẫn và khuyến khích chúng tôi tiến bước.

Về phần mình, cha Paggi tránh cải đạo dân chúng. Cha chia sẻ rằng người ta gọi nơi đây là vùng truyền giáo nhưng không có Kitô hữu. Thỉnh thoảng người ta hỏi về Kitô giáo và Chúa Giêsu Kitô, cha giải thích với họ. Trừ khi họ quan tâm, cha không bao giờ khăng khăng cố ép họ. (Ucan News 18/04/2018)

Hồng Thủy

(RadioVaticana 08.05.2018)