Cha Barrios Prieto trở thành Tổng thư ký mới của Ủy ban Liên HĐGM châu Âu, gọi tắt là COMECE. Mối quan tâm của cha hiện nay đó là những thách đố liên quan đến chính châu Âu và các nước thành viên: nạn thất nghiệp, người di cư và biến đổi khí hậu.
Từ trụ sở của Liên HĐGM châu Âu ở Bruxelles, cha Manuel Barrios cho hãng tin Sir của HĐGM Italia biết: “Ngay từ những bước đầu tiên trong hành trình tiến tới một châu Âu hiệp nhất, Giáo hội đã đồng hành với châu Âu. Châu Âu trung thành với các giá trị con người và Kitô, đây là điều mà các vị tiền bối đã đấu tranh. Và ngày nay Giáo hội vẫn còn chú ý và ủng hộ hành trình này, như ĐTC Phanxicô đã nhiều lần khẳng định”.
Nhiệm vụ của cha Manuel Barrios Prieto kéo dài trong 4 năm. Hôm thứ hai 16/9 cùng với Đức cha Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch của Liên HĐGM châu Âu, cha Manuel được giới thiệu cho báo chí quốc tế biết về nhiệm vụ mới này. Đức cha Jean là một trong các vị sẽ được ĐTC phong hồng y vào ngày 5 tháng 10 tới. Đức cha Hollerich cho biết “tôi ngạc nhiên trước tin tức này. Điều này sẽ tốt cho Liên HĐGM châu Âu”.
Cha Manuel sinh năm 1962 tại Madrid; đã theo học triết và thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma và tốt nghiệp ngành tâm lý tại một trường đại học ở Tây Ban Nha. Từ năm 2011, cha là giám đốc của Ủy ban đại kết và Đối thoại Liên tôn của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha. Như thế với kinh nghiệm đối thoại liên tôn sẽ giúp cha làm tốt vai trò mới.
Cha Manuel nói: “Những thánh đố đối với châu Âu hiện nay là rất nhiều, nhưng như ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở ‘Trong khủng hoảng có thể nảy sinh những cơ hội mới’. Chắc chắn tình trạng người di cư là vấn đề lớn hiện nay đối với châu Âu. Người di cư đi tìm một cuộc sống xứng nhân phẩm và một tương lai ở châu Âu. Để giải quyết vấn đề này, một điều quan trọng cần nghi nhớ đó là tình liên đới”.
“Chúng ta cũng biết rằng vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu quan trọng như thế nào. Với vai trò mới này, tôi sẽ nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng về thể chế: Liên minh châu Âu thường bị coi là xa cách với công dân. Phải nghĩ đến điều này trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ được tổ chức vào thời gian sắp tới”.
Nói về người trẻ, cha cho biết người trẻ thường được gọi là “tương lai của châu Âu” nhưng lại bị đặt bên lề trong các cuộc thảo luận chính trị, kinh tế và văn hóa. Đối với vấn đề thất nghiệp, chúng ta cần những câu trả lời nghiêm túc và khẩn cấp. Trong số những điều khác, hiện nay người trẻ đang thể hiện mình là người nhạy cảm và năng động trong lãnh vực môi trường.
Ngọc Yến
(vaticannews 19.09.2019)