Mặc dù cây thông Giáng Sinh có liên hệ với ngày lễ Kitô giáo kỷ niệm ngày Đức Kitô sinh ra, nguồn gốc của tập tục này xuất phát từ người Vikings.
Trong các quốc gia vùng Scandinavian, mùa Đông rất lạnh và ảm đạm, ngày rất ngắn. Ở một vài vùng, đôi lúc mặt trời lặn mất trong vài tuần làm cho đêm trở nên dài như vô tận. Gió hú, tuyết đổ, nhiệt độ xuống dưới âm trong một vài ngày. Vì sự giá lạnh như thế nên mỗi mùa Đông là mùa chết chóc cho cả người và vật.
Đây là thời gian khắc nghiệt nhất trong năm. Song người Vikings nhìn thấy niềm hy vọng và an ủi nơi cây thông xanh. Họ phát hiện ra rằng cây thông xanh chẳng những tồn tại được trong mùa Đông khắc nghiệt mà còn tăng trưởng và sinh sôi nẩy nở. Vì thế, người Vikings bắt đầu đốn những cây thông xanh và đưa nó vào trong nhà mình. Ở trong nhà, cây thông luôn là một biểu tượng hằng ngày cho niềm hy vọng và nhắc nhớ rằng gió mạnh sẽ ngừng thổi, nhiệt độ sẽ tăng, tuyết sẽ tan, ngày sẽ dài ra và sự sinh trưởng sẽ lại bắt đầu.
Theo gương người Vikings, các dân tộc Âu châu khác nhận ra sự hấp dẫn của loại cây vẫn luôn xanh tươi trong suốt mùa Đông. Họ đưa cây thông vào trong các tập tục ngoại giáo của mình. Chính qua các tập tục ngoại giáo này mà cây thông xanh bước vào thế giới Kitô giáo.
Có nhiều truyền thuyết khác nhau giải thích xuất xứ của “Cây Giáng Sinh”. Truyền thuyết đầu tiên có liên quan đến Thánh Bônifaciô (675-754), một tu sĩ người Anh đi truyền giáo khắp Châu Âu. Một đêm vọng Giáng Sinh, ngài đi ngang qua vùng nói tiếng Đức nơi người dân chuẩn bị lễ sát tế trước một cây sồi. Theo truyền thuyết, ngài hạ gục cây sồi chỉ bằng một nhát búa. Ấn tượng bởi sức mạnh kỳ lạ, dân chúng bỏ lễ sát tế và theo Kitô giáo. Thánh Bônifaciô chỉ một cây thông xanh nhỏ và bảo họ lấy cây ấy làm biểu tượng cho đức tin mới và dùng nó để cử hành ngày sinh của Đức Kitô.
Một truyền thuyết khác về nguồn gốc cây Giáng Sinh có liên hệ đến nhà cải cách Tin Lành Martin Luther (1483-1546). Vào ngày vọng Giáng Sinh, khi đi ngang qua khu rừng, vẻ đẹp của các vì sao lấp lánh qua những cành cây lá kim khiến ông xúc động và một sáng kiến nảy ra trong đầu. Ông đốn một cây nhỏ và mang về nhà. Luther treo lên đấy những cây nến và dùng nó để giải thích về đức tin. Ông giải thích rằng màu sắc xanh tươi không phai tàn của cây thông xanh giống như tình yêu Thiên Chúa không bao giờ nhạt phai trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Các cây nến biểu trưng cho Chúa Giêsu Kitô là “Ánh sáng thế gian”. Đối với Luther, cây thông biểu tượng cho toàn bộ chứ đức tin Kitô giáo chứ không chỉ là ngày Giáng Sinh.
Luật vùng Alsace
Cây Giáng Sinh được lịch sử ghi nhận sớm nhất xuất hiện tại Đức. Năm 1561, một luật được thông qua tại vùng Alsace giới hạn mỗi “burgher” hoặc mỗi dân cư chỉ được sở hữu một “Cây Giáng Sinh”. Luật cũng quy định rằng cây thông không được cao hơn “8 chiếc giày”. Tập tục mang cây tươi vào nhà đã trở nên phổ biến đến nỗi rừng bị tàn phá. Sau đó ít lâu, vào năm 1605, một du khách đến thành phố Strasbourg lấy làm ấn tượng với tập tục đem cây thông vào nhà và trang trí. Ông nói rằng người Đức trang trí cây thông với những quả táo, bánh xốp, hoa hồng bằng giấy, quà tặng và các trang trí khác làm bằng đường. Điều khá thú vị là có một vài vị lãnh đạo tôn giáo phản đối tập tục này vì cho rằng cây thông đã làm sai lệch lý do thật sự của mùa lễ. Tuy nhiên những người Đức yêu mến tập tục Giáng Sinh đã không màng đến những phản đối này.
Từ Đức, tập tục cây Giáng Sinh đã lan tràn khắp Tây Âu. Năm 1837, cây Giáng Sinh được sử dụng ở Pháp. Năm 1840, Nữ hoàng Anh quốc Victoria và Hoàng thân Albert, người gốc Đức, đã mừng lễ Giáng Sinh với cây thông có trang trí. Đến thế kỷ 19, cây Giáng Sinh đã được chấp nhận tại nhiều quốc gia Bắc Âu khác như Nga, Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy.
Tại Hoa Kỳ, cây Giáng Sinh đầu tiên được những lính đánh thuê người Đức đưa vào trong thời Cách Mạng Hoa Kỳ. Tuy nhiên tập tục này không được người dân đón nhận cho lắm nên vào cuối cuộc nội chiến, tập tục này lại theo chân những người lính đánh thuê trở về Đức. Khoảng năm 1820, các di dân Đức đến Pennsylvania mang theo tập tục này trở lại Hoa Kỳ.
Từ khi bắt đầu là biểu tượng cho niềm hy vọng và sức mạnh của người Vikings xưa, cây Giáng Sinh đã tiến hóa trở thành biểu tượng cho ngày lễ của toàn thế giới. Cây Giáng Sinh được trưng bày tại khắp các cửa hàng, siêu thị, nhà thờ, công sở, doanh nghiệp, đường phố, sân vườn và trong hàng triệu nhà ở.
(theo Victor Parachin – The Priest, 01/12/2012)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ