Câu chuyện đầu tuần_Thiên Chúa Cắm Lều – Đức Cha Phêrô

Hồi nhỏ, tuy gia đình ở Sài Gòn nhưng cha mẹ lại gửi tôi đi học ở Tiểu chủng viện Á thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ. Vì thế mỗi năm ít là 4 lần, ngồi trên chuyến xe từ Sài Gòn đi Cần Thơ và ngược lại, tôi đi qua Long Định và hình ảnh ngôi nhà thờ nhỏ nép mình bên cây cầu Long Định vẫn còn trong ký ức. Hơn 40 năm sau, được bổ nhiệm làm Giám mục Mỹ Tho, khi đến thăm giáo xứ Long Định, tôi thấy nhà thờ vẫn thế, dường như còn khiêm tốn và nhỏ bé hơn vì bây giờ có cây cầu mới cao hơn và nhiều người dân chung quanh nhà thờ cũng xây nhà lớn hơn. Khi sai cha sở hiện nay về Long Định, tôi đã nói với cha về nhu cầu xây lại nhà thờ vì nhà thờ cũ không còn đáp ứng đủ nhu cầu mục vụ tại đây. Cha sở và bà con giáo dân đã cố gắng thực hiện công trình xây nhà thờ mới, và điều đặc biệt là công trình được tiến hành rất nhanh, hoàn thành trong thời gian kỷ lục. Đây là niềm vui không những cho giáo xứ Long Định II mà còn cho cả Giáo phận.


(Hình: Nhà thờ cũ & Nhà thờ mới)

  Cung hiến Thánh đường trong mùa Giáng Sinh là cơ hội khám phá lại ý nghĩa Nhà thờ trong ánh sáng mầu nhiệm Nhập Thể. Trong Lễ Đêm Giáng Sinh, thánh Luca kể chuyện Chúa Giêsu giáng sinh trong cảnh khó nghèo tại Bêlem, còn trong lễ ban ngày, Hội Thánh mời các tín hữu suy niệm Tin Mừng Gioan về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể (1,1-18): “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (1,14). Nhiều học giả Kinh Thánh đề nghị dịch: “Ngôi Lời đã làm người và cắm lều giữa chúng ta”. Động từ cắm lều gọi về hình ảnh Dân Chúa trong hành trình sa mạc sau khi được giải thoát khỏi đất Ai Cập. Trong hành trình 40 năm ấy, khi dừng chân ở đâu, người ta dựng Lều tạm và đặt Hòm Bia Thiên Chúa ở đó: Thiên Chúa hiện diện giữa dân của Ngài (x. Xh 25,8). Sau này, khi đã vào Đất Hứa và khi vua Đavít thống nhất đất nước, ông mới có ý định rước Hòm Bia về Giêrusalem và xây Đền thờ cho Chúa.

Khi thánh Gioan viết, “Ngôi Lời trở nên người phàm và cắm lều giữa chúng ta”, điều đó có nghĩa là ngày nay, nơi Thiên Chúa hiện diện với Dân của Ngài không còn là Lều vải nữa nhưng là chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta. Chính vì thế, khi Hội Thánh Công giáo xây nhà thờ, trung tâm của Nhà thờ là Bàn thờ và Nhà tạm.

Vì thế, người Công giáo đến Nhà thờ là đến Nhà Chúa để gặp Chúa. Gặp gỡ Chúa để lắng nghe Lời Ngài. Trong Thánh Lễ cung hiến nhà thờ mới, bắt đầu phần Phụng vụ Lời Chúa, Giám mục chủ sự nâng cao Sách Thánh và nói: “Xin cho Lời Chúa hằng vang lên trong ngôi nhà này để mở ra cho anh chị em biết mầu nhiệm Chúa Kito và thực hiện ơn cứu độ cho anh chị em trong Hội Thánh Người”, rồi mới trao sách cho người đọc. Đến nhà thờ để nghe Lời Chúa là truyền thống lâu đời. Chúa Giêsu khi còn nhỏ, ở với cha mẹ tại Nazareth, được cha mẹ dẫn lên Hội đường hằng tuần để nghe đọc Sách Thánh, sau này khi hoạt động công khai, Ngài đến các hội đường và giảng dạy tại đó. Ngày nay chúng ta tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy, đến nhà thờ để lắng nghe Lời Chúa vì “Người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Cao điểm của việc gặp gỡ Chúa là cử hành Thánh Thể. Trong Nghi thức cung hiến nhà thờ mới, phần quan trọng là Giám mục chủ sự xức dầu thánh hiến bàn thờ, để trên bàn thờ này, chúng ta tái diễn Hy Tế của Chúa Kito trên thập giá, và ở đó Dân Chúa được Tiệc thánh bổ dưỡng, hiệp thông với Chúa và hiệp nhất với nhau trong Hội Thánh (x. Lời nguyện thánh hiến bàn thờ). 

Khi chúng ta cùng đến nhà thờ để nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, chúng ta được liên kết thành một Thân thể, một gia đình như thánh Phaolô nói: “Chúng ta tuy nhiều nhưng cùng ăn một Bánh nên chúng ta làm nên một Thân thể”.Vì thế, cùng với việc xây nhà thờ, chúng ta phải cùng nhau xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, gắn kết với Chúa Giêsu, và hiệp nhất yêu thương nhau. Một cộng đoàn như thế sẽ có khả năng giới thiệu vẻ đẹp của Tin Mừng Chúa Giêsu cho những anh chị em chưa biết Chúa: “Người ta nhìn thấy việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”. (Mt 5,16).

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm