Chân phước Têrêxa Calcutta – vẫn quen gọi là Mẹ Têrêxa Calcutta – sẽ được tuyên phong hiển thánh trong năm 2016. Ngày 17 tháng 12 năm 2015 vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã chính thức nhìn nhận phép lạ thứ hai nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Têrêxa: một bệnh nhân 42 tuổi ở Santos, Braxin, mắc cơn bệnh hiểm nghèo và đã được chữa lành cách lạ lùng nhờ cả gia đình liên lỉ cầu xin Mẹ Têrêxa Calcutta chuyển cầu trước Tòa Chúa. Bệnh nhân đã đi làm việc trở lại bình thường, không gặp trở ngại gì từ ít năm nay. Phép lạ đã xảy ra từ năm 2008 nhưng đến năm 2013, sự việc mới được trình lên Tòa Thánh và vào tháng 10 năm 2015, Ủy ban thẩm định y khoa đã xác định việc chữa lành này là không thể giải thích về mặt tự nhiên, và có mối liên hệ trực tiếp với sự can thiệp của Mẹ Têrêxa Calcutta.
Theo Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Tân Phúc-Âm-hóa, có thể Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ tuyên phong hiển thánh cho Mẹ Têrêxa vào ngày 4 tháng 9, là ngày dành cho “những thiện nguyện viên của lòng thương xót” trong Năm Thánh. Như thế, Đức giáo hoàng muốn nêu cao cho mọi người thấy tấm gương cụ thể để sống Năm Thánh. Tấm gương này đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đúc kết trong bài giảng lễ tuyên phong chân phước cho Mẹ Têrêxa: “Mẹ Têrêxa đã loan báo Tin Mừng bằng sự tận hiến hoàn toàn cho người nghèo, đồng thời chìm sâu trong cầu nguyện”.
Thật vậy, cả thế giới ngưỡng mộ Mẹ Têrêxa về những công việc của lòng thương xót mà Mẹ thực hiện cho những người nghèo khổ, bé mọn nhất. Mẹ nổi tiếng về bài giáo lý với 5 ngón tay: con-đã-làm-cho-Ta (x. Mt 25). Và Mẹ mời gọi mọi người hãy bắt đầu công việc của lòng thương xót ngay nơi mình đang ở: “Các bạn không cần phải đến tận Calcutta để tìm người nghèo. Các bạn có người nghèo ngay gần bên, ngay trong gia đình. Những hành động của lòng thương xót là những việc nhỏ bé: nở một nụ cười, nói một lời an ủi, dành chút thời giờ trò chuyện với người cô đơn…”
Đồng thời, lối sống yêu thương phục vụ đó có được nhờ đời sống cầu nguyện. Mẹ Têrêxa không nhận mình là người làm công tác xã hội nhưng là người phục vụ Chúa Kitô nơi người nghèo: “Trong cách nhìn của người khác, chúng tôi được coi như người làm công tác xã hội, nhưng thực ra chúng tôi là những người chiêm niệm giữa lòng thế giới. Bởi vì chúng tôi chạm đến Thân Mình Chúa Kitô 24 tiếng mỗi ngày. Chúng tôi sống 24 giờ trước nhan Chúa”. Thật vậy, các nữ tu trong dòng của Mẹ Têrêxa dành nhiều giờ mỗi ngày để thờ phượng Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, và các chị tiếp tục chạm đến Thân Mình Chúa, sống trước nhan Chúa trong việc phục vụ người nghèo. Các chị là những nhà chiêm niệm ngay giữa những công việc phục vụ hằng ngày.
Cầu nguyện gắn với phục vụ, yêu thương gắn với chiêm niệm, đó chính là nét đặc trưng của lòng thương xót mà chúng ta được kêu gọi sống và chia sẻ trong Năm Thánh theo gương Mẹ Têrêxa Calcutta.
Ngày 16.01.2016
Người Mỹ Tho