CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN, SỐ 27
TƯỞNG NHỚ MỘT VỊ THÁNH
Ngày 30 tháng 4 Năm thánh 2000, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố quyết định thiết lập lễ Lòng Chúa thương xót vào Chúa Nhật II Phục sinh hằng năm. Năm 2005, ngài qua đời vào áp ngày Chúa Nhật kính Lòng Chúa thương xót. Thánh Gioan Phaolô II đúng là vị giáo hoàng của lòng thương xót.
Tuy nhiên, có một điều người ta ít nhớ, là thánh Gioan Phaolô II cũng là vị giáo hoàng đề cao Sự Thật. Khi André Frossard, một nhà báo kỳ cựu người Pháp, hỏi ngài: “Nếu phải rút gọn Tin Mừng Đức Giêsu Kitô trong một câu, Đức Thánh Cha sẽ chọn câu nào?” Đức Gioan Phaolô II đã trả lời ngay: “Sự thật sẽ giải thoát các ông” (Ga 8,32). Chọn lựa này thể hiện rõ nét trong triều đại giáo hoàng của ngài. Qua những thông điệp và tông huấn nổi tiếng cũng như qua các bài giảng và giáo lý, ngài không ngừng đề cao sự thật về Thiên Chúa, về phẩm giá con người, cũng như về gia đình và xã hội, cho dù những sự thật đó đi ngược chiều thời đại và vì thế bị người ta thù ghét, kể cả tìm cách giết chết ngài.
Như thế, khi cử hành Chúa Nhật kính Lòng Chúa thương xót, người Công giáo phải ý thức mối liên hệ chặt chẽ giữa lòng thương xót và sự thật. Chúng ta dễ cảm nhận lòng Chúa thương xót khi nghe Chúa Giêsu nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình:“Không ai kết án chị ư?.. Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11); hoặc khi nghe Chúa Giêsu cầu nguyện trên thập giá:“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Nhưng liệu Chúa Giêsu có lòng thương xót không khi Ngài nặng lời với các kinh sư và những người Pharisêu: “Khốn cho các ngươi vì các ngươi rửa sạch bên ngoài chén đĩa mà bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ,…vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi…” (Mt 23,25-28); hoặc khi Chúa nói với người Do Thái: “Vì các ngươi lòng chai dạ đá nên Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ, chứ thưở ban đầu thì không như thế” (Mt 19,8)?
Đúng như thế. Ngay lúc Chúa Giêsu đưa ra những lời qưở trách nặng nề lại là lúc Chúa bày tỏ lòng thương xót, vì lòng thương xót đích thực không đồng nghĩa với việc chiều theo sở thích thấp hèn của con người, nhưng là giúp họ nhận ra sự thật về ơn gọi và phẩm giá làm người và sống theo sự thật đó; nhờ vậy, họ trở nên những con người tự do. Ơn tha thứ của Thiên Chúa có nghĩa gì đối với những người không nhìn nhận mình là kẻ có tội? Cũng vậy, lòng Chúa thương xót sẽ có ích gì cho những người không chấp nhận sự thật về tội lỗi và những yếu đuối của mình? Phải khiêm tốn và can đảm nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và mở lòng ra với Chúa, khi đó lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đong đầy tâm hồn và biến đổi chúng ta nên những người biết sống lòng thương xót.
Ngày 11.04.2015
Người Mỹ Tho