Nằm trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu, tượng Chúa Kitô Vua (còn gọi là tượng Đức Chúa dang tay, tượng Chúa Kitô trên đỉnh Núi Tao Phùng) đã được công nhận là tượng Chúa Jesus lớn nhất khu vực châu Á vào năm 2012.
Lịch sử hình thành của bức tượng bắt đầu vào tháng 3/1974, khi chính quyền địa phương cho phép Giáo hội Công giáo xây dựng tượng đài Chúa Jesus trên núi Nhỏ và việc xây dựng bắt đầu được tiến hành. Công trình hoàn thành giai đoạn một thì diễn ra sự kiện giải phóng miền Nam nên phải ngưng lại.
Tháng 1/1992, sau khi Toà Giám mục Xuân Lộc đề nghị, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đồng ý để linh mục Trần Văn Huyên – quản xứ Vũng Tàu được tiếp tục công việc sửa chữa, tu bổ lại công trình này.
So với bản thiết kế trước trước 1975, tượng đài đã được thiết kế lại cả về quy mô, kết cấu để đáp ứng những quy chuẩn kỹ thuật xây dựng hiện hành.
Vật liệu xây tượng hầu hết lấy từ trong nước như cát, sỏi khai thác dưới sông Đồng Nai, đá cẩm thạch lấy từ hòn Non Nước (Đà Nẵng). Riêng xi măng trắng được nhập ngoại.
Khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng là việc chuyển hàng ngàn tấn vật liệu lên đỉnh núi. Việc đào móng cũng rất vất vả vì trên đỉnh núi là một hệ thống địa đạo bằng bê tông được xây dựng rất chắc chắn dưới thời Pháp thuộc.
Sau hai năm tu sửa, khu tượng đài Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Nhỏ đã chính thức khánh thành.
Đường lên tượng có 1.000 bậc thang với chiều dài khoảng 500m.
Về tổng thể, tượng có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét, đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ.
Bên trong bệ tượng là phòng trưng bày tranh ảnh.
Trong thân tượng có cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng, nơi có cửa thông ra hai vai. Trong lòng tượng có thể chứa được 100 khách tham quan cùng một lúc.
Tà áo tượng có trổ 3 ô cửa sổ tô điểm bằng hoa văn chữ thọ, giúp lòng tượng được chiếu sáng tự nhiên và thoáng khí.
Hào quang quanh đầu tượng đảm nhiệm luôn vai trò của cột thu lôi chống sét.
Từ đôi vai tượng, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh Vũng Tàu.
Cận cảnh phù điêu chạm hình Chúa và 12 tông đồ trên bệ tượng.
Cận cảnh một cánh tay tượng.
Bên tượng còn có các khẩu thẩn công cổ tuổi đời trên 1 thế kỷ do người Pháp để lại.
Đây là một phần của trận địa pháo Núi Nhỏ, một công trình quân sự trong hệ thống phòng thủ chiến lược do thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhằm kiểm soát cửa biển Sài Gòn – Vũng Tàu.
Ngày nay, tượng Chúa Kitô Vua đã trở thành một điểm tham quan thu hút đông đảo du khách ở Vũng Tàu
Nguồn tin: Kiến Thức