

Chúa Kitô chữa lành người bệnh. Ngay những trang đầu tiên của Tin mừng, Ngài xuất hiện với tư cách là Đấng chữa lành. Ngài vừa mới bắt đầu giảng dạy thì những người bệnh bắt đầu kéo đến. Họ được đưa đến với Ngài từ mọi nơi. Như thể đám đông những người đau khổ luôn mở lòng ra và đến gần Ngài. Họ tự mình đến, được dẫn đến, hoặc được khiêng đến, và Ngài đã đi qua đám đông đang đau khổ, và “có một quyền năng từ Thiên Chúa hiện diện và chữa lành”.
Ngay từ đầu, Ngài đã đến nhà Phêrô. Mẹ vợ của Phêrô bị sốt nặng. Ngài đến gần chiếc giường và “cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1: 29-31).
Đôi khi, người ta được thôi thúc nhìn lại phía sau những sự kiện bên ngoài để xem tác động bên trong của quyền năng thánh thiêng này.
Một người mù đến với Ngài. Chúa Giêsu đặt tay lên đôi mắt người mù, Ngài cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Quá phấn khích, người mù trả lời: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại”. Sức mạnh chữa lành đã chạm đến các dây thần kinh. Chúng đã được hồi sinh, nhưng chúng vẫn chưa hoạt động bình thường. Vì vậy, “Ngài lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự” (Mc 8:23-25). Chẳng phải câu chuyện này mang lại cho người ta cảm nghiệm về mầu nhiệm, đúng thật như mầu nhiệm, phía sau cảnh tượng sao?
Lần khác, có một đám người rất đông vây quanh Ngài. Một người đàn bà bị bệnh băng huyết nhiều năm, đã tìm cách chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi bệnh và đã tốn hết tiền bạc để tìm thuốc, đã tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Ngài thôi, là sẽ được cứu”. Bà đến gần Ngài từ phía sau, chạm vào áo Ngài và nhận thấy sự đau đớn, sầu não bấy lâu nay trong cơ thể của bà đã chấm dứt. Nhưng Ngài quay lại: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Các Tông Đồ sửng sốt: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?” Nhưng Ngài biết chính xác những gì Ngài đang nói; ngay lập tức Ngài “thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra”. Người phụ nữ run rẩy đến gần Ngài, sấp mình dưới chân Ngài và thú nhận những gì đã xảy ra. Nhưng Ngài đã tha thứ cho bà một cách độ lượng và đầy yêu thương (Mc 5:25-34).
Thật là một tác động tỏa lan ra chung quanh! Dường như Ngài được ban quyền năng chữa lành, như thể Ngài không cần có ý định gì cả. Nếu ai đó đến gần Ngài với tâm trí cởi mở và thỉnh cầu, thì quyền năng ấy sẽ phát ra từ nơi Ngài để thực hiện công năng của mình.
Hành động chữa lành có ý nghĩa gì đối với Chúa Kitô? Người ta nói rằng Ngài là người bạn vĩ đại của nhân loại. Đặc điểm của thời đại chúng ta là ý thức trách nhiệm xã hội hết sức cao độ và khả năng đáp ứng các công việc xót thương. Vì vậy, người ta có một mong ước tương tự được thấy Ngài như là Đấng trợ giúp cao cả của con người, Đấng đã nhìn thấy nỗi đau khổ của con người và mau chóng xoa dịu nỗi đau đó vì lòng thương xót lớn lao của Ngài.
Nhưng đây là một sai lầm. Chúa Giêsu không phải là hiện thân của tính nhân ái độ lượng với một ý thức xã hội to lớn và một năng lực tự nhiên giúp đỡ người khác, kiếm tìm nỗi đau khổ của con người, cảm nhận sự đau đớn của họ bằng sự cảm thông, thấu hiểu và khuất phục nó. Nhân viên xã hội và nhân viên cứu trợ đang cố gắng giảm bớt đau khổ, và nếu có thể, loại bỏ hoàn toàn đau khổ. Một người như vậy hy vọng giúp con người hạnh phúc, khỏe mạnh, cân bằng về thể xác và tâm hồn, sống trên trần thế này. Cần phải nhận ra điều này để hiểu rằng Chúa Giêsu không hề có ý định như vậy. Điều đó không trái với ý muốn của Ngài, nhưng chính Ngài không đặt mối bận tâm nơi đó. Ngài nhìn thấu nỗi đau khổ. Vì ý nghĩa của đau khổ, cùng với tội lỗi và sự xa cách Thiên Chúa, nằm ở tận gốc rễ của hiện hữu. Nói cho cùng, đau khổ đối với Ngài là biểu hiện của con đường rộng mở, con đường trở về với Thiên Chúa – ít nhất đó là phương tiện có thể dùng để đến gần Thiên Chúa. Đau khổ là hậu quả của tội lỗi, điều đó đúng, nhưng đồng thời cũng là phương tiện thanh luyện và trở về.
Chúng ta sẽ tiến gần đến sự thật hơn nhiều nếu nói rằng Chúa Kitô đã gánh lấy những đau khổ của nhân loại. Ngài không lùi bước trước những đau khổ, như con người thì ngược lại, họ luôn lùi bước trước những đau khổ. Ngài không bỏ qua đau khổ. Ngài đã không bảo vệ chính mình tránh khỏi đau khổ. Ngài để đau khổ đến với Ngài, Ngài đem đau khổ vào lòng Ngài. Khi chịu đau khổ, Ngài đón nhận mọi người đúng như con người của họ, trong thân phận thực sự của họ. Ngài lao mình vào giữa mọi đau khổ của nhân loại, Ngài gặp họ với những tội lỗi, thiếu thốn và khốn khổ của họ.
Đây là một điều phi thường, một tình yêu hết sức chân thành, không bị bùa mê hay ảo tưởng – và vì vậy, đây là một tình yêu có sức mạnh không gì cản trở được bởi vì đó là “hành động của chân lý trong tình yêu”, có khả năng tháo cởi, làm rung chuyển tận gốc rễ mọi sự.
Một lần nữa chúng ta phải thấy sự khác biệt: Ngài đã làm điều này, không phải như một người gánh trên vai mình bi kịch đen tối của thân phận con người, mà là một người hiểu thấu tất cả, bằng cái nhìn của Thiên Chúa. Trong đó có sự khác biệt rất riêng.
Sự chữa lành của Chúa Kitô bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sự chữa lành đó mặc khải Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa.
Với Chúa Kitô, sự chữa lành luôn xuất hiện trong mối liên quan nào đó với đức tin. Ngài không thể thực hiện phép lạ nào ở Nadarét vì ở đó không có ai tin. Các môn đệ của Ngài không thể chữa khỏi bệnh cho bé trai vì đức tin của họ còn quá kém: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mc 9:14-29). Khi người đàn ông bị bại liệt vì bệnh viêm khớp được khiêng đến với Ngài, lúc đầu Chúa Giêsu dường như không nhìn thấy nỗi đau đớn của người đàn ông đó. Sau đó, Ngài nhìn thấy đức tin của ông và ban cho ông ơn tha thứ: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: Này con, con đã được tha tội rồi” (Lc 5:20). Người mù thành Giêricô nghe Ngài nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” (Mc 10: 52). Viên đội trưởng nghe thấy lời khen ngợi nồng nhiệt: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (Mt 8 : 10).
Việc chữa lành thuộc về đức tin, giống như cuộc Truyền tin thuộc về đức tin. Bằng việc chữa lành, Chúa Giêsu đã mạc khải chính Ngài qua hành động. Như thế Ngài diễn tả cách cụ thể thực tại của Thiên Chúa Hằng Sống.
Chính để dẫn đưa con người đi vào thực tại của Thiên Chúa Hằng Sống — đó là lý do Đức Kitô thực hiện các việc chữa lành.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com
Để lại một phản hồi