Các Tu Hội đời sống thánh hiến sống sự hiệp thông trong Giáo hội địa phương: Khía cạnh pháp lý

Đời sống thánh hiến thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội phổ quát, vốn là sự hiệp thông của các Giáo hội địa phương, nên cũng thuộc về Giáo hội địa phương. Do đó, mối tương quan giữa các Tu hội đời sống thánh hiến và Giáo hội địa phương là một tương quan sự sống, xuất phát từ chính bản tính của cả hai. Tương quan ấy mang dấu ấn của Giáo hội hiệp thông, vốn mang nơi mình các đặc sủng và được uỷ thác cho sự chăm sóc mục vụ của Giám mục.

Các từ được sử dụng dựa theo bản dịch Giáo luật của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2006: Các Tu Hội đời sống thánh hiến khi nói về đời sống thánh hiến nói chung (bao gồm các Dòng Tu và Tu Hội Đời); Các Hội Dòng khi nói về đời sống tu sĩ. Nhiều trường hợp, các từ Tu Hội và Hội Dòng được sử dụng tương đương.

Tiền đề: Trong Giáo hội hiệp thông, phẩm trật và đặc sủng

Giáo hội đang trong giai đoạn cuối của tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI (sẽ cử hành vào tháng 10/2023 và đã bắt đầu chuẩn bị từ tháng 4/2021), với chủ đề: Hội Thánh hiệp hành (syn-odos, bước đi cùng nhau). Cùng bước đi với nhau là cách thức Giáo hội sống bản chất hiệp thông của mình. Chính sự hiệp thông từ cội rễ khiến Giáo hội trong thực hành cùng bước đi với nhau. Hiệp hành là cách thực hành đã có từ lâu, tự thuở ban đầu của Giáo hội, và nay Giáo hội tự cảm thấy cần phải đào sâu lại. Các Tu hội đời sống thánh hiến sống sự hiệp hành, cùng bước đi thế nào trong và với Hội Thánh?

Công đồng Vaticanô II đang khi đào sâu về mầu nhiệm Giáo hội, nêu bật bản chất Giáo hội là hiệp thông, đã cho thấy mối tương quan giữa đời sống thánh hiến và Giáo hội. Tương quan ấy mật thiết tới độ Giáo hội nói rằng đời sống thánh hiến thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội (GL 207, LG 43, PC 2). Thế nhưng khi phải bàn tới những tương quan mang tính pháp lý hay tương tác về mặt xã hội giữa đời sống thánh hiến và Giáo hội địa phương, thì điều này có lúc gây nên cảm giác như thể có xung khắc như vẫn thường xảy ra giữa hai thực thể, hai tổ chức. Cần phải làm rõ ngay từ đầu là giữa đời sống thánh hiến và Giáo hội địa phương có một tương quan mang tính sự sống vốn thuộc về bản chất của cả hai bên, nghĩa là đây không phải là hai thực thể mang tính quy ước xã hội gần bên và tương tác với nhau; những khía cạnh pháp lý của tương quan giữa đời sống thánh hiến và Giáo hội là một đòi hỏi thực tế từ bản chất của cả hai, vừa là hiệp thông vừa là đặc sủng. Tương quan do bản tính hiệp thông và đặc sủng ấy đòi hỏi những ràng buộc pháp lý để bảo đảm bản chất hiệp thông mà không tổn hại chiều kích đặc sủng, một sự tự trị mà không gây chia cách, và tạo thuận lợi cho tình yêu và sự hợp tác. Chính tại điểm này mà chúng ta cần quy chiếu đến huấn quyền và Giáo luật.

Cảm thức về đời sống thánh hiến trong lòng Hội Thánh phải được hiểu trong hậu cảnh của một suy tư thần học liên quan đến thừa tác vụ trong Hội Thánh và các đặc sủng. Một Giáo hội địa phương mà hiểu và thực hành chính xác mối tương quan năng động giữa thừa tác vụ và đặc sủng, thì hiện thực được những điều kiện giúp cho tương quan giữa Giáo hội thừa tác và đời sống thánh hiến phát sinh hoa trái. Trước kia, vấn đề về những cách thức hiện diện của người tu sĩ trong Giáo hội đã được bàn đến chủ yếu là trong phạm vi tương quan giữa các tu sĩ và các giám mục, giữa các tu sĩ và hàng giáo sĩ giáo phận nói chung. Bức tranh thời xưa đó thiếu vắng một suy tư thần học khai mở về tương quan của đời sống thánh hiến và Giáo hội địa phương, và càng tổng quát hơn, suy tư ấy thiếu sự chú tâm tới diện mạo Giáo hội học về đời sống thánh hiến. Xưa kia đời sống thánh hiến được xét đến hạn hẹp vào đời sống tu trì, được nhìn chính yếu trong bức tranh về lý tưởng của sự hoàn thiện cá nhân Kitô hữu, nhưng không trong cái nhìn của Kinh thánh về các đặc sủng trong Giáo hội.

Vì thế, một cách sâu xa, việc hội nhập các Tu hội đời sống thánh hiến vào Giáo hội địa phương không liên quan đến việc tổ chức cho tốt để đạt được trật tự chung, tránh được những nguy cơ có thể xảy ra; nhưng liên quan đến chính mầu nhiệm của Hội Thánh và của đời sống thánh hiến, xét như là một tương quan nội tại hỗ tương. Giáo hội cốt yếu là một mầu nhiệm của sự hiệp thông và đời sống thánh hiến thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội. Tất cả những điều đó ấn định một tương quan đặc biệt của đời sống thánh hiến với Giáo hội địa phương và mục tử của Giáo hội ấy.

Những quy định chính yếu về đời sống thánh hiến được tìm thấy trong phần 3 Quyển II của Bộ Giáo luật với tựa đề Dân Thiên Chúa. Sự sắp xếp ấy muốn xác định sự hiện hữu của đời sống thánh hiến nằm trong mầu nhiệm Dân Thiên Chúa. Giáo hội khi được trình bày như Dân Thiên Chúa muốn nói lên sự hiệp thông và Dân ấy được Thiên Chúa thiết lập như là thực tại hiệp thông có phẩm trật và với những đặc sủng khác nhau. Các đặc sủng là những ân ban của Thánh Thần cho Giáo hội và Giáo hội lãnh nhận (x. LG 43a). Và bởi vì Giáo hội là hiệp thông, những ân ban ấy nếu chân chính, sẽ tạo nên những yếu tố mang tính Giáo hội, thành những nhân tố của sự hiệp nhất theo kế hoạch của Thiên Chúa. Thật vậy, các đặc sủng đa dạng của đời sống thánh hiến, dù không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, nhưng lại phục vụ cho Giáo hội và chúng không chỉ là những ơn ban riêng rẽ, bởi vì chúng đòi phải được nhìn nhận và làm cho ổn định và đưa vào trong lòng Giáo hội như những đặc sủng để mưu ích chung.

Đời sống thánh hiến theo bản chất của nó, là một ân ban của Thánh Thần cho toàn thể Giáo hội, Dân Thiên Chúa. Giáo hội phổ quát là sự hiệp thông của các Giáo hội địa phương, thì tính lưỡng diện, phổ quát và đặc thù này, cũng là yếu tố làm nên đời sống thánh hiến. Bản chất đặc sủng của các Tu hội đời sống thánh hiến làm cho các Tu hội ấy vượt trên mọi tính cách địa phương, vì đó là một đặc sủng mang tính phổ quát, không hạn hẹp vào một nơi mà nó đã được khai sinh, dù cho nó đã được phê chuẩn và đưa vào trong đời sống của một Giáo hội ở một nơi nào đó. Mà dù cho đặc sủng là phổ quát cho toàn thể Giáo hội, đặc sủng ấy lại hiện diện và hoạt động trong Giáo hội địa phương. Một đặc sủng được ban là để được sống như là thuộc về sự sống của Giáo hội địa phương, để củng cố trong Giáo hội ấy những cơ cấu riêng mà không làm mất đi tính thuộc về Giáo hội hoàn vũ. Ơn gọi dành cho Giáo hội hoàn vũ của các phần tử của các Tu hội được hiện thực qua những cơ cấu của các Giáo hội địa phương, đóng góp xây dựng cho Giáo hội địa phương, và đóng góp cho sự hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ. Từ đó mà thấy rằng sự hiện hữu và hoạt động của những người thánh hiến sẽ là không thể hiểu được nếu ở ngoài Giáo hội địa phương.

Vị trí của các Tu hội đời sống thánh hiến trong đời sống giáo phận đã được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II định nghĩa rất rõ ràng và súc tích, như là sự phục vụ cho Giáo hội phổ quát được thực hiện trong Giáo hội địa phương. Một đàng, sự hiện diện của đời sống thánh hiến trong Giáo hội địa phương góp phần làm cho mầu nhiệm Giáo hội được tỏ hiện cho thế giới cách tròn đầy. Giáo hội địa phương không thể hiện được tròn đầy đặc tính công giáo của mình bao lâu trong lòng Giáo hội ấy không có sự đa dạng của các Tu hội đời sống thánh hiến vốn xây dựng Giáo hội. Đàng khác, việc mục vụ và sự tham dự của các người thánh hiến đòi phải có một sự hài hoà giữa căn tính riêng của họ và các nhu cầu của dân Thiên Chúa, giữa các hoạt động của họ, công cuộc của họ và hoạt động tông đồ của giáo phận.

I. MỐI LIÊN HỆ GIỮA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VÀ CÁC NGƯỜI THÁNH HIẾN TRONG GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

1. Vai trò của Giám mục trong Giáo hội địa phương

Công đồng Vaticanô II đã trình bày một Giáo hội học được đổi mới về Giáo hội địa phương, không khởi đi từ những đòi hỏi của xã hội học với tính lịch sử mà từ những đòi hỏi thuộc thần học tín lý. Giáo hội địa phương hiện thực nơi mình tính trọn vẹn của Giáo hội xét trong vai trò cử hành của chức Giám mục đối với Lời Chúa và đối với Bí tích, làm cho mầu nhiệm Ba Ngôi được hiện diện và đồng thời trở thành điểm gặp gỡ không thể thiếu, nơi đó con người gặp được mầu nhiệm cứu độ, mầu nhiệm mà chỉ Giáo hội phổ quát mới được gọi là bí tích của sự hiệp thông với Thiên Chúa và với toàn thể nhân loại (LG 1). Giáo luật điều 368 khẳng định về tính phổ quát này của Giáo hội khi nói rằng: “Trong các Giáo hội địa phương và từ các Giáo hội địa phương, hiện hữu một Giáo hội Công giáo duy nhất; các Giáo hội địa phương trước hết chỉ về các giáo phận và, nếu không định rõ cách khác, tương đương với giáo phận là hạt giám chức tòng thổ và đan viện tòng thổ, hạt đại diện tông tòa và hạt phủ doãn tông tòa, cũng như hạt giám quản tông tòa được thiết lập cách cố định”. và Giáo luật 369 định nghĩa Giáo hội địa phương như một “phần” Dân Thiên Chúa.

Gắn liền với giáo lý về Giáo hội địa phương là giáo lý về chức Giám mục. Trong Giáo hội học của Công đồng Vaticanô II liên quan đến Giáo hội địa phương, diện mạo thần học – pháp lý của Giám mục và các chức năng nguyên thuỷ của ngài được đổi mới sâu xa. Giáo hội địa phương chỉ là Giáo hội địa phương trong mức độ Giáo hội ấy có khả năng hiện thực các khía cạnh cốt yếu của Giáo hội phổ quát, với Giám mục là đầu hợp pháp của Giáo hội ấy, vì ngài chủ toạ và đại diện Giáo hội ấy. Các Giám mục như là kế vị của các tông đồ, do định chế thần linh các ngài được đặt định để làm thầy dạy về học thuyết, tư tế của phụng tự thánh và tác viên cai quản, và Giám mục Đầu của Giáo hội địa phương mang nơi mình trọn vẹn quyền về chức thánh và pháp lý để thực hiện các chức vụ tông đồ về giảng dạy, thánh hoá và cai quản.

Chiều kích phẩm trật và chiều kích đặc sủng lại được soi chiếu bởi sự hiệp thông vốn thuộc về chính bản tính của Giáo hội. Vai trò làm đầu của Giám mục đó là vai trò của người chủ toạ Giáo hội – hiệp thông tại một nơi chốn. Vì thế, việc thực thi chức năng của đầu từ phía chức vụ của các Giám mục phải được sinh động bởi một linh đạo hiệp thông: “Hiển nhiên, Giám mục là người đầu tiên, trong hành trình thiêng liêng của mình, có nhiệm vụ làm cho mình thành người cổ võ và người sinh động linh đạo hiệp thông, không mệt mỏi biến nó thành một trong những nguyên lý giáo dục sâu xa trong tất cả mọi nơi vun trồng con người và vun trồng Kitô hữu: tại các giáo xứ, các hiệp hội công giáo, các phong trào giáo hội, các trường học, các nguyện xá. Đặc biệt Giám mục sẽ chăm lo sao cho linh đạo hiệp thông được nổi bật và củng cố linh đạo đó ở nơi đào tạo các linh mục tương lai, tức là nơi các chủng viện, cũng như nơi các nhà tập của các Dòng tu, trong các nhà Dòng, các Học viện và các Phân khoa thần học”.

2. Đời sống thánh hiến trong sự sống của Giáo hội địa phương

Giáo hội nhìn nhận và tuyên bố đời sống thánh hiến có giá trị là dấu chỉ đối với Giáo hội phổ quát. Những hình thức đa dạng của lối sống chọn lựa theo Tin Mừng mà các người thánh hiến lấy làm của mình “với một danh hiệu mới và đặc biệt”, làm cho họ thuộc về Giáo hội và mầu nhiệm Giáo hội cách đặc biệt (LG 44). Dấu chỉ này trong thực tế được hiện thực trong Giáo hội địa phương. Đặc tính Giáo hội ấy phải được sống cách thực tế trong một bối cảnh mà toàn thể nhu cầu mục vụ ngày càng hiển nhiên. Những người thánh hiến không thể thực hiện chức năng của mình là dấu chỉ nếu họ không hiện diện trong Giáo hội địa phương. Bởi thế, Huấn quyền của Giáo hội dạy rằng những người thánh hiến thuộc về gia đình giáo phận và thông dự vào đời sống và sứ mệnh của giáo phận.

Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục về đời sống thánh hiến dành số 48 để nói về việc hội nhập đời sống thánh hiến vào Giáo hội địa phương. Những người thánh hiến có một vai trò ý nghĩa ngay cả bên trong các Giáo hội địa phương và họ có thể đóng góp nhiều cho việc xây dựng đức ái trong Giáo hội địa phương nhờ các đặc sủng đời sống thánh hiến. Tông huấn nhắc nhở rằng các giáo phận có nguy cơ yếu kém nhiều trong “tinh thần truyền giáo, vốn là đặc tính riêng của phần lớn các Tu hội” nếu các giáo phận ấy không có đời sống thánh hiến.

Như mục tử, Giám mục không thể dửng dưng đối với đời sống thánh hiến trong Giáo hội là giáo phận của mình; tình phụ tử thiêng liêng của ngài khiến ngài phải dấn thân cổ võ, bảo vệ, và nâng đỡ đời sống thánh hiến theo sự thúc đẩy của Thánh Thần, như Chúa đã tiếp nhận các tông đồ từ Chúa Cha, và sai họ như Chủ mùa gặt sai đi. Bởi thế, các Giám mục được đòi hỏi phải tiếp nhận và kính trọng các đặc sủng của đời sống thánh hiến, dành cho các đặc sủng ấy có chỗ trong các kế hoạch mục vụ của giáo phận. Các ngài cần có một sự quan tâm đặc biệt đối với các Tu hội thuộc luật giáo phận, vốn được uỷ thác đặc biệt cho sự chăm sóc của Giáo phận sở tại. […] Giám mục là người cha và người mục tử của toàn thể Giáo hội địa phương. Việc nhìn nhận và kính trọng, cổ võ và phối hợp từng đặc sủng là thuộc về Giám mục. Bởi thế, trong đức ái mục tử, ngài tiếp nhận đặc sủng đời sống thánh hiến như một ân ban không chỉ liên quan đến một Tu hội, nhưng là nhằm ích lợi cho toàn thể Giáo hội. Như vậy, ngài tìm cách nâng đỡ và giúp cho những người thánh hiến, để trong sự hiệp thông với Giáo hội, họ mở ra cho những nhãn giới thiêng liêng và mục vụ đáp ứng cho những đòi hỏi của thời đại, trong sự trung thành với sự khởi hứng của đấng sáng lập. Trong Giáo hội – hiệp thông, Giám mục phải kính trọng và cổ võ ơn gọi và sứ mạng chuyên biệt của đời sống thánh hiến, vốn thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội một cách vững bền. Ngay cả trong Giáo hội địa phương, đời sống thánh hiến chu toàn bổn phận làm sự hiện diện mẫu mực theo sứ mạng đặc sủng. Bởi vậy, Giám mục giáo phận phải hết sức nâng đỡ các ơn gọi tới các tác vụ thánh và tới đời sống thánh hiến, chăm lo cách đặc biệt cho ơn gọi linh mục và truyền giáo (GL 385).

3. Sự hướng dẫn của Giám mục trong hoạt động tông đồ của Giáo hội địa phương

Nguyên tắc là thế này: Việc tông đồ là một, đó là việc tông đồ của Giáo hội. Tất cả các công cuộc tông đồ, thuộc bất cứ loại nào, đều là công cuộc của Giáo hội, mà người lãnh đạo là Đức giáo hoàng Rôma ở bình diện phổ quát và ở bình diện địa phương, các Đức Giám mục cùng hiệp thông với ngài (CD 2b). Bởi thế, phải thấy rõ là Giáo hội không được thiết lập với mục đích trở thành một “tổ chức các hoạt động”, nhưng đúng hơn, là “thân thể sống động của Chúa Kitô để làm chứng”. Tuy nhiên, Giáo hội tất yếu phải thực hiện một việc lên kế hoạch cụ thể và phối hợp nhiều chức vụ và việc phục vụ, để cho tất cả cùng nhau đồng quy trong một hoạt động mục vụ hợp nhất, trong đó định ra những chọn lựa cần theo đuổi và những trách vụ tông đồ được đề ra.

Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem dạy rằng “trong Giáo hội có một sự khác biệt về tác vụ nhưng duy nhất về sứ mệnh. Các tông đồ và các người kế vị đã nhận được từ Đức Kitô chức năng giảng dạy, thánh hoá và cai quản nhân danh Đức Kitô và với quyền bính của Ngài” (AA 2). Hơn nữa, sắc lệnh ấy dạy rằng toàn thể hoạt động của thân thể mầu nhiệm hướng tới mục tiêu làm lan toả Nước Thiên Chúa thì được gọi là việc tông đồ; và được thực thi bởi tất cả các chi thể của Người, hiển nhiên là theo những cách thức khác nhau; thật vậy, ơn gọi Kitô hữu, do chính bản chất của nó, cũng là ơn gọi tông đồ (AA 2).

Đúng thế, Giáo hội địa phương tạo nên khoảng không gian lịch sử, trong đó ơn gọi được tỏ lộ thành thực tại và thực hiện nhiệm vụ tông đồ của mình. Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo hội khẳng định rằng Giám mục, trong tư cách người được đặt làm đầu của Giáo hội địa phương, phải cổ võ những hình thức việc tông đồ khác nhau trong giáo phận và phải chăm sóc để trong giáo phận tất cả mọi sáng kiến và hoạt động (thuộc về giáo lý, truyền giáo, bác ái, xã hội, gia đình, trường học và mọi loại công việc nhắm vào mục vụ), đang khi vẫn giữ lại bản chất riêng của mỗi loại, thì được phối hợp dưới sự hướng dẫn của ngài. Giáo huấn ấy được lấy lại trong Bộ Giáo luật, trong thể thức của một bổn phận (GL 394).

Vì thế, tất cả đều được kêu gọi lãnh một vai trò trong việc tông đồ của Giáo hội dưới sự phối hợp của Giám mục. Và Giám mục, trong việc mục vụ cùng nhau, ngài thực hiện chức năng làm người mục tử thứ nhất, với nhiệm vụ phải được hiểu như là tác nhân của sự hiệp nhất và phối hợp các nguồn lực, mà không bài bác các đặc sủng và không cào bằng các thể loại đời sống vốn thuộc về sự tròn đầy của sự phát triển của Giáo hội. Theo hướng này, Bộ Giáo luật trong các điều từ 678-683 ấn định rằng Giám mục giáo phận phải có tương quan đặc biệt với các tu sĩ đang thực thi việc tông đồ trong giáo phận ngài. Chính lịch sử minh chứng dư thừa bằng chứng rằng sự khác biệt về các ơn gọi, và đặc biệt là sự cùng hiện hữu và cộng tác giữa các ơn gọi không làm hại cho giáo phận, mà ngược lại, làm cho giáo phận nên phong phú với những kho tàng thiêng liêng mới và làm cho giáo phận tăng trưởng rất nhiều trong sức sống tông đồ.

4. Tương quan giữa Giám mục giáo phận và các người thánh hiến trong hoạt động tông đồ

4.1. Bản tính phẩm trật và đặc sủng của Giáo hội được thể hiện trong Giáo hội địa phương

Công đồng đã làm nổi bật bản tính riêng biệt của Giáo hội, khi trình bày Giáo hội như mầu nhiệm. Trong mầu nhiệm Giáo hội, sự hiệp nhất trong Chúa Kitô đưa tới một sự hiệp thông hỗ tương về đời sống giữa các phần tử. Chúa Kitô hiệp nhất Giáo hội trong sự hiệp thông sự sống thần linh và trong tác vụ, Ngài sắp đặt và điều khiển Giáo hội với những ơn ban phẩm trật và đặc sủng và làm cho Giáo hội nên xinh đẹp với những hoa trái. Công đồng trình bày diện mạo của các tông đồ như điểm quy chiếu hữu hình: “Như tất cả các chi thể của thân thể con người, dầu có nhiều, nhưng chỉ làm thành một thân thể, thì các tín hữu cũng vậy trong Chúa Kitô (x. 1Cr 12,12). Cũng vậy trong cơ cấu của thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô có một sự khác biệt về các thành phần và chức vụ. Chỉ một Thần Khí, Đấng phân phối các ơn ban khác nhau vì lợi ích của Giáo hội theo sự phong phú và theo sự cần thiết về các tác vụ (x. 1Cr 12, 1-11). Giữa các ân ban này, trổi vượt là việc ban cho làm tông đồ, mà các ơn ban đặc sủng khác phải vâng phục” (1Cr 14; LG 7c).

Mỗi đặc sủng đều là ân ban của Thánh Thần để phục vụ, nghĩa là nhằm để xây dựng Giáo hội. Tác vụ Giám mục và đời sống thánh hiến là những đặc sủng được ban để xây dựng Thân Thể Đức Kitô. Tác vụ Giám mục và đặc sủng riêng của các người thánh hiến là những yếu tố làm nên Giáo hội – hiệp thông, vì thế, cả hai đều cần thiết. Chức năng Giám mục phát xuất từ thực tại của Giáo hội tông truyền, xét như là thừa tác viên của các mầu nhiệm của Chúa Kitô; còn đời sống thánh hiến, phát sinh từ chính sự sống của Giáo hội như là môn đệ và hiền thê (LG 43; PC 1).

Chức Giám mục buộc vị Giám mục phải có một sự phục vụ khôn ngoan đối với đời sống thánh hiến vì mối tương quan không thể nghi ngại của đời sống này với sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội. Từ phía mình, sự phục vụ đầu tiên mà đời sống thánh hiến có thể cống hiến của Giáo hội địa phương, đó chính là sự hiện diện và sứ mệnh đặc sủng của mình. Các Giám mục được mời gọi quan tâm chăm sóc đặc biệt đối với đời sống thánh hiến. Còn các Tu hội, trong sự quân bình giữa đặc sủng riêng và việc phục vụ mục vụ, phải tìm được cách thức hiện diện trong giáo phận như là men của sự sống tin mừng. Giáo phận đòi hỏi từ đời sống thánh hiến nhiều việc phục vụ đa dạng và sự phục vụ tốt nhất từ phía các người thánh hiến, đó chính là sự trung thành với đặc sủng. Sự trung thành đó lệ thuộc vào sự xác tín về căn tính riêng và sự mạnh mẽ sống đặc sủng. Sự xác tín và mạnh mẽ đó không có nghĩa là mục đích chuyên biệt và tính phổ quát của Tu hội thì phải thực hiện độc lập với Giám mục giáo phận.

4.2. Sự phối hợp hoạt động tông đồ trong Giáo hội địa phương

Dựa vào bản tính đặc sủng và phẩm trật của Dân Thiên Chúa (LG 4), Tông huấn Vita Consecrata nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp hoạt động tông đồ trong Giáo hội địa phương; điều này đòi các Giám mục và các Tu hội những thái độ căn bản cần thiết. “Điều cần đó là các sáng kiến mục vụ của các người thánh hiến phải được quyết định và thực hiện dựa trên một cuộc đối thoại thân tình và cởi mở giữa các Giám mục và các Bề Trên của các Tu hội. Sự quan tâm đặc biệt từ phía các Giám mục đối với ơn gọi và sứ mạng của các Tu hội và sự kính trọng từ phía các Tu hội này đối với tác vụ của các Giám mục, với sự sẵn sàng tiếp nhận các hướng dẫn mục vụ đối với giáo phận, là tiêu biểu cho hai thái độ mật thiết liên quan đến nhau của cùng đức ái duy nhất của Giáo hội, khiến cho tất cả đều nhằm phục vụ cho sự hiệp thông hữu cơ – tức là một cơ cấu vừa có tính đặc sủng vừa có tính phẩm trật – trong lòng Dân của Thiên Chúa”.

Các đặc sủng của đời sống thánh hiến góp phần vào việc xây dựng đức ái trong Giáo hội địa phương, và sự cộng tác của các người thánh hiến với các Đức Giám mục mặc lấy một tầm quan trọng nền tảng đối với sự phát triển hài hoà của việc mục vụ giáo phận. Vì thế, các Tu hội và các vị hữu trách của các Tu hội ấy “phải cống hiến sự cộng tác cách quảng đại với Giáo hội địa phương, theo như nguồn lực và trong sự trân quý đối với đặc sủng riêng của mình, hoạt động trong sự hiệp thông tròn đầy với Giám mục trong lãnh vực loan báo Tin Mừng, trong việc dạy giáo lý, trong đời sống giáo xứ”; thêm vào đó, không “nại tới sự tự lập chính đáng và sự miễn trừ mà nhiều Tu hội được hưởng, để biện minh cho những chọn lựa trong thực tế đối ngược lại những nhu cầu của sự hiệp thông hữu cơ của Giáo hội”.

4.3. Các nguyên lý về việc tông đồ của các người thánh hiến trong Giáo hội địa phương

4.3.1. Đòi buộc tôn kính Giám mục và cảm thức hiệp thông

Nếu Giáo hội địa phương, phần dân Thiên Chúa, trong đó Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền thực sự hiện hữu (GL 368), được uỷ thác cho sự chăm sóc mục vụ của Giám mục (GL 369) và cho sự cai quản của ngài (GL 391); và nếu Giám mục là người có trách nhiệm phối hợp các hoạt động tông đồ (GL 394), thì rõ ràng là, cũng giống như mọi tín hữu, các người thánh hiến sống và làm việc trong Giáo hội ấy, cũng buộc phải có lòng tôn kính xứng hợp dành cho ngài (GL 753) và phải có một sự vâng phục đặc biệt khi thực thi việc tông đồ trong giáo phận (GL 678).

Tuy nhiên, sự bó buộc này không là một thái độ thuần tuý mang tính hình thức cần phải có đối với quyền bính. Nguồn của bó buộc này chính là cảm thức về sự hiệp thông vốn là đặc trưng của những người thuộc về mầu nhiệm và thuộc về sự thánh thiện của Giáo hội. Tông huấn Vita Consecrata nhấn mạnh là “từ phía những người thánh hiến, một yếu tố xác định phẩm chất của sự hiệp thông Giáo hội này, đó là sự gắn bó của tâm trí và cõi lòng đối với huấn quyền của các Giám mục, và phải sống sự hiệp thông ấy với sự trung tín và chứng tá rõ ràng trước mặt Dân Thiên Chúa”, đó là vì họ “có một chỗ đặc biệt trong Giáo hội”; bởi thế “thái độ của họ đối với huấn quyền của các Giám mục có tầm quan trọng đối với toàn thể dân Thiên Chúa”. Các người thánh hiến, đến lượt mình, họ tiếp nhận chân tình những chỉ dẫn mục vụ của Giám mục, nhắm tới một sự hiệp thông tròn đầy với đời sống và sứ mệnh của Giáo hội địa phương, nơi họ cư ngụ.

4.3.2. Các nguyên tắc về việc tông đồ của các người thánh hiến

Để hiện thực được một sự hiệp thông hội thánh đích thực, cần phải trung thành với đặc sủng riêng, coi đặc sủng ấy như là một ân ban đặc biệt dành cho toàn thể Giáo hội; sống đặc sủng ấy trong cách thức hội thánh và nhập vào đời sống của Giáo hội, chấp nhận sự lệ thuộc cần thiết cũng như chấp nhận trách nhiệm riêng, đặt mình dưới sự hướng dẫn của những người mà Thần Khí đã đặt làm người lãnh đạo đoàn chiên. Sắc lệnh Christus Dominus ở số 35 khuyên nhủ rằng các công cuộc tông đồ trong các giáo phận phải luôn thực hiện trong sự hài hoà và giữ được sự hiệp nhất về kỷ luật giáo phận, dựa theo những nguyên lý sau đây:

[1] Tất cả các tu sĩ, coi các Giám mục như là kế vị các Tông đồ, cần luôn kính trọng các ngài; thực thi các hoạt động tông đồ như những người trợ lực các Giám mục, sẵn sàng tiếp nhận lời mời gọi đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn trong tác vụ chăm sóc các linh hồn; các Bề trên hãy khích lệ các người thuộc quyền để họ cộng tác;

[2] Các tu sĩ phải giữ gìn tinh thần của họ, tuân thủ luật Dòng và tùng phục Bề trên của mình;

[3] Sự miễn trừ khỏi quyền bính của các Giám mục do Đức giáo hoàng Rôma ban, chính yếu liên quan đến trật tự nội bộ của các Tu hội, và vì thiện ích của Giáo hội phổ quát. Sự miễn trừ ấy không miễn chước khỏi thẩm quyền của các Giám mục trong tác vụ chăm sóc các linh hồn;

[4] Tất cả mọi tu sĩ, dù thuộc dòng miễn trừ hay không miễn trừ, đều dưới thẩm quyền của các Giám mục trong tất cả những gì liên quan đến việc thờ phượng công và chăm sóc các linh hồn; việc giảng dạy cho dân chúng, việc giáo dục tôn giáo và luân lý cho các tín hữu, việc dạy giáo lý, việc đào tạo phụng vụ, và những công cuộc liên quan đến việc tông đồ;

[5] Giữa các Tu hội, cũng như giữa các Tu hội và giáo sĩ giáo phận, cần cổ võ một sự cộng tác có trật tự và các công cuộc cũng như các hoạt động tông đồ trong giáo phận cần phải phối hợp tốt với nhau. Cần phải thực hiện việc cùng làm kế hoạch, qua việc tham vấn hỗ tương giữa các Giám mục và các Bề trên Dòng tu;

[6] Cần phải cổ võ những mối tương quan tốt kể cả bằng những cuộc họp định kỳ, nếu điều đó cần thiết.

Hiến chế Lumen Gentium khẳng định rõ tất cả những điều này nói chung và còn nhấn mạnh tới khía cạnh pháp lý vốn đòi phải có trong thực tế, tức là những gì sẽ được ấn định trong các điều của Giáo luật: “Về phần mình, các thành viên, khi chu toàn nhiệm vụ của họ đối với Giáo hội theo lối sống cụ thể của mình, phù hợp với giáo luật, phải tôn kính và vâng phục các Giám mục, vì thẩm quyền mục tử của các ngài trong các Giáo hội địa phương và vì sự hiệp nhất và hòa hợp cần thiết trong việc tông đồ” (LG 45). Giáo luật ở điều 678§1 chỉ rõ việc các tu sĩ phải phục tùng hoàn toàn Đức Giám mục giáo phận trong những gì liên quan đến: chăm sóc các linh hồn, thực thi công việc thờ phượng Thiên Chúa; các công việc tông đồ khác, và phạm vi việc tông đồ thì rất bao quát và đụng đến mọi dấn thân mục vụ và tông đồ mà các tu sĩ thực hiện trong Giáo hội địa phương.

Kiểu nói “alia apostolatus opera” mang ý nghĩa vô cùng rộng: muốn nhằm tới bất cứ công cuộc nào thực thi hướng tới người tín hữu mà Giám mục có thẩm quyền trên họ. Tuy nhiên, sự tùng phục ấy không trải rộng tới mức người tu sĩ được miễn khỏi phải tuân giữ tu trì và tới mức Giám mục có thể cấm việc thực hiện công cuộc riêng của Tu hội, và đối với các Tu hội giáo sĩ, cấm thực thi tác vụ thánh trong nhà thờ riêng của Tu hội, vì đây là một quyền của các tu sĩ (GL 611 và 678 §2).

Tuy nhiên, điều là nền tảng và quan trọng đó chính là tinh thần hiệp thông; bởi thế, đối với các phần tử của các Tu hội, những gì mà luật của Giáo hội ấn định cần được tuân giữ trong tinh thần của sự hiệp thông, vốn là hoa trái của tinh thần tông đồ thấm đầy sự kết hợp với Thiên Chúa (GL 675)

II. CÁC HỘI DÒNG THAM DỰ VÀO VIỆC MỤC VỤ CỦA GIÁO PHẬN VỚI CÁC CÔNG CUỘC RIÊNG VÀ CÔNG CUỘC ĐƯỢC UỶ THÁC

1. Phân biệt công cuộc riêng và công cuộc được uỷ thác

Trong Bộ Giáo luật có sự phân biệt giữa các công cuộc riêng và các hoạt động riêng của các Dòng tu với các công cuộc được Giám mục giáo phận uỷ thác cho họ. Ví dụ, điều 677, §1 khuyên các Bề trên và các phần tử Dòng tu phải trung thành với sứ mệnh và các công cuộc riêng của Dòng; đang khi các điều 681, §1 và 683, §1 nói đến các công cuộc được Giám mục giáo phận uỷ thác cho các tu sĩ; điều 778 nói tới các nhà thờ, các trường học riêng và các công cuộc khác cách nào đó được uỷ thác cho họ.

1.1. Các công cuộc riêng

Tự sắc Ecclesiae Sanctae, ở phần I số 28 giải thích: “Các công cuộc riêng hay đặc thù của mỗi Dòng tu, tức là những công cuộc, với sự phê chuẩn của Tông Toà, được gắn liền với việc lập Dòng hay gắn liền với truyền thống đáng kính của Dòng, và sau đó được xác định và điều hành bởi chính Hiến luật và bởi các quy luật riêng khác của Dòng, thì các tu sĩ phải cổ võ các công cuộc ấy với nhiệt tâm, đang khi quan tâm đặc biệt đến những nhu cầu thiêng liêng của giáo phận và chăm lo giữ gìn sự hoà hợp huynh đệ với hàng giáo sĩ giáo phận và các Dòng khác điều hành những công cuộc tương tự”. Cũng vậy văn kiện Mutuae Relationes phân biệt giữa công cuộc riêng của một Dòng tu với những công cuộc được Bản quyền sở tại uỷ thác cho một Dòng tu: “cần phải lưu tâm phân biệt, giữa những công cuộc riêng của một Dòng tu và các công cuộc khác được Bản quyền sở tại uỷ thác cho một Dòng tu. Thật vậy, những công cuộc riêng thì lệ thuộc vào bề trên tu sĩ theo quy tắc của luật Dòng, ngay cả dù nó có phải tuân theo thẩm quyền mục vụ của Bản quyền sở tại theo quy tắc của luật (x. ES I, 29).

Vì thế, các công cuộc riêng của các Dòng tu là những công cuộc được quy định trong luật Dòng và lệ thuộc vào các bề trên tu sĩ theo như chính luật Dòng. Xét như thực hiện một sứ mạng của Giáo hội, những công cuộc đó dưới quyền của Giáo hội và bởi đó, do chính việc mục vụ, thuộc thẩm quyền của Bản quyền sở tại theo quy tắc của luật. Dù rằng những công cuộc này là của riêng Dòng tu, thì các người thánh hiến phải ý thức rằng họ đang thực thi sứ mệnh chuyên biệt nhân danh Giáo hội và phải cảm thấy mình là thành phần của sự hiệp thông với chính phẩm trật. Sự bắt buộc phải có sự đồng ý từ phía Giám mục giáo phận để thiết lập một tu xá có nghĩa là đưa cuộc sống của các tu sĩ và công cuộc gắn liền với họ vào trong cuộc sống và sứ mạng của giáo phận (GL 609§1). Và vì tầm quan trọng của một số công cuộc, còn đòi phải có sự đồng ý thích đáng của quyền bính thẩm quyền. Trong số các công cuộc riêng mà các người thánh hiến phải xin phép trước của Giám mục, Bộ Giáo luật kể ra: phải có sự đồng ý của ngài để xây dựng một nhà thờ tại một nơi, trong trường hợp là Dòng tu giáo sĩ; sự đồng ý để lập một trường học riêng, trong trường hợp các Dòng tu có sứ mạng chuyên biệt về giáo dục.

Vì thế, các công cuộc riêng theo nghĩa đặc sủng-pháp lý là những công cuộc thuộc về mục đích chuyên biệt của Dòng. Công cuộc riêng của Dòng (điều hành nhân danh Dòng, vốn là chủ nhân) thì ở dưới trách nhiệm của chính Dòng, trừ ra thẩm quyền của Giám mục trong những gì liên quan đến khía cạnh mục vụ (x. GL 678§1).

Thật quan trọng nhận ra sự hiện diện của các Dòng tu trong Giáo hội địa phương với những công cuộc riêng vốn cho thấy sự dấn thân mang tính Giáo hội, chính xác là qua những công cuộc ấy. Những công cuộc này có thể được điều hành bởi chính Hội Dòng, xét vì chúng là công cuộc riêng (cả theo nghĩa vì Hội Dòng là chủ nhân), hoặc xét vì chúng được uỷ thác cho Hội Dòng (đang khi thuộc sở hữu của giáo phận). Bởi thế, theo nghĩa thuần tuý pháp lý, các công cuộc riêng thì thuộc về Hội Dòng, như thế phân biệt chúng với những công cuộc được uỷ thác.

1.2. Các công cuộc được uỷ thác

Có thể có những công cuộc nằm trong mục tiêu của Hội Dòng nhưng không thuộc riêng Dòng xét vì chúng thuộc về giáo phận và được điều hành bởi Hội Dòng nhân danh giáo phận (ví dụ, một trường học của giáo phận do các tu sĩ điều hành). Trong trường hợp này, chúng được Bản quyền sở tại uỷ thác theo pháp lý, chúng không là của riêng của Hội Dòng, ngay cả khi được điều hành bởi Hội Dòng. Có thể thấy cả trong trường hợp các công cuộc riêng do Hội Dòng điều hành nằm bên trong những toà nhà được uỷ thác. Trong trường hợp này, theo pháp lý chúng được xem như là công cuộc riêng của Hội Dòng (ví dụ, theo như I, 29, §1 của Ecclesiae Sanctae, một nhà được uỷ thác cho một Hội Dòng để thực hiện các công cuộc riêng của Dòng, chẳng hạn như một trường học, nhân danh chính Hội Dòng).

Trong những hoàn cảnh đặc biệt, Giáo hội mời các tu sĩ cống hiến sự phục vụ cả trong những công cuộc không thuộc riêng Dòng theo nghĩa đặc sủng. Ví dụ, sắc lệnh Christus Dominus hướng một lời mời “đứng trước nhu cầu khẩn thiết của các linh hồn và sự khan hiếm hàng giáo sĩ giáo phận, các Hội Dòng, vốn không thuộc hoàn toàn vào đời chiêm niệm, có thể được các Giám mục mời gọi để cộng tác vào các tác vụ mục vụ khác nhau, tuy nhiên vẫn lưu tâm đến những đặc tính riêng của mỗi Dòng tu. Và các bề trên dòng tu, bao nhiêu có thể, hãy khích lệ những người thuộc quyền để họ cộng tác, chấp nhận cai quản tạm thời các giáo xứ” (CD 35,1).

Bởi thế, có thể là, do một lời mời dựa vào nhu cầu của Giáo hội, Hội Dòng sẽ đảm nhận một công cuộc được uỷ thác mà không nằm trong hay không giống lắm với các công cuộc điển hình của Hội Dòng (CD 35,1). Tuy nhiên, Công đồng và cả chính Bộ Giáo luật trong nhiều điều khoản, vẫn luôn nhắc nhở về sự trung thành với đặc sủng riêng và với các công cuộc riêng. Vì vậy, trong trường hợp này, cách nào đó, là một phục vụ mang tính thay thế, vốn do sự khẩn cấp, mặc dù vậy vẫn cho thấy giá trị của nó và làm nổi bật sự thể là các tu sĩ là vì Giáo hội.

2. Những công cuộc được uỷ thác cho Hội Dòng và những chức vụ được uỷ thác cho tu sĩ

Những công cuộc nào tuỳ thuộc vào thẩm quyền và sự hướng dẫn của Giám mục, thì đây là trường hợp các công cuộc được uỷ thác (GL 681, §1; 682, §1): những công cuộc của giáo phận, của Giáo hội, mà vì những lý do khác nhau được uỷ thác cho các tu sĩ (ví dụ, giáo xứ, hiệp hội, học viện, trường học, các quỹ, bệnh viện,…), hoặc những chức vụ đặc biệt, những chức năng lâu dài hay tuỳ dịp (ví dụ, điều hành một công cuộc của giáo phận, nhân viên của Toà án, của Toà giám mục, Ban Cố vấn,…) vốn thuộc về cơ cấu phẩm trật của chính Giáo hội địa phương. Giám mục thực thi quyền bính và sự hướng dẫn theo nhiều cách thức khác nhau: với những quy tắc, chỉ thị, kiểm tra, kinh lý, giám sát. Nếu trong giáo phận có hay đã ban hành những quy tắc luật địa phương liên quan đến các công cuộc phải thực hiện, thì cả các tu sĩ làm việc trong đó cũng buộc phải tuân hành chúng. Điều này cũng có giá trị cả đối với các xứ truyền giáo.

Về sự uỷ thác, Bộ Giáo luật cho thấy thật quan trọng để phân biệt giữa các công cuộc được uỷ thác cho các tu sĩ của một Dòng tu (GL 681, §1; 683, §1) và việc ban một giáo vụ cho một tu sĩ (GL 682, §1). Theo ý của Ecclesiae Sanctae I, các số 30-31, trường hợp thứ nhất hiểu về mọi công cuộc tông đồ được Bản quyền sở tại uỷ thác cho một Dòng tu; trường hợp thứ hai hiểu về một chức vụ được trao cho một tu sĩ.

Liên quan đến các công cuộc, Giáo luật điều 681, §1 nói đơn giản là: các công cuộc mà Giám mục giáo phận uỷ thác cho các tu sĩ, thì không phân biệt là các công cuộc đó có nằm trong mục tiêu của Hội Dòng hay không. Các công cuộc được uỷ thác cho Dòng hay cho các tu sĩ thì lệ thuộc thẩm quyền và sự hướng dẫn của Giám mục (GL 681, §1) và đồng thời các tu sĩ cũng lệ thuộc vào các bề trên và phải giữ lòng trung thành với kỷ luật của Dòng (GL 678, §2§3). Nói tóm lại, về những gì liên quan đến các công cuộc thì các tu sĩ phải vâng phục thẩm quyền của quyền bính và sự hướng dẫn của Giám mục; và về những gì liên quan đến đời sống cá nhân thì các tu sĩ phải trung thành với đặc sủng và kỷ luật của Hội dòng.

Cách thức. Trong trường hợp các Hội Dòng được uỷ thác những công cuộc của giáo phận, thì Giáo luật 681 §2 ấn định rằng giữa Giám mục giáo phận và Bề trên thẩm quyền của Dòng phải ký kết một hợp đồng bằng văn bản. Trong bản hợp đồng đó phải xác định rõ những bổn phận và quyền lợi hỗ tương, công cuộc nào phải thực hiện, các tu sĩ nào phải lãnh trách nhiệm và khía cạnh kinh tế. Giáo luật điều 682, §1 chỉ ra cách thức phải thực hiện khi ban một giáo vụ cho một giáo sĩ, nghĩa là việc bổ nhiệm là do Giám mục giáo phận dựa vào giới thiệu hay ít ra là sự đồng ý của Bề trên thẩm quyền; và khi có lý do chính đáng, tu sĩ cũng có thể bị bãi nhiệm theo sự nhận định hoặc của quyền bính đã uỷ thác cho người ấy, và thông báo cho Bề trên dòng tu, hoặc bởi chính Bề trên, và thông báo việc này cho thẩm quyền đã ban chức vụ ấy; trong cả hai trường hợp, không cần sự đồng ý của thẩm quyền bên kia.

Các công cuộc. Trong trường hợp thứ nhất này, chính Hội Dòng đảm nhận trách nhiệm về một công cuộc, công cuộc đó có thể là một giáo xứ hay một nhiệm vụ tông đồ nào đó chuyên biệt. Công cuộc xét như thế, đã được uỷ thác cho Hội Dòng và vượt quá từng cá nhân mà Hội Dòng có thể đầu tư vào đó. Chính Hội Dòng phải bảo đảm việc quản trị và sức sống của công cuộc đó. Ở đây muốn nói tới một công cuộc được uỷ thác cho Hội Dòng, dù không phải là của riêng Hội Dòng, kể cả khi phù hợp với mục tiêu của Hội Dòng. Giám mục, xét như là Đấng Bản quyền và nhân danh giáo phận đứng trước Hội Dòng, sẽ trao đổi với Bề trên, là người nhân danh Hội Dòng đảm nhận những nhiệm vụ đứng trước giáo phận. Giám mục giáo phận và Bề trên thẩm quyền (theo quy tắc là Bề trên Cấp cao) phải ký một hợp đồng bằng văn bản, trong đó xác định những gì liên quan đến công cuộc phải thực hiện, các tu sĩ làm việc trong đó, khía cạnh kinh tế. Hợp đồng đó là bắt buộc phải làm.

Một giáo vụ. Cả trong trường hợp về một nhiệm vụ hay một giáo vụ được uỷ thác cho cá nhân tu sĩ cũng không loại trừ một bản hợp đồng. Trong việc trao ban giáo vụ, việc bổ nhiệm thuộc về Giám mục giáo phận, nhưng việc này lại lệ thuộc vào sự giới thiệu hay ít là sự đồng ý của Bề trên thẩm quyền. Cần chú ý rằng không phải Giám mục hay cá nhân tu sĩ có thể quyết định một cách tự tiện không có sự đồng ý của Bề trên. Tự nó, không có chức vụ nào bị loại trừ mà không thể trao cho cá nhân tu sĩ (ví dụ, làm Tổng đại diện, hay đại diện giám mục, chưởng ấn, quản lý giáo phận, cha xứ,…), miễn là tương hợp với đời sống tu sĩ. Trong trường hợp này, nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến người trách nhiệm, vì người ấy có một số phẩm chất nào đó; nhưng Hội Dòng không đảm nhận công cuộc hay nhiệm vụ đó, Hội Dòng chỉ có nhiệm vụ có đồng ý cho tu sĩ ấy đảm nhận hay không mà thôi. Nếu xảy ra là tu sĩ đó không đủ năng lực thi hành hay mất đi, thì Hội Dòng không có quyền cho người khác thay thế, bởi vì nhiệm vụ ấy đã được uỷ thác cho cá nhân tu sĩ.

Kết luận: Những đòi buộc pháp lý nhằm bảo đảm, củng cố và phát triển tinh thần hiệp thông

Nhờ vào Giáo hội học của Công đồng Vaticanô II, cùng với những chỉ dẫn và giáo huấn của Huấn quyền hậu công đồng, việc đào sâu thần học về đời sống thánh hiến đã cho thấy một sự đổi mới lớn lao. Đời sống thánh hiến thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội phổ quát, vốn là sự hiệp thông của các Giáo hội địa phương, nên cũng thuộc về Giáo hội địa phương. Do đó, mối tương quan giữa các Tu hội đời sống thánh hiến và Giáo hội địa phương là một tương quan sự sống, xuất phát từ chính bản tính của cả hai. Tương quan ấy mang dấu ấn của Giáo hội hiệp thông, vốn mang nơi mình các đặc sủng và được uỷ thác cho sự chăm sóc mục vụ của Giám mục. Giáo luật đề ra những nguyên tắc về sự hiệp thông, văn kiện Mutuae Relationes và Tông huấn Vita Consecrata đặt tầm quan trọng cho việc nghiên cứu những cơ quan và cơ cấu để cổ võ sự hiệp thông, qua một sự đối thoại liên lỉ do đức ái thúc đẩy (VC 50; MR 55, 63). Tuy nhiên, các cơ quan và cơ cấu ấy không chỉ giới hạn nhằm để cổ võ sự hiệp thông thiêng liêng giữa các Tu hội đời sống thánh hiến với các Giám mục mà thôi, chúng còn nhằm giúp cống hiến tích cực vào sứ mệnh trong Giáo hội địa phương (VC 53). Các tương quan hỗ tương khai mở ra biết bao khả thể để những nét chuyên biệt của đặc sủng các Tu hội đời sống thánh hiến được thực hiện trong thực tại năng động của Giáo hội địa phương.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023)